“Đói bụng, nhưng không có tiền? Không vấn đề gì, hãy mang rác thải nhựa tới đây và ăn miễn phí!” – câu nói tưởng chừng “không tưởng” này lại là một ý tưởng sáng tạo được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới.
Hãy cùng chúng tôi khám phá những nơi mà bạn có thể đổi rác thải lấy đồ ăn và hàng hoá nhé!
Ấn Độ: Quán cà phê rác
“Đói bụng, nhưng không có tiền? Không vấn đề gì, hãy mang rác thải nhựa tới đây và ăn miễn phí!” – đó là tuyên bố của Thị trưởng thành phố Ambikapur miền Trung Tây Ấn Độ nhân dịp khai trương “quán cà phê rác” (Garbage Cafe) đầu tiên của quốc gia châu Á này.
Một khẩu phần ăn trưa truyền thống của Ấn Độ với cơm cà ri, đậu và papadum (một loại bánh làm từ bột đậu hoặc khoai tây) có “giá” là 1 kg rác thải nhựa, còn bữa ăn sáng sẽ “tốn” ½ kg.
Ambikapur là một thành phố nhỏ nằm ở miền Trung Tây Ấn Độ, có thể không nổi tiếng như Delhi, Bombay, Agra…, nhưng giờ đây đang được biết đến là thành phố sạch nhất quốc gia Nam Á này. Với những nỗ lực của lãnh đạo thành phố và người dân địa phương, “quán cà phê rác” đã trở thành ý tưởng tuyệt vời “một công đôi việc” – giúp giải quyết cả vấn đề thu gom rác và khắc phục nạn đói trong thành phố.
Được biết, số rác thải nhựa thu thập được sẽ gửi đến công trình xây dựng đường. Đất nước này đã làm được một số đường cao tốc sử dụng chất thải bằng nhựa. Điều thú vị là, các thông báo cho hay, độ bền của lớp phủ nhựa này cao hơn nhiều so với nhựa đường thông thường.
Indonesia: Nhà hàng cho phép người nghèo đổi phế liệu lấy đồ ăn
Methane Gas Canteen là một quán ăn gần bãi rác Jatibarang ở Semarang, Trung Java do vợ chồng ông Sarimin và bà Suyatmi điều hành. Khu vực này được xem là một ngọn núi chất đầy rác thải, và những người dân nghèo địa phương thường dành cả ngày để lượm nhặt chai lọ và túi ni-lông đem bán.
Vào thời điểm mà giá nhựa phế liệu rất rẻ, chỉ khoảng 0,04 USD/kg và không ai muốn đi nhặt rác nữa, ông Saramin đã nảy ra ý tưởng để những người lượm rác dùng phế liệu mà họ thu gom được đổi lấy những bữa ăn. Và quán ăn Methane Gas Canteen đã ra đời.
Ông Saramin sẽ cân số đồ nhựa mà các thực khách mang tới, tính giá trị của chúng, khấu trừ vào tiền ăn rồi trả lại số tiền thừa mà họ nhận được. Cách làm này không chỉ giúp giảm thiểu rác thải tại các bãi rác mà thu nhập của vợ chồng ông Sarimin còn tăng gấp đôi so với trước kia, lên tới 15 USD/ngày.
“Chúng tôi rất hạnh phúc khi nhìn những thực khách thưởng thức bữa ăn của họ”, ông Sarimin chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Channel News Asia. “Những người nghèo cũng có quyền được ăn uống lành mạnh. Chúng tôi muốn mang tới cho họ cơ hội đó nhiều nhất cho thể”.
Mexico: Phiên chợ đổi rác lấy đồ ăn
Chợ Mercado de Trueque là một trong số nhiều chợ hình thành theo sáng kiến “xanh” của chính quyền Mexico City bắt đầu từ năm 2012.
Phiên chợ được tổ chức hàng tháng với mục đích là làm sạch “siêu đô thị” Mexico City, nơi từng bị coi là thành phố ô nhiễm nhất thế giới cách đây hai thập kỷ.
Kể từ khi ra đời, phiên chợ ngày càng được nhiều người Mexico biết đến và ủng hộ. Khi người dân mang rác đến chợ, chúng sẽ được một nhóm người cân và chất lên xe tải để chở đến một nhà máy tái chế gần đó. Tùy vào lượng rác mang đến mà người đi chợ sẽ được thưởng số điểm tương ứng để mua hàng hóa.
Chợ Mercado de Trueque không chỉ khiến người mua hàng thích thú mà những người sản xuất thực phẩm trong vùng cũng được hưởng lợi ích. Để khuyến khích nguồn cung cấp hàng hoá cho “chợ trao đổi”, chính quyền luôn mua các sản phẩm cao hơn giá chợ thông thường.
Ít nhất 2.000 người tới “chợ trao đổi” mỗi tháng. Phiên chợ này không cố định mà quay vòng khắp nơi trong thành phố. Chỉ cần nhìn hàng người xếp hàng có thể thấy được sức hút của chợ đổi rác lấy đồ ăn. Thậm chí, có người phải chờ hàng tiếng mới đến lượt.
Bạn đang đọc bài viết: “Chuyện lạ có thật: Đổi rác lấy đồ ăn” tại chuyên mục Đời Sống của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: dkn.doisong.giaoduc@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |