Đại Kỷ Nguyên

Chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết…

Ảnh: blogspot.

Có người bảo: “Lớn rồi thấy Tết không còn vui như ngày bé”. Thật ra không phải vì Tết nhạt đi mà vì chúng ta không còn là những đứa trẻ vô tư với những niềm vui nhỏ bé ngày trước…

Giờ đây, khi đã được xem là trưởng thành và khôn lớn, chúng ta thức dậy mỗi ngày với những trách nhiệm phải gánh vác và nghĩ về Tết bằng những giá trị vật chất, những việc cần phải làm, và chợt thấy sợ, thấy chán.

Tết vẫn vậy, chỉ là mình không còn níu áo mẹ, không hồi hộp trước một phong bao lì xì, không tranh nhau nếm thử miếng mứt, cái kẹo, không còn háo hức ngồi trông bánh chưng và nướng khoai, chơi tú lơ khơ quẹt nhọ nồi.

Cái mùi của Tết ấy bao nhiêu năm vẫn không thay đổi (ảnh: blog radio).

Tết vẫn vậy, chỉ là bố mẹ giờ đã già, ngôi nhà dần trống vắng, lũ con chọn đi du lịch xa cùng bè bạn hơn là ngồi ăn bữa cơm đoàn viên, hơn là háo hức trở về để hít hà mùi nước mùi mẹ nấu chiều 30, uống chén trà đắng bố vừa hãm, ngồi trông nồi bánh đang sôi lục bục, nghe nhạc Chế Linh nửa vui nửa buồn mà đẫm cái vị Tết.

Chỉ đến khi chúng ta đi xa, những ngày giáp Tết trên đường phố lẻ loi mới thấy nhớ cái mùi của Tết nhường nào, mới thấy thấm thía ý nghĩa của ngày Tết chỉ là để sum vầy, để trở về trong vòng tay của mẹ, uống với cha một tách trà có đủ ngọt ngào chát đắng, nhói lòng trước mái đầu bạc của ngoại, cay cay mắt trước mâm cơm chan chứa yêu thương của gia đình.

Chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết… (ảnh: yakson).

Cái mùi của Tết ấy bao nhiêu năm vẫn không thay đổi, vẫn mặn nồng, vẫn ấm áp và đong đầy yêu thương. Nào đâu phải Tết nhạt đi, chỉ có tình người đổi thay, nào đâu phải thời gian tàn nhẫn, chỉ có mình đã không còn là đứa trẻ háo hức đón giao thừa bên gia đình, chỉ có mình cứ lớn lên rồi rời xa, để những bữa cơm sum vầy không còn trọn vẹn, để không khí nguội đi những tiếng cười, để mùi vị Tết lùi dần vào dĩ vãng.

Chúng ta vẫn sẽ chẳng nhận ra mùi vị của Tết là gì, cho đến lúc ở đâu đó quá xa, muốn về nhưng chỉ có thể lặng nhìn Tết quê nhà qua màn hình điện thoại. Lúc ấy, chúng ta mới thấy, Tết đâu cần phải mâm cao cỗ đầy, bánh kẹo xịn, hoa đẹp, xe sang, áo mới, trang hoàng rực rỡ, Tết là khi ở đó có đủ gia đình, có thể nhìn thấy ông bà, bố mẹ và anh chị vẫn khoẻ mạnh, có thể cụng ly chúc sức khỏe mọi người, có thể chờ đón khoảnh khắc pháo hoa giao thừa rực rỡ, có thể cùng cả nhà đi hái lộc đầu năm.

Chỉ cần trở về sẽ thấy mùi vị của Tết…

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài gốc tại đây.

Video xem thêm: Vì sao thắp hương bái Phật lại không linh nghiệm? Bí mật được che giấu suốt mấy nghìn năm!

Exit mobile version