Đại Kỷ Nguyên

Chàng trai chi một triệu đô chở biệt thự cổ qua sông về nơi ở mới

Trong suốt hơn 250 năm, dinh thự cổ này đã đứng sừng sững ở thị trấn Easton, tiểu bang Maryland, Mỹ. Nhưng hôm nay nó đã được di dời qua sông để đến nơi ở mới. 

Ngôi biệt thự này có tên là Galloway, được xây dựng vào năm 1760 ở thị trấn Easton, tiểu bang Maryland, Mỹ. Cách đây 10 năm, anh Christian Neeley, 50 tuổi, ở Queenstown – cách đó 30 km, đã mua lại nó với giá 15 triệu USD (khoảng 345 tỷ đồng), theo Capital Gazette. 

Christian rất yêu ngôi nhà cổ Galloway nhưng lại không thích vị trí của nó. Vì vậy anh quyết định di chuyển toàn bộ dinh tự này đến gần mặt nước. Quá trình vận chuyển biệt thự cổ kéo dài gần một tháng với chi phí lên tới gần một triệu đô (khoảng 23 tỷ đồng).

Anh dự định sẽ chuyển biệt thự đến nơi phù hợp để bản thân và bố mẹ cùng gia đình chị gái sinh sống tại đó. 

Trên thực tế, anh mất tới 2 năm lên kế hoạch mới có thể di dời thành công tòa biệt thự. Theo Daily Mail, đầu tiên, người ta phải vận chuyển tòa nhà Galloway đi 6 dặm (9.6 km) qua thị trấn đến mặt nước, sau đó di dời dinh thự lên một chiếc sà lan rồi chở qua sông. 

Để di chuyển Galloway trên đất liền, các công nhân phải đào ngôi nhà lên và đặt nó trên một đầu kéo đặc biệt, họ mất 4 ngày để chở nó tới mặt nước.

Tiếp theo, ngôi nhà được đặt trên sà lan để băng qua sông. Cuối cùng, sau 24 giờ di chuyển trên sông Tred Avon, các chuyên gia chuyển nhà ở Expert House Movers of Maryland đã thành công đưa dinh thự đồ sộ nặng khoảng 400 tấn an toàn đến địa điểm mới.

Chia sẻ với Capital Gazette, Pat Neeley, mẹ của Christian cho biết con trai muốn di dời dinh thự này để bảo quản nó cho các thế hệ sau trong gia đình. 

Christian chia sẻ thêm, bản thân đang lên kế hoạch cải tạo ngôi nhà trở về hiện trạng ban đầu khi được xây dựng vào thế kỷ 18. Kế hoạch này sẽ tiêu tốn của anh thêm khoảng một triệu đô nữa.  

Anh cho biết bản thân muốn bảo quản ngôi nhà vì muốn lưu giữ những giá trị trường tồn của lịch sử. Christian cho rằng con người hiện đại nên loại bỏ tư tưởng về những món hàng “dùng một lần”, thay vào đó, chúng ta nên quay lại với những giá trị truyền thống, những gì được bảo tồn và có giá trị sử dụng lâu dài hơn. 

Exit mobile version