Đại Kỷ Nguyên

Câu chuyện về sự tự tin khi thuyết trình – Đừng tìm kiếm đâu xa, nó ở ngay trong bạn

“Chúng ta sẽ tham dự cuộc chiến với tất cả sức mạnh của chúng ta và với tất cả sức mạnh mà Chúa đã ban cho chúng ta, và phát động chiến tranh chống lại một chế độ độc tài kinh khiếp chưa từng có gì sánh bằng trong toàn danh sách tội ác tối tăm và đáng than khóc của con người”.

Với đôi bàn tay dang rộng, cặp kính cương nghị và giọng nói trầm ấm, Churchill đã thốt lên lời tuyên bố chắc nịch như thế trong buổi họp nội các của Chính Phủ Anh ngày 28/05/1940. Khi ấy, cả Vương Quốc Anh đang hoảng loạn khi hay tin nước Bỉ đầu hàng Đức Quốc Xã, tình cảnh Châu Âu như ngàn cân treo sợi tóc bởi nhiều quốc gia đã bị Hitler xâm chiếm hoặc đang trên bờ vực sụp đổ. 

Bài phát biểu của Churchill như là liều thuốc vực dậy tinh thần của Xứ sở sương mù, và chỉ trong vài ngày sau đó, một chính phủ mới được thành lập với khí thế sôi sục sẵn sàng đương đầu với kẻ thủ ác ở bên kia bờ biển. Bài thuyết trình của vị Thủ tướng nước Anh cũng từ đó mà trở thành bài diễn thuyết gây chấn động nhất thế kỷ 20.

(Ảnh: speakola.com)

Phần đông mọi người đều cho rằng Winston Churchill là một trong những diễn giả có tài hùng biện thiên phú vĩ đại nhất. Tuy nhiên Boris Johnson, Thị trưởng thành phố London đồng thời là tác giả cuốn sách The Churchill Factor, lại không nghĩ vậy. Ông cho rằng Churchill không hẳn bẩm sinh đã có tài diễn thuyết.

Khi lần đầu tiên thuyết trình, Churchill cũng như nhiều người trong chúng ta, ông “đông cứng” trước Viện Thứ Dân và chỉ lắp bắp được vài từ trước khi chở vể chỗ ngồi. Thế nhưng ông không bao giờ để thất bại ấy khiến mình sợ hãi khi phải nói trước đám đông một lần nào nữa. Thay vào đó ông dành nhiều năm để rèn luyện với các bài diễn thuyết. Chau chuốt từng câu văn, thu gọn và tạo nên sức mạnh cho từng lời nói mà mình sử dụng. Kết quả là khi ở tuổi 65 với vai trò là Thủ Tướng, ông đã trở thành một nhà hùng biện bậc thầy.

Boris Johnson nhận định: “Bí quyết để trở thành một diễn giả xuất sắc của Churchill là chuẩn bị kỹ lưỡng. Không phải ông ấy bẩm sinh đã diễn thuyết hay như vậy”.

Steve Job luôn dành rất nhiều thời gian để tập dượt trước buổi ra mắt Iphone (Ảnh: vnreview.vn)

Nếu sự tự tin trước đám đông là điều kiện cần thì việc chăm chỉ luyện tập mới là điều kiện đủ để quyết định xem bạn có một bài thuyết trình thành công hay không. Tổng thống Mỹ Albraham Lincoln cũng từng nói: “Nếu cho tôi sáu tiếng để chặt một cái cây, thì tôi sẽ dành bốn tiếng đầu tiên mài sắc lưỡi rìu.” 

Chuẩn bị kỹ càng và chăm chỉ luyện tập là thói quen của các diễn giả hàng đầu thế giới, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn trong kinh doanh nữa. Steve Jobs, một trong những doanh nhân kiêm diễn giả nổi tiếng trong làng công nghệ, không phải mới vào nghề đã ăn nói lưu loát trước hàng ngàn người. Ông cũng bị hồi hộp và lo lắng như bất kỳ ai.

Năm 1984, Steve Job từng đứng chết trân trên bục phát biểu cùng với những lời ghi chú trên một mảnh giấy mà mình mang theo. Và 23 năm sau đó, iPhone chính thức ra mắt trong sự vỡ òa của công chúng. Steve Job đã hoàn thành xuất sắc bài thuyết trình của mình với sự tự tin và khiếu hài hước mà chắc chắn rằng phải cần rất nhiều công sức ông mới có thể thành thục.

Quay lại với câu chuyện của bản thân chúng ta

(Ảnh: kenh14.vn)

Nhiều cuộc khảo sát của các nhà tâm lý học cho thấy sợ nói trước công chúng là nỗi sợ lớn nhất của con người, hơn cả nỗi sợ chết. Khoảng 75% những người được khảo sát thừa nhận mình mang nỗi sợ này. Thống kê ở riêng Hoa Kỳ cho thấy cứ 10 người dân Mỹ thì có 4 người bày tỏ rằng họ lo sợ mỗi khi phải thuyết trình ở nơi đông người.

Vì vậy bạn không cần phải xấu hổ khi chưa bao giờ dám dõng dạc bày tỏ ý kiến của mình trong một hội trường nào đó. Thay vào đó hãy cố gắng tìm cách cải thiện tình trạng này. Bởi vì không thể bày tỏ ý kiến của mình trước đám đông là một thiệt thòi rất lớn cho những ai không có khả năng thuyết trình. Nhưng câu hỏi đặt ra là làm cách nào để thay đổi nó?

Yếu tố quan trọng nhất liệu có phải là những lời khuyên trên Internet

Dạo qua những trang web kỹ năng mềm, chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều mẹo và phương pháp hướng dẫn bạn giảm bớt căng thẳng và tự tin hơn khi thuyết trình. Nhưng đa số chúng đều không hiệu quả … ít nhất là ngay trong lần đầu tiên áp dụng. Vấn đề không nằm ở phương pháp, mà là nằm ở chính bạn.

Cũng giống như việc tập bơi, dù có nắm vững lý thuyết đến đâu thì bạn cũng sẽ phải uống vài ngụm nước trong những lần đầu tiên ngâm mình trong bể. Bởi vậy, đừng tập trung quá nhiều thời gian vào việc tìm kiếm lời khuyên. Hãy thực hành càng nhiều càng tốt, những vấp váp và sai lầm mới là bài học quan trọng và đáng giá mà bạn nên tìm hiểu.

Câu chuyện ở đầu bài viết và nhiều trường hợp thực tế đã chứng minh, chúng ta đôi khi chẳng cần đến những “bí quyết dạy sự tự tin” để có thể trở thành nhà thuyết trình tài ba. Tất cả những gì bạn cần chính là sự quyết tâm luyện tập. Demosthenes, vị diễn giả nổi tiếng nhất Hy Lạp từng nói rằng: “3 thử thách lớn nhất dành cho một diễn giả vĩ đại chính là hành động, hành động và hành động”.

Bạn có bao giờ làm những việc khác thường để luyện tập thuyết trình (Ảnh: blog.topcv.vn)

Hãy nhìn thẳng vào sự thật, bạn dành bao nhiêu thời gian cho việc luyện nói trước khi cất giọng ở chốn đông người. Đã bao giờ bạn tự tranh biện một mình trước gương chưa, bạn có từng nghĩ đến việc hoa chân múa tay trong nhà tắm để phản biện chính mình không, hoặc là có khi nào bạn nỗ lực để trình diễn bài thuyết trình của mình trước mặt bạn bè và người thân chưa?

Nói cách khác: Bạn đã bao giờ thực sự tập luyện một cách triệt để để cải thiện khả năng thuyết trình của mình như bao vĩ nhân đã từng làm?

Hãy đặt mục tiêu cao cho mình

Tedtalk là một gợi ý tuyệt với nếu muốn học cách thuyết trình (Ảnh: cafebiz.vn)

Nếu muốn học cách thuyết trình, hãy học từ những người giỏi nhất bởi vì những bài báo trên Internet đôi khi chỉ là sao chép của nhau. Dưới đây sẽ là một vài nhà thuyết trình mà bạn có thể tham khảo trên Internet: Tedtalk với những video thuyết trình của các diễn giả nổi tiếng, Lance Miller, Craig Valentine hai nhà vô địch trong cuộc thi thuyết trình thế giới,  Martin Luther King với bài phát biểu đầy cảm xúc và chau chuốt “I have a dream”, thậm chí là Steve Job với phong cách thuyết trình vô cùng tối giản…

Bất cứ một bậc thầy thuyết trình nào cũng đều biết muc tiêu của việc thuyết trình không phải chỉ là việc học thuộc lòng một cách trôi chảy những gì được viết trong giấy hay trên slide, mà đó là việc thể hiện đầy đủ suy nghĩ của bản thân và truyền đạt ý tưởng đó đến với mọi người bằng cử chỉ và giọng nói. Điều này không dễ ngay khi bắt đầu, nhưng chỉ cần vài lần đối mặt, sự sợ hãi thuyết trình trong bạn sẽ biến đi đâu mất.

Đừng bao giờ tự đánh giá thấp giới hạn của bản thân, bạn hãy đặt mục tiêu cao, và tin tưởng vào chính mình bởi vì: “Dù không thể vươn tới mặt trời, thì ít nhất bạn cũng có thể lạc vào một vì tinh tú”.

Anh Lân

 

Exit mobile version