Đại Kỷ Nguyên

Cậu bé bị cha hắt hủi luôn được mẹ bảo vệ, cho đến một ngày cậu biết được bí mật

Cha tôi không phải là người dữ đòn nhưng có một điều lạ là trong ba anh em tôi, cha thường hay đánh tôi nhiều nhất, và sau mỗi trận đòn ông lại lẩm bẩm: Đồ con lạc loài.

Điều đó làm cho tôi còn đau đớn hơn cả đòn roi. Tôi thường bỏ ăn mỗi khi bị đòn. Lần nào cũng thế, mỗi khi tôi thiếp đi trong thổn thức, tôi lại thấy đôi tay mát rượi của mẹ xoa lên những lằn roi bỏng rát in hằn trên da thịt tôi. Mẹ luôn nhẹ nhàng lay tôi dậy, ôm tôi vào lòng xót xa. Khi thì là miếng bánh chưng, khi thì chiếc bánh mì kẹp chả, mẹ luôn dỗ dành tôi ăn cho đỡ đói lòng. 

Thời bao cấp, nhà tôi nghèo lắm. Quanh năm muối mặn, vừng rang, đậu phụ chấm tương, cơm độn sắn mì. Nhưng nhờ mẹ đảm đang, khéo léo nên chúng tôi luôn được ăn ngon, mặc lành. Đôi khi cả tháng có được chút thịt, mẹ nhường bố và các con ăn cả, chỉ rưới ít nước thịt lên bát cơm của mình, mỉm cười âu yếm nhìn chồng con ngon miệng.

Trong ba anh em tôi, cha thường hay đánh tôi nhiều nhất (ảnh minh hoạ: afamily).

Dù phải mặc lại quần áo của nhau nhưng anh em chúng tôi luôn được ăn mặc sạch sẽ, chỉnh tề. Khi nào quần áo có chỗ bị rách, mẹ luôn vá lại tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi khi bước vào năm học mới, mẹ thường chuẩn bị giấy bút, sách vở cho anh em tôi đầy đủ tinh tươm. Những quyển sách cũ nhờ bàn tay mẹ bọc lại mà trở nên sáng đẹp hơn. Mẹ luôn dặn chúng tôi dùng sách cẩn thận để đứa sau có sách dùng.

Dù nhà rất chật nhưng mỗi đứa đều được mẹ thu xếp cho một góc học tập riêng. Tối nào cũng thế, mẹ thường kèm cặp, kiểm tra cho tới khi hoàn tất mới cho anh em tôi đi ngủ. Rồi mẹ lại cặm cụi bên bàn máy may may hàng gia công tới rất khuya mới đi ngủ.

Tôi chưa bao giờ quên được buổi đầu tiên mẹ đưa tôi đến trường. Nhìn đám đông người, tôi sợ hãi nép vào bên mẹ. Cúi xuống hôn má tôi, mẹ thì thầm: Dũng cảm lên con trai. Chiều về ra đứng cổng trường, tôi ngơ ngác nhìn quanh lo lắng, chợt thấy mẹ hiện ra dang rộng cánh tay ôm tôi vào lòng. Và cứ như thế, những bước đi chập chững vào đời luôn có mẹ ở bên, cho tôi dũng khí bước đi vững vàng trong cả cuộc đời.

Dù là anh cả nhưng mẹ luôn dành nhiều tình thương nhất cho tôi. Mỗi khi tôi bị đòn, mẹ thường len lén quay đi chùi nước mắt. Có lần nhìn cha đánh tôi hung dữ, mẹ vào can thì cha gầm lên: Tôi cấm cô can thiệp… và thế là mẹ đành bất lực nhìn tôi chịu đòn…

Nhờ mẹ đảm đang nên anh em chúng tôi luôn được ăn ngon, mặc lành (ảnh minh hoạ: anhdep).

Ngày tôi lên đường nhập ngũ, mẹ chuẩn bị cho tôi từ cái kim, sợi chỉ, lọ dầu bôi, thuốc cảm sốt…Tiễn tôi đi, mẹ rưng rưng nước mắt, dặn dò đủ thứ.

Xuất ngũ trở về, tôi đòi đi làm nhưng mẹ kiên quyết bắt tôi học lại để thi vào đại học. Mẹ càng thức khuya may hàng gia công để có thêm tiền cho tôi ăn học. Không phụ công mẹ, tôi đã thi đỗ đại học. Ngày tôi nhận giấy báo vào trường, chưa bao giờ tôi thấy mẹ rạng ngời hạnh phúc đến thế. Tôi trào nước mắt xót xa vì thấy dáng mẹ thêm hao gầy, những nếp nhăn xuất hiện nhiều hơn nơi đuôi mắt. Và tôi biết tôi sẽ phải cố gắng rất nhiều học giỏi để khỏi phụ công lao mẹ sớm khuya tảo tần.

Khi tôi nhận quyết định phân công công tác về một công ty lớn, cha bảo tôi đi cùng tới một quán vắng. Tôi mơ hồ cảm thấy một điều gì đó rất hệ trọng sắp xảy ra. Tôi bàng hoàng khi nghe cha nghẹn ngào nói:

– Con ơi, mẹ không phải là mẹ đẻ của con đâu. Mẹ đẻ con bỏ nhà đi theo người đàn ông giàu có từ khi con còn ẵm ngửa rồi. May phúc cho bố con mình có mẹ bù đắp…

Tôi chợt hiểu ra tất cả thái độ lạ lùng của cha đối với tôi từ trước đến nay. Thì ra cha căm hận mẹ đẻ của tôi nên đã trút giận lên tôi. Tự đáy lòng, tôi chưa bao giờ nghe tiếng Mẹ lại tha thiết đến thế. Tôi muốn bay ngay về nhà quỳ xuống cảm tạ mẹ, người mẹ dù không sinh thành nhưng đã cho tôi ngàn vạn lần tình thương bao la, ấm áp. Cuộc đời tôi sẽ ra sao, tuổi thơ tôi sẽ côi cút ra sao nếu không có vòng tay chở che của mẹ?

Sự thật cha tiết lộ không khiến tôi đau buồn, vì tôi biết tôi vẫn còn hạnh phúc lắm lắm vì có mẹ…

Bài viết đã được ĐKN biên tập. Độc giả có thể đọc bài viết gốc tại đây.

Video xem thêm: Bí quyết giữ lửa của gia đình Việt kiều Ý

Exit mobile version