Đại Kỷ Nguyên

Cách để sống hạnh phúc và chống biến đổi khí hậu? Hãy học Bhutan, quốc gia duy nhất có lượng khí thải carbon âm

Năm 2016, bài nói chuyện của Thủ tướng BhutanTshering Tobgay trên TED đã đưa Bhutan trở thành tâm điểm về “quốc gia hạnh phúc nhất thế giới”. Một trong những ấn tượng mạnh mẽ nhất của nhiều người khi đó có lẽ “cam kết duy trì lượng carbon trung tính”. Tuy nhiên, trên thực tế, Bhutan không chỉ duy trì xuất sắc cam kết của mình mà còn không ngừng nỗ lực làm tốt hơn nữa, để trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới có lượng khí thải carbon âm.

Xuất hiện trong trang phục khác lạ, thủ tướng Bhutan vừa hài hước vừa hạnh phúc giới thiệu với khán giả của Ted rằng: “Đây là Gho, trang phục truyền thống của chúng tôi. Đây là cách đàn ông người Bhutan ăn mặc… Trang phục nước tôi rất độc đáo, nhưng đó không phải thứ duy nhất độc đáo về đất nước chúng tôi. Cam kết duy trì lượng carbon trung tính cũng độc đáo không kém”.

Thủ tướng Bhutan với bài phát biểu thu hút sự trầm trồ của cả thế giới (Ảnh: TED)

Bhutan có nghĩa là vùng đất Rồng Sấm, bắt nguồn từ những cơn bão lớn thường quần thảo đến từ dãy Himalaya. Người ta tin rằng có một vị Thần hộ mệnh cho vương quốc thường xuyên bay lượn trong khoảng không phía trên các đỉnh núi. Từ lâu nay, Bhutan vẫn luôn thu hút sự trầm trồ của thế giới bởi những điều rất giản dị nhưng duy nhất của mình. 

“Bhutan là một nước nhỏ nằm ở dãy Himalayas. Nước tôi được gọi là vùng đất Shangri-la, thậm chí là Shangri-la cuối cùng. Nhưng tôi phải nói thẳng từ đầu, nước tôi không phải là Shangri-la. Nước tôi không phải là một tu viện lớn chỉ toàn những nhà sư hạnh phúc. Sự thật là dân số của chúng tôi chỉ có 700.000 người bị kẹp giữa hai đất nước đông dân nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ. Trên thực tế, chúng tôi là một nước nhỏ và kém phát triển, nỗ lực hết sức để tồn tại. Nhưng chúng tôi đang làm được, chúng tôi vẫn đang tồn tại. Chúng tôi đang phát triển và nguyên nhân là chúng tôi may mắn được ban cho các vị vua hết sức là phi thường.

Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (Ảnh: Pinterest)

Các vị vua anh minh nước tôi đã làm việc không ngừng nghỉ để phát triển đất nước, thận trọng cân bằng phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn văn hóa. Tất cả nằm trong khuôn khổ cai trị sáng suốt. Chúng tôi gọi phương thức phát triển thần kỳ này là “Tổng Hạnh phúc quốc dân” hay gọi tắt là GNH. Hồi thập niên 1970, vị vua đời thứ tư đã có một tuyên bố nổi tiếng rằng đối với Bhutan, “Tổng Hạnh phúc quốc dân quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc dân”. Kể từ đó, tất cả các phát triển của Bhutan đều được thúc đẩy bởi GNH, tầm nhìn tiên phong nhằm mục đích cải thiện hạnh phúc và phúc lợi toàn diện của người dân… Chúng tôi trung thành với nhiệm vụ cốt lõi của GNH, là phát triển vững mạnh từ các giá trị cốt lõi”.

Đối với Bhutan, Tổng Hạnh phúc quốc dân quan trọng hơn Tổng sản phẩm quốc dân (Ảnh: Pixabay)

“72% diện tích nước tôi được phủ rừng, và tất cả rừng vẫn còn giữ vẻ nguyên sơ. Do đó nước tôi trở thành một trong vài điểm nóng đa dạng sinh học hiếm hoi còn sót lại trên thế giới và do vậy chúng tôi là nước carbon trung tính. Trong một thế giới bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu thì chúng tôi lại là một đất nước có lượng carbon trung tính. Thực ra điều này chưa chính xác cho lắm. Lượng khí thải carbon ở Bhutan không phải trung tính, mà là âm tính. Toàn bộ đất nước sản sinh ra 2,2 triệu tấn khí CO2 nhưng những khu rừng của chúng tôi lại hấp thụ gấp 3 lần lượng khí CO2 này, có thể nói chúng tôi là bể chứa CO2 với hơn 4 triệu tấn khí CO2 mỗi năm. Nhưng không chỉ có vậy. Chúng tôi xuất khẩu hầu hết lượng điện tái chế chúng tôi tạo ra từ những con sông chảy xiết. Hiện nay, lượng năng lượng sạch mà chúng tôi xuất khẩu bù đắp cho 6 triệu tấn CO2 ở khu vực lân cận chúng tôi. Đến năm 2020, chúng tôi sẽ xuất khẩu lượng điện đủ để bù đắp cho 17 triệu tấn khí CO2″.

Độ che phủ rừng ở Bhutan trong nhiều năm (Ảnh: ResearchGate)

Những con số đã cho thấy Bhutan đã thực hiện rất nghiêm ngặt chính sách bảo vệ môi trường. Hiến pháp Bhutan có quy định rằng phải có ít nhất 60% tổng diện tích đất đai của Bhutan phải được phủ rừng trong mọi thời điểm. Tháng 7 năm 2015, một nhóm 100 tình nguyện viên đã trồng 49.672 cái cây chỉ trong 1 giờ, tạo ra kỷ lục thế giới. Tháng 8 năm 2016, 80.000 hộ gia đình cùng Quốc vương đã trồng cây để chúc mừng Hoàng tử mới ra đời.

Để chào mừng Hoàng tử mới ra đời, Quốc vương đã cùng toàn dân của mình trồng cây, phủ xanh đất nước (Ảnh: Pinterest)

“Chúng tôi cấp điện miễn phí cho nông dân, do đó họ sẽ không phải sử dụng củi để nấu ăn. Chúng tôi đầu tư vào giao thông thân thiện môi trường và tài trợ việc mua các loại xe điện. Chúng tôi làm sạch toàn bộ đất nước thông qua chương trình Bhutan Sạch và chúng tôi đang trồng cây khắp cả đất nước cho chương trình Bhutan Xanh. Nhưng những khu vực được bảo vệ của đất nước mới là trọng tâm của chiến lược carbon trung tính. Những khu vực được bảo vệ là bồn chứa carbon của chúng tôi. Đó là những lá phổi của đất nước. Hiện nay có đến hơn nửa đất nước được đưa vào diện bảo vệ là các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, và các khu bảo tồn động vật hoang dã. Nhưng điều hay ho là chúng tôi kết nối tất cả những nơi này với nhau thông qua mạng lưới các hành lang bảo tồn đa dạng sinh học. Điều này có nghĩa các động vật được đi lại tự do trong nước”.

Dù trên núi cao hay ở đô thị, Bhutan luôn đồng nghĩa với sự thanh bình (Ảnh: Pixabay)

Là một quốc gia nhỏ bé nhưng Bhutan lại làm được điều mà rất nhiều cường quốc đang tìm mọi cách, nỗ lực thực hiện để có được. Đó là người dân hạnh phúc, môi trường trong lành và đời sống tinh thần phong phú. Cách sống của người Bhutan rất đặc biệt. Cách nhìn nhận của người Bhutan về mục đích sống trên thế gian này có lẽ được minh họa rõ nhất qua một tích trong Phật giáo về 4 người bạn thân mà từng người dân Bhutan đều thuộc lòng. Ngày xửa ngày xưa, có một con chim lạ bay đến từ một nơi xa xôi. Nó đã bay trong nhiều ngày, mỏ ngậm một hạt cây. Sau nhiều ngày bay xa, nó kiệt sức và đánh rơi hạt cây. Thỏ rừng đã đào một cái hố cho khỉ trồng cái hạt đó. Sau đó, voi đã đứng lên phía trên để tưới nước và che chắn ánh nắng. Dần dần, cái hạt nhỏ bé lớn lên thành một cái cây khổng lồ. Cây ra hoa kết trái với rất nhiều quả mọng. Đó là sự hòa thuận lan tỏa khắp miền đất này, nơi truyền thuyết và thần thoại không thể tách rời khỏi cảnh vật.

Người dân Bhutan tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, môn tu luyện đang được phổ biến tại hơn 114 quốc gia trên thế giới (Ảnh: minhhue.net)

Kết thúc bài nói chuyện, cựu thủ tướng Bhutan đã khiến tất cả đều lặng im. “Cảm ơn các bạn đã lắng nghe câu chuyện của chúng tôi, câu chuyện về quyết tâm giữ cam kết duy trì carbon trung tính, câu chuyện về việc giữ gìn vẻ đẹp nguyên sơ của đất nước cho chúng tôi, con cái chúng tôi, cho con cái các bạn và cho cả thế giới”. 

Bhutan đã cho chúng ta thấy cách để sống hạnh phúc và chống biến đổi khí hậu. Liệu chúng ta có lắng nghe?

Hoàn Nguyên

Exit mobile version