Vào cuối ngày, có bao giờ bạn ngồi lại với chính mình và tự hỏi, hôm nay mình đã gặp gỡ những ai, có trao được đến ai điều gì tốt đẹp? Nếu trong lòng bạn không có một tiếng vọng trả lời cho câu hỏi ấy thì câu chuyện nhỏ về một người cha bán dưa hấu buổi cuối ngày sau đây sẽ gieo tặng cho tâm hồn bạn thêm những cảm hứng để yêu thương.
Ở Việt Nam, cuộc sống trên những con phố dường như gần gũi và cởi mở hơn những nước Âu – Mỹ, nơi mà người ta thường chỉ thấy trên đường những cửa hàng với cửa kính lấp lánh và những con người mải miết đi cho kịp những chuyến tàu xe. Cuộc sống như một cuốn sách đóng kín.
Còn ở ta, cuốn sách ấy mở ra ngay trước mắt, chỉ cần bớt vội vã một chút, bạn sẽ bắt gặp những câu chuyện có thể khiến mình lắng lại quan sát và một cách tự nhiên, trên môi mình nở nụ cười, như nhiếp ảnh gia đã bắt được câu chuyện tình yêu chỉ trong hai khuôn hình này vậy.
“Ô Pikachu, dễ thương ghê, sao lại có nhiều bạn Pikachu thế nhỉ? Các bạn ấy sao nhìn vui vẻ thế, ai cũng cười thế, màu vàng đáng yêu thế? Nếu mình cũng có một bạn thì vui biết mấy nhỉ?”.
Trong đôi mắt ngây thơ của cậu bé nhân vật chính của bức ảnh rất có thể đang tràn ngập những câu hỏi, những “suy tư” trẻ con như thế. Đối với những cô bé, cậu bé, bóng bay hình Piakachu không đơn thuần là trái bóng như trong con mắt của người lớn. Trong tâm trí thuần tịnh và trong trẻo của những đứa trẻ, chúng là người “siêu thường” có thể nói chuyện và làm bạn với mọi vật. Vậy nên, những điều giản dị nhất như trái bóng này cũng có thể mang đến cho con một niềm vui rất lớn.
Nhưng con chỉ nhìn thôi, vì bằng một cách nào đó không phải bằng ngôn từ, con hiểu cha vất vả như thế nào. Con cũng chưa biết chữ, chưa thể làm phép cộng trừ nhân chia, nhưng con biết cha kiếm tiền khó khăn ra sao, nên con chỉ nhìn thôi cũng đủ vui rồi. Có lẽ vì con là người được theo cha đi bán dưa hấu cả ngày dài. Con được ngồi lắc lư theo nhịp bánh xe, còn cha phải đạp để xe dưa của nhà mình tiến lên. Con đã mệt nên hẳn cha còn mệt hơn nhiều, nên … con sẽ chỉ nhìn thôi.
Cha không phải là người “siêu thường” như con, không thể đọc được cụ thể những điều tâm trí con đang suy nghĩ. Nhưng bằng trái tim của người cha, cha thấy được cậu bé của mình đang say sưa ngắm nhìn chùm bóng bay. Thông qua đôi mắt ấy, cha hiểu con thích chúng tới như thế nào. Một trái bóng có lẽ sẽ làm con vui lên nhiều lắm. Ngày hôm nay đây, con không được đi học như các bạn, không có đồ chơi, không được chạy nhảy nô đùa. Con ngồi trên chiếc xe cùng cha đi bán dưa hấu cho nhà mình. Cha biết con mệt và cha muốn mang đến cho con một món quà, như một lời cảm ơn. “Cảm ơn con trai đã đồng hành cùng cha”.
Nếu người cha trong câu chuyện ấy đọc được mô tả giản đơn của người chụp ảnh, chắc hẳn anh cũng thấy hài lòng. “Con thích ba sẽ mua cho”. Câu nói giản dị ấy đã nói lên tấm lòng của những người làm cha, làm mẹ. Có thể quả bóng này đắt bằng ba cân dưa hấu của cha con mình, cha vẫn sẽ mua. Bởi nuôi con, thì điều khiến cha và cả mẹ con nữa hạnh phúc nhất chính là nụ cười trên khuôn miệng và trong đôi mắt con. Cha mẹ nhọc công làm lụng cũng là mong mang đến cho con những bữa cơm no, một mái nhà lành và những khoảng thời gian thơ ấu bình yên.
Hai bức ảnh được “chụp trộm” và câu chuyện của cha con anh bán dưa vào cuối ngày này khiến cho tôi nhớ đến câu chuyện của riêng mình, câu chuyện về tuổi thơ vất vả nhưng đong đầy yêu thương.
Tôi cũng lớn lên trong cảnh nghèo buồn của phố thị. Không phải chân lấm tay bùn, nhưng mẹ tôi vẫn ngày ngày quẩy gánh phở lên đi bán ở đầu ngõ. Ngày nào, mẹ cũng thức dậy từ mờ sáng, lui cui trong bếp, rồi lại luôn tay nơi gánh hàng. Làm xong lại về lo cơm nước. Rồi lại xuống bếp, cặm cụi chuẩn bị cho nồi phở tinh mơ hôm sau.
Cũng trong cái nghèo nhưng cần cù chăm chỉ như anh bán dưa, mẹ tôi lo cho cả gia đình. Có cơm no để ăn, có áo ấm để mặc hay không, câu trả lời cho những câu hỏi này đều đặt lên đôi vai nhỏ của mẹ. Nhưng lạ thay, bà không bao giờ quên niềm vui của cô con gái nhỏ.
Mẹ kể ngày tôi còn bé, mẹ rất hay tâm sự về hoàn cảnh gia đình với tôi, mẹ muốn tôi hiểu nhà tôi khó khăn nên cần sống sao cho tiết kiệm. Và bằng một cách nào đó, đứa bé là tôi lúc ấy cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Nhưng đó là mẹ tôi kể lại, còn trong trí nhớ tôi, cuộc sống nghèo khi ấy sao mà vẫn thân thương.
Bởi cứ đến dịp trung thu hoặc tết thiếu nhi, mẹ lại hỏi tôi “Con gái thích gì để mẹ mua cho”? Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác lúc ấy, câu hỏi của mẹ khiến tôi cảm nhận được mẹ tôi yêu tôi nhất trên đời. Và sau câu hỏi ấy, tôi được cầm trên tay cái túi bút màu xanh trong suốt mà tôi đã ao ước bấy lâu. Để rồi, tôi chợt thấy mình có cả thế giới trong vòng tay nhỏ.
Bởi dường như mẹ đã để thêm vào trong chiếc hộp bút bé xinh ấy cho tôi cả một bầu trời yêu thương.
Hy Văn