Đại Kỷ Nguyên

Bhutan – Quốc gia không dùng đèn giao thông nhưng có biển báo chỉ đường vô cùng ‘hài hước’

Bạn đã được nghe rất nhiều về sự hạnh phúc của người dân Bhutan nhưng vẫn chưa thể hình dung được rõ nét sự khác biệt trong cuộc sống của họ. Tìm hiểu những biển báo giao thông ở đây có thể là một gợi ý hay để bạn hiểu hơn về quốc gia của những điều tốt đẹp này.

Năm 1961, 1600 km đường nhựa đầu tiên mới được xây dựng ở quốc gia nhỏ bé (có diện tích bằng đất nước Thụy Sĩ). Với địa hình nhiều đồi núi, dân cư phân bố ở những khu vực sâu trong núi, những con đường ở Bhutan luôn thuộc vào loại nguy hiểm nhất thế giới. Trước đó, để đi khắp đất nước, người dân ở đây chỉ có duy nhất một cách di chuyển là đi bộ – băng qua những vùng rừng núi hoang sơ.

Đất nước hạnh phúc nhất thế giới nằm trọn vẹn trong một thiên nhiên yên bình (Ảnh: treehugger.com)

Dự án xây dựng đường bắt đầu từ năm 1960 có tên là Dantak, do BRO (Tổ chức Đường xá Biên giới) của Ấn Độ chịu trách nhiệm thi công. Không chỉ đảm bảo việc xây cất, các kĩ sư của dự án còn chịu trách nhiệm phụ cung cấp hệ thống biển báo giao thông đảm bảo sự chỉ dẫn và an toàn cho các lái xe trên khung đường.

Bhutan được biết đến là quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới, nơi cuộc sống an hòa và thật bình yên. Nhưng Tổ chức y tế thế giới chỉ ra rằng Bhutan là quốc gia có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn rất nhiều lần so với các quốc gia láng giềng, như Pakistan và Bangladesh (cả hai đều có dân số đông gấp 200 lần so với dân số Bhutan).

Trên đường phố của Thimpu, thủ đô của đất nước chỉ có 75.000 dân là nơi duy nhất đã từng có đèn tín hiệu giao thông. Dường như, Bhutan vẫn thuộc vào các quốc gia ít ỏi không có thiện cảm với công nghệ, chiếc đèn giao thông duy nhất này chỉ được làm công việc của nó trong vòng đúng 24 giờ và sau đó đã bị gỡ xuống.

Ở đất nước này không có đèn giao thông, chỉ có những anh cảnh sát nghiêm túc nhưng không quên vui nhộn (Ảnh: Chris Dweyer)

Người dân của thủ đô Thimpu cảm giác thoải mái hơn dưới sự chỉ dẫn và phân luồng giao thông của những nhân viên cảnh sát trẻ “vui tính”. Cảnh sát giao thông sẽ dùng những cử chỉ đặc biệt để ra hiệu cho xe đi và xe dừng. Nếu là người mới đến Bhutan lần đầu, du khách nào cũng sẽ dành thời gian để nhìn ngắm những cảnh sát này. Những cử động của họ thực sự thú vị, có thể ví hoạt động chỉ huy giao thông ở đây với sự hòa điệu của một nhạc trưởng với dàn nhạc của ông ấy. Nhịp nhàng và thông suốt.

Vậy tại sao nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông lại rất cao ở đất nước này?

Những cung đường nối liền đất nước, thơ mộng nhưng ẩn chứa đầy nguy hiểm (Ảnh: roadsandkingdoms.com)

Sự nguy hiểm trong giao thông ở Bhutan không nằm trong thành phố mà nằm ở những khung đường núi khúc khuỷu nhiều đoạn cua bất ngờ và nguy hiểm. Để xây dựng được những con đường này, không ít các công nhân Ấn Độ trong quá khứ đã thiệt mạng.

Bên cạnh đó, người dân Bhutan có vẻ đã quen thuộc với sự phóng khoáng của núi rừng nên họ thường đi xe với tốc độ rất cao. Đáng ngạc nhiên hơn, họ thường không thắt dây an toàn cũng như sử dụng rượu bia trong khi lái xe.

Vì thế, chính phủ đã thiết lập một hệ thống biển báo hiệu đặc biệt hài hước hai bên đường, với mục đích giúp những người lái xe ý thức tốt hơn về sự an toàn của chính họ.

Những kĩ sư của dự án Dantak là những người làm việc rất chu đáo và có trách nhiệm. Bởi hầu hết các biển báo trên đường đều được tạc trên một khối bê tông lớn, để đảm bảo không có một cơn gió nào có thể thổi bay chúng.

Tuy vậy, chính nội dung của những tấm biển mới thực sự là nhân tố khiến những tấm biển này trở nên đặc biệt và khiến chúng được “ghim” vào lòng của những người lái xe, đang hàng ngày lưu thông trên những khung đường nhiều rủi ro.

“Lái xe nhanh thì gặp nạn nhanh” (Ảnh: worksthatwork.com)

“Lái xe nhanh thì gặp nạn nhanh” (Going faster will see disaster)

“Vào khúc quanh, chậm lại anh” (On the bend, go slow friend).

Đó là hai trong rất nhiều những nội dung cảnh báo tốc độ kiểu “Dantak” ở Bhutan. Những câu cảnh báo nguy hiểm được viết bằng tiếng anh một cách vần điệu, không có dấu câu. Điều này đã tạo ra cho các biển báo hiệu “đi vào lòng người”, dễ đọc và dễ nhớ.

“Bim bim, đừng lim dim (“Peep Peep, don’t sleep”)

Sự hài hước luôn được mến mộ ở khắp mọi nơi và khiến cho con người cảm thấy thư giãn và thoải mái đầu óc hơn. PKG Mishra, kĩ sư trưởng của dự án Dantak cho biết: “Ở bất cứ đâu trên thế giới, những điều hài hước luôn được người ta yêu mến, ghi nhớ và nhắc lại”, đó là lý do tại sao khi làm những biển báo này, các kĩ sư đã cố gắng vận dụng sự hài hước tới mức tối đa. Bởi nó chính là công cụ hỗ trợ đắc lực cho việc truyền tải những thông điệp quan trọng nhưng đã trở thành quá quen thuộc và nhàm chán đối với những người lái xe.

“Cuộc sống là một cuộc hành trình, hãy hoàn tất nó” (Ảnh: worksthatwork.com)

“Thiên nhiên không vội vã, mọi thứ đều đã được hoàn thành” (“Nature does not hurry, yet everything is accomplished”)

“Cuộc đời là một chuyến hành trình, hãy hoàn thành nó” (Life is a journey. Complete it)

Hài hước không phải là yếu tố duy nhất được sử dụng trong những biển cảnh báo ở đây. Những kĩ sư của Dantak còn âm thầm gửi gắm một chút “triết lý” khá sâu sắc trong các biển báo. Với mục đích khi nhìn thấy chúng, những người lái xe có thể suy nghĩ nghiêm túc về việc giữ gìn an toàn cho chính mình và cho những người tham gia giao thông khác.

Không chỉ có vậy, những biển báo độc đáo này chắc hẳn sẽ phát huy tác dụng, ngay cả với những lái xe “say xỉn”. Một khi nhìn thấy cảnh báo, thông điệp sẽ được ghi nhớ và khi có ý định tái phạm, những câu nhắc nhở ngắn gọn, vui nhộn này có thể tự động “bật ra” một cách dễ dàng.

“Sau khi uống Wisky, ngồi lái xe thấy ghê” (Ảnh: worksthatwork.com)

“Sau khi uống Wisky, ngồi lái xe thấy ghê” (“After drinking wiskey, driving is risky”)

“Để lái xe đến nơi, chớ uống cồn chơi vơi” (Ảnh: worksthatwork.com)

“Để lái xe đến nơi, chớ uống cồn chơi vơi” (“For save arriving no liquor on driving”)

Một chút lãng mạn cũng được cho là có tác dụng tốt và được gửi vào lời nhắn nhủ dành cho các đấng mày râu khi lưu thông trên đường.

“Nếu bạn đã kết hôn, xin đừng chạy quá bon” (Ảnh: worksthatwork.com)

“Nếu bạn đã kết hôn, xin đừng chạy quá bon”(“If you are married, divorce speed”)

Trên suốt dọc những khung đường không một biển quảng cáo nào của Bhutan, những biển báo nhắc nhở như thế này càng trở nên quan trọng. Nó không chỉ giúp người lái xe ý thức được về tốc độ cũng như sự tỉnh táo của mình, mà sự hài hước – một chút triết lý – một chút lãng mạn sẽ phá vỡ “hiện tượng tâm lý nhàm chán” khi lái xe. Sự nhàm chán này tưởng đơn giản nhưng nó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự căng thẳng cũng như tình trạng ngủ gật trong những chuyến hành trình dài.

Hiện nay, các kĩ sư của dự án Dantak đang tiến hành bổ sung vào các biển báo này những câu nhắc nhở bằng tiếng Dzhongka – ngôn ngữ chính thức của Bhutan để ngay cả những người dân không sử dụng tiếng anh cũng có thể được hưởng lợi ích của những biển báo hài hước.

Bạn đã cảm nhận được sự khác biệt khi con người chú ý tới sự an toàn của nhau? Phải chăng đây chính là cái gốc của những sáng tạo hài hước và vô cùng hữu ích này?

Hy Văn tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version