Đại Kỷ Nguyên

6 hiện tượng thiên nhiên tuyệt đẹp chỉ có ở Australia

Bên cạnh loài chuột túi đáng yêu, những bãi cát trắng trải dài trên bờ biển phía tây, những hẻm núi tuyệt đẹp của vườn quốc gia Kakadu hay sa mạc ‘Red centre’ nhuốm đỏ trong ánh hoàng hôn, nước Úc sẽ còn khiến bạn bất ngờ hơn với những hiện tượng thiên nhiên thú vị có một không hai. 

1. Cả thành phố chìm trong sắc đỏ

Sáng ngày 23 tháng 09 năm 2009, người dân Sydney tỉnh dậy và thấy mình giống như đang ở trong một cảnh phim “Cuộc sống trên Sao Hỏa” của Hollywood. Cả thành phố ngập chìm trong một sắc đỏ kì lạ và không mấy dễ chịu.

Nguyên nhân của cảnh tượng lạ lùng này là cơn bão bụi tồi tệ nhất kể từ năm 1940 của nước Úc. Các đám mây bụi từ sâu trong lục địa bị gió mạnh thổi về phía đông. Khi chúng đi qua các vùng đang bị hạn hán của nước này, lượng bụi càng được tăng cường. Từng đợt gió mạnh với vận tốc lên tới 100 km/h cuốn theo 5 tấn bụi, đất và đổ vào các thành phố theo một vệt dài 600 km.

(Ảnh dẫn qua: Daily Mail)

Bão bụi không chỉ gây ra những cảnh tượng kì lạ mà còn đem đến rất nhiều phiền toái cho cuộc sống của cư dân các thành phố. Đường hàng không bị đình trệ do các máy bay không thể cất cánh và hạ cánh. Rất nhiều người, nhất là người già và trẻ nhỏ có cảm giác khó thở.

(Ảnh: Dẫn qua lapresse.ca )

Tuy nhiên, có những người dân Úc không hề sợ bão bụi, họ vẫn duy trì những sinh hoạt của mình một cách bình thường. Các hoạt động như lướt ván, chạy bộ hay chơi xích đu trong công viên vẫn diễn ra trong khung cảnh khói bụi đỏ bầu trời.

(Ảnh: Dẫn qua Daily Mail)

2. Horizontal Waterfalls – Thác nước nằm ngang

Thác nước nằm ngang Horizontal Falls (hay Horizontal Waterfalls) nằm trên vịnh Talbot ở vùng Kimberley, phía Tây Australia. Tuy được gọi là thác nước nhưng Horizontal không thực sự là một ngọn thác.

(Ảnh: Dẫn qua travel.tribunnews)

Hiện tường thiên nhiên kì thú này được tạo ra bởi sự lên xuống của thủy triều kết hợp với địa hình đặc thù – hai khe hở (khe núi) trong dãy McLarty. Thủy triều lên sẽ tạo nên một một lực đẩy rất mạnh khiến dòng hải lưu chảy qua hai khe hẹp này trở thành một thác nước tạm thời cao đến 5 mét. Khi thủy triều thay đổi, dòng chảy cũng đổi hướng theo và hướng của ngọn thác cũng thay đổi.

(Ảnh: Youtube)

Hiện tượng thác nằm ngang này có thể xảy ra hơn 6 tiếng 30 phút từ lúc thủy triều thấp đến lúc thủy triều cao và ngược lại. Trong một đợt thủy triều chậm, ta có thể bơi thuyền qua hai khe hở để đến vịnh nằm phía sau.

(Ảnh: Dẫn qua horizontalfallsadventures.com.au)

Thác nước kỳ lạ này được David Attenborough – người dẫn chương trình về lịch sử tự nhiên của đài BBC trong suốt 60 năm mô tả như là “một trong những kỳ quan thiên nhiên hùng vĩ nhất trên thế giới”.

(Ảnh: Dẫn qua horizontalfallsadventures.com.au)

3. Mây “Glory buổi sáng”

Những đám mây kỳ lạ này có tên gọi là The Morning Glory Cloud (tạm dịch: mây huy hoàng buổi sớm), là một hiện tượng khí tượng hiếm thấy xuất hiện tại bang Queensland, Úc vào mỗi mùa xuân.

(Ảnh: Dẫn qua Wikipedia)

Chiều dài của cuộn mây Morning Glory có thể lên tới 1.000 km với độ cao 1 – 2 km và di chuyển ở tốc độ lên đến 60 – 70 km/giờ. Mây Morning Glory thường đi kèm với hiện tượng gió giật đột ngột, gió nghịch chiều ở cường độ thấp, sự dịch chuyển nhanh chóng theo chiều đứng của luồng không khí và áp lực gia tăng đột ngột ở bề mặt mây.

(Ảnh: Dẫn qua environnement.savoir.fr)

Ở phía đầu đám mây, sự dịch chuyển mạnh mẽ của không khí theo chiều dọc tạo ra hình cuộn, trong khi không khí ở giữa và phía đuôi đám mây trở nên hỗn loạn và chìm xuống. Mặc dù được nghiên cứu rộng rãi, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa có kết luận cuối cùng về bản chất của hiện tượng kỳ thú này.

(Ảnh: Dẫn qua australien-panorama.de)

4. Tảo phát quang sinh học đã thắp sáng bờ biển của Vịnh Bảo tồn Tasmania – Úc

Nước biển phát sáng xanh kỳ ảo xuất hiện vào đêm 11 tháng 3 năm nay, tại vịnh Preservation ở bang Tasmania, Australia. Những người đi dạo trên bãi biển đã ghi lại cảnh tượng này và chia sẻ lên mạng xã hội.

(Ảnh: dẫn qua huffingtonpost.com.au)

Hiện tượng tự nhiên thú vị nói trên gây ra bởi một loại tảo phát quang sinh học có tên khoa học là Noctiluca scintillans. Không độc hại nhưng loại tảo này được lưu ý là có thể gây kích ứng da với một số người. Người dân địa phương cho biết, hiện tượng này chỉ xuất hiện khi biển lặng.

(Ảnh: Dẫn qua Daily Mail)

“Cả vùng vịnh có màu xanh lợt. Tôi bị choáng ngợp. Cảnh tượng này thật tuyệt vời” – Brett Chatwin, một cư dân địa phương chia sẻ.

(Ảnh: Dẫn qua Daily Mail)

GS Gustaaf Hallegraeff, chuyên gia thực vật học thủy sinh, giải thích rằng loài tảo nói trên sử dụng cơ chế sinh học phát quang để đe dọa kẻ thù khi chúng cảm nhận thấy có nguy hiểm. Khi phát sáng, tảo Noctiluca scintillans tạo nên một màu xanh kì ảo, có thể thu hút sự chú ý của nhiều du khách.

(Ảnh: Wikipedia)

Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo rằng hiện tượng tảo phát quang có thể phá vỡ chuỗi thức ăn. Nếu loài tảo này phát triển mạnh mẽ với số lượng lớn hơn, chúng sẽ giống như một cái máy hút bụi có thể ăn hết mọi thứ.

5. Bãi biển Capuccino 

Hiện tượng thiên nhiên đặc biệt của nước Úc này sẽ khiến bạn vô cùng thích thú. Cả mặt biển giống như một tách cà phê capuccino khổng lồ với lớp bọt sữa trắng xóa, mềm xốp, béo ngậy. 

(Ảnh: Dẫn qua Cool Nature Pictures)

Lần mới đây nhất, người dân Úc có cơ hội chơi đùa trong thế giới “bọt biển” là vào tháng 8 năm 2007, tại bãi biển Yamba, ở New South Wales. Trước đó, “bọt biển” cũng đã từng xuất hiện tại Cape Town, Nam Phi.

Lượng lớn bọt có màu cà phê sữa tại bãi biển Yamba là sản phẩm để lại sau khi những đợt thủy triều trộn tung nước biển với các chất thải, sinh vật phù du, cá chết và cây trôi nổi trên mặt nước biển.

(Ảnh: Dẫn qua slightlywarped.com)

Nguyên nhân chính gây nên hiện tượng bọt biển kì lạ chính là những cơn bão mạnh ở ngoài khơi xa. Sức mạnh của gió do các cơn bão này mang đến chính là “dụng cụ tạo bọt khổng lồ” tạo nên những khối bọt lớn. Sau khi những khối bọt được tạo thành, sức mạnh của thủy triều sẽ khiến sóng cuốn những khối “bọt sữa” to lớn này vào bờ.

(Ảnh: Dẫn qua TravelAsk)

Số lượng bọt biển tràn về bãi biển phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như địa hình bờ biển, tốc độ gió và điều kiện thời tiết. Các chuyên gia thuộc Đại học Griffith (Australia) tin rằng hình dạng của những con sóng cũng tạo ra những khối bọt khác nhau.

Hiện nay, “bọt biển cà phê Capuchino” đã xâm chiếm hoàn toàn bờ biển Yamba, “lớp bọt cà phê” đã cao tới quá nửa các tòa nhà gần bờ biển. Các nhà khoa học còn cho biết, hiện tượng này hình thành từ ngoài khơi, cách đất liền hơn 48km.

(Ảnh:dẫn qua Daily Mail)

6. Thang lên mặt trăng

Hiện tượng tự nhiên này xuất hiện khi lúc trăng tròn, ánh sáng của nó phản chiếu xuống vùng đất bùn tại Vịnh Roebuck ở Broome, trong khi đó nước thủy triều ở đây cực kì thấp. 

(Ảnh: Dẫn qua westernaustralia.com)

Sự phản chiếu này tạo ra một ảo giác quang học tuyệt đẹp, khiến du khách ngay lập tức liên tưởng đến một chiếc thang đi đến mặt trăng. Sức tỏa sáng của “cầu thang mặt trăng” phụ thuộc vào thời tiết, buổi hoàng hôn, trăng mọc và thủy triều.

(Ảnh: Dẫn qua westernaustralia.com)

Hiện tượng này thường được quan sát thấy từ tháng 3 đến tháng 10 hàng năm. Nó được người dân Úc và các du khách quốc tế đặc biệt yêu thích. Khách tham quan thường xuyên chọn hình thức cắm trại để được tận hưởng trọn vẹn vẻ đẹp của hiện tượng thiên nhiên này.

(Ảnh: Dẫn qua www.weekendnotes.com )

Hy Văn tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version