Đại Kỷ Nguyên

4 trường phái ẩm thực đặc sắc của Trung Hoa, hé lộ những bí mật của hương vị ngàn năm

Trải qua 5000 năm tồn tại và phát triển cùng lịch sử, ẩm thực Trung Hoa vì thế mà mang đậm sắc thái văn hóa, phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa. Được mệnh danh là cái nôi của đa trường phái ẩm thực, mỗi vùng miền của Trung Quốc có những món ăn nổi tiếng, đặc trưng riêng.

Sự hình thành của các trường phái ẩm thực ở Trung Quốc chịu ảnh hưởng của địa dư, điều kiện khí hậu, đặc sản tài nguyên và thói quen ăn uống của cư dân địa phương. Ẩm thực Trung Hoa được chia thành 8 trường phái lớn với những đặc trưng về món ăn, cách chế biến và hương vị.

Ẩm thực Trung Hoa được chia thành 8 trường phái lớn với những đặc trưng về món ăn, cách chế biến và hương vị.

Có người đã ví một cách nhân hóa về một số trường phái ẩm thực ở Trung Quốc như sau: món của Giang Tô, Chiết Giang có khác nào người đẹp, Giang Nam thanh tú, món ăn của Sơn Đông, An Huy là một trang nam nhi mộc mạc chất phác, món ăn của Quảng Đông, Phúc Kiến thì nhã nhặn như vị công tử phong lưu còn món ăn của Tứ Xuyên, Hồ Nam thì chẳng khác nào một vị danh sĩ tài ba.

Trong đó, trường phái ẩm thực Tứ Xuyên, Sơn Đông, Giang Tô, Quảng Đông là những trường phái lâu đời nhất và được coi là tứ đại trường phái ẩm thực của Trung Hoa.

Trường phái ẩm thực Tứ Xuyên

Món ăn Tứ Xuyên có lịch sử lâu dài, hương vị độc đáo và có tiếng tăm khắp trong và ngoài nước. Các món ăn ở đây đặc biệt chú ý về sắc, hương, vị, hình và sử dụng tới 30 phương pháp chế biến khác như như xào, rán, chiên, kho, ướp, nộm.

Món ăn Tứ Xuyên có lịch sử lâu đời và nổi tiếng khắp trong, ngoài nước

Thuận theo sự phát triển của kinh tế và xã hội, các món ăn Tứ Xuyên trên cơ sở vốn có đã hấp thụ ưu điểm của các món ăn nam bắc, hình thành đặc điểm món ăn miền bắc nấu theo kiểu Tứ Xuyên, món ăn miền Nam mang hương vị Tứ Xuyên, nên mới được gọi là “Thực tại Trung Quốc, vị tại Tứ Xuyên”.

Thành Đô là một đại diện cho trường phái ẩm thực Tứ Xuyên. Được biết đến với tên gọi Thành phố Ẩm thực đầu tiên của châu Á, nhắc đến ẩm thực Thành Đô, điều đầu tiên khiến du khách khó quên nhất có lẽ là loại gia vị đặc trưng của vùng: ớt.

Ớt là gia vị, thậm chí là loại thực phẩm chính không thể thiếu trong mọi gian bếp gia đình cũng như ở bất cứ nhà hàng nào của Thành Đô. Người dân ở đây nói rằng ăn ớt có thể làm ấm người trong mùa đông, thậm chí làm hạ nhiệt trong mùa hè.

Lẩu ở Thành Đô luôn tỏa ra một hương vị đặc trưng, đó là vị nồng ở ớt. Món lẩu phổ biến đến mức bạn có thể dễ dàng gọi một nồi lẩu to, đủ loại ngay trên đường phố của thành phố Thành Đô, đặc biệt là trong những ngày đông giá rét. Còn tại các nhà hàng cao cấp, các món lẩu được chế biến công phu, từng thành phần, từng nguyên liệu đều được lựa chọn kỹ lưỡng.

Từ hương liệu đến màu sắc, cách bài trí đều được đầu bếp chăm chút tỉ mỉ. Ngồi trước nồi lẩu nghi ngút trên bạn, bạn chắc chắn sẽ cảm giác mình đang ngồi trước cả một tác phẩm nghệ thuật.

Ngoài ra, nếu đến Thành Đô, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được thưởng thức món mỳ lạnh đã trở thành thương hiệu của thành phố này.

Trường phái ẩm thực Sơn Đông

Trường phái ẩm thực Sơn Đông được xem là đệ nhất trường phái ẩm thực Trung Hoa với nền ẩm thực vô cùng phong phú và phát triển lâu đời. Dưới ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử, địa lý, văn hóa, kinh tế và những phong tục địa phương của bán đảo Sơn Đông, trường phái ẩm thực nơi đây đã ra đời và phát triển và được người Trung Quốc yêu mến gọi bằng cái tên “chàng trai mạnh khỏe”.

Ẩm thực Sơn Đông được xem là đệ nhất trường phái ẩm thực Trung Hoa

Các món ăn ở đây mang vị nồng đậm, nặng mùi hành tỏi, nhất là các món hải sản. Đặc biệt, người Sơn Đông có sở trường làm các món canh và nội tạng động vật. Món ăn nổi tiếng nhất vùng Sơn Đông là ốc kho và cá chép chua ngọt.

Dễ dàng nhận thấy ở trường phái Sơn Đông sự ưa chuộng các món rán, nướng, hấp với màu sắc tươi và đậm. Các món ăn thường có rau và lúc nào cũng xanh mát, vô cùng bắt mắt.

Hoặc bạn còn có nhiều lựa chọn khác trong những ngày rong ruổi khám phá nơi này. Nếu không muốn vào những nhà hàng sang trọng, bạn có thể vào một cửa hàng sủi cảo bất kỳ để thưởng thức món ăn bình dân mà người Sơn Đông rất tự hào, đó là sủi cảo.

Người Sơn Đông yêu thích món sủi cảo cũng như người Hà Nội tự hào về món phở vậy. Sủi cảo Sơn Đông rất đa dạng với đủ các loại nhân như sủi cảo hẹ, sủi cảo bắp cải, sủi cảo củ cải trắng.

Sơn Đông còn là vựa trái cây phong phú bậc nhất Trung Quốc. Táo Yên Đài, lê Lai Dương, đào Phì Thành, lựu Táo Trang, nho Đại Trạch Sơn, hành Chương Khưu, gừng Lai Vu, củ cải Duy Phường đều là những đặc sản nổi tiếng của nơi này. Đến Sơn Đông vào mùa hè tức là bạn đã chọn đúng mùa quả chín để hưởng thụ.

Trường phái ẩm thực Giang Tô

Giang Tô nổi tiếng với phong cảnh trữ tình bậc nhất Trung Quốc và ẩm thực tham đạm, tao nhã

Người Trung Quốc thường khái quát hương vị của bốn trường phái ẩm thực lớn trong câu “đông chua, tây cay, nam ngọt, bắc mặn” và ẩm thực Giang Tô thuộc vào nhóm “nam ngọt”. Hương vị các món ăn nơi này thường có vị ngọt và thanh dịu. Món ăn Giang Tô là món ăn nổi tiếng của khu vực trung và hạ du sông Trường Giang, được tôn vinh là “đẹp nhất thiên hạ”.

Nhiều món ăn Giang Tô được xem như tác phẩm nghệ thuật cầu kỳ, vừa đẹp mắt vừa ngon miệng. Đặc sắc của món Giang Tô là “chú trọng kỹ thuật dùng dao, món ăn tinh tế, khẩu vị thanh đạm”, nguyên liệu thường là những rau củ quả tươi đúng vụ. Khi chế biến đồ ăn, người Giang Tô không thích dùng xì dầu, chú trọng giữ nguyên màu sắc của nguyên liệu, thích cho đường và dấm, khẩu vị chua, ngọt.

Tôm nõn trắng là món trứ xanh của xứ Giang Tô. Tôm nõn được liệt vào hàng đặc sản trong “Thái Hồ tam bạch” cùng với cá trắng và cá kim ngân. Vị tôm thanh, nhẹ nhàng đến mức tưởng như không mùi vị, nhưng chất ngọt lẫn khuất trong từng thớ thịt trắng nõn chỉ cần một lần thưởng thức sẽ vấn vương cả đời. Đó là ấn tượng đầu tiên về sự thanh thoát, nhẹ nhàng của ẩm thực Giang Tô.

Giang Tô còn có món “Đậu phụ Bình Kiều” rất nổi tiếng. Truyện kể rằng vua Càn Long khi xưa vi hành Giang Nam, khi thuyền rồng đi qua Bình Kiều, một thị trấn cổ thuộc Hòa An lúc bấy giờ, vua đã được thưởng thức món “Đậu phụ Bình Kiều” và khen tấm tắc.

Từ đó, món “Đậu phụ Bình Kiều” đã lừng danh Giang Tô và Hoài An, trở thành món ăn truyền thống nổi tiếng trong trường phái ẩm thực Giang Tô.

Trường phái ẩm thực Quảng Đông

Là một mảnh ghép nổi bật của nền văn hóa Trung Hoa, ẩm thực Quảng Đông được xem là niềm tự hào của người Trung Quốc trước bạn bè quốc tế.

Du khách thường kháo nhau rằng muốn ăn ngon thì tìm đến Quảng Châu, còn ăn đúng kiểu cách thì phải tìm đến Thuận Đức.

Trường phái ẩm thực Quảng Đông có thể coi là trường phái có nhiều cách chế biến món ăn nhất. Các món ăn ở đây chú trọng đến bốn yếu tố chính là hương, sắc, vị và hình với đòi hỏi vô cùng khắt khe cho từng món ăn: non mà không sống, tươi mà không thô, mỡ mà không ngấy, thanh mà không nhạt, mùa xuân hạ món ăn phải thanh mát, mùa thu đông món ăn phải ấm và đậm vị.

Đặc biệt, du khách đến với đại đô thị phía Đông Nam của Trung Quốc này thường kháo nhau rằng muốn ăn ngon thì tìm đến Quảng Châu, còn ăn đúng kiểu cách thì phải tìm đến Thuận Đức. Sở dĩ có quan niệm này vì Thuận Đức được mệnh danh là “cái nôi của ẩm thực Quảng Đông”, nơi bạn có thể khám phá trọn vẹn nét đẹp văn hóa của người Quảng.

Nói đến các món ăn trứ danh của Thuận Đức phải nhắc đến dim sum, heo sữa quay, súp cá phi lê, cá thu nhồi, gà phi lê hầm rượu và đường phèn, bánh sầu riêng nướng, xôi yến mạch chiên giòn.

Không chỉ sở hữu danh sách các món ngon vô cùng phong phú, đa dạng, Thuận Đức còn nổi tiếng nhờ lưu giữ những chuẩn mực của nền ẩm thực mang đậm bản sắc dân tộc có chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.

Nếu đến Quảng Châu, du khách sẽ choáng ngợp với hàng loạt món ngon nức lòng thì đến Thuận Đức, du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa ẩm thực của người Quảng Đông.

Ẩm thực Trung Hoa quả thực là một nền ẩm thực phong phú và lâu đời nhất trên thế giới. Bạn đã sẵn sàng cho hành trình khám phá và thưởng thức những đặc sản nức lòng du khách gần xa này chưa?

Thiên Chân

Xem thêm:

Exit mobile version