Đại Kỷ Nguyên

2 chàng trai trẻ không ngại nhặt ve chai, băng rừng lội suối ‘cõng chữ’ lên vùng cao

Hoàng Hoa Trung với biệt danh ‘Trung đồng nát’, nhặt ve chai, thu thập sách vở cũ bán lấy tiền làm làm trường, nuôi ăn cho trẻ vùng cao. Còn chàng trai trẻ Lê Văn Sơn thì xây cầu, xây dựng điểm trường, nước sạch và làm nông nghiệp.

Chàng trai Hà Nội nhặt ve chai, xây trường, nuôi ăn cho trẻ vùng cao

Hoàng Hoa Trung (sinh năm 1990, Hà Nội), làm tình nguyện từ năm 18 tuổi. Dự án đầu tiên, Trung tham gia cùng một nhóm thiện nguyện giúp những người khuyết tật làm thiệp để bán. Tháng lương đầu tiên, có người khuyết tật bị câm, điếc đã đủ tiền mua một chiếc điện thoại ‘cục gạch’ nhắn tin về cho cha mẹ.

Tuy nhiên, thực hiện dự án trong 5 năm cùng 20 tình nguyện viên, Trung chỉ giúp được 30 người. Cảm thấy hoạt động của mình chưa hiệu quả, Trung nghĩ đến một hướng đi khác. Năm 2009, Trung quyết định ‘lên núi’, tập trung từ thiện ở các vùng cao.

Chàng trai Hà Nội trong một lần đi thực hiện dự án tại vùng cao (ảnh: Vietnamnet).

Năm 2013, bằng cách kêu gọi góp gạch xây trường, nhóm của Trung quyên góp được 60 triệu đồng. Một trường mầm non ủng hộ 100 triệu. Với sự trợ giúp của bộ đội biên phòng, ngôi trường đầu tiên trị giá 160 triệu đồng đã hoàn thành ở Lai Châu.

Với những điểm chưa xây được trường mới, Trung thực hiện dự án Dũng Sĩ Bạt cung cấp bạt miễn phí để quây điểm trường, tạo ‘lớp học kín gió’ cho các em.

Hiện, 21 điểm trường đã và đang được xây dựng tại Điện Biên và Lai Châu; 20 điểm trường đã được quây bạt.

Nhưng sau khi làm trường, một vấn đề nảy sinh khiến Trung phải suy nghĩ, đó là nhiều em không đi học vì quá đói. Trung đã đi theo một số em, thấy các em vào rừng đào măng kiếm ăn và không quay lại trường học vì quá mệt, đói. Trung lại tìm cách lo bữa trưa cho chúng và dự án ‘Nuôi em’ ra đời từ đó. Anh kêu gọi mỗi người nuôi một bé. Kinh phí để nuôi một bé là 150 nghìn đồng/tháng. Mỗi bữa, các em sẽ được ăn thịt, đậu, canh, rau với giá 8.500đ/suất.

Trung chia sẻ với Vietnamnet, “khi được nuôi cơm trưa, số học sinh đi học tăng vọt khiến thầy cô và nhóm tình nguyện hạnh phúc vô cùng. Hiện tại dự án đã triển khai tại 6 tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Hà Giang, Thanh Hoá, Quảng Nam, Nghệ An với hơn 12.000 bé được nhận nuôi”.

Số tiền các cá nhân đóng góp để ‘Nuôi em’ dư ra vì có những ngày nghỉ, ngày lễ Tết, nhóm đề nghị trích ra mua máy lọc nước và mua đệm, chăn cho các em.

Hoàng Hoa Trung (ảnh: Vietnamnet).

Trung còn tìm cách vận động và gây quỹ để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Những chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc.Từ đó, các thầy cô và dân bản thay vì đi nhiều cây số ra thị trấn sạc điện, giờ họ chỉ việc lên trường để dùng.

Biệt danh “Trung đồng nát” ra đời khi người ta thấy anh nhặt đồ phế thải đi bán, kiếm tiền làm từ thiện. Đó là những ngày cận Tết, xuống làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), thấy người ta vứt nhiều đồ gốm (lỗi mốt, cũ hỏng…), anh xin mang về và bán lại. Với giá 10.000-15.000/sản phẩm, anh thu được 60 triệu đồng cho quỹ từ thiện. Có những ngày thì anh ra công viên, đến từng thùng rác, gõ cửa từng ký túc xá để xin giấy cũ, sách báo sau đó đem bán, gây quỹ.

Trung còn kiếm tiền bằng cách đào đất phù sa ở bãi Sông Hồng. “Tôi nhớ nhất một hôm mưa, có khách ở Tây Hồ mua đất trồng cây. Chiếc xe máy cà tàng của tôi chở 4 bao đất lớn, trời mưa nước ngấm vào đất nặng kinh khủng, tôi vẫn cố chạy. Chuyến đó, tôi thu được 300.000. Chúng tôi còn bán bảo hiểm xe máy, xin quần áo cũ, nhặt phân bò khô bán lại… để kiếm tiền gây quỹ”.

Quan điểm làm từ thiện của Trung là tập trung tại một địa điểm, không dàn trải. Ở mỗi địa điểm này, anh xây dựng một hệ sinh thái. Cụ thể, nhóm của anh xây trường cho các em, nuôi em cơm trưa, mua hệ thống lọc nước sạch… Anh còn thực hiện dự án “Đi ra từ rừng” bán nông sản cho bà con và tạo điều kiện cho các thầy cô kiếm thêm thu nhập.

Chàng trai 9X đang nỗ lực từng ngày vì đam mê làm từ thiện một cách thiết thực và chuyên nghiệp (ảnh: Vietnamnet).

Hơn 10 năm làm tình nguyện, Trung chia sẻ mình làm vì đam mê và không được gia đình ủng hộ. ‘Bố mẹ lo lắng cho sức khỏe và cũng rất mong tôi ổn định chuyện gia đình nhưng tôi vẫn muốn làm, đến lúc nào không ai cần nữa, chúng tôi mới dừng chân’, chàng trai sinh năm 1990 nói.

Chàng trai trẻ băng rừng, lội suối, lan toả nhân ái đến trẻ vùng cao

Cũng giống Trung, năm 2017, chàng trai trẻ Lê Văn Sơn (sinh năm 1987) thành lập tổ chức Color Việt Nam nhằm kết nối với các mạnh thường quân để rút ngắn khoảng cách giữa trẻ em nghèo vùng cao với thành thị, xây dựng những điểm trường thiếu thốn cơ sở vật chất.

Vốn có kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình thiện nguyện từ khi còn là sinh viên, Sơn nhìn nhận các hội nhóm từ thiện còn mang tính phong trào, nhiều nhóm hội lập nên nhưng làm tràn lan, không chú tâm vào chất lượng. Bản thân Sơn mong muốn làm được điều lớn lao hơn, đặc biệt là những chương trình mang lại lợi ích lâu dài cho cộng đồng.

Dự án đầu tiên của Sơn mang tên “Hoa Trên Đá” bao gồm việc xây trường, xây cầu, sửa trường, làm đường, nước sạch cho các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hàng trăm em học sinh được nhận áo ấm từ chương trình thiện nguyện của Sơn (ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp).

Ngoài “Hoa Trên Đá”, Sơn cùng Color Việt Nam còn triển khai nhiều dự án khác như dự án “Ước Mơ Trao Em” tặng học bổng khuyến học, dụng cụ học tập, làm thư viện cho các điểm trường.

Bên cạnh đó là dự án “Nui Có Thịt” hay “Người Đỡ Đầu” nhằm kết nối các mạnh thường quân với một số bé vùng cao có hoàn cảnh khó khăn. Và đặc biệt hàng năm, anh còn đứng ra tổ chức chương trình Tết vùng cao, tặng áo quần và mang cái tết đầm ấm đến những gia đình khó khăn.

Được thành lập ở Sài Gòn nhưng các hoạt động thiện nguyện được Sơn thực hiện nhiều ở các tỉnh miền núi nên việc di chuyển rất khó khăn. Nhất là đường đèo núi, có những chuyến đi về mọi thành viên ốm cả tuần do thay đổi khí hậu và phải đi lại nhiều.

Sơn kể, những chuyến đi bộ vào làng AUR của Quảng Nam, đi bộ cả ngày đường trong rừng, có lúc định bỏ vì băng qua trừng vắt cắn chảy máu, các bạn nữ trong đoàn la hét, hoảng sợ. Lại có những chuyến đi xe máy mà xe hỏng giữa đường rừng, không sóng điện thoại hay những chuyến lội suối bị cuốn trôi cả balo, đồ đạc.

Lần đầu tiên trong đời các bạn trẻ được trải nghiệm và có những bạn kéo bè không quen đã rớt xuống suối (ảnh: Diễn Đàn Doanh Nghiệp).

Nhiều khó khăn đã vượt qua nhưng ngày một nhiều các dự án đến được với đồng bào vùng cao, Sơn cùng cộng sự của mình đang ngày ngày truyền đi thông điệp đầy tính nhân văn và cũng thật giản dị, rằng “hãy sống thật có ích nhất, giúp đỡ những người khó khăn hơn mình trở nên tốt hơn, để có một cộng đồng xã hội hạnh phúc phồn vinh hơn”.

Nhờ vào tinh thần đó mà 2 năm qua, Sơn đã mang sắc màu nhân ái đến nhiều vùng đất trải dài từ Bắc vào Nam như Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hà Giang, Đắk Nông, Đắk Lắk, Quảng Nam, Cà Mau, Cao Bằng, Yên Bái, Phú Yên. Rất nhiều mạnh thường quân, là cá nhân, doanh nghiệp cũng sẵn sàng chung tay và đồng hành cùng anh và các dự án ý nghĩa.

Theo đuổi con đường này chắc chắn sẽ còn nhiều gian nan vì ở Việt Nam còn rất nhiều những đồng bào khó khăn, những trẻ em nghèo cần giúp đỡ, nhưng bản thân Sơn cùng các cộng sự vẫn mãi nuôi nhiệt huyết.

Hỏi về dự định trong thời gian tới, Sơn nói trên Diễn Đàn Doanh Nghiệp: “Khó khăn làm mình và các cộng sự ngày càng mạnh mẽ và nỗ lực hơn. Và chúng mình sẽ không từ bỏ!”.

Video xem thêm: Nhóm bạn trẻ cắt tóc miễn phí cho người nghèo ở trung tâm Sài Gòn

Exit mobile version