Đại Kỷ Nguyên

10 điều tinh tuý trong văn hoá ẩm thực Trung Hoa có thể bạn chưa biết

Tinh túy của ẩm thực Trung Hoa cũng trải qua 5000 năm tồn tại và phát triển cùng lịch sử vì thế mà mang đậm sắc thái văn hóa, phong phú và chứa đựng nhiều ý nghĩa.

1. Người Trung Quốc rất coi trọng cuộc sống có đủ cơm ăn, áo mặc, trên mâm cơm mà có món tôm là thể hiện sự mong muốn gia đình có một cuộc sống no đủ.

Tôm nõn xào nhẹ qua lá trà là một món ăn thanh đạm và tinh tế của người Trung Quốc

2. Người Trung Hoa rất ưa chuộng bột mỳ – loại nguyên liệu để làm ra các món mì sợi, bánh bao và sủi cảo. 

Mì trường thọ là món điểm tâm mà không ai có thể chối từ

Mì sợi được xem là một nghệ thuật ẩm thực đặc trưng bậc nhất của người Hoa. Theo quan niệm dân gian, sợi mì kéo càng dài càng thể hiện cuộc sống trường thọ. Mì thường được ăn kèm cùng nước súp hầm từ xương và rau củ hay trộn với thịt cùng nước sốt, hoặc đôi khi dùng với nước sốt để riêng. Một bát mì thơm phức, nước dùng bắt mắt, bỏ thêm một chút vị cay là thứ điểm tâm không thể chối từ bởi bất kỳ người Trung Quốc nào.

3. Bánh bao là món ăn ưa thích của người Trung Quốc, bao gồm cả bánh nhân thịt và bánh không có nhân hay còn gọi là màn thầu.

Bánh bao rất được người Trung Quốc ưa chuộng

Người Trung Quốc ăn bánh bao vào bất kỳ bữa ăn nào trong ngày, có thể dùng trong bữa chính hoặc các bữa phụ. Đây là món bánh được sử dụng nhiều trong các bữa ăn của dân tộc này.

4. Sủi cảo có thể nói là món không thể thiếu trong tủ bếp của mỗi gia đình, họ có thể dùng sủi cảo thay cơm và ăn hàng ngày. 

Trong văn hóa Trung Hoa, sủi cảo mang ý nghĩa đoàn viên, sung túc.

Sủi cảo được cho là phát minh vào thời nhà Hán bởi một thầy thuốc y học cổ truyền nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ. Sủi cảo thường bao gồm thịt nghiền và rau, cuốn trong vỏ bột mì cán mỏng rồi đem hấp hoặc thả vào nước dùng. Trong văn hóa Trung Hoa, sủi cảo mang ý nghĩa đoàn viên, sung túc.

5. Trung Quốc là cái nôi của đa trường phái ẩm thực. Sự hình thành của các trường phái ẩm thực chịu ảnh hưởng của địa dư, điều kiện khí hậu, đặc sản tài nguyên, thói quen ăn uống.

Sự đa dạng trong ẩm thực của người Trung Quốc

Người ta thường ví món ăn của Giang Tô, Chiết Giang có khác nào người đẹp; Giang Nam thanh tú, món ăn của Sơn Đông, An Huy là một trang nam nhi mộc mạc, chất phác; món ăn của Quảng Đông, Phúc Kiến thì nhã nhặn như vị công tử phong lưu; còn món ăn của Tứ Xuyên, Hồ Nam thì chẳng khác nào một vị danh sĩ tài ba.

6. Trong các trường phái ẩm thực Trung Quốc, món ăn Tứ Xuyên có lịch sử lâu dài, hương vị độc đáo và được phổ biến rộng rãi nhất trong và ngoài nước.

Ẩm thực Tứ Xuyên nổi tiếng khắp trong và ngoài nước

Phương pháp nấu ăn của Tứ Xuyên là khéo léo dựa vào các điều kiện tự nhiên, nguyên liệu, khí hậu và điều chỉnh phù hợp với thực khách. Trong cách nấu ăn, người Tứ Xuyên có hơn 30 phương pháp.

7. “Cay” tuy là một trong năm hương vị chủ đạo trong ngọt, cay, chua, mặn, đắng của nền ẩm thực Trung Hoa nhưng không phải ai cũng có thể chịu được cảm giác tê cay nơi đầu lưỡi, hơi nồng xộc lên mũi và cái nóng râm ran nơi cuống họng. Chỉ có những vùng đặc trưng ở phía Tây và phía Nam Trung Quốc như Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Thiểm Tây, Hồ Nam… mới “chuộng” sử dụng ớt trong các món ăn hàng ngày.

Cay là vị đặc trưng trong món ăn ở các địa phương phía Tây và phía Nam Trung Quốc

Ngoài việc nấu những món ăn vô cùng hấp dẫn mang đặc sản vùng miền thì cách bày trí và sắp xếp cũng là một đặc điểm nổi bật của quốc gia này. Để có một bàn ăn đạt tiêu chuẩn, người đầu bếp phải như một nghệ sỹ đích thực, từ cách nấu nướng đến trình bày phải thuyết phục được 5 giác quan của người thưởng thức, đó chính là thị giác, khứu giác, vị giác, thính giác và cảm giác.

Những món ăn với sự tận tâm và tỉ mỉ đưa bạn đến một không gian mang đậm bản sắc dân tộc Trung Hoa, thể hiện sự khéo léo, cầu kỳ đến từng chi tiết.

8. Cháo là món ăn sáng vô cùng phổ biến trên khắp đất nước Trung Quốc và được coi là món ăn chứa đầy hương vị và đậm chất truyền thống.

Cháo là món ăn sáng vô cùng phổ biến trên khắp đất nước Trung Quốc

Để làm món ăn trở nên phong phú, phù hợp với khẩu vị của từng người, cháo thường được cho thêm một số gia vị hoặc những nguyên liệu khác như rau cải chua, đậu hũ lên men, đậu phộng, đậu xanh, trứng thịt. Đôi khi, cháo được nấu từ các loại gạo khác nhau để tăng thêm hương vị, màu sắc.

9. Trà là một loại đồ uống rất tao nhã và không thể thiếu trên bàn ăn của người Trung Quốc. Trà được dùng trong suốt bữa ăn nhằm cân bằng lại khẩu vị mỗi khi chuyển sang một món mới.

Trà xuất hiện trong tất cả các bữa ăn của người Hoa

Đặc biêt, thay vì mời rượu trong những buổi gặp mặt, người Trung Quốc thường dùng tiệc trà để tiếp đãi khách quý. Trà đóng vai trò quan trọng trong văn hóa và đời sống ẩm thực của người dân Trung Hoa.

10. Ý nghĩa đặc biệt của hoa quả

Táo tượng trưng cho hòa bình

Mỗi loại quả lại có một ý nghĩa đặc biệt với người Trung Hoa, ví như táo tượng trưng cho sự hòa bình, cam cho sự thịnh vượng.

Quả thực, Trung Quốc truyền thống mang những nét tinh tế và đậm bản sắc dân tộc. Thiết nghĩ, nếu con người trong xã hội hiện đại có thể lấy những giá trị truyền thống làm chân lý, làm định hướng, làm kim chỉ nam, thì đạo đức nhân loại sẽ thăng hoa trở lại. Cuộc sống cũng vì thế mà ngày càng tốt đẹp hơn, văn minh hơn, nhân ái hơn.

Ảnh: Pinterest

Hựu Thanh

Exit mobile version