Đại Kỷ Nguyên

Vợ chồng ly hợp do duyên phận, hãy trân quý những ngày tháng bên nhau

Người xưa nói, thành vợ thành chồng là do nhân duyên, ly tán cũng lại vì chữ duyên ấy. Thật khó có thể nói trước điều gì có thể xảy ra trong cuộc sống hôn nhân.

Chúng ta đôi khi không thể hiểu hết được ý nghĩa an bài trong cuộc hôn nhân của mình. Tuy có thể không lựa chọn được hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể lựa chọn được cách mà mình đối đãi với nó. Để cuối cùng trong cõi nhân sinh ngắn ngủi này, hãy lưu lại trong nhau những giá trị thiêng liêng của tình người, của trách nhiệm, của lòng tốt, tình thương yêu bất chấp nghịch cảnh.

Chuyện tình tay ba xảy ra từ ngày xửa ngày xưa sau đây, có thể sẽ khiến bạn vô cùng cảm động.

Chuyện rằng, có chàng học trò nghèo không may mồ côi cha mẹ từ sớm, gia cảnh khó khăn nhưng chàng chịu khó đèn sách nên nổi tiếng là người đức độ và văn hay chữ tốt. Biết ở làng bên có người con gái xinh xắn nết na, chàng nhờ người mai mối xin cưới nàng làm vợ. Cha mẹ cô gái vốn quý trọng người hiền tài, ông bà lại thấy con gái ưng thuận nên vui lòng nhận lời gả con gái cho chàng học trò.

Cô gái về nhà chồng được ít lâu thì cha mẹ già đổ bệnh theo nhau qua đời. Gia tài các cụ để lại cho con chỉ có nếp nhà tranh và mảnh vườn nhỏ. Nhưng nhờ khéo léo lo toan, vun vén nên người vợ trẻ vẫn giúp chồng yên tâm lo việc học hành.

Cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ vô cùng hạnh phúc. Chẳng mấy chốc đã sắp đến kỳ thi, người vợ lo sắm sửa lều chõng để chồng chuẩn bị đến kinh đô thi tài. Bỗng nhiên chàng học trò lăn ra ốm. Vợ chàng đôn đáo lo thuốc men chữa chạy cho chồng khắp nơi, nhưng căn bệnh hủi của chàng ngày càng nặng hơn.

Nhà cửa, vườn tược đã phải bán hết để lấy tiền chữa trị nhưng bệnh tình của chàng học trò thuộc dạng hiểm nghèo khó chữa. Những vết lở loét trên người làm chàng đau đớn ăn không ngon ngủ không yên. Đã thế chàng còn bị mọi người xa lánh, chẳng ai dám đến gần thăm hỏi vì sợ lây bệnh. Thương chồng, người vợ trẻ không nề hà sớm tối tận tâm chăm sóc.

Chàng học trò thương vợ vất vả, lại cả nghĩ chắc mình không qua khỏi nên đã mấy lần lựa lời khuyên vợ để mặc chàng với số phận. Nhưng người vợ nhất định không nghe mà càng thương yêu chàng hơn. Thấy ai mách ở đâu có thuốc hay hay thầy giỏi, nàng lại lặn lội tìm đến nơi. Khó khăn mấy nàng cũng không ngại, chỉ một mực mong sao chữa được bệnh cho chồng.

Một hôm nàng phải đi xa cắt thuốc, khi trở về thì chàng học trò đã bỏ nhà ra đi, chỉ để lại một bức thư vẻn vẹn có mấy chữ: “Nàng hãy quên ta đi và tìm người tử tế để nương tựa”.

Người vợ khóc lóc vội bỏ đi tìm chồng, ròng rã mấy tháng trời ngược xuôi khắp nơi nhưng nàng vẫn không thấy bóng dáng chàng đâu. Nghe nhiều người nói rằng chàng đã quyên sinh, nàng không tin lời đòn thổi ấy, vẫn mỏi mắt ngóng trông chồng.

Suốt mấy năm trời đằng đẵng nàng tìm kiếm, đợi chờ vẫn không thấy chồng đâu. Cuối cùng nàng đành lập bàn thờ để hương khói cho chồng. Thấy nàng xinh đẹp và hiền thục, nhiều chàng trai muốn được kết tóc xe tơ nhưng nàng đều từ chối nguyện ở vậy thờ chồng.

Nhưng có một người con trai vì quá yêu mến đức hạnh của nàng nên kiên trì theo đuổi một hai xin được cưới nàng. Do cảm động trước tấm chân tình của người con trai, lại thêm mọi người xúm vào khuyên nhủ nàng đành nhận lời đi bước nữa.

Cuộc sống mới của nàng cũng rất ấm êm, hạnh phúc. Chồng nàng là con nhà gia giáo, chàng chuyên cần sớm khuya đèn sách mong lập được công danh.

Ảnh minh họa: Facebook Tĩnh Dạ Tư.

Nhờ có được người vợ hiền, việc học hành của chàng ngày một tấn tới. Ít lâu sau chàng thi đỗ tiến sĩ và được bổ làm quan ở vùng Sơn Tây. Vợ chàng lại sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh, ngoan ngoãn và khỏe mạnh.

Nhà quan tuy không giàu nhưng luôn thuận hòa. Quan là người thanh liêm chính trực nên ông rất được dân chúng mến yêu, tin cậy.

Còn người chồng cũ của quan bà từ khi trốn vợ bỏ nhà ra đi cứ lang thang nay đây mai đó, sống bằng bị gậy xin ăn. Mặc cho bệnh tật, chàng chỉ mong đi được càng xa càng tốt. Chàng không muốn trở về, không muốn vợ mình phải khổ vì mình. Chàng lê tấm thân lang bạt đến vùng Sơn Tây, đúng lúc có cuộc phát chẩn, chàng lần mò tìm tới.

Chàng đến gần tốp lính đang luôn tay phát chẩn và nói với họ:

– Tôi tàn tật lại không nhà không cửa, không nồi niêu nên muốn xin các ngài ít tiền cho tiện.

Quan nghe mấy người lính bảo rằng có người đến lĩnh chẩn nhưng không nhận gạo mà cứ muốn xin tiền, ông lấy làm lạ nên bèn gọi vào. Sau mấy câu trò chuyện biết người kia vốn là học trò, chữ nghĩa tinh thông nhưng mắc phải căn bệnh quái ác, quan rất thương tình. Ông lấy tiền ra cho và ngỏ ý muốn giúp đỡ nhưng người kia chỉ xin chút ít tiền rồi từ tạ đi ngay.

Hôm ấy về dinh, quan án kể cho vợ nghe về người ăn mày, bà ngờ ngợ nghe chồng tả lại hình dáng người kia. Nàng ra chợ dò hỏi tung tích người ăn mày rồi nhờ người đưa đến chỗ anh ta tá túc. Vừa nhìn thấy bóng dáng người ấy nàng giật mình sững sờ nhận ra chồng cũ.

Trở về nhà, nàng lựa lời xin quan án giúp đỡ chàng ăn mày. Vốn đã có sẵn lòng thương cảm với chàng học trò có tài mà bất hạnh, quan án vui vẻ bằng lòng ngay. Ông cho dựng một nếp nhà nhỏ để đón chàng học trò về ở, lại còn sai lo thuốc thang ăn uống cho chàng tử tế. Vợ quan án mừng lắm, thỉnh thoảng nàng còn sai người đem thêm quần áo, sách vở cho chàng. Nhưng nàng cũng không lộ cho chồng biết mọi chuyện và cũng không bao giờ cho chàng học trò gặp mặt.

Một hôm thức dậy lấy nước rửa mặt, chàng học trò giật bắn người khi thấy trong chum có một con rắn trắng bị chết từ bao giờ. Thật không ngờ một thời gian sau, những vết lở loét trên người chàng học trò tự nhiên biến mất. Căn bệnh quái ác hành hạ chàng bấy lâu dần dần khỏi hẳn. Chàng trở lại khỏe mạnh và tuấn tú như xưa. Chàng học trò vui mừng khôn xiết vội xin với quan án cho mình được tiếp tục theo việc học hành. Vốn thông minh lại cần cù nên chỉ trong một thời gian ngắn chàng đã quyết tâm lều chõng đi thi.

Ảnh minh họa: Pinterest.

Khoa thi năm ấy, chàng học trò đã đỗ tiến sĩ. Nghĩ đến người vợ hiền ở quê nhà đã vì mình mà chịu cực khổ, ông tiến sĩ nóng lòng mong sớm đến ngày được vinh quy bái tổ. Vợ quan án nghe tin chàng học trò đỗ đạt thì vừa vui mừng, vừa đau khổ. Nàng luôn nghĩ mình đã có lỗi với cả hai ông tiến sĩ.

Một hôm nàng viết một bức thư dài kể hết nỗi lòng của mình cho quan án biết rồi nàng lo cắt đặt việc nhà đâu đó và dặn dò con trai cặn kẽ mọi điều. Sáng sớm hôm sau, nàng gạt nước mắt bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi trong lòng nặng trĩu. Bất giác nàng nghe được tiếng chuông chùa xa xa vọng lại, một cảm giác nhẹ nhàng xúc động bỗng dâng lên trong tâm nàng. Nàng theo hướng tiếng chuông tìm đến ngôi chùa nhỏ. Và cũng từ đó không ai còn gặp quan bà nữa.

***

Nhân sinh vốn như mộng ảo, nhân duyên giữa người với người vốn phức tạp. Nhưng trong sự phức tạp đó, trong sự rối bời đó dường như càng khiến cho những giá trị đạo đức cao cả của con người tỏa sáng hơn. Con người luôn nhỏ bé để có thể hiểu được sự an bài của số phận. Có lẽ số phận đã cho nàng hoàn cảnh như vậy để cuối cùng nàng tìm được con đường tu hành đắc đạo, để người chồng trước được cứu chữa, và người chồng sau được vinh quy bái tổ. Đức hạnh và tình cảm cao đẹp giữa ba người sẽ luôn là những giá trị tinh thần cao quý được bảo tồn và lưu truyền cho nhân gian hiểu được rằng, đạo vợ chồng trân quý nhất vẫn là ở tấm lòng.

Exit mobile version