Đại Kỷ Nguyên

Vì sao vị cao tăng tu hành đắc Đạo lại đốt tượng Phật?

Thiền sư Đan Hà (739-824) là một tăng nhân đời Đường, Pháp hiệu Thiên Nhiên. Bởi ông đã từng sống ở núi Đan Hà, Nam Dương (tỉnh Hà Nam ngày nay), nên thường được gọi là Đan Hà Thiên Nhiên, hoặc Đan Hà thiền sư.

Đan Hà thiền sư từ nhỏ đã tinh thông kinh sử, có chí hướng theo con đường Nho học để cầu công danh chốn quan trường. Ông vốn thông minh, lại có căn cơ và ngộ tính phi phàm, nên đã gặp được cơ duyên giúp ông buông bỏ cái hư danh và huyễn ảo chốn hồng trần, tìm về bản nguyên của sinh mệnh, cuối cùng đắc Đạo viên mãn trở về trời.

Cuộc đời thiền sư Đan Hà đã để lại rất nhiều câu chuyện mà người đời sau gọi là các công án thiền. Câu chuyện ông gặp cơ duyên tu Phật và điển cố “Đan Hà thiêu Phật” cho chúng ta biết nhiều điều thú vị.

Đan Hà Thiên Nhiên (739-824) là Thiền sư Trung Quốc, môn đệ của Thiền sư Thạch Đầu Hi Thiên và Mã Tổ Đạo Nhất và cũng là thầy của Thuý Vi Vô Học. (Ảnh: wikipedia.org)

Phật duyên

Thiền sư Đan Hà từ nhỏ theo Nho học, học cửu kinh. Ban đầu ông kết bạn với Bàng cư sỹ, cả hai cùng lên kinh dự thi. Trên đường, ông vào ngủ nhờ ở Hán Nam Đạo, đêm bỗng mộng thấy ánh sáng rực rỡ đầy phòng. Có người nói: “Đây chính là điềm lành giải Không”. Sau đó ông lại gặp một vị tăng nhân vân du, cùng ăn cơm uống trà. Vị tăng hỏi: “Tú tài đi đâu vậy?”.

Tú tài trả lời: “Tôi muốn thi làm quan”.

Vị tăng nói: “Đáng tiếc bao công phu, thi làm quan đâu có bằng thi làm Phật!”.

Tú tài hỏi: “Dám hỏi cao tăng, thi làm Phật thì phải đến đâu?”.

Vị tăng nâng chén trà lên nói: “Biết chưa?”.

Tú tài nói: “Tại hạ ngu muội, chưa hiểu cao kiến của cao tăng”.

Vị tăng nói: “Mã Tổ ở Giang Tây hiện nay đang trụ thế thuyết Pháp, người ngộ Đạo nhiều không đếm xuể, đó là nơi chân chính chọn theo Phật”.

Vốn là người căn cơ rất tốt, ông liền đi về Tần gặp Đại Tịch bái kiến. Mã đại sư nói: “Anh đến làm gì?”. Ông bèn bỏ chiếc khăn trên đầu xuống, Mã Tổ nhìn cười và nói: “Thầy anh là Thạch Đầu à?”.

Ông hỏi: “Nếu thế, xin đại sư chỉ dẫn đến Thạch Đầu”.

Mã Tổ nói: “Từ đây đi Nam Nhạc 700 dặm, Thiên trưởng lão ở Thạch Đầu, anh đến đó xuất gia”.

Ông liền đi ngay trong ngày, đến bái kiến Thạch Đầu. Hòa thượng Thạch Đầu hỏi: “Từ đâu đến?”.

Ông đáp: “Từ nơi ấy”.

Hòa Thượng Thạch Đầu nói: “Đến làm gì?”. Ông bèn trả lời như lúc trước.

Hòa thượng Thạch Đầu gật đầu nói: “Xuống bếp”.

Từ đó ông xuống làm phụ bếp trong chùa. Qua hơn hai năm, Thạch Đầu đại sư muốn sáng sớm hôm sau xuống tóc cho ông. Đêm hôm đó mọi người đến thăm, đại sư nói: “Trước điện Phật có đám cỏ, sáng sớm mai ăn cháo xong cắt đi”.

Sáng sớm hôm sau, mọi người tranh nhau cầm cuốc xẻng, duy chỉ có ông là đem dao và nước đến quỳ trước đại sư. Đại sư cười và cạo đầu cho. Trên đầu ông nổi gồ lên, đại sư ấn vào đó và nói: “Thiên nhiên vậy”. Cạo tóc xong, ông bái tạ đại sư đã độ và đặt tên, đại sư nói: “Ta cho ngươi tên gì?”.

Ông nói: “Hòa thượng chẳng phải nói ‘Thiên Nhiên’ đó sao?”.

“Đan Hà thiêu Phật”

Thiền sư Đan Hà đến Lạc Dương. (Ảnh minh họa: petapixel.com)

Thiền sư Đan Hà đến Lạc Dương, vào chùa Huệ Lâm, gặp lúc trời lạnh, bèn lấy tượng Phật gỗ đốt để sưởi ấm. Viện chủ trông thấy quở trách: “Sao đốt tượng Phật của ta?”.

Ông lấy gậy bới tro nói: “Tôi đốt tìm xá lợi”.

Viên chủ bảo: “Phật gỗ làm gì có xá lợi?”.

Ông nói: “Đã không có xá lợi thì lấy thêm mấy pho nữa đốt xem”.

Niên hiệu Trường Khánh năm thứ tư (824) ngày 23 tháng 6, sư gọi đệ tử bảo: “Lấy nước nóng tắm, ta sắp đi đây”. Tắm xong, sư đội mũ mang giày cầm trượng, duỗi một chân chưa đến đất liền viên tịch. Sư được vua sắc phong là Trí Thông Thiền sư.

***

Câu chuyện về vị thiền sư Đan Hà thiêu tượng Phật luôn là đề tài tranh cãi hơn nghìn năm qua. Phần lớn mọi người đều cho rằng, ông đốt tượng để giải khai cho thế nhân, vì con người thời đó chỉ chú trọng thắp hương cúng bái, coi tượng là Phật, điều này đã trở thành chấp trước ngăn cản người tu hành ngộ Đạo. Với một cao tăng đắc Đạo như ông thì ý nghĩa đốt tượng không phải chỉ như vậy.

Thứ nhất, ông giải khai vấn đề tu luyện hình thức, bởi nhiều người đã coi thắp hương bái Phật, tụng kinh gõ mõ, ăn chay niệm Phật là tu hành. Kỳ thực đó chỉ là hình thức tu luyện mà thôi. Tu Phật quan trọng là thực tu, tu tâm đoạn dục, trừ bỏ chấp trước vào danh vọng, vinh hoa, tên tuổi, địa vị trong xã hội, trừ bỏ chấp trước về lợi ích vật chất của cuộc sống tiện nghi, dễ chịu, về tình cảm cá nhân, yêu người này ghét người kia.

Lục tổ Huệ Năng có giảng: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tu Phật là nhìn thẳng vào cái tâm mình, xem còn những nhân tâm nào, chấp trước nào thì phá bỏ nó đi, tiêu trừ nó đi. Dần dần, Phật tính càng hiển lộ, cho đến khi hoàn toàn là Phật tính thì đắc Đạo, “kiến tính thành Phật”.

Lục tổ Huệ Năng có giảng: “Trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”, tu Phật là nhìn thẳng vào cái tâm mình.(Ảnh: tinhhoa.net)

Thứ hai, không phải ông vô duyên vô cớ đốt tượng. Dù để phá mê, giải khai chấp trước thì người tu Phật không ai bất kính đốt tượng cả. Người tu Phật được Phật bảo hộ gia trì thì mới có thể tu hành viên mãn, nếu bất kính thì đâu còn là đệ tử Phật môn nữa? Hơn nữa các Thần hộ Pháp sẽ không để cho họ yên. Ngoài ra, tượng Phật chân chính sẽ có Pháp thân của Phật ở đó để bảo hộ cho những người tu luyện, tránh can nhiễu của các linh thể không gian khác. Thế nên, không ai có thể động đến tượng Phật chân chính được.

Có câu chuyện thời kỳ cách mạng văn hóa Trung Quốc, có 3 tên hồng vệ binh đến đập tượng Đại Phật Di Lặc ở Ung Hòa Cung. Tên thứ nhất leo lên hành lang, giơ búa lên muốn đập đứt cáp thép, nhưng lại quai ngay vào chân mình. Tên thứ hai cầm lấy búa lại đập, nhưng búa lại đập vào khoảng không, hắn ngã lăn ra sàn, ngất ngay tại chỗ. Tên thứ ba sợ quá không đứng nổi, ngã gục xuống. Ba tên này sau đó đều chết cả. Những câu chuyện tương tự thế này thời “Đập phá chùa chiền” có thể thấy được ở nhiều nơi, được nhiều người chứng kiến.

Như vậy, thiền sư Đan Hà đốt tượng Phật là vì bức tượng ấy không có Pháp thân của Phật. Pháp thân của Phật chỉ có ở các tượng Phật được khai quang chân chính, đó là các cao tăng niệm kinh nhất tâm bất loạn, chấn động đến Phật quốc thì mới có Pháp thân của Phật Như Lai hoặc một vị Phật nào đó xuống ngụ, hoặc có Đại Giác Giả thỉnh một Pháp thân Phật xuống ngụ, mục đích là bảo hộ cho những người tu Phật tu luyện.

Nếu tượng Phật không được khai quang, hoặc khai quang không đạt, thì chỉ là tượng gỗ. Nếu chùa chiền nào mà không thanh tịnh, người bái tượng Phật truy cầu danh tiếng, vinh hoa phú quý, truy cầu tài lợi, phát tài, truy cầu tình cảm, được ai đó yêu thương, hay truy cầu Phật phù hộ tai qua nạn khỏi, thì sẽ chiêu mời các linh thể đến ngụ, có thể thành các Phật giả, hay còn gọi là Địa thượng Phật.

Chúng ta đã xem Tây Du Ký, khi thấy chùa Tiểu Lôi Âm, Tôn Ngộ Không nhìn thấy có yêu khí, nên nhất định không vào. Nhưng Đường Tăng, Bát Giới, Sa Tăng lại nhìn thấy hào quang lấp lánh. Điều này cho thấy, người tu luyện ở các tầng thứ khác nhau nhìn thấy khác nhau, tầng càng cao thì nhìn thấy càng chân thực. Thiền sư Đan Hà cũng vậy, có thể ông thấy tượng chưa khai quang, hoặc thấy có các linh thể ngụ nên mới đốt hủy tượng. Có thể thấy, người tu Phật mà cái tâm không chính, không thực tu tâm tính, sẽ gây ra nhiều họa loạn khôn lường.

Nam Phương

Xem thêm: Quả báo nhãn tiền vì hủy hoại tượng Phật

Exit mobile version