Đại Kỷ Nguyên

Vì sao Tần Quỳnh vốn vô danh tiểu tốt lại được phong Môn thần?

Tranh vẽ Môn Thần (Thần canh cửa). Ảnh: Sohu.

Lòng trung nghĩa của người xưa quả thật khiến hậu thế phải kính nể bội phần.

Một trong 24 công thần khai quốc được vẽ chân dung trên Lăng Yên Các từng được ca ngợi qua một bài thơ như sau:

“Phồn hoa tan hợp tựa bèo mây
Danh vẹn công thành bởi đức dày
Mưu lớn những mong phò chúa yếu
Tài cao há chịu lụy loài ngây
Lỡ thời tuấn kiệt đành lòng ẩn
Gặp vận anh hùng trải dạ ngay
Những tiếc sử xanh ghi chưa đủ
Truyền kỳ xin được góp áng hay”.

Người trung quân nghĩa đảm, dù vô danh cũng thành hữu danh

Ông là Tần Quỳnh (571? – 638), tự là Thúc Bảo, quê ở Lịch Thành (thuộc Sơn Đông – Tế Nam), là danh tướng nhà Đường dưới Triều Đường Thái Tông. Tần Quỳnh nổi tiếng dũng mãnh giỏi võ nghệ, ban đầu làm quan nhỏ tại địa phương, mặc dù địa vị không cao nhưng là một người ‘hiệp can nghĩa đảm’. Chính vì vậy La Hộ Nhân (Đại tướng nhà Tùy) rất coi trọng Thúc Bảo. Sau khi mẫu thân Tần Quỳnh qua đời, ông còn cho rất nhiều tâm phúc đến phúng viếng, tiễn đưa. Có người không hiểu nguyên do đã đến hỏi Lai Hộ Nhân:

“Tần Quỳnh bất quá chỉ là một tên vô danh tiểu tốt, hà cớ chi mà kinh động đến quý nhân đại giá quang lâm?”

Lai Hộ Nhân trầm tĩnh, đáp:

“Ta nhìn người rất chuẩn xác, cũng đã từng xem qua rất nhiều người, nên luôn tin vào mắt mình không thể nhìn lầm được. Chắc chắn rằng không bao lâu nữa, Thúc Bảo sẽ chiếm được lòng người trong thiên hạ”.

Lai Hộ Nhân quả nhiên không hề nhìn lầm người! Những năm về sau cuối triều đại nhà Tùy, thiên hạ đại loạn Tần Quỳnh quy thận nhà Tùy. Năm 614 Tần Quỳnh theo Trương Tu Đà bình định khởi nghĩa Lư Minh Nguyệt. Lúc bấy giờ Lư Minh Nguyệt có tới 10 vạn tinh binh, trong khi đó Trương Tu Đà trong tay không quá một vạn quân vừa già, vừa yếu. Trương Tu Đà quyết định, đi nước cờ hiểm.

Ông truyền lệnh hỏi tướng lĩnh xem ai dám làm tiên phong, đem một vài tinh binh bí mật đánh thẳng vào doanh trại địch để quân địch rút quân về cứu viện. Đợi đến nửa ngày mà vẫn không có tướng lĩnh nào dám nhận làm tiên phong trong trận này, Trương Tu Đà bèn đứng trước ba quân, hô lớn:

“Ai dám bước ra?”

Vừa dứt lời, trong đám binh sĩ cất lên một tiếng hô lớn: “Tôi xin đi…! “

Tần Quỳnh bước lên trước tướng lĩnh, dõng dạc nói:

“Tần Quỳnh vốn chỉ là một kẻ vô danh tiểu tốt, xét về địa vị thì không đến phiên tại hạ được nói ở đây. Nhưng trong các vị đã không ai bước ra. Vậy, tôi xin đi! Mong đại tướng quân chiếu cố, ân chuẩn”.

Trương Tu Đà mừng rỡ ân chuẩn Tần Quỳnh làm tiên phong, ban cho 1.000 tinh binh cùng phá trại địch. Tần Quỳnh vâng mệnh dẫn theo binh sĩ, lấy một chọi mười, tiếng thét vang khắp cả trời đất, nhất loạt xông thẳng vào trại địch. Quân địch bị đánh bất ngờ trở tay không kịp, cuối cùng bị tiêu diệt hết.

Về sau Trương Tu Đà thảo phạt quân Ngõa Cương, bị bại trận chết nơi sa trường. Tần Quỳnh phò trợ nhiều chủ nhưng vẫn nuôi hoài bão gặp được minh chúa, cuối cùng về với Lý Thế Dân, bởi ông rất kính phục tài đức hơn người của Lý Thế Dân.

Chiến tích ghi lại trong ‘Tây du ký’

Chuyện còn chưa kể hết về chiến tích của Tần Quỳnh. Trong dân gian tương truyền rằng, Tần Quỳnh là 1 trong 38 chiến tướng cuối cùng được phong thành Môn thần. Nói về tích Tần Quỳnh được phong làm Môn thần, trong tác phẩm “Tây du ký” có ghi chép rất tỉ mỉ nguồn cơn… Xin được tóm lược, để độc giả cùng ‘ôn cố tri tân’:

Truyện kể rằng: Đường triều khi xưa, ở phía ngoài thành Trường An có con sông Kinh Hà. Có hai vị hiền sĩ ẩn cư. Một người ngày ngày tháng tháng chỉ tiêu giao với nước bạc, trăng vàng, tên gọi là Trương Tiêu, làm nghề chài lưới. Còn một người kia tên là Lý Định, sớm chiều qua lại trên núi ngắm tuyết sương, mây phủ, chiều về vọng ánh hoàng hôn, làm nghề kiếm củi.

Hai người họ, tuy không phải bậc tiến sĩ đăng khoa, song cũng là hạng học hành nơi thôn dã. Một hôm họ tình cờ gặp nhau, trong tay mỗi người cầm một bầu rượu, lững thững bước men theo bờ sông Kinh Hà, vừa đi vừa câu chuyện, câu trò…

Trương Tiêu nói:

“Anh Lý này, tôi nghĩ những kẻ tham danh, đều vì danh uổng mạng; những kẻ hám lợi, đều vì lợi vong thân. Hưởng lộc như ôm cọp mà ngủ, chịu ơn như nuôi rắn trong tay. Xem ra họ chẳng bằng chúng ta, non xanh nước biếc mặc sức rong chơi, ăn uống thanh đạm tùy theo duyên phận”. Nói đoạn hai người cười ha hả, vừa đi vừa ngâm nga thơ phú. Sau một hồi lời qua tiếng lại ‘Ngư – Tiều vấn đáp’, đi tới ngã rẽ, hai người bái chào từ biệt…

Trương Tiêu lại nói:

“Anh không biết đâu! Ở phố cửa Tây thành Trường An này có một ông thầy bói. Hàng ngày tôi biếu ông ta một con cá chép vàng, và nhờ ông ta bói cho một quẻ. Tôi cứ theo vị trí trong quẻ bói mà quăng lưới, trăm lần trúng cả trăm. Ngày mai vào thành lại có tiền mua rượu, xin được tiếp tục trò chuyện cùng ông anh nhé!” Nói xong, hai người từ biệt nhau ra về.

Thật là ‘vách có tai’, câu chuyện của hai lão Ngư – Tiều chẳng may bị quỷ Dạ Xoa nghe được. Nó bèn mách lẻo với Long Vương, khiến ông nổi giận muốn giết chết tên thầy bói nọ để trả thù rửa hận. Long vương vì đánh cuộc với lão thầy bói nọ, nhất thời háo thắng đã lạm dụng quyền lực, xúc phạm giới luật của Trời phải tội chém đầu. Ngọc Hoàng đại đế cắt cử đại thần Ngụy Trưng Hiền, vào buổi trưa canh ba trảm lão Long vương. Long vương thất kinh chạy đến cầu cứu Đường Thái Tông. Trong mộng, ông đã nhận lời giúp Long vương thoát nạn.

Ngày hôm sau vào triều, vua tìm mọi cách giữ chân Ngụy Trưng không cho ra ngoài. Sau lại bày cờ vây, vua tôi hai người ngồi đánh cờ đến khoảng giờ Ngọ ba khắc, Ngụy Trưng bỗng nhiên nằm phủ phục xuống án, thiu thiu ngủ tít. Nguyên thần liền xuất thể, mộng thấy mình trảm đầu Long vương. Âm hồn Long vương không được siêu thoát, hàng đêm đến đòi mạng Lý Thế Dân, khiến vua Đường kinh hãi mà không thể nào ngủ được yên giấc. Đường Thái Tông bèn triệu tập các quan trong triều để tìm biện pháp được yên tâm.

Khi ấy Tần Quỳnh tâu: “Xin nguyện cùng Uất trì Kính Đức gác cửa, canh cho vua ngủ”. Đêm hôm đó hai vị tướng quân đứng canh gác suốt đêm, chẳng thấy một con quỷ nào cả. Đường Thái Tông ngủ yên, vô sự. Kể từ đó vua ngủ được ngon giấc, nhưng không nỡ để hai tướng phải chịu khổ. Lý Thế Dân bèn cho người vẽ thành hình hai vệ tướng dán lên cửa, mà vẫn được bình an.

Có bài thơ rằng:

“Mũ kim khôi sáng loáng
Áo giáp bóng vẩy rồng
Kinh hộ tâm mây vờn
Chiếc đai thêu dáng đẹp
Một người mắt phượng
Nhìn trời tinh tú sợ
Một người mắt tròn
Lấp lánh ánh trăng mờ
Họ vốn là anh hùng
hào kiệt công thần xưa
Muôn thuở làm môn thần
Ngàn năm xưng họ quỷ”.

Tần Quỳnh cứ vậy mà nghiễm nhiên trở thành Môn thần, cho tới ngày nay vẫn còn hiện hữu ở đó. Tất cả xem ra như một sự ngẫu nhiên, kỳ thực lại là tất nhiên. Môn thần nói cách khác chính là người bảo vệ cửa. Đã là người bảo vệ, thì cần tận tâm làm tròn bổn phận. Ngoài những yếu tố đó ra còn phải giỏi võ nghệ, can đảm hơn người. Hàng trăm ngàn năm qua, các ngài vẫn vẫn luôn giữ ở một tư thế của một người bảo vệ cửa. Đối với người mà nói thì quả là rất mệt mỏi, song có như vậy mới thực xứng đáng là tấm gương soi sáng ‘trung can nghĩa đảm’ cho hậu nhân học tập.


Xưa nay, người đời thường ngợi ca những bậc danh giá, càng giàu có thì càng được nhiều người tín phụng. Ấy là vì mắt chỉ nhìn thấy cảnh sa hoa lộng lẫy, mà không hay mối mọt bên trong. Cho tới khi tượng đài sụp đổ, nếu chẳng phải chịu lời sỉ vả ngàn năm thì cũng thành trò cười cho thiên hạ. Cung quán, lầu đài biết bao phen đã trở thành chuyện mua vui trong các tác phẩm nghệ thuật. Nhưng chỉ có những bậc anh hùng xuất chúng như Tần Quỳnh, vốn không phải dựng xây sự nghiệp trên rượu chè, sắc dục… Vì thế mà tên tuổi sống mãi với đất trời.

Có khi danh tiếng phải về sau mới nổi, nhưng cốt cách anh hùng thì thuở hàn vi cũng đã lộ rõ phần nào. Mây mù nhất thời có thể khuất lấp nhật nguyệt, nhưng cuối cùng ánh sáng vẫn hiển lộ. Cho dù có những việc làm hiện tại người chung quanh không hay biết, nhưng rồi người đời sau sẽ mãi còn ca ngợi.

Theo Secretchina
Thái Bảo biên dịch và biên tập

Exit mobile version