Đại Kỷ Nguyên

Vì sao quân Mông Cổ tung hoành khắp thế giới nhưng lại thất trận thảm hại ở Nhật Bản?

Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu sáng tỏ những quan niệm sai lệch hiện nay. 

Cuối thế kỷ 13, quân Mông Cổ, dưới sự chỉ huy của Hốt Tất Liệt Đại hãn, hai lần vượt biển đánh Nhật Bản nhưng đều thất bại nặng nề. Gần một nghìn năm qua, đó vẫn là một trong những cuộc chiến đáng nhớ nhất của người Nhật. Vậy điều gì đã giúp Nhật Bản làm nên kỳ tích đó?

Những nguồn sử liệu về cuộc chiến tranh Nguyên Mông – Nhật Bản khá phong phú, từ sách sử của Đông Á tới châu Âu đều có ghi chép. Ba nguồn ghi chép sớm nhất là sử của Nguyên Mông, Triều Tiên và Nhật Bản. Đối chiếu sử liệu trong 3 nguồn này, có thể có được những hình dung cơ bản về cuộc đại chiến này.

Vì sao người Mông Cổ xuất binh chinh phạt Nhật Bản? 

Nguyên nhân khởi nguồn của cuộc chinh phạt được cho là Nhật Bản không chịu thần phục đế quốc Mông Cổ. Giữa các năm 1267 và 1274, Hốt Tất Liệt nhiều lần cử sứ giả tới yêu cầu Thiên hoàng Nhật Bản cống nạp châu báu, người tài và chịu xưng thần với nhà Nguyên. Tuy nhiên các Đại tướng quân Mạc chúa (người nắm quyền thực sự) luôn từ chối một cách miệt thị, coi thường. 

Sự xúc phạm này khiến Hốt Tất Liệt nổi giận, quyết định cử binh trừng phạt “tiểu quốc” ương ngạnh này. Có một điều cần nói rõ, trong lần đầu tấn công Nhật Bản (1274), quân Nguyên chưa chiếm được toàn Trung Nguyên, nhà Nam Tống vẫn còn tồn tại ở phía Nam sông Trường Giang. Hốt Tất Liệt vẫn phải tập trung quân chủ lực cho chiến trường phía Nam. Bởi vậy binh lực cử đi đánh Nhật Bản không nhiều. 

Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến quân Mông Cổ buộc phải vượt biển sang phía Đông là vấn đề tài chính. Giới quý tộc Mông Cổ cực kỳ ưa thích những vật phẩm xa xỉ, lại vụng về trong việc quản lý tài chính, nên quốc khố của nhà Nguyên lúc bấy giờ luôn ở tình trạng giật gấu vá vai. Hai vị đại Khả hãn trước thời Hốt Tất Liệt lại đều phung phí quá mức, đổ tiền mua sắm xa xỉ phẩm (chủ yếu là đồ kim loại quý hiếm), đã tạo ra những khoản nợ khổng lồ, thậm chí phải dùng chiến lợi phẩm để làm vật thế chấp. 

Cuộc nội chiến kéo dài 4 năm liên tục giữa Hốt Tất Liệt và em trai là A Lý Bất Ca càng khiến cho tình trạng tài chính của Đế quốc Mông Cổ thêm phần khó khăn. Trong khi đó, suốt hàng trăm năm qua, Nhật Bản luôn là nơi sản xuất và xuất khẩu bạc lớn nhất thế giới, là một quốc đảo giàu có sung túc. Vì thế, với người Mông Cổ mà nói, xuất binh đánh Nhật Bản là chuyện bắt buộc phải làm. 

xuất binh đánh Nhật Bản là chuyện bắt buộc phải làm: Ảnh dẫn theo hk.aboluowang.com

Cuộc chinh phạt lần thứ nhất (1274)

Năm 1270, sau khi hoàn toàn chinh phục được Triều Tiên, người Mông Cổ đã có bàn đạp quan trọng chuẩn bị cho chiến tranh. Năm 1274, Hốt Tất Liệt sai tướng Hàn Đô đem 25.000 quân cùng rất nhiều chiến thuyền Triều Tiên vượt biển đánh Nhật Bản. Qua hơn 20 ngày chiến sự ác liệt, quân đội Nguyên Mông dễ dàng đánh bại các đội quân đồn trú của Nhật Bản trên các đảo tiền tiêu là Tusima và Iki. 

Những tướng lĩnh người Nhật ở đây đều bị xử tử, còn các hòn đảo đều bị tàn phá. Quân Nguyên Mông tiến vào vịnh Hakozaki, đến vùng Tây Bắc của đảo Kyushu thuộc tỉnh Chikuzen và đổ bộ vào cửa Ymasu. Dưới sự yểm trợ của súng hỏa mai, chiến thuyền quân Nguyên Mông định cập bờ để đổ bộ.

Tuy nhiên, sau đó người Nhật đã dần nắm được chiến thuật của người Mông Cổ, ra sức cố thủ và bắt đầu phản công. Thêm nữa bão lớn nổi lên đã đánh đắm rất nhiều chiến thuyền Mông Cổ. Trong khi đó, với tinh thần võ sĩ đạo, quân đội Nhật Bản đánh tới như thế nước tràn bờ, đẩy lùi quân Mông Cổ. Cuộc chinh phạt Nhật Bản lần thứ nhất của nhà Nguyên thất bại nặng nề. 

Trong lịch sử của Nhật Bản, chiến dịch này được gọi là “Trận hải chiến Bun’ei”. Đây cũng là lần đầu tiên người Mông Cổ phải chiến đấu với một đối thủ được trang bị luyện tập và có dũng khí như thế. 

Với tinh thần võ sĩ đạo, quân đội Nhật Bản đánh tới như thế nước tràn bờ, đẩy lùi quân Mông Cổ: Ảnh dẫn theo factinate.com

Lần xuất binh thứ hai (1281)

Sau khi kết thúc cuộc chiến lần thứ nhất, Hốt Tất Liệt cho rằng người Nhật đã lĩnh giáo được sức mạnh và uy lực của người Mông Cổ. Năm 1275, khi Hốt Tất Liệt tiếp tục cử sứ thần sang đòi Nhật Bản phải thần phục, tướng quân Hojo Tokimune lập tức ra lệnh chém 5 sứ thần nhà Nguyên.

Biết rằng không thể tránh khỏi một cuộc đại chiến nữa với người Mông Cổ, Tokimune chỉ huy quân dân Nhật Bản xây dựng các thành lũy dọc bờ biển để phòng thủ. Người Nhật đã xây nên một bức tường thành khổng lồ bằng đá dọc theo bờ biển của vịnh Hakata (ngày nay thuộc thành phố Fukuoka, phía bắc đảo Kyushu).

Sau khi diệt Nam Tống, thống nhất Trung Quốc, Hốt Tất Liệt lập tức bắt tay vào chuẩn bị chinh phạt nước Nhật lần thứ hai. Ông cho tuyển mộ binh sĩ toàn quốc. Ngoài binh sĩ người Trung Quốc, đạo quân lần này cũng huy động thêm binh sĩ người Mông Cổ và lính đánh thuê người Triều Tiên. Họ được triệu tập tới khu vực duyên hải, ngày đêm tập luyện chiến đấu cả thủy lẫn bộ. Lương thực cũng không ngừng được tập kết từ các nơi về. Binh sĩ được lệnh phải chế tạo ra các loại chiến hạm và tàu chiến to nhỏ.

Việc chuẩn bị chinh phạt với quy mô lớn như vậy đương nhiên không thể bảo mật. Người Nhật liên tục cử quân do thám đi thăm dò động tĩnh của quân Nguyên một cách tỉ mỉ để có phương sách ứng phó cho cuộc chiến sắp nổ ra. Lúc này, cục diện chính trị ở Nhật Bản cũng rất ổn định. Sự hùng mạnh của Mạc phủ Kamakura dưới thời trị vì của dòng họ Hojo trong thế kỷ 13 đã cho phép Nhật Bản tỏ thái độ cứng rắn trước các yêu sách của của Mông Nguyên. 

Nhật Bản tiếp tục tăng cường công cuộc phòng ngự của mình. Quân đội được tổ chức và củng cố lại, không chỉ có tầng lớp võ sĩ Gokenin mà cả các võ sĩ Higokenin cũng được động viên chuẩn bị cho cuộc chiến tranh vệ quốc mới. Mặt khác, tuy đế quốc Nguyên Mông lúc này rất hùng mạnh, nhưng không thể dễ dàng huy động được một lực lượng quân sự to lớn cho cuộc viễn chinh trên biển cả. Người Mông Cổ chỉ quen đánh trận trên thảo nguyên. Thủy chiến, với họ mà nói, là một bài toán khó.

Năm 1281, Hốt Tất Liệt sai các tướng A Tháp Hải, Hàn Đô, Hồng Trà Khâu cùng hơn 150.000 quân viễn chinh, vượt biển đánh Nhật Bản. Quân Nguyên chia làm 2 đường tiến đánh, một đường từ bán đảo Triều Tiên và một đường từ miền Nam Trung Quốc tới, dự định hội sư ở bờ biển đảo Kyushu. Nhưng hạm đội từ phía Nam Trung Quốc lại đến chậm, tạo thời cơ cho quân Nhật rảnh tay đánh trả hạm đội từ đường Triều Tiên sang, vốn là hạm đội tương đối yếu. 

Ngày 1/8/1281, bờ biển Thái Bình Dương bỗng nhiên nổi gió bão mãnh liệt, mưa bão kéo dài liên tục trong 4 ngày khiến các hạm đội tàu chiến của quân Nguyên hầu như bị phá hủy hoàn toàn. Các tướng chỉ huy hạm đội tàu chiến, hoặc chạy thoát thân về Triều Tiên, hoặc vứt bỏ lại quân đội, chỉ dùng vài chiếc tàu còn lại tự thoát thân. Sau đó ít lâu, hạm đội chủ lực từ phía Nam Trung Quốc tiến vào vịnh Hakozaki và các đảo Taka Hirato, tỉnh Hizen lại cũng gặp trận bão lớn ngày 16/8/1281 cũng bị đánh đắm phần lớn.

Nhân cơ hội đó, quân Nhật tiếp tục giáng cho đạo tàn binh của quân Nguyên những đòn chí mạng. Hơn 150.000 quân Nguyên xuất chinh mà chỉ còn khoảng trên dưới 30.000 người trở về. Người Nhật lại thêm một lần chiến thắng oanh liệt trong cuộc đại chiến với quân Nguyên Mông. Cả hai lần tấn công sang đất Nhật, chiến thuyền của nhà Nguyên đều bị bão lớn làm cho tổn thất nặng nề. Người Nhật cho rằng thần linh đã hiển linh phù trợ họ và gọi những trận bão tố đó là “Thần Phong” Kamikaze. 

Bão lớn nổi lên đã đánh đắm rất nhiều chiến thuyền Mông Cổ: Ảnh dẫn theo baomoi.com

Sức mạnh của quân đội Nhật Bản

Nhiều người cho rằng nếu không có hai trận bão đánh đắm chiến thuyền quân Nguyên thì Nhật Bản sớm đã nằm dưới gót sắt của kẻ xâm lược. Nhưng chúng ta đã quên rằng, xét về mặt quân sự, sức mạnh của người Nhật là hầu như không hề kém cạnh quân Mông Cổ tinh nhuệ.

Trong khoảng 8 năm giữa hai lần quân Mông Cổ tấn công, hầu như người Nhật đã cải tiến hoàn toàn cung tên của họ. Trong lần xâm lược thứ hai, người Mông Cổ phát hiện cung tên của người Nhật có cự li bắn và lực xuyên thấu lớn hơn nhiều so với lần trước, tương đương với lực bắn của loại cung tên mà người Mông Cổ đang sử dụng.

Các bức vẽ còn lưu lại đến ngày nay cho thấy: Bộ cung tên của người Nhật làm ra khi đó gần giống như loại hiện đại nhất của nước Anh thời bấy giờ, dài khoảng 1,5m. Vốn dĩ, người Nhật rất thấp bé, nên trong hình vẽ người ta thấy các chiến binh bắn cung dường như còn thấp hơn cả cây cung. Trên thực tế chiến thuật của người Nhật lúc đó cũng giống như của người Anh, đều là dùng kỵ binh (các võ sĩ Samurai) để đột phá đánh vào chủ lực quân địch, ngoài ra bộ binh và cung thủ phụ trách bảo hộ hai cánh và áp chế quân địch.

Số lượng quân đội Nhật tham gia chiến đấu đến nay vẫn còn là điều khá mơ hồ. Một số quyển dã sử của Trung Quốc cho rằng trong cuộc chiến lần thứ nhất có hơn 100.000 quân Nhật tham chiến, lần thứ hai khoảng hơn 400.000 quân. Nhưng cách nói này hoàn toàn không có căn cứ. Nếu tổng động viên toàn quốc, người Nhật cũng chỉ có nguồn binh lực cùng lắm là vài trăm nghìn người. Nhưng rõ ràng là không thể điều động tất cả binh lực đến tham chiến ở chiến trường với quân Mông Cổ. 

Vào thời kỳ Chiến Quốc hơn 200 năm sau đó, của cải và dân số của Nhật đều đã vượt xa thế kỷ 13. Nhưng trong những trận chiến nổi tiếng nhất, tổng binh lực của tất cả các bên cũng chỉ có khoảng 500.000 người. Quân đội Nhật Bản không nhiều, một phần bởi người Nhật coi trọng tinh binh hơn là số lượng. Theo một số phỏng đoán, trong cuộc chiến lần thứ nhất, quân đội Nhật có khoảng 10.000 – 20.000 người tham chiến, còn lần thứ hai đông hơn, khoảng 50.000 – 60.000 người, tóm lại là không thể vượt quá con số 100.000 người.

Người Nhật coi trọng tinh binh hơn là số lượng: Ảnh dẫn theo weebly.com

Thanh kiếm tầm cỡ thế giới của Nhật Bản

Trong cuộc chiến giữa Nhật Bản và Mông Cổ, không thể không nhắc đến một loại kiếm có tên gọi là Katana. Đó là một loại đao Nhật truyền thống, dài hình hơi cong, một lưỡi, rất bén, luôn được các võ sĩ đeo bên mình, kết hợp với một thanh kiếm ngắn hơn là Wakizashi hoặc cực ngắn gọi là Tanto (đoản đao). Bộ kiếm đôi một lớn, một nhỏ gọi là Daishō là biểu tượng cho tác phong và danh dự của người võ sĩ.

Trong tác chiến, thanh kiếm dài Katana dùng để chém, kiếm ngắn để đâm khi tiếp cận đối phương, hoặc để mổ bụng tự sát (một kỹ thuật tự sát của Samurai, mang tên Seppuku). Người Nhật tìm ra cách đúc kiếm nhiều lớp bằng cách rèn dài và mỏng phôi sắt sau đó cắt đôi, nung lên rồi chập hai nửa lại tiếp tục rèn, tạo được những vân thớ khác lạ. Điều đó khiến những lưỡi kiếm được cấu tạo từ rất nhiều lớp thép, vừa dẻo dai vừa cứng rắn.

Những vân đó có khi giống như mắt gỗ nhưng cũng có khi uốn lượn như làn sóng. Thanh kiếm không chỉ là vũ khí mà còn là một tác phẩm mỹ thuật. Các thợ rèn ở tỉnh Soshu tìm ra được cách pha trộn thép mềm với thép cứng để làm lưỡi kiếm, vẫn sắc bén mà lại ít bị mẻ. Họ cũng tiêu chuẩn hoá chiều dài và cải thiện mũi kiếm để khi kiếm bị gãy vẫn có thể mài và dùng tiếp.

Bí quyết nằm ở thanh kiếm: Ảnh dẫn theo forhonor.ubisoft.com

Vì sao quân Nguyên Mông thất bại ở Nhật Bản?

Nhiều người cảm thấy tiếc nuối cho những thất bại của quân Mông Cổ. Người ta cũng tổng kết được nhiều bài học khác nhau, và cho rằng nếu quân Mông Cổ có thể tránh được những sai sót này thì có lẽ lịch sử Châu Á đã phải viết lại.

Thứ nhất, người Mông Cổ không thể mang thêm nhiều kỵ binh và ngựa. Khi tiến đánh Nhật Bản, quân Nguyên chỉ đem một lượng ít ngựa theo. Nguyên nhân là khi vượt biển chiến đấu trên đất liền, lương thực tiêu hao để nuôi dưỡng chiến mã gấp năm, sáu lần so với bộ binh, tạo thành tổn hại rất lớn. Để nuôi 10.000 kỵ binh thì phải tốn lượng lương thực tương đương với nuôi 50.000 bộ binh. Đường biển lại xa cách, vận chuyển lương thảo khi ấy cực kỳ khó khăn. 

Ngoài ra có một nguyên nhân quan trọng khiến Hốt Tất Liệt không thể trang bị nhiều chiến mã hơn cho quân viễn chinh là bởi người Nhật đã nhanh trí cho xây dựng những bức tường đá chiến lược, ngăn cản kỵ binh tấn công. Dẫu có trong tay 50.000 kỵ binh cũng không thể dễ dàng vượt qua các bức tường đá của người Nhật được phòng thủ cẩn mật bởi hàng chục nghìn quân bộ binh và cung tên hỗn hợp. 

Thứ hai, quy mô của cuộc viễn chinh chưa đủ lớn. Nếu nhà Nguyên đưa nhiều quân đội hơn đến Nhật Bản, ví như có thể huy động 1 triệu quân, nhiều khả năng họ có thể đột phá tường đá, đánh vào đảo. Dù vậy, nếu muốn chinh phục Nhật Bản hoàn toàn e là điều không thể. Địa hình Nhật Bản phức tạp, nhiều đảo, vịnh, núi non hiểm trở, cực kỳ phù hợp cho việc tổ chức chiến tranh du kích. Cứ cho rằng quân Nguyên có thể đánh vào đất liền thì chỉ cần người Nhật áp dụng chiến thuật “vườn không nhà trống”, không ngừng phản kích thì đại quân Mông Nguyên cũng sớm hao mòn sinh lực mà tan rã. 

Lúc đó, đại quân xâm lược cũng sẽ giống như đội quân Anh trong khoảng thời gian xâm lược, thống trị châu Mỹ, hết thảy viện trợ binh sĩ, vũ khí và lương thực đều phải dựa vào vận chuyển trên đường biển dài đằng đẵng. Nhà Nguyên mới lập, quốc lực chưa mạnh, hầu như không cách nào duy trì viện trợ cho một cuộc chiến dài lâu như vậy. Sớm hay muộn, quân Nguyên cũng phải rút lui khỏi Nhật Bản. Đây cũng là kết cục của họ khi tiến đánh Việt Nam sau đó. Chiến thuật “vườn không nhà trống” của nhà Trần khi ấy đã khiến người Mông Cổ khốn đốn, sa lầy, cuối cùng tan rã hoàn toàn trước những cuộc phản công quyết định.  

Hốt Tất Liệt ngừng chinh phạt Nhật để tránh hao tổn sức dân

Sau hai lần thất bại cay đắng, nhà Nguyên vẫn chưa từ bỏ tham vọng chinh phục Nhật Bản. Năm 1283, Hốt Tất Liệt lại sai A Tháp Hải cùng các tướng lĩnh khác chuẩn bị một cuộc viễn chinh lần thứ ba để phục thù. Nhưng những sự kiện diễn ra ở Việt Nam trong thời gian này đã gián tiếp giúp Nhật Bản tránh được một cuộc chiến tranh xâm lược mới của nhà Nguyên. 

Năm 1285, cuộc chinh phạt trên quy mô lớn của 500.000 quân Nguyên do đích thân hoàng tử Thoát Hoan, con trai Hốt Tất Liệt chỉ huy đã hoàn toàn sa lầy ở Việt Nam. Thất bại ở Việt Nam, đối với nhà Nguyên mà nói, là trầm trọng hơn rất nhiều so với 2 lần thua trận ở Nhật Bản. Chính vì vậy, để tập trung cho cuộc chiến xâm lược Việt Nam lần thứ ba, năm 1286, Hốt Tất Liệt quyết định “gác việc Nhật Bản để chuyên việc Giao Chỉ“, tức là bãi bỏ cuộc viễn chinh sang Nhật Bản, tập trung đánh Việt Nam. 

Với 2 lần oanh liệt chiến thắng Nguyên Mông, Nhật Bản đã bảo vệ được nền độc lập của mình, khác với đại lục Đông Á và nhiều nơi khác trong làn sóng bành trướng của người Mông Cổ thế kỷ 13. Những cuộc xung đột với Nguyên Mông cũng diễn ra ngắn ngủi và nhanh chóng, không gây cho Nhật Bản nhiều thiệt hại như các nơi khác ở lục địa Á – Âu vốn bị vó ngựa Mông Cổ dày xéo. 

Kiên Định

Xem thêm:

 

Exit mobile version