Đại Kỷ Nguyên

Vì sao cổ nhân nói: ‘Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng’?

Ngày xưa có một vị phú ông rất giàu có, tiền muôn bạc vạn, tài sản dùng suốt đời không hết, lại có người vợ vừa xinh đẹp vừa hiền đức, nên ông ta đã hạnh phúc lại càng hạnh phúc hơn…

Nhưng niềm vui của ông ngắn chẳng tày gang, hạnh phúc thật vô thường, chẳng phải cổ nhân thường nói: “Hoa không nở ba tháng, người không sướng ba năm” đó sao? Không bao lâu sau, vị phú ông này từ từ rơi vào tình cảnh buồn khổ. Không ai còn thấy ông với vẻ mặt hân hoan của những ngày xưa nữa. Tại sao vậy? Cũng là từ đứa con trai của ông mà ra cả.

Chuyện là vị phú ông này lập gia đình một thời gian lâu mới sinh được một đứa con trai, ngày đứa bé ra đời cả nhà ông vui mừng khôn xiết. Nhưng bất hạnh thay, con trai ông vừa mới chào đời đã mang trọng bệnh. Theo như lời thầy thuốc chẩn bệnh thì đó là do những mụn nhọt độc hại mọc trên da đứa bé khiến nó khóc cả ngày lẫn đêm, thế nhưng danh y nào được gia đình phú ông mời đến cũng đều lắc đầu không chữa lành được. Vì thế mà nét mặt của vị phú ông càng ngày càng buồn rầu ủ dột.

Tội nghiệp đứa bé, rất nhiều thầy thuốc đã đến chữa trị rồi, mà nó vẫn cứ đêm ngày khóc la vì đau đớn, cuộc sống thật là khổ sở. Tiếng khóc gào rên rỉ của nó làm náo động tới cả bà con làng xóm, nên người ta đặt tên cho cậu bé là thằng “Khóc Gào”.

Tháng ngày qua như nước trôi, cuốn theo thời thơ ấu đầy đớn đau của Khóc Gào, chẳng bao lâu cậu đã lớn khôn, nhưng bệnh tật trên người thì vẫn chẳng hề thuyên giảm. Đêm ngày cậu vẫn phải chịu đựng những cơn đau hành hạ, ai nghe tiếng rên khóc ấy cũng phải buồn cho cậu.

Gần nhà Khóc Gào có một ông hàng xóm già, nghe tiếng rên la đau đớn của cậu, trong lòng cảm thấy bất nhẫn, bèn tìm đến nhà thăm hỏi cậu và nói với Khóc Gào rằng:

– Tôi nghe rất nhiều ngời ngợi khen tán thán rằng tại Tịnh xá Kỳ Viên có một vị Đại Y Vương, bệnh trên thân hoặc bệnh trong tâm của chúng ta, ngài cũng đều có thể chữa trị được hết. Vị Phật này có phép thuật thần thông màu nhiệm, nếu được ngài chữa trị thì bệnh của cậu có trầm trọng đến đâu cũng sẽ tức khắc lành. Cậu nên mau mau tìm đến cầu xin ngài rủ lòng thương xót…

Khóc Gào nghe người hàng xóm nói thế, vội tìm đến Tịnh xá Kỳ Viên xin được gặp đức Phật. (Ảnh: Baomoi.com)

Khóc Gào nghe người hàng xóm nói thế, vui mừng vô kể, vội mang tấm thân đầy bệnh lần tìm đến Tịnh xá Kỳ Viên xin được gặp đức Phật.

Vừa nhìn thấy ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trên thân đức Phật uy nghi sáng chói, Khóc Gào đã hân hoan tán thán. Những đau đớn khổ não của cậu lập tức giảm thiểu đi rất nhiều, Khóc Gào cung kính gieo cả năm vóc xuống đất mà lễ bái đức Phật.

Đức Phật từ bi chưa từng bỏ rơi bất cứ chúng sinh đau khổ nào, nên khi thấy Khóc Gào tới, Ngài rất hoan hỉ, bèn tuyên thuyết cho cậu về những pháp môn tu luyện thù thắng có năng lực diệt trừ tất cả mọi khổ não.

Khóc Gào nghe đức Phật thuyết pháp xong bèn sám hối tội lỗi. Lúc ấy bệnh độc đã hành hạ cậu trong mười mấy năm qua lập tức tan biến, nỗi đau khổ của cậu hoàn toàn được tiêu trừ. Khóc Gào sinh khởi niềm cung kính hoan hỉ chân thành, cậu bèn cầu xin đức Phật cho phép mình được xuất gia làm tỳ-kheo.

Kể từ đó Cậu tu hành rất mực tinh tấn và chẳng bao lâu chứng đắc quả vị A-la-hán.

Các vị tỳ-kheo khác thấy tình cảnh của Khóc Gào thay đổi một cách tốt đẹp phi thường như thế, cho rằng đó là điều rất hy hữu, bèn đồng quỳ lạy trước đức Phật mà thưa:

– Thỉnh đức Thế Tôn thuyết giảng về mối nhân duyên tiền kiếp của Khóc Gào ra sao mà lại khiến cho cậu phải chịu quả báo ở đời này như vậy?

Đức Phật nhân đó mới giảng cho các đệ tử nghe rằng:

– Vô lượng kiếp về trước, ở thành Ba La Nại có hai vị phú ông nọ bình thường rất hay ganh đua và đố kỵ lẫn nhau. Chẳng bao lâu sau một trong hai vị phú ông nọ đem rất nhiều vàng bạc châu báu tới hối lộ viên quan cai quản ở địa phương sở tại nhằm tạo cớ để vu oan giáng họa cho người kia. Vậy là người phú ông bị hại ấy lập tức bị quan phủ bắt giam và phải chịu cảnh tra tấn, hành hình tàn khốc.

Người này phải chịu tất cả những hình phạt tra tấn khủng khiếp nhất, thương tích đầy thân, da thịt cũng bị đánh cho tróc ra như vẩy cá, phải nhờ gia đình xuất ra cơ man là tiền của chuộc tội mới được thả về nhà.

Đức Phật từ bi chưa từng bỏ rơi bất cứ chúng sinh đau khổ nào. (Ảnh: Pinterest.com)

Về tới nhà ông suy nghĩ không ngừng, thấy rằng con người vì có thân mang tội nghiệp cho nên mới có khổ, mới bị lắm tai nhiều họa, mình và người kia không hề có oán thù chi mà họ lại có thể hại mình đến mức thân tàn lực kiệt như thế này. Chán chường nhân thế, không lâu sau, ông bỏ gia đình vào núi tu hành và tu thành Bích Chi Phật.

Vị Bích Chi Phật phát tâm đại từ bi, e rằng người kia kiếp sau sẽ chịu quả báo đau khổ nên tới nhà người ấy thị hiện thần thông, lại giảng pháp cảm hóa khiến cho người phú hộ kia muôn phần hổ thẹn và ân hận về tội lỗi của mình đồng thời sinh tâm kính ngưỡng, lập tức thỉnh Bích Chi Phật thượng tọa còn bản thân thì cung kính quỳ lạy và sám hối tội cũ của mình trước đấng uy nghiêm.

Đức Thế Tôn giảng đến đây, ngừng một lúc rồi nói tiếp:

– Các con nên biết, người phú ông dựng chuyện thị phi, nói lời cay nghiệt khi xưa chính là tỳ-kheo Khóc Gào đã chịu khổ trong kiếp này. Sau này, nhờ ân huệ của ngài Bích Chi Phật, ông ta đã sám hối tội lỗi cũ, cũng lại nhờ có công đức thành kính quy y Tam Bảo nên ngày nay mới được đấng Như Lai cứu độ và tu thành quả vị.

Các con ạ, đừng nghĩ rằng những lời bất thiện nói ra mà không ai biết. Nghiệp tội không trốn được đâu, dẫu trong đường tơ kẽ tóc. Nhưng đã phạm tội như thế rồi mà biết sám hối thì có thể còn cứu độ được.

Thiên lý xưa nay có nhân có quả, vậy nên: ‘Gieo nhân nào thì gặt quả nấy’. (Ảnh: Photoquotes.net)

Lời bàn:

Cổ nhân có câu: “Thiện ý một câu ấm ba đông; lời ác lạnh người sáu tháng ròng”, mới hay Thiện – ác đâu chỉ là một cơn “ấm” – “lạnh”. Lời nói cũng không phải “gió bay”, nếu ai đó quen buông lời thị phi, gièm pha hay ác ý thì chính là tự mình tạo nghiệp, về sau ắt chịu hậu họa khôn lường.

Thiên lý xưa nay có nhân có quả, vậy nên: ‘Gieo nhân nào thì gặt quả nấy’. Khi ta nói cũng chính là đang “gieo nhân” vậy hãy nói sao để cả người nói và người nghe đều nhận về ‘quả thiện’.

Dân gian vẫn thường khuyên nhủ nhau: “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, hành vi “uốn lưỡi” trước khi nói ấy không phải là bảo người ta cần khôn khéo hơn người, càng không phải là cổ xúy cho những lời ‘đầu môi chót lưỡi’, ‘mật ngọt chết ruồi’… đó chính là cảnh tỉnh thế nhân cần thận trọng cân nhắc và có trách nhiệm với mỗi lời nói của chính mình sao cho Chân, sao cho Thiện, sao cho Nhẫn để người nghe cũng được cảm hóa mà thấy ấm lòng, người nói cũng không bị tổn hao uy đức, nếu làm được như vậy thì quả thực đáng quý lắm thay! 

Đường Phong

Exit mobile version