Đại Kỷ Nguyên

Vân thủy thiền tâm: Khúc tình ca trong bản nhạc Thiền, nghe để thấy Đạo

Có một bản nhạc rất đặc biệt, nghe biết bao nhiêu lần vẫn thấy vẹn nguyên như thuở ban đầu. Bản nhạc ấy, nếu chỉ nghe tiếng đàn sẽ thấy mềm mại như nước chảy, lãng đãng như mây trôi, khiến ta bất giác thả lòng theo mây nước, tâm không nhuốm bụi trần, tự tại mà phiêu diêu. Còn nếu chỉ đọc ca từ, lại thấy vấn vương một mối tình sâu kín, chỉ có thể giãi bày cùng gió trăng.

Bản nhạc ấy có một cái tên mà mới chỉ nghe qua đã thấy cảm giác rất thanh tịnh: “Vân thủy thiền tâm”, mây nước lòng thiền. Một điều gì đó rất trang nhã, rất tinh khiết, rất thuần tịnh: Có nét tự tại của nước, lại có nét phiêu du của mây, hướng lòng ta vào thiên nhiên, thân và tâm hòa quyện, cảm giác thật tĩnh tại an nhiên.

Ấy là thiền.

Vậy mà, trên nền nhạc thiền lại là khúc tình ca, và trong tình ca ta lại thấy một tấm lòng trinh nguyên, thanh bạch.

Tôi tự hỏi: Vì sao hai thứ cảm xúc rất khác biệt ấy lại có thể hòa hợp trong cùng một bản đàn?

Một bên nhẹ như mây trên trời, một bên nặng như nước dưới khe. Một bên phiêu du ngày tháng, một bên lại sâu nghĩa nặng tình. Một bên là cảnh giới siêu phàm thoát tục, siêu xuất chín tầng không, một bên là cảnh giới của kẻ phàm nhân, vương vấn nơi hồng trần cuồn cuộn. Một bên là thiền, rất tịnh, rất thanh, một bên là tình, nồng nàn, thắm đượm. Cứ ngỡ tình yêu nam nữ chỉ là thứ trần tục, nhưng xem ra trong bản nhạc này, cái tình ấy đã thăng hoa lên một cảnh giới khác, tạm gọi là ‘cái tình thuần khiết’.

Chuyện kể rằng, vào thời Bắc Tống, ở nơi miền sơn cước xa xôi có một thiếu nữ rất xinh đẹp và tài hoa. Một ngày kia, có vị đạo sĩ phương xa vân du qua đó, chàng ghé chân vào ngôi nhà nhỏ của người thiếu nữ xin được tá túc vài ngày. Vị đạo sĩ và người thiếu nữ dường như có tâm linh giao cảm, nên vừa gặp đã thấy thân quen. Ngày ngày họ trau dồi cầm nghệ, từ tri âm mà trở thành tri kỷ. Lâu dần, trong vùng có tiếng xầm xì to nhỏ, lời lời gièm pha, người người đàm tiếu, khiến chàng không còn cách nào khác đành phải từ biệt để tiếp tục lên đường vân du. Nàng đưa tiễn hơn mười dặm dương liễu, còn chàng thì gảy một khúc nhạc cáo từ.

Khúc nhạc ấy chính là “Vân thủy thiền tâm”.

Tiếng đàn vang lên, khi thì mênh mang như nước chảy, lúc lại phiêu đãng như mây trôi, thay người ra đi bày tỏ tấm lòng sáng trong vời vợi. Trên nền nhạc du dương thánh thót, người đạo sĩ cất lên tiếng hát:

“Núi vắng chim véo von kìa, người và mây trắng đều đi ngủ hết
Suối trong róc rách tẩy sạch tâm ta, bầy cá nô đùa dưới đầm sâu.
Gió thổi núi rừng kìa, trăng chiếu bóng hoa lay.
Hồng trần như mộng hợp lại tan, đa tình lắm đau thương.

Ngắm bầu không u minh kìa, ta và trăng nuối tiếc nhau
Gảy một khúc đàn tặng trăng, khó tỏ hết nỗi lòng nhung nhớ.
Lòng ta như mây khói, múa xiêm y giữa trời
Người xa ngàn dặm, hồn vấn vương, trong cõi mộng.

Tự hứa với hồng nhan
Giấc mộng Nam Kha khó tỉnh, núi trống rừng già.
Nghe tiếng suối trong réo rắt như vô tình, soi tỏ mình ta tịch mịch giữa đêm thâu.”

Một bản tình ca trên nền nhạc thiền, mới nghe nói đến liền cảm thấy thật mâu thuẫn, nhưng kỳ thực lại ẩn chứa đạo lý bên trong.

Bản nhạc ấy có hai cảnh giới: Bản nhạc không lời là cảnh giới của Đạo (thiền tâm), còn ca khúc lại thuộc về cảnh giới của Trần (cái tình nơi nhân thế).

Trước hết hãy nói về bản nhạc không lời. Nếu chỉ lắng nghe tiếng đàn, sẽ thấy thân tâm đều hòa tan vào một thứ, gọi là “vân thủy thiền tâm”.

Thủy là gì? Chính là nước, được Lão Tử ví với Đạo: “Đại Đạo tự thủy”. Trong thiên hạ không có gì mềm mại như nước, nước yếu mềm, không mạnh mẽ, nhưng lại có thể làm đá phải mòn. Nước biết hạ mình ở chỗ thấp, vì không tranh không giành nên cũng không thất bại. Giống như biển, vì chịu ở nơi thấp nên mới có thể làm vua trăm sông. “Thượng thiện nhược thủy”, bởi vì nước vô tư, hiền hòa, làm lợi cho vạn vật, nên Lão Tử cho rằng nước rất gần với Đạo.

Vân là gì? Vân là mây, nhưng chẳng phải mây cũng chính là nước đó sao? Nhưng lại là nước sau khi đã thăng hoa. Thấp nhất là nước, nhưng cao nhất lại là mây. Nếu như khi ở nơi thấp nước biết thuận theo Đất, thì khi ở trên cao kia mây lại thuận theo Trời. Mây dung ung nhàn tản, vô tư quên ngày tháng, cứ thế an nhàn phiêu đãng, quả là một cảnh giới siêu phàm thoát tục.

Mây và nước cũng giống như cách hành xử của một bậc chân nhân đắc Đạo: Ở nơi thấp thì đại thiện đại nhẫn, bao dung vạn vật; ở trên cao thì thanh tĩnh vô vi, tiêu dao tự tại.

Ấy là Đạo.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Còn nói về lời ca tiếng hát, ta lại thấy man mác một chữ “tình”.

Vị đạo sĩ là người tu luyện, mà tu luyện thì cần phải dứt khỏi thất tình lục dục, buông bỏ mọi cái tình của thế gian, cuối cùng đạt đến sự thanh tịnh vô vi, cũng chính là cảnh giới của bậc chân nhân đắc Đạo.

Nhưng đạo sĩ vì chưa thể buông bỏ cái tình với người thiếu nữ mà chàng coi là tri kỷ tri âm, nên mới dệt nên câu chuyện thơ mộng giữa núi rừng. Có điều, cái tình của chàng rất khác với ái tình nơi trần thế. Ái tình nơi trần thế chỉ là thứ tình cảm kèm theo sắc và dục, yêu và hận, nghĩa là không thể tách khỏi sắc tình lục dục ở trong đó. Còn cái tình của người đạo sĩ lại là sự giao cảm tâm linh, tâm hồn hòa hợp, là một trạng thái của tinh thần.

Thử hỏi, trong biết bao chuyện tình nơi nhân thế, có bao nhiêu mối tình vẫn gìn giữ được sự sáng trong, thuần khiết, vẹn nguyên cho đến tận giây phút cuối cùng? Mối tình ấy, vì quá trong trắng và thuần khiết, nên mới có thể siêu xuất khỏi cảnh giới của người thường. Cho nên, dẫu vẫn là tình, nhưng lại có thể hòa hợp với Thiền và tiến gần hơn tới Đạo.

Cuối cùng tôi cũng hiểu, vì sao khúc tình ca ấy lại có thể được viết trên nền nhạc của “Vân thủy thiền tâm”. Đó là bởi, chỉ cái tình thuần khiết mới có thể tiến gần hơn tới Thiền và Đạo. Cũng giống như những người tu luyện giữa đời thường, vẫn phải thành gia lập thất, lặn lội giữa dòng đời trong đục, đối mặt với đủ mọi cám dỗ của tình sắc chốn thế gian, mà vẫn giữ được tâm mình trọn vẹn trong Đạo.

Cuối cùng, mời bạn và tôi, chúng ta hãy cùng để tâm mình lắng lại qua nhạc khúc “Vân thủy thiền tâm”:

Tâm Minh

Exit mobile version