Đại Kỷ Nguyên

Uống nhãn dược khỏi bệnh liền thấy quỷ, quên ước hẹn năng lực bất vãn hồi

Sau khi thư sinh chữa khỏi tật về mắt, thế giới nhìn thấy trong mắt đã không còn như xưa (Ảnh: Internet)

Vào thời nhà Tống, nhiều thế hệ trong gia tộc họ Thẩm người Giang Nam đều sống ven đường tại Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng, Chiết Giang). Người dân vùng này thờ cúng miếu Đông Ngạc ở Chư Kỵ (nay là một phần của Chiết Giang) rất thành kính, hàng năm vào ngày 28 tháng 3, ngày sinh của Thần Thiên Tề đại đế, vị thần được thờ phụng tại miều Đông Ngạc, toàn bộ thợ thủ công và đạo sĩ phương thuật đều đến tập hợp dưới miếu, người đến người đi đều phải đi qua trước cổng nhà Thẩm Sinh. 

Vào năm Thiệu Hưng Ất Hợi (1155 SCN), có ba đạo sĩ sau khi tế tự xong quay trở lại núi Thiên Đài (nằm ở phía bắc thành Thiên Đài, Chiết Giang). Hôm đó bọn họ ghé vào nhà Thẩm Sinh để nghỉ ngơi, trong đó có một lão đạo sĩ y phục tả tơi, hai người còn lại thân thể tráng kiện hơn, mặc đồ cũng rất chỉnh tề, họ đều mang theo lương khô, còn có cả muỗng múc canh. Sau khi ba người ngồi đó một lúc, Thẩm Sinh đi ra gặp họ, ba người cúi đầu thi lễ thật sâu, rồi xin một ít nước canh để ăn cơm. Thẩm Sinh không những đáp ứng yêu cầu của họ, mà còn cho họ rau và rượu gạo, ba người đều rất vui vẻ.

Ăn xong bữa, lão đạo sĩ từ tốn nói với Thẩm Sinh: “Sau này cậu sẽ mắc bệnh về mắt.” Tiếp đó, lão cởi chiếc muỗng nhỏ trên thắt lưng, lấy ra ba viên thuốc đưa cho Thẩm Sinh và nói: “Khi nào phát bệnh có thể dùng thuốc này.” Thẩm Sinh ngỡ ngàng, chỉ biết đáp lại “À! À!”. Một lúc sau, khi chuẩn bị cáo từ, họ lại nói với Thẩm Sinh: “Trung thu chúng tôi sẽ lại đi qua đây, xin đừng quên đợi chúng tôi ở cổng này, nếu không thì chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nhau lần nữa.” Thẩm Sinh lại đáp “À, À”. Sau đó, chàng đặt những viên thuốc vào một góc khuất của Phật đường mà không nói cho người nhà biết, mà bản thân chàng cũng không tin lắm.

Đến mùa hè tháng sáu, thật là khổ cho Thẩm Sinh, hai mắt chàng sưng đỏ, đau đớn vô cùng, ăn ngủ không ngon. Mọi loại thuốc chàng có thể tìm được đều đã thử qua, nhưng bệnh mắt không những không khỏi mà còn biến trở nên nghiêm trọng. Lúc này chàng mới nhớ tới lời của lão đạo sĩ, nhưng lại quên mất đã để thuốc ở đâu. Tìm kiếm khắp nơi suốt một ngày, cuối cùng chàng cũng tìm thấy nó giữa đám bụi ở một góc khuất của Phật đường. Chàng ngâm một viên vào nước rồi dùng đũa đồng nhỏ vào mắt, chàng cảm thấy đôi mắt như băng tuyết, khí lạnh thấu lên não, rồi cơn đau mắt lập tức đình chỉ, sưng tấy cũng dần biến mất, đêm đó chàng được ngủ ngon, ngày hôm sau đôi mắt đã trở lại bình thường.

Nơi Thẩm Sinh sống cách thành thị mười lăm dặm. Ngoài thành có một cây cầu đá tên là Khóa Hồ, thời binh hỏa chiến loạn có rất nhiều người bị sát hại ở đây. Một ngày nọ, Thẩm Sinh cưỡi lừa tiến vào thành, buổi chiều trở về, khi đi qua cầu, chàng nhìn thấy trên cầu và dưới cầu đều có những người máu me be bét, có người không đầu đứt chi, cứ hai hoặc ba người dìu đỡ nhau, không biết rốt cuộc có bao nhiêu, đều là kỳ hình quái trạng. Chàng có thể nhìn thấy rất rõ ràng từng chi tiết.

Chàng sợ hãi đến mức ngã rớt từ trên lưng lừa xuống, khi đứng dậy, mắt vẫn nhìn thấy tình huống tương tự. Chàng vừa đi vừa run, khi về đến nhà thì trời đã chạng vạng. Đến tối, chàng bước ra khỏi nhà mình, ở bên ngoài, chàng nhìn thấy trên đồng ruộng và mặt nước đều giống như những gì bản thân đã thấy trên cầu, chàng sợ hãi vội vàng chạy như bay về nhà. Vài ngày sau, chàng lại vào thành, khi trở lại sớm hơn lần trước, nhưng chàng vẫn nhìn thấy cảnh tượng tương tự trên cầu. Chàng chỉ có thể bình tâm tĩnh khí đối đãi, nỗi sợ hãi cũng vơi đi phần nào. Từ đó trở đi, chàng thường xuyên nhìn thấy quỷ, dần dần quen dần và không còn sợ hãi nữa. Dân làng dần dần biết chàng có năng lực nhìn thấy quỷ, rất nhiều người thường đi hỏi chàng chuyện đó.

Tổng quản Hàn ở quận đó cũng mất đi đứa con trai yêu quý của mình trong thời binh loạn, ông thường xuyên hoài niệm khó quên. Ông nhờ Thẩm Sinh gọi con trai mình để hỏi thăm tình hình, Thẩm Sinh nói: “Tiểu nhân tôi đây chỉ nhìn thấy quỷ, nếu yêu cầu tôi chiêu hồn hoặc khu trục họ đi, thì tôi không có năng lực ấy.” Tổng quản Hàn nói: “Yêu cầu của tôi đối với cậu không phải là như vậy. Chỉ là sợ linh hồn của con trai tôi vẫn còn vương vấn ở đây, xin cậu hãy xem cho.” Tổng quản Hàn dẫn Thẩm Thịnh về nơi ở trước đây của ông ấy. Thẩm Sinh thoạt đầu cũng không biết mình nhìn thấy ai, chỉ là miêu tả giọng nói và dung mạo, dạng thức cử chỉ và y phục, so với con trai của tổng quản không sai một ly. Chàng nói, hồn ma đang đứng trong phòng, cả gia đình tổng quản Hàn rất đau buồn. Từ đó trở đi, có vô số người đến tìm Thẩm Sinh hỏi thăm về tình huống của người thân đã mất, hầu hết những câu họ hỏi đều giống như của Hàn gia, từ đó mọi người đều gọi Thẩm Sinh là “Thẩm kiến quỷ”.

Năm năm sau, năng lực nhìn thấy quỷ của Thẩm Thịnh dần dần biến mất, tình trạng này cũng không còn xuất hiện nữa. Khi nhắc đến lời đạo sĩ nói về việc hẹn gặp nhau vào dịp Trung thu, chàng đã quên mất, nhiều người thấy tiếc cho chàng.

Dưới đây là một câu chuyện khác về một đạo sĩ đã tặng quạt cho một thư sinh và bảo toàn tính mạng cho chàng.

Hành thiện bố thí được đạo nhân cứu mạng

Khi Đông Kinh của triều Tống (Biện Kinh) còn chưa thất thủ, có một chàng thư sinh từ một nơi rất xa đến nhập Thái Học. Thời gian còn dư sau khi học xong, anh chàng thường ngồi một mình trong quán trà trước cổng trường. Một ngày nọ, chàng nhìn thấy một đạo sĩ tay cầm một chiếc quạt đi hóa duyên, và chàng thư sinh đã đưa hết số tiền trong túi cho ông ấy, việc này cứ diễn ra như thế trong năm mươi sáu mươi ngày tiếp theo, sau đó chàng đã quen với việc đó và đạo sĩ cũng vậy. Đạo sĩ khi tiếp nhận của bố thí không bao giờ cảm thấy không hài lòng, còn chàng thư sinh khi cho ông ấy tiền cũng không bao giờ keo kiệt.

Một ngày nọ, đạo sĩ nói: “Mỗi ngày tôi đều nhận bố thí của quan nhân, hôm nay tôi sẽ hồi báo cậu, có thể vui lòng mua cho tôi một tách trà không?” Sau khi uống trà xong, đạo sĩ nói: “Tôi muốn nói với cậu một chuyện, xin cậu bảo mật. Quan nhân tốt nhất nên rời đi càng sớm càng tốt, chuyện tiền đồ không cần lại hỏi. Đông Kinh rất sớm sẽ máu chảy thành sông, e là tai họa này sẽ vạ lây cho cậu.”

Sau khi thư sinh trở về nơi ở, chàng thu dọn hành lý và chuẩn bị rời đi. Khi những người cùng trọ hỏi chàng chuyện gì đã xảy ra, chàng đã nói ra sự thật. Những người bạn đồng học của chàng hoặc cười nhạo, hoặc trêu chọc chàng, vì thế thư sinh lại do dự không quyết. Ngày hôm sau, chàng lại ngồi trong quán trà, đạo sĩ lại đến hóa duyên, nhìn thấy chàng, liền kinh ngạc hỏi: “Quan nhân sao còn chưa đi? Nếu không tin lời ta nói, ta e rằng sẽ quá muộn. Đông Kinh vài ngày nữa sẽ thất thủ, một nửa số người lai vãng trong thành đều sẽ biến thành hồn quỷ.” Thế là đạo sĩ dùng miếng vải che mắt thư sinh lại, để anh chàng nhìn vào đó, chỉ nhìn thấy những hành nhân hoặc không đầu hoặc không chân, quỷ hình dị trạng, biến huyễn bất nhất. Chàng thư sinh lúc này mới cảm thấy sợ hãi, lần này chàng không nói với những bạn đồng học nữa, sáng sớm hôm sau vội vã rời đi.

Khi thư sinh vừa bước ra khỏi thành, vị đạo sĩ đã ở đó, nói lời tống biệt chàng: “Bần đạo không có thứ gì để tống tiễn, chỉ có chiếc quạt này tặng cậu để che nắng. Những làng mạc và con đường cậu đi qua, nếu khi có người cười nhạo quạt thì họ chính là quỷ, nên đừng dừng lại, nếu khi không có ai cười quạt thì cậu có thể đi thong thả, khi đến một nơi nhất định, cậu có thể vứt chiếc quạt đi.” Nói xong, đạo sĩ cúi đầu thật sâu chào tạm biệt rồi rời đi. Khi thư sinh quay đầu nhìn lại, chàng không còn nhìn thấy bóng dáng vị đạo sĩ nữa, chàng cảm thấy rất kỳ quái.

Chàng thư sinh cầm cây quạt trên tay, vội vã bước đi, mỗi lần đi ngang qua một nơi đều thấy rất nhiều người đang đứng xem, có khi là hàng chục, có khi là ba mươi, năm mươi, thậm chí là hàng trăm người. Những người này tụ tập lại chỉ trỏ, cười nhạo chiếc quạt trên tay chàng. Mới đi được hai ngày, có người từ phía sau đuổi kịp và nói: “Đông Kinh đã bị công hãm rồi!”, thư sinh càng hoảng sợ và bước nhanh hơn. Đi thêm hai ngày nữa, số người cười nhạo chàng giảm dần, ba bốn ngày nữa thì không còn ai cười nhạo chàng nữa.

Chàng thư sinh nhớ lại lời của đạo sĩ và ném chiếc quạt xuống ruộng. Đi được nửa dặm, chàng thầm nghĩ, đạo sĩ đã tặng chiếc quạt này cho mình để cứu mạng, bây giờ mình đã thoát khỏi nguy hiểm, làm sao có thể quên nó mà vứt đi? Thế là chàng quay lại chỗ cũ để nhặt chiếc quạt, phát hiện chiếc quạt đã hóa thành một bộ xương.

Nguồn: “Di kiên chí”, “Hồ hải tân văn di tục chí”

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version