Đại Kỷ Nguyên

Tưởng Giới Thạch tới Đài Loan không chỉ mang theo vàng bạc, mà còn có những thứ vô cùng quý giá

Tầm nhìn xa trông rộng cùng với trí huệ, sự kiên nhẫn và cách trọng dụng nhân tài, có thể nói Tưởng Giới Thạch là người có công bảo vệ nền văn hóa 5.000 năm của dân tộc Trung Hoa, lưu giữ được nhiều di sản quý báu, và biến Đài Loan trở thành một trong những vùng đất trọng lễ nghĩa nhất thế giới.

Ông đã để lại câu nói bất hủ cho các thế hệ kế tiếp ở quốc đảo xinh đẹp này: “Đất nước bị diệt vong còn có thể phục hưng, văn hóa bị tiêu hủy thì tất cả sẽ bị hủy diệt“.

Xem trọng văn hóa truyền thống Trung Hoa

Năm 1949, Tưởng Giới Thạch dẫn theo 60 vạn quân dân rời Thần Châu, Đại Lục đến Đài Loan. Ông đã dùng hơn 20 năm cuối đời để phục hưng và xây dựng Trung Hoa Dân Quốc tại Đài Loan. Tưởng Giới Thạch phát biểu trong “Tứ Trung Toàn Hội” lần thứ 10 vào năm 1973:

“Chúng ta chịu đựng tất cả sự sỉ nhục, chống lại mọi sự công kích, chính là vì muốn phục hưng dân tộc Trung Hoa. Điều này cũng trở thành nguồn thúc đẩy sự tự tin và là ngọn đuốc sáng cổ vũ cho nhân loại đứng lên vì hy vọng tự do”.

Trong “Cha của tôi – Tưởng Trung Chính”, tướng quân Tưởng Vĩ Quốc có nhắc đến năm đại báu vật mà Tưởng Giới Thạch mang đến Đài Loan. Đó là:

Trung Hoa Dân Quốc Hiến Pháp, 80 tấn Hoàng Kim, 120 tấn Bạch Ngân, 6.800 bậc trí thức tinh anh trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, giáo dục, văn học, và các chuyên gia chính trị, đạo đức, 60 vạn quân nhân, binh công, nhân sĩ và công thương nghĩa dân và 60 vạn văn vật quốc bảo.

Những năm gần đây, truyền thông cũng như dư luận tại Trung Quốc và Đài Loan đều bàn luận nhiều về chủ đề “Tưởng Giới Thạch đã mang theo những gì ra khỏi Đại Lục?”. Đa phần mọi người đều chỉ nhắc đến vàng bạc hay các văn vật Quốc bảo mà ít người nhắc đến giới tinh hoa văn học và nghệ thuật mà ông mang lại, cũng như quyết tâm khôi phục văn hoá truyền thống Trung Hoa của ông.

Ngày 25 tháng 10 năm 1946, vợ chồng Tưởng Giới Thạch đứng ở Trung Sơn Đường, Đài Bắc nhận sự hoan hô của dân chúng. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Vào thời điểm đó, Đài Loan đã phải chịu sự thống trị của Nhật Bản hơn nửa thế kỷ. Quân chiếm đóng Nhật Bản đã tiến hành thống trị thực dân và áp dụng chế độ giáo dục “Hoàng dân hóa” đối với dân chúng, bao gồm việc phế bỏ giáo dục bằng tiếng Hán, loại bỏ báo chí tiếng Hán và bắt người dân phải thay tên đổi họ bằng tiếng Nhật. Kết quả là người Đài Loan ngày càng xa cách với văn hóa Trung Hoa.

Khi Tưởng Giới Thạch đến Đài Loan, ông đã lấy đạo đức văn hóa truyền thống Trung Hoa làm nền tảng căn bản trong giáo dục, đặc biệt xem trọng giáo dục văn chương và lịch sử. Để nâng cao ý thức bản sắc dân tộc, ông nhấn mạnh đến “Giáo dục tinh thần dân tộc” và “Giáo dục đạo đức”. Trong “Dân sinh chủ nghĩa dục nhạc lưỡng thiên bổ thuật” ông đề cập đến:

“Nội dung của nền giáo dục Trung Hoa cổ xưa của chúng ta bao gồm lục nghệ (sáu tài nghệ): Lễ, nhạc, xạ, ngự, thư, số. Giáo dục lục nghệ có công dụng huấn luyện một người thân tâm cân bằng, trí huệ và tứ chi đều sáng suốt và khỏe mạnh, tu dưỡng, khiêm tốn, tài đức và trí tuệ, xây dựng một đất nước mà toàn dân có thể hoàn toàn hợp nhất văn võ”.

“Quan trọng hơn là có thể hiểu rõ tập tính, luân lý của Trung Quốc với sáu điều chính đức: Phụ từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ ái, phu nghĩa, phụ thuận”.

Năm 1957, Tổng Thống Tưởng Giới Thạch cùng các học sinh của Lễ, Dật, Nhạc chụp ảnh chung. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Thời Đài Loan là thuộc địa của Nhật Bản, toàn bộ hệ thống trường học bị cấm không được dạy học sinh học lịch sử Trung Quốc. Nhưng ngay khi Tưởng Giới Thạch lên nắm quyền, ông đã sửa đổi hoàn toàn chương trình giảng dạy ở tất cả các cấp trường học tại Đài Loan, thổi một luồng sinh khí mới vào các nhà trường trong việc phục hưng văn hóa truyền thống Trung Hoa, bổ sung các giờ học về “Đời sống và luân lý”, “Giáo trình cơ bản về Văn hóa Trung Hoa”…

Tưởng Giới Thạch chỉ rõ: “Văn chương dân tộc là nền tảng của văn hóa, không chỉ học trò thuộc ban xã hội mà cả ban tự nhiên cũng phải chú trọng”. Vì vậy, chương trình giảng dạy khuyến khích học sinh tiểu học và trung học đọc các tác phẩm văn hóa kinh điển như Đường thi Tống từ, giúp học sinh tu dưỡng cổ văn và bồi dưỡng văn hóa truyền thống. “Lễ nghĩa liêm sỉ” trở thành giáo huấn chung của các trường học, làm cho văn hóa truyền thống có nền tảng vững chắc và ngày một phát triển rực rỡ tại Đài Loan.

Trung Chính kỷ niệm đường ở Đài Loan, “Phòng khách trong phủ Tổng Thống của Tưởng Giới Thạch”. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Vận động phục hưng văn hóa Trung Hoa

Năm 1966, Đảng Cộng sản Trung Quốc phát động Cuộc Cách mạng Văn hóa, Hồng Vệ Binh ở Đại Lục giương cao khẩu hiệu “Phá tứ cựu, lập tứ tân” đi khắp nơi đánh đập, cướp đoạt người dân và phá hủy, đốt cháy các di tích đền chùa, miếu mạo. Văn hóa Trung Hoa phải đối mặt với một kiếp nạn lớn chưa từng thấy.

Cũng thời gian này, để bảo tồn văn hóa Trung Hoa và phản đối hành động phá hoại văn hóa truyền thống dân tộc của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hơn 1.500 nhân sĩ, bao gồm những vị thuộc tầng lớp tinh anh văn hóa như Tôn Khoa, Vương Vân Ngũ, Trần Lập Phu, Trần Khải Thiên, Khổng Đức Thành, Trương Tri Bản… đã cùng viết thư cho Viện Hành Chính của Đài Loan nhằm phát động cuộc “Vận động phục hưng văn hóa Trung Hoa”.

Tháng 7 năm 1967, Ủy ban Xúc tiến Chiến dịch “Vận động phục hưng văn hóa Trung Hoa” đã chính thức ra mắt, ông Tưởng Giới Thạch đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch.

Năm 1966, ông Tưởng Giới Thạch ở Trung Sơn Đường tuyên thệ nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ tư của Trung Hoa Dân Quốc. Nhiếp ảnh Hồ Sùng Hiền. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Thời kỳ đầu của cuộc vận động phục hưng Văn hóa, Tưởng Giới Thạch đã mời một trong bốn Sử gia nổi tiếng là Tiền Mục đến Đài Loan giảng dạy. Ngoài ra, ông còn kêu gọi giới tinh anh trong lĩnh vực Văn học và Lịch sử dịch một lượng lớn tác phẩm nổi tiếng thời Trung Hoa cổ xưa, ví dụ như Cổ Tịch, Đồ Thư, Luận Thuật của các bậc thánh hiền… Và cuối cùng, ông áp dụng chế độ giáo dục bắt buộc đối với toàn dân trong 9 năm, trong đó quan trọng nhất phải kể đến là “Giáo dục âm nhạc”.

Chuyên gia âm nhạc, giáo sư Hà Minh Trung cũng từng nhắc đến những điều mà ông nghe được, thấy được khi ở bên cạnh Tưởng Giới Thạch trong cuốn sách “Văn hóa Trung Hoa và giáo dục âm nhạc của Trung Quốc”:

“Kể từ khi Ông Tưởng Giới Thạch phục chức ở Đài Loan, ông đã liên tục đi thăm các vị nguyên thủ quốc gia như Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, Tổng thống Đại Hàn Dân Quốc Lý Thừa Vãn, Tổng thống Philippines Carlos Polistico García,… Mỗi lần có yến tiệc, ông chỉ mời duy nhất Quốc Nhạc Đoàn biểu diễn.

Tưởng Giới Thạch mặc quân phục tiêu chuẩn, Dân Quốc năm 29 (năm 1940). (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung).

Trước khi Quốc Nhạc Đoàn biểu diễn, Tưởng Công sẽ giới thiệu, giải thích sự tao nhã, ưu mỹ của âm nhạc Trung Hoa truyền thống cho các nguyên thủ các nước. Điều khiến mọi người kính phục hơn nữa là sau khi tan tiệc, ông còn mời những vị khách quý đến Hậu đài để chiêm ngưỡng các loại nhạc cụ mà Quốc Nhạc Đoàn sử dụng. Điều này cho thấy sự xem trọng và yêu mến của Tưởng Công với nền âm nhạc của quốc gia mình”.

Tưởng Giới Thạch còn chính tay sửa chữa và cải chính “Dân sinh chủ nghĩa dục nhạc lưỡng thiên bổ thuật”, trong đó có nhắc đến:

“Chúng ta cần phải biết âm nhạc có khả năng thể hiện sự thịnh suy của dân tộc và hưng vong của quốc gia. Cổ nhân có câu “Vong quốc chi âm ai dĩ tư”. Trần tướng vong thì có “Ngọc Thụ Hậu Đình Hoa”, Tề tướng vong thì có “Bạn Lữ Khúc”, đều là những âm thanh vong quốc, nhưng lại giúp chúng ta rút ra bài học từ đó. Vì vậy, trong sự nghiệp “cách mạng kiến quốc”, chúng ta nhất định phải bồi dưỡng chính khí dân tộc, cổ vũ tinh thần chiến đấu. Dùng khí khái mạnh mẽ, phong độ quang minh trung thực, chú ý đến âm nhạc và ca khúc, để sửa chữa âm nhạc đồi bại, và các ca khúc dâm mỹ…”.

“Từ những điều trên, chúng ta biết được âm nhạc không phải là trang sức của văn hóa, cũng không phải mang lại niềm vui cho thiểu số người trong giới văn hóa. m nhạc là thang thuốc có hiệu quả kỳ diệu bồi bổ sức khỏe tâm hồn của người dân. Thang thuốc đặc biệt hiệu quả này không thể giao phó cho các nhà tổ chức giải trí thương mại, mà bắt buộc phải đặt vào vị trí quan trọng trong nền giáo dục Quốc dân.

Do đó, chính quyền trung ương và địa phương nên lập kế hoạch tỉ mỉ. Ngoài các khóa học âm nhạc trong các trường tiểu học và trung học, ngành âm nhạc trong các trường đại học, thì mỗi huyện đều phải có một Viện Âm Nhạc nhằm cung cấp cho người dân một nơi thưởng thức và biểu diễn âm nhạc. Những thành phố lớn càng cần có một Viện Ca Kịch với trang thiết bị hoàn thiện. Hí kịch và Cải lương của Trung Hoa truyền thống cần phải được duy trì và củng cố vững chắc, giúp đóng góp cho nền “Giáo dục luân lý Quốc dân” và “Giáo dục thẩm mỹ”.

Bảo tàng Cung điện Quốc gia ở Đài Bắc. (Ảnh: SAM YEH/AFP/Getty Images)

Ngày nay, nhìn chung người dân Đài Loan đều có trình độ âm nhạc nhất định. Ở mỗi địa phương đều có các Kịch Viện cho dân chúng đến thưởng thức âm nhạc. Từ điểm này không thể không nhắc đến công lao của Tưởng Giới Thạch trong việc thiết lập, xây dựng “giáo dục âm nhạc” tại Đài Loan.

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Khải Phong biên dịch

Exit mobile version