Đại Kỷ Nguyên

Từ bức họa “Washington vượt sông Delaware” suy ngẫm về tự do và dũng khí

Mãi luôn có những người sẽ khích lệ chúng ta thực hiện ước mơ của mình trong cuộc sống. Một số người muốn lập nghiệp; một số muốn trở thành nhà toán học hoặc nhà khoa học; một số muốn biểu diễn âm nhạc, diễn xuất hoặc sáng tác. Tuy nhiên, khi chúng ta tiến bước trên con đường ước mơ, chúng ta thường gặp phải trùng trùng khó khăn.

Gần đây, tôi vô tình bắt gặp một tác phẩm hội họa mà tôi từng thấy khi sống ở New York, đó là bức “Washington vượt sông Delaware” của Emanuel Leutze. Sự miêu tả bằng hội họa của Leutze khiến tôi trầm tư về tính trọng yếu của tự do, đồng thời nó cũng khiến tôi suy ngẫm về dũng khí – thứ vô cùng trọng yếu trong quá trình hướng tới những thành tựu vĩ đại.

Nguồn cảm hứng của Leutze

Mặc dù được công nhận là một họa sĩ người Mỹ, nhưng Leutze lại sinh ra ở Đức. Ông sống với cha ở Philadelphia từ khi còn nhỏ và không trở lại Đức cho đến năm 25 tuổi để theo học tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia ở Düsseldorf. Tuy nhiên, lần này khi trở lại Đức, ông sớm đã quen với tinh thần tự do được hầu hết người Mỹ sùng thượng.

Trở lại nước Đức, những hạn chế về quyền tự do của chính quyền địa phương đã thúc đẩy Leutze bắt đầu “một số lượng lớn các tác phẩm sáng tác về đề tài George Washington, để tỏ lòng thành kính tri ân đối với tinh thần mẫu mực của Tuyên ngôn Độc lập của Bắc Mỹ, nơi từng là thuộc địa của thực dân Anh”. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York đã viết: “Bức họa ‘Washington vượt sông Delaware’ đã khôi phục một kiệt tác của nước Mỹ”.

Leutze quyết định dùng hết khả năng miêu tả càng chuẩn xác càng tốt trường cảnh lịch sử đương thời khi Washington vượt sông Delaware. Washington đã chọn cách tập kích những người Hessians (binh sĩ Đức được Anh hỗ trợ) vào đêm Giáng sinh. Trước đó, quân Mỹ đã liên tiếp rút lui. Tuy nhiên, hồi cố lại, trận chiến vào đêm Giáng sinh năm 1776 là một bước ngoặt trong toàn bộ cuộc chiến tranh giành độc lập của nước Mỹ.

Lấy cảm hứng từ câu chuyện này, Leutze đã thuê những người bạn Mỹ của mình làm người mẫu cho các nhân vật trong tranh, chẳng hạn như đại tá James Monroe cầm cờ, và tướng Nathanael Greene đang tựa tay vào thành thuyền. “Những người còn lại là những ngư dân và cư binh trung thành, những người đã chi viện hết mình để hỗ trợ cuộc vượt sông nguy hiểm này”, trang web viết.

Leutze thậm chí còn xin được một bản sao của chế phục từ Văn phòng Sáng chế Hoa Kỳ để có thể mô tả hình ảnh một cách chính xác nhất có thể. Đồng thời, ông cũng tham khảo bức tượng bán thân của Washington do Jean-Antoine Houdon điêu khắc để mô tả hình tượng của Washington.

Tác phẩm điêu khắc “George Washington” của Jean-Antoine Houdon khoảng năm 1786 tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc gia, Washington, DC. (Ảnh: Phạm vi công cộng)

Leutze đã vẽ hai phiên bản khác nhau của “Washington vượt sông Delaware”. Phiên bản đầu tiên bị cháy trong một trận hỏa hoạn vào năm 1850 và bị hư hại trong Thế chiến thứ hai. Bức họa thứ hai hiện đang ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

“Bức họa này được công chúng rất hoan nghênh – do quy mô, chủ đề và tính biểu tượng của bức họa đã in sâu vào tâm trí người Mỹ vào giữa thế kỷ 19”, bảo tàng Metropolitan cho biết. Và bức họa này sẽ tiếp tục tồn tại như “một tác phẩm kinh điển của lịch sử nghệ thuật Hoa Kỳ, và là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất trong các viện bảo tàng” còn tồn tại.

“Washington vượt sông Delaware”

Trong bức tranh, Leutze đã sắp xếp để Washington là tâm điểm của tầm nhìn, với thanh kiếm trong vỏ nhưng lộ ra ngoài. Con thuyền lao về phía trước hướng trái, vị tướng quân anh dũng đứng mũi tàu, vọng hướng hiểm nguy tại tiền phương.

Ba người đàn ông chèo thuyền ở mũi tàu với hai người quay hướng ra phía sau hiệp trợ con thuyền ra khơi trong làn nước đầy băng lạnh giá. Những người ngồi ở đoạn giữa thuyền trông có vẻ hơi âu lo, cho thấy mức độ nguy hiểm của cuộc đột kích lần này, đồng thời cũng làm nổi bật sự bình tĩnh và tự tin của Washington.

Chi tiết bức “Washington vượt sông Delaware” của Emmanuel Leutze, 1851. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (ảnh: Phạm vi công cộng)

Đứng sau Washington là đại tá Monroe cầm cờ, tướng Green tựa vào thành tàu. Họ toàn tâm chăm chú nhìn vào các mục tiêu tương ứng của họ.

Chi tiết bức “Washington Crossing the Delaware” của Emmanuel Leutze, 1851. Sơn dầu trên vải canvas. Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan, New York. (ảnh: Phạm vi công cộng)

Ngoài con tàu này, còn có một số con tàu ở phía xa đồng hành với Washington trên sông Delaware băng giá. Leutze đã sử dụng các màu lạnh ở đây — xanh lam, xanh lục, tím — để khung cảnh thêm phần lạnh lẽo.

Washington băng qua sông Delaware vào ban đêm, vì vậy Leutze đã chọn vẽ Sao Kim ở phía trên bên trái của màn hình, được sử dụng để ngụ ý rằng bình minh đang đến.

Theo Bảo tàng Metropolitan, “các tinh tú trên bầu trời đóng một vai trò trọng yếu trong bố cục của bức tranh, bất luận là để thiết định thời gian của sự kiện xảy ra vài giờ trước bình minh, đồng thời cũng tượng trưng cho ý nghĩa rằng, giữa những ngày đen tối nhất của cuộc Cách mạng Mỹ, buổi bình minh của hy vọng sắp ló rạng”.

Vượt qua trùng trùng gian nan

Ban đầu, quân đội Mỹ liên tục phải rút lui trong Chiến tranh giành độc lập, quân Anh tỏ ra phi thường mạnh mẽ và hiệu quả. Đối mặt với những khó khăn đó, quốc gia tân hưng này có thể chọn sửa lại nội dung Tuyên ngôn Độc lập và từ bỏ, nhưng họ đã quyết không bỏ cuộc mà đối mặt với trùng trùng khó khăn, cuối cùng đổi lại, họ đã thành công và giành được nền tự do.

Tự do và thành công rất trân quý vì chúng không dễ dàng có được; chúng đòi hỏi sự hy sinh, cũng như sự bình tĩnh, tự tin và dũng khí mà Washington có được khi trải qua trùng trùng những khó khăn. Washington khi đối diện với những khó nạn trước mắt, ông không trốn tránh hay cảm thấy lo lắng. Ông ấy có một mục tiêu trong tim – một mục tiêu theo đuổi tự do – và ý nghĩa của việc hiện thực hóa mục tiêu này tựa như đã tiếp thêm dũng khí cho ông.

Điều thú vị là ở quốc gia được thiết lập dựa trên quyền tự do cá nhân này, Washington không cách nào tự mình hoàn thành nhiệm vụ này. Ông ấy cần phải làm việc với tất cả những đồng sự có mặt trong bức họa để hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả họ phải nỗ lực cùng nhau mới có thể xác lập và bảo trì quyền tự do.

Mọi binh sĩ đều phải đối diện với nguy hiểm và dòng sông lạnh băng ở trước mắt. Hành trình của những chiến thuyền và điểm đến trong đêm chất đầy những nguy cơ, khó khăn và phức tạp. Ngay cả những khoảng màu tối ở phía bên phải bầu trời cũng ám thị những thử thách mà những binh sĩ ấy sẽ trải qua.

Nhưng điều quan trọng hơn là mục tiêu tối chung: Tự do, được thể hiện bằng ngôi Sao Kim trong bức họa. Không để khó khăn cản trở họ tiến tới, những binh sĩ đã hướng về phía Sao Kim mà tiến, để đi tới thành công và tự do.

Khi chúng ta muốn hiện thực hóa được mục tiêu sở tại của mình trong cuộc sống, bức họa này và những sự kiện mà nó ghi lại có thể nhắc nhở chúng ta về lòng dũng cảm để vượt qua gian khó, và sự lý giải sâu sắc về ý nghĩa của nền tự do.

Giới thiệu về tác giả:
Eric Bess là một nghệ sĩ hiện thực người Mỹ và hiện đang là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).

Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version