Đại Kỷ Nguyên

Từ 8 đồng xu kỳ lạ bảo vệ bé trai đêm giao thừa và 4 điều chưa biết về tục lì xì đầu năm

Tục lì xì vốn là một trong những nét văn hóa đặc sắc trong Tết nguyên đán tại một số quốc gia châu Á. Dù thời gian trôi qua, phong tục đón Tết có chút thay đổi nhưng mừng tuổi lì xì vẫn được gìn giữ và duy trì.

Nguồn gốc của tục lệ lì xì đầu năm mới

Tết Nguyên đán là một trong những dịp quan trọng đối với người Việt Nam, đó là lúc người người, nhà nhà cùng sum vầy, nhắc lại chuyện năm cũ và hân hoan chào năm mới. Dù có ở phương trời nào thì đây cũng là ngày con cháu trở về bên gia đình, thăm ông bà, bố mẹ để đoàn tụ, cùng nhau hưởng một cái Tết trọn vẹn.

Tặng tiền mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) vào những ngày đầu năm đã trở thành nét văn hóa quen thuộc của người Việt với ý nghĩa cầu mong niềm vui và sự may mắn trong dịp đầu xuân năm mới. Vào những ngày này, người lớn thường bỏ một ít tiền vào trong phong bao màu đỏ với hoa văn đẹp mắt để tặng cho trẻ con.

Lì xì đầu năm mới luôn là điều mà mọi đứa trẻ đều háo hức và mong đợi.

Tục lệ này đã có từ rất lâu và có xuất xứ từ Trung Quốc. Tương truyền ở Đông Hải có một cây đào rất to, có nhiều yêu quái sống trong bông cây, nào là hồ ly tinh, chuột tinh, sói già.. và luôn nhăm nhe phóng ra ngoài để hại người. Nhưng bình thường luôn có các thần tiên ở hạ giới canh chừng nên không yêu quái nào thoát ra được.

Tới đêm giao thừa, các vị thần đều trở về thiên cung để phân lại nhiệm vụ của mình. Nhân cơ hội đó, đám yêu quái xuất hiện nơi con người ở để quấy nhiễu. Trong số đó có một con yêu quái tên là Sui chuyên đi xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến đám trẻ giật mình, khóc thét, lên cơn sốt cao và bị ngớ ngẩn. Điều đó làm cho các gia đình đều rất lo lắng, phải thức canh cả đêm để ngăn yêu quái không hại con mình.

Năm đó có gia đình họ Quan kia ngoài 50 mới sinh được mụn con trai.  Vào đêm giao thừa, có 8 vị tiên đi qua và biết trước cậu bé nhà họ Quan sẽ bị yêu quái Tuy hại. Xót thương cho sinh mệnh bé nhỏ, 8 vị tiên liền hóa thành 8 đồng tiền vàng bên cạnh cậu bé. Cha mẹ cậu bé nhìn thấy 8 đồng vàng lấp lánh bên cạnh con mình liền lấy giấy đỏ bọc lại và đặt dưới gối của con. Đến nửa đêm, một cơn gió lạnh thổi ùa vào tắt đèn trong nhà, cùng lúc đó con yêu quái Sui vươn tay ra định xoa đầu cậu bé. Ngay lập tức, một luồng sáng bạc lóe lên từ dưới gối của đứa bé, khiến con yếu quái khiếp sợ và bỏ chạy.

Hai vợ chồng nhà họ Quan vô cùng mừng rỡ, chia sẻ lại với những người hàng xóm xung quanh. Người dân ai ai cũng vui mừng và học làm theo. Kể từ đó, cứ mỗi khi đến dịp giao thừa, người ta lại bỏ những đồng tiền vào chiếc túi đỏ tặng cho trẻ con, và tiền đó được gọi là tiền mừng tuổi.

Ý nghĩa của tục lì xì đầu năm

Từ “lì xì” được cho là có nguồn gốc từ tiếng Trung Quốc, là cách đọc của từ “lợi thị” hoặc “lợi sự” với nghĩa gốc là một món đồ hay món tiền mang đến lợi lộc, vận tốt, vận may. Thuở xưa ở Việt Nam, mừng tuổi chỉ là những đồng tiền xu bỏ trong phong bao giấy hồng hoặc trang trí vàng son bắt mắt. Những đứa trẻ được nhận mừng tuổi luôn vui cười và tiếng cười giòn tan này có thể xua đuổi điều xấu. Do vậy, tục mừng tuổi còn mang ý nghĩa cầu may, cầu phúc trong năm mới.

Mừng tuổi không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài trong những ngày mùng 2, mùng 3 và cho đến mùng 10. Cho tới ngày nay, không chỉ có người lớn tuổi mới mừng tuổi cho những người ít tuổi hơn mình để lấy may mà những người trẻ tuổi, đã có gia đình, đã có thu nhập thì có thể mừng ông bà, cha mẹ để cầu sức khỏe bình an.

Phong bao lì xì cũng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa sâu xa và tốt đẹp. Chúng tượng trưng cho sự kín đáo, không tranh thua so bì, lại thường được dùng màu đỏ tượng trưng cho may mắn, như ý cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm.

Những bao lì xì đỏ là tượng trưng cho những lời chúc tốt đẹp và may mắn.

Số tiền trong mỗi phong bao dù ít hay nhiều đều được coi là món quà tinh thần trong dịp đầu năm, quan trọng nhất là thông điệp mà nó gửi gắm tới người nhận với mong muốn cầu một năm mới tốt đẹp và sung túc. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại ngày nay, các bậc cha mẹ cần chú ý trong việc giáo dục cho con trẻ, để tránh việc nhiều trẻ em cảm thấy tự hào khi kiếm được nhiều tiền mừng tuổi hay sử dụng chúng sai mục đích.

Một số điều cấm kỵ khi tặng bao lì xì

Theo quan niệm dân gian, việc tặng tiền mừng tuổi cũng cần phải chú ý một số điểm dưới đây để thể hiện sự tôn trọng với người tặng và mang ý nghĩa may mắn trọn vẹn:

1. Bao lì xì nên để số tiền chẵn để tượng trưng cho ý nghĩa tốt lành

Số tiền trong phong bao lì xì nên để số chẵn hơn là số lẻ bởi điều đó đem lại may mắn nhiều hơn.

2. Nhét tiền mới trong phong bao lì xì

Đầu năm mới nên điều mong ước cũng là sự khởi đầu mới, do vậy không nên sử dụng tiền cũ để mừng tuổi. Điều này cũng thể hiện sự thành tâm cầu chúc của người tặng dành cho người nhận, bỏ qua những điều không hay của năm cũ.

3. Không sử dụng bao lì xì cũ

Việc sử dụng lại bao lì xì cũ không chỉ gây nên tình huống dở khóc dở cười vì năm mới đã khác với năm cũ mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng với người nhận.

Lì xì đầu năm mới là một nét văn hóa đẹp và không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Việt Nam.

4. Không nên mở phong bao lì xì trước mặt người tặng

Trong văn hóa Á Đông, mở bất cứ món quà nào trước mặt người tặng cũng được coi là thiếu lịch sự. Tương tự như vậy, bạn nên dặn trẻ không nên mở ngay phong bao lì xì trước mặt người tặng. Đã có không ít trường hợp cả hai bên phụ huynh đều xấu hổ khi bé vùng vằng vì tiền lì xì quá ít.

Trải qua bao nhiêu năm, tục mừng tuổi vẫn được gìn giữ và sự mong mỏi nhận được chiếc bao lì xì trong ngày đầu năm vẫn không thay đổi. Những chiếc bao lì xì đã trở thành những chiếc cầu nối gắn kết mọi người, thể hiện tình cảm, sự hy vọng vào những điều ấm áp, an lành và nhiều may mắn trong dịp năm mới. Dù thời đại có biến đổi thế nào, thì nét văn hóa đẹp này vẫn luôn in sâu trong tâm khảm người Việt, lưu giữ lại những ký ức khó quên và gợi lên những hy vọng vào một tương lai mới.

Ảnh: kenh14.vn, khampha
Thủy Tiên tổng hợp

Xem thêm:

Exit mobile version