Oisín hay Ossian là một nhà thơ nổi tiếng trong các truyền thuyết dân gian của Ireland và Scotland. Ông là một chiến binh dũng cảm, và cũng là người dẫn trong các câu chuyện thần thoại của xứ sở này. Cũng giống như nhà thơ Homer nổi tiếng, Oisín bị mù, nhưng những vần thơ được ông ngâm lên lại có một sức lan truyền mạnh mẽ.
Ngày xửa ngày xưa, ở phía Tây Ireland có một hòn đảo thần bí, nơi con người được sinh sống trong hạnh phúc, trẻ mãi không già. Người ta gọi đó là xứ sở thần tiên Tír Na nÓg. Cư dân tại đây chưa từng phải chịu đựng bất kể đau đớn hay bệnh tật nào. Những vườn cây ăn trái luôn trĩu quả, và rừng luôn cho con người loại mật ong thơm ngon nhất. Đã từng có rất nhiều người lên đường tìm kiếm thiên đường Tír Na nÓg, nhưng chưa có một ai tận mắt nhìn thấy hòn đảo cả. Tương truyền rằng, để tới được Tír Na nÓg, người ta phải vượt biển và băng qua những con sóng lớn, rồi cứ đi mãi cho đến khi hòn đảo nổi lên đón nhận họ.
Nhân vật chính trong truyền thuyết về Tír Na nÓg là chàng Oisín, một chiến binh dũng cảm và một nhà thơ thiên phú, người đi theo bảo vệ nhà vua Ireland. Lần đi săn nọ, Oisín tình cờ bắt gặp nàng Niamh xinh đẹp với mái tóc vàng óng ả cưỡi trên con ngựa trắng thần kỳ trong ánh hào quang rực rỡ. Oisín yêu say đắm người thiếu nữ từ cái nhìn đầu tiên. Cô gái cưỡi ngựa tới gần và hỏi rằng, chàng có biết về nhà thơ Oisín nổi tiếng hay không, vì cô muốn đưa Oisín đi cùng với mình tới xứ thần tiên Tír Na nÓg, nơi con người sống mà không hề biết đến đau khổ.
Oisín rất gắn bó với cha mình và không muốn chia tay ông, nhưng chàng cũng rất yêu Niamh, và tò mò về thiên đường mà cô kể. Chính vì thế, Oisín đã đồng ý đi cùng Niamh tới Tír Na nÓg sau khi hứa với cha rằng mình sẽ sớm trở về. Cưỡi trên con ngựa thần băng qua biển khơi, Oisín được Niamh đưa tới Tír Na nÓg. Mọi cư dân nơi đây đều vô cùng hạnh phúc, trẻ trung và xinh đẹp. Chàng bắt gặp một bà lão vừa được đưa tới đây, người kể rằng mình ngày một trẻ ra sau khi bước chân lên hòn đảo của sự sống.
Mặc dù hạnh phúc sinh sống cùng nàng Niamh trên đảo Tír Na nÓg, một ngày nọ, Oisín chợt cảm thấy trống vắng… Chàng nhớ tới cha, nhớ tới những người đồng bạn, và nhớ tới xứ sở Ireland quê nhà. Oisín đã hỏi Niamh rằng mình có thể trở về thăm cha được không, nhưng mới đầu nàng không đồng ý. Tuy nhiên, sau khi thấy Oisín buồn bã không vui ở một xứ sở chưa bao giờ vắng bóng tiếng cười, Niamh đã để chàng được cưỡi con ngựa thần trắng về thăm gia đình, với một điều kiện duy nhất: Oisín không được chạm vào mặt đất. Nếu điều đó xảy ra, chàng sẽ không bao giờ có thể nhìn thấy xứ Tír Na nÓg một lần nữa.
Oisín hồi hộp trở về Ireland, nhưng khi chàng tới nơi, mọi thứ đã thay đổi: đồng bạn đã không còn và ngôi nhà của chàng thì phủ kín những cành thường xuân dại. Oisín không thể nào nhận ra được quê nhà nữa, vì thế chàng quyết định quay trở lại Tír Na nÓg. Trên đường quay về, Oisín bắt gặp một vài người già đang cố gắng dọn một tảng đá ven đường. Họ kể với chàng rằng vương quốc mà chàng hỏi thăm cũng như những con người mà chàng nhắc đến chỉ là một truyền thuyết. Oisín cúi xuống giúp họ đẩy tảng đá, và vô ý ngã khỏi con ngựa thần.
Ngay khi Oisín chạm phải mặt đất, chàng lập tức già đi 300 tuổi. Oisín không biết rằng, mặc dù chàng mới sống tại Tír Na nÓg chưa được bao lâu nhưng ở Ireland, 300 năm đã trôi qua chỉ trong nháy mắt. Thời gian dường như không tồn tại ở xứ sở thiên đường, đúng như nàng Niamh đã cảnh báo chàng. Thế là, ông già mù Oisín không thể gặp người thân, cũng không thể trở về gặp nàng Niamh được nữa…
Sự tồn tại của Oisín đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong giới học thuật, và một số nhà phê bình văn học cho rằng, ông đã được nhà thơ Scotland James Macpherson tạo dựng nên dựa trên các truyền thuyết dân gian vào thế kỷ 18. Nhưng dù thế nào đi nữa, không ai có thể phủ nhận sức ảnh hưởng mạnh mẽ của những vần thơ đó. Ngay đến Napoleon cũng mang theo bên mình những dòng thơ của Oisín vào chiến trận.
Sự chênh lệch thời gian trong truyền thuyết “Oisín và xứ sở thần tiên Tír Na nÓg” có rất nhiều điểm tương đồng với những câu truyện ở các nền văn minh khác trên thế giới. Chúng ta đã từng bắt gặp “Urashima Tarō xuống thủy cung” trong văn hóa Nhật Bản, “Nhà vua Herla xứ Britons ghé thăm địa ngục” trong truyền thuyết nước Anh, hay ba phút thiên đàng, trăm năm trần gian của nàng công chúa Helga trong truyện cổ Andersen đến từ Đan Mạch.
Quang Minh
Xem thêm: