Đại Kỷ Nguyên

Trùng Quang Đế – Thiên anh hùng ca cuối cùng của hào khí Đông A (Kỳ 2)

Trùng Quang Đế không phải là người quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không phải là anh hùng bách chiến bách thắng mà người ta hay ca ngợi. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh nhưng vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước bằng hết sức lực của mình…

Tiếp theo:  Kỳ 1

Ai hay quốc vận còn hưng phế, chớ đem thành bại luận anh hùng

Nóng lòng trước cảnh tàn ngược của giặc Minh đang giày xéo quê hương và tàn sát dân ta nên vua Trùng Quang gấp rút chuẩn bị đánh ra Bắc. Mặc dù theo thực tế mà xét thì lực lượng hậu Trần lúc đó còn quá mỏng yếu và chưa có vũ khí trang bị cũng như khả năng chỉ huy và tác chiến tốt. Họ cũng chưa học được cách tận dụng và liên lạc với các cánh quân khởi nghĩa khác trong cả nước.

Năm 1410, dẫu mọi việc vẫn chưa chín muồi, Trùng Quang Đế và Nguyễn Cảnh Dị vẫn quyết định dẫn quân Bắc tiến. Mới đầu chiến sự thuận lợi một chút khi quân Hậu Trần tới La Châu, Hạ Hồng, đánh bại quân Minh do Đô đốc thiêm sự Giang Hạo chỉ huy. Thừa thắng, nhà vua truy kích đến bến Bình Than và đốt phá thuyền trại của người Minh.

Đoàn quân Hậu Trần được nhiều hào kiệt hưởng ứng, nổi bật nhất là Đồng Mặc người Thanh Hóa, giữ chức Lỗ Lược tướng quân, đã đánh bại và bắt chỉ huy quân Minh là Tả Địch. Đồng Mặc được Trùng Quang Đế giao cai quản phủ Thanh Hóa.

Ngoài ra còn có Nguyễn Ngân Hà, Lê Nhị, Lê Khang, Đỗ Cối và Nguyễn Hiệu chỉ huy dân chúng đánh quân Minh tổn thất rất nhiều. Tuy nhiên, khi chiến sự càng lan rộng thì tố chất của binh sĩ phải cộng với phương pháp tổ chức bài bản và chỉ huy chiến lược mạch lạc thì mới có thể đánh bại hay cầm cự lâu dài với kẻ địch mạnh hơn.

Quân Minh lúc này được trang bị rất mạnh và do tướng giỏi chỉ huy, trong khi đó quân Hậu Trần không được tổ chức bài bản nên cuối cùng bị đánh bại. Vua Trùng Quang phải rút binh về Nghệ An.

Đầu năm 1411, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang 14 vệ, tổng cộng 78.400 quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. Tháng 6 âm lịch năm 1412, Trương Phụ, Mộc Thạnh dẫn quân đánh Nghệ An gặp quân của Nguyễn Súy, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung và Hồ Bối ở Mô Độ ở vùng Ninh Bình, Nam Định. Hai bên liều chết đánh nhau chưa phân thắng bại, thì Nguyễn Súy và Nguyễn Cảnh Dị bất ngờ dẫn quân vượt biển rút chạy, Hồ Bối bỏ thuyền lên bờ.

Đầu năm 1411, Minh Thành Tổ sai Trương Phụ mang 14 vệ, tổng cộng 78.400 quân tiếp viện cho Mộc Thạnh. ( Ảnh: vietbf.com )

Đặng Dung thế cô, không có cứu viện, liền đi thuyền nhẹ vượt biển trốn đi. Năm 1413, Trương Phụ lại tiến đánh Nghệ An, đến đây nhà Hậu Trần phải lui vào Hóa Châu, đất cố thủ cuối cùng của nhà Hậu Trần.

Trương Phụ tiếp tục đem quân vào đánh phá Nghệ An. Quân Minh bao vây các thành tại Thanh Hoá, Diễn Châu.

Tháng 1 âm lịch năm 1413, nhà vua cùng Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị đưa quân theo đường biển tới Vân Đồn, Hải Đông và các vùng ven biển Bắc Bộ nhằm thăm dò, tìm lương thực và đánh tiêu hao quân đội nhà Minh. Chiến dịch này thất bại nặng nề. Ngày 4 tháng 3 âm lịch, nhà vua về tại Nghệ An, quân đi 10 phần về chỉ còn 3-4 phần. ( Đại Việt Sử Ký Toàn Thư).

Phản đồ hại vua ta, Đặng Dung liều mình trận Thái Đà

Bởi trời không chiều lòng người, vận nước Nam còn u ám nên vua Trùng Quang mới bị thua trận. Dù vậy nhưng dưới tay ông cũng có những trung thần nghĩa sĩ sẵn sàng xả thân, đến nay vẫn sáng ngời nơi sử sách. Một trong số đó là Nguyễn Biểu.

Tháng 4 âm lịch năm 1413, Trương Phụ lại đánh vào Nghệ An, Trùng Quang Đế phải rút về Hóa Châu, sai Nguyễn Biểu làm sứ đi cầu phong, đến Nghệ An bị Trương Phụ bắt giữ, Nguyễn Biểu tức giận mắng Trương Phụ và bị Phụ giết chết.

Nhưng hễ có trung thần thì cũng có phản thần. Trong lúc nước mất nhà tan thì mới biết lòng người. Quân Minh tiến quân vào Nghệ An. Thái phó Đại Việt là Phan Quý Hữu đầu hàng quân Minh, Hữu đầu hàng được 1 tuần thì chết. Trương Phụ cử con Quý Hữu là Liêu làm tri phủ Nghệ An, và ban thưởng hậu hĩnh cho gia đình Liêu. Liêu bèn kể hết cho Phụ về thực lực các tướng, quân số của Trùng Quang Đế và địa thế Hóa Châu.

Trương Phụ bèn quyết ý vào Hóa Châu, và hội chư tướng lại để bàn kế tiến binh. Mộc Thạnh nói rằng: “Hóa Châu núi cao bể rộng khó lấy lắm”. Trương Phụ nhất định vào đánh cho được, nói rằng: “Ta sống cũng ở đất Hóa Châu này, mà chết cũng ở đất Hóa Châu này. Hóa Châu mà không lấy được thì không mặt mũi nào về trông thấy chúa thượng!”. Lập tức truyền cho quân thủy bộ tiến vào đánh Hóa Châu. (Trích Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

Tuy lòng trời không chiều người, vận nước Nam còn u ám nên vua Trùng Quang mới bị thua trận. (Ảnh: readhouse.net )

Quân Minh rầm rộ kéo vào Nghệ An quyết tâm diệt Hậu Trần. Trước cảnh tồn vong nguy nan đó, có câu “dưới tay tướng giỏi không có quân hèn”, quân tướng của Trùng Quang Đế không những không đầu hàng mà còn chiến đấu một trận vô cùng oanh liệt suýt nữa đã phá được quân Minh để ghi vào sử xanh với tên danh tướng Đặng Dung. Chỉ tiếc là trời xanh không chiều người…

“Tháng 9 năm 1413, quân Trương Phụ vào đến Thuận châu, Nguyễn Suý và Đặng Dung đóng quân giữ sông Thái Đà.

Nửa đêm Đặng Dung dùng voi đánh úp dinh của Phụ, định nhảy lên thuyền Phụ bắt sống mà không nhận được mặt, Phụ nhảy lên thuyền nhỏ trốn mất, quân Minh tan vỡ quá nửa, thuyền chiến vũ khí bị đốt phá gần hết. Thế nhưng Nguyễn Súy không chịu hợp sức cùng Đặng Dung chiến đấu, mà quân thì còn rất ít. Trương Phụ thấy vậy xua tàn quân phản công, thay đổi cục diện. Quân Đặng Dung tan chạy, ẩn nấp trong hang núi, không còn sức đánh lớn”.

(Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương mục ).

Bàn về trận đánh bi tráng này, Sử thần Ngô Sĩ Liên nói:

“Trận đánh ở Thái Đà, Đặng Dung và Nguyễn Súy đem tàn quân trơ trọi chống lại bọn giặc mạnh, quân tướng đều tinh nhuệ. Dung nửa đêm đánh úp doanh trại giặc làm cho tướng giặc sợ hãi chạy trốn, đốt hết thuyền bè, khí giới của chúng, không phải người thực sự có tài làm tướng, thì có làm được như thế hay không? Thế nhưng cuối cùng vẫn bại vong, đó là do trời. Tuy thất bại, cũng vẫn vinh quang. Trong khoảng 5 năm, kiên trì chiến đấu với giặc, dẫu có bất lợi, nhưng ý chí không núng, khí thế càng hăng, đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung vì nước của người bề tôi, dẫu trăm đời sau vẫn còn tưởng thấy được!”.

Gặp thời bần tiện thành công dễ, vận hết anh hùng hận ngàn năm

Tháng 11 âm lịch năm 1413, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị định chạy sang Xiêm La nhưng bị quân Minh bắt. Khi trông thấy Phụ, Nguyễn Cảnh Dị luôn mồm quát mắng: “Chính ta muốn giết mày, bây giờ lại bị mày bắt!”. Trương Phụ tức giận, giết rồi ăn gan Nguyễn Cảnh Dị.

Trương Phụ chiếm được Tân Bình, Thuận Hóa, bèn đặt quan cai trị, điều tra dân số, làm sổ dân đinh và tâu xin vua Minh tăng cường quân trấn giữ.

Ngày 10 tháng 3 âm lịch năm 1414, Trùng Quang Đế chạy sang nước Lão Qua, Nguyễn Súy chạy sang châu Minh Linh, sau đều bị người của Phụ bắt. Người của Thuận Hóa cũng ra hàng, từ đó vương triều Hậu Trần chấm dứt.

Tháng 4 âm lịch năm 1414, Trương Phụ thu quân về Đông Quan, sai người giải vua Trùng Quang, Đặng Dung và Nguyễn Súy về Trung Quốc. Giữa đường, Trùng Quang Đế nhảy xuống nước tự vẫn. Hai tể tướng Đặng Dung, Nguyễn Súy sau đó cũng đều tự vẫn chết vì nước.

(Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

Thay cho lời kết:

Nhận xét về Trùng Quang Đế, sử thần Ngô Sĩ Liên viết như sau:

“Trùng Quang Đế lấy quân một lữ để mưu khôi phục đất nước trong lúc loạn lạc lưu ly, ví như dùng một cây gỗ để chống giữ ngôi nhà lớn đã đổ, chả lẽ không biết rằng thế không thể cứu vãn được nữa hay sao? Nhưng hãy làm hết bổn phận nên làm, ngõ hầu có thể vãn hồi được thiên mệnh. Còn như khi bị giặc bắt đem về, giữ nghĩa không chịu nhục, cam lòng nhảy xuống biển mà chết, để cùng mất với nước, thực đúng là “quốc quân chết vì xã tắc”, mà các bề tôi của ngài như Cảnh Dị chửi giặc mong cho chúng giết ngay mình, Nguyễn Biểu kể tội ác của giặc rồi chết, đều là những người đáng ca ngợi cả. Chỉ có Hồ Ngạn Thần đi sứ làm nhục mệnh vua, đã bị giết rồi, Phan Liêu đem tình hình mạnh yếu trong nước đi báo cho giặc, tuy được thoát chết trong một thời, nhưng sau lại bị Thái Tổ Cao Hoàng Đế ta giết chết. Than ôi, người làm tôi trung với nước tuy chết vì nghĩa không có tội gì, mà để lại tiếng thơm mãi mãi, còn bọn bất trung phản quốc, không tránh khỏi cái chết, lại còn để tiếng xấu ngàn năm, thực đúng như thế”.

Trùng Quang Đế cùng đạo quân của mình đã hiên ngang chiến đấu và ra đi như những ngôi sao sáng rực lên rồi vụt tắt trong đêm trường đen tối của dân tộc. ( Ảnh: sohu.com )

Trùng Quang Đế không phải là người quá nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, cũng không phải là anh hùng bách chiến bách thắng mà người ta hay ca ngợi. Ông lên nắm quyền lúc nước mất nhà tan, xã tắc điêu linh không còn cái hào khí thuở đánh quân Nguyên Mông của ông cha. Quân thì chỉ có một đoàn, tướng tá dăm ba người, hễ đánh thì lúc thắng lúc thua. Nhưng ông vẫn kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu dân cứu nước bằng hết sức lực của mình, kết thúc bằng sinh mạng của bản thân và các tướng sĩ. Tuy nhiên nỗ lực của họ không phải là vô ích, Trùng Quang Đế và các tướng sĩ của ông như Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Biểu… quả thực cũng đều là hào kiệt, họ đã chiến đấu sòng phẳng với kẻ địch mạnh hơn bội phần và nhiều lúc làm cho kẻ thù phải khiếp sợ. Chỉ là số phận an bài họ không phải là người chiến thắng mà thôi.

Trùng Quang Đế cùng đạo quân của mình đã hiên ngang chiến đấu và ra đi như những ngôi sao sáng rực lên rồi vụt tắt trong một thời kỳ đầy loạn lạc của lịch sử dân tộc. Dẫu thất bại nhưng những con người ấy đã tạo nên một khúc anh hùng ca bi tráng còn vang vọng đến tận ngày nay. Khúc ca của một dân tộc nhỏ bé ở phương Nam nhưng không bao giờ bị chinh phục. Những thất bại cay đắng nhất thời chính là vì ý trời mà phải chịu thế thôi. Quả thực đúng như Đặng Dung viết trong bài thơ Cảm Hoài:

“Việc nước miên man nỡ vội già

Đất trời lồng lộng khúc cuồng ca

Gặp thời bần tiện công nên dễ

Lỡ vận tài danh hận đến già

Giúp chúa những mong xoay trục đất

Rửa đòng không lối kéo Ngân Hà

Bạc đầu thù nước còn chưa trả

Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà”

(Trích: Đại Việt sử ký toàn thư; Quốc Sử Quán nhà Nguyễn-Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version