Đại Kỷ Nguyên

Trong thống khổ, bất công hãy luôn giữ lấy tấm lòng lương thiện

Trong thống khổ, bất công hãy luôn giữ lấy tấm lòng lương thiện

Nhà văn Dale Carnegie từng nói: “Thay vì lên án người khác, hãy cố gắng hiểu họ, vốn là điều có ích hơn nhiều lần sự phê phán bởi nó sinh ra sự cảm thông, lòng khoan dung và sự tử tế”. 

Sự khoan dung tựa như sợi dây vàng kết nối mọi người trong xã hội lại với nhau. Luôn giữ một tâm thái hòa ái, khoan dung thì vạn sự tự tiêu tan, mối ác duyên cuối cùng cũng trở thành thiện duyên. Nếu trái tim luôn mang nặng lòng thù ghét, nhỏ thì hại người, lớn thì hại nước và rồi chịu đau đớn, khổ sở vẫn chính là bản thân mình mà thôi. 

Lòng nhân hậu là luôn suy nghĩ cho người khác

Thời nhà Tùy (Trung Quốc) có một vị danh nhân nức tiếng học rộng hiểu cao tên là Trương Văn Hủ. Ông đọc sách Thánh hiền, tôn trọng lễ nghi, luôn đối xử khoan dung, độ lượng với người khác. Một ngày nọ, phần hông của Trương Văn Hủ trở nên đau khủng khiếp, gia đình vội vã đi tìm thầy thuốc chữa bệnh. Có một người đến tự xưng là Thần y, chuyên dùng bùa chú chữa bệnh. Trương Văn Hủ đồng ý để vị này khám cho mình, không ngờ phần eo lại bị lưỡi đao đụng vào mà gây thêm thương tích. 

Trương Văn Hủ đau đến ngã ngửa người xuống giường. Vị thầy thuốc trông thấy, vô cùng lo sợ, vội vàng dập đầu thỉnh tội. Trương Văn Hủ mặc dù trên eo đau nhức không thôi, đổ mồ hôi hột nhưng vẫn không tỏ ra tức giận, cũng chẳng trách cứ nửa lời, ra hiệu cho người thầy thuốc kia rời đi. Còn vết thương mới của mình thì giấu kín không nói ra cho ai biết. 

Sau đó, vợ ông phát hiện, liền hỏi nguyên do. Trương Văn Hủ vẫn giấu: “Là do ta đau quá, xây xẩm mặt mày, không cẩn thận lại ngã đụng vào eo”. Chuyện bị thầy thuốc kia không cẩn thận gây ra vết thương, ông tuyệt nhiên không kể với người nhà, đối với người ngoài cũng giữ im lặng. Bởi ông biết nếu chuyện này bị làm rùm beng lên, sau này sẽ không ai dám đến gọi người thầy thuốc kia đến khám bệnh nữa. Dù phải chịu đau đớn, ông vẫn nghĩ cho người khác trước tiên, không oán không hận, bao dung vị tha, thực là một tấm gương sáng cho người đời sau học tập.

Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa chịu rét

Mẫn Tử Khiên, người nước Lỗ thời Xuân Thu, là học trò của Khổng Tử, rất nổi tiếng vì đức hạnh hơn người. Chính Khổng Tử từng khen ngợi Mẫn Tử Khiên như sau: “Hiếu tai Mẫn Tử Khiên! Nhân bất gian ư kì phụ mẫu, côn đệ chi ngôn”, nghĩa là: Mẫn Tử Khiêm thật là hiếu thuận thay! Người ta không thể chê những lời của cha mẹ, anh em nói về trò ấy được”. 

Tranh vẽ Mẫn Tử Khiên (ảnh: Wikipedia).

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện “Ðơn y thuận mẫu” (quần áo đơn sơ hiếu thuận mẹ) như một tấm gương mẫu mực về lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên. Mẹ Mẫn Tử Khiên chết sớm. Cha đi bước nữa và sinh thêm được hai người con trai. Tử Khiên kính trọng và chăm sóc cha cùng người mẹ kế, nhưng mẹ kế không thương yêu ông, còn thường xuyên ngược đãi. Nhưng vì suy nghĩ cho sự êm ấm của gia đình nên Tử Khiên chịu khổ mà không một câu oán thán. Mùa đông rét mướt, bà chuẩn bị cho hai người con trai mặc áo bông dày ấm áp, còn Tử Khiên chỉ được mặc mỗi chiếc áo khoác làm bằng bông lau vốn không cách nào giữ ấm được. 

Một ngày đông nọ, người cha có việc đi ra ngoài, sai Tử Khiên kéo xe. Bởi vì gió thổi mạnh, quần áo lại mỏng không thể giữ ấm nên Mẫn Tử Khiên lạnh cóng đến cứng người, không thể kéo xe. Phụ thân nhìn thấy ông mặc quần áo dày như vậy mà còn run cầm cập nên nghĩ: “Hành vi này của con rất có thể làm cho danh tiết của mẹ kế bị tổn hại. Người ta thấy sẽ cho rằng mẹ kế ngược đãi con chồng”. Nghĩ vậy ông rất thất vọng với hành vi của con trai và mắng Tử Khiên rất nặng nề, nhưng Tử Khiên chỉ đứng im nghe, không nói một câu. Cha càng giận, lấy roi ra đánh Tử Khiên, lớp áo mỏng rách ra để lộ lớp bông lau. Ông liền hiểu ra mọi chuyện. 

Về đến nhà, cha Tử Khiên gọi vợ và 2 người con trai nhỏ lên, thấy hai người con kia được mặc áo ấm, liền giận dữ trách mắng: “Ta cưới nàng về bởi nàng hứa sẽ chăm sóc con ta chu đáo. Nay nàng lại bên trọng bên khinh, đối xử với nó tệ bạc. Nàng đi đi, nhà này lưu không được nàng nữa”. Người mẹ kế nghe vậy, nhất thời sợ ngây người, không thốt lên được câu nào cả.  

Ảnh minh họa: Sohu.

Trong tình hình khẩn cấp như vậy, Mẫn Tử Khiên liền quỳ xuống cầu xin cha tha thứ cho mẹ kế, khóc lóc nói: “Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa chịu rét lạnh”. Mẫn Tử Khiên nói như vậy khiến cha của ông rất cảm động, bèn nguôi cơn giận. Mẹ kế của ông càng cảm thấy xấu hổ: “Một đứa nhỏ như vậy luôn nghĩ đến con của mình, cũng lo nghĩ cho mình. Một người lớn như mình sao lại đi so đo tính toán với một đứa trẻ”. Tấm lòng và đức hạnh của Mẫn Tử Khiên đã cảm hóa được người mẹ kế. Từ đó gia đình họ sống hòa thuận, vui vẻ. 

Nếu như Mẫn Tử Khiên không dùng sự khoan dung, tha thứ như vậy, không dùng tâm hiếu thuận chân thành để đối xử với mẹ kế thì gia đình họ chắc chắn sẽ tan vỡ. Chẳng phải đó còn là cái kết bi kịch hơn nhiều lần sao? Do vậy, cổ nhân dạy rằng khi đối diện với những bất công cần phải giữ được sự nhẫn nại và tĩnh khí, nhất định không nên hành động theo cảm tính. Lấy oán báo oán thì nợ nghiệp mãi chất chồng, người với người vẫn coi nhau như kẻ địch. Chỉ có lấy từ bi đãi người, lấy thiện niệm mà hoá giải ân oán thì cuộc sống này mới trở nên tươi đẹp, người với người sẽ dùng tấm lòng chân thành mà đối đãi với nhau. Câu chuyện của Mẫn Tử Khiên thêm một lần nữa nhắc nhở hậu nhân rằng: Trăm việc thiện chữ hiếu đứng đầu và chỉ có thể dùng thiện tâm mới có thể hoá giải tất cả ân oán, tình thù. 

Trong cuộc sống, sẽ có lúc bạn bị người khác lừa dối, doạ nạt, làm phiền, khiến cho đau khổ nhưng hãy cứ gieo một hạt giống lương thiện trong trái tim mình. Hãy vun trồng thiện tâm để hạt giống ấy kết nở thành những đoá hoa thơm ngát. 

Exit mobile version