Những ngày gần đây, cộng đồng mạng đang tập trung sự chú ý vào một buổi trình diễn thời trang gây tranh cãi tại một câu lạc bộ ở Hà Nội.
Theo những hình ảnh được đăng tải trên mạng xã hội, những người mẫu trên sân khấu biểu diễn trong trang phục hở nhiều phần da thịt kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong các bộ đồ nội y, thậm chí có người mẫu nam còn đeo cây Thánh giá bên phần hông trái.
Nhiều giáo dân Công giáo và cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh trong buổi trình diễn này, vì họ cho rằng đây là sự khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đối với những người tin vào Thiên Chúa.
Trên thế giới, vẫn còn rất nhiều cuộc chiến kéo dài liên miên vì sắc tộc và tôn giáo. Tất cả cũng bởi sự hiểu biết sai lệch về chính tín ngưỡng của mình, bỏ qua lời giáo huấn của các đấng Giác Giả, mà những tín đồ tôn giáo mới phát động các cuộc chiến chống lại nhau. Nhưng trong sự việc trên, có vẻ như chẳng phải sự kỳ thị hay kích động nào ẩn chứa đằng sau, mà đơn giản là văn hóa vô Thần đã ăn sâu và ảnh hưởng tới thế hệ trẻ ngày nay cộng với sự biến dị trong thẩm mỹ thời trang hiện đại.
Khi con người không có niềm tin vào những gì mình không thấy, coi tôn giáo là nơi trốn tránh thực tại của những người gặp nhiều bất hạnh hoặc không có điểm tựa, và rằng người tu luyện chỉ là một nhóm người mù quáng và xa lánh thế tục, thì họ mới không chút e dè gì mà có những hành động như trên.
Thuyết vô Thần luận đầy sơ hở thúc đẩy sự suy đồi về đạo đức
Khi bàn đến vấn đề hữu Thần hay vô Thần, những người vô Thần thường tự coi mình là người “duy vật”, còn những người hữu Thần là “duy tâm”, là mê tín. Thực ra chính những người “duy vật” không tin vào Thần này mới là người “duy tâm” điển hình.
“Chủ nghĩa duy vật” cho rằng tồn tại khách quan là có trước, còn nhận thức chủ quan là có sau. Theo đó, khách quan quyết định chủ quan, và tồn tại quyết định ý thức. Họ đem những gì con người không thể nhìn thấy, hoặc những gì khoa học thực nghiệm không nhận thức được xếp vào vị trí thứ hai, sau cái tồn tại “khách quan”, và cho là “duy tâm”.
Y học phương Tây từ lâu đã tiến hành giải phẫu cơ thể người mà vẫn không phát hiện được kinh lạc và huyệt vị. Dường như khó mà chứng minh nhân thể tồn tại kinh lạc và huyệt vị. Tuy nhiên, “Hoàng Đế nội kinh”, một cuốn cổ thư Trung Quốc, đã sớm đề cập đến khái niệm này rồi. Hoàng Đế không nhìn thấy sao ông biết tới khái niệm kinh lạc và huyệt vị? Và ngày nay, người ta vẫn đang thực hành Trung Y ở khắp nơi trên thế giới với những hiệu quả rõ rệt nhờ các phương pháp như châm cứu, bấm huyệt… dựa trên hệ thống huyệt vị và kinh lạc mà con người vẫn chưa thể nhìn được đó.
Vào thời Xuân Thu, Biển Thước nhìn thấy thân Tề Hoàn Công có bệnh, nhưng Tề Hoàn Công và những người xung quanh không nhìn thấy. Tề Hoàn Công xem ra là một người “duy vật”, nhìn không thấy thì không tin, và không chịu chạy chữa, để sau đó “bệnh nhập tới tủy xương” thì đã muộn rồi. Hay như Hoa Đà nhìn thấy trong não Tào Tháo có bệnh, nhưng Tào Tháo không tin và tống Hoa Đà vào ngục. Đến khi bệnh phát tác ra ngoài, Tào Tháo mới tìm Hoa Đà thì ông đã chết. Như vậy ở đây rốt cuộc Biển Thước và Hoa Đà là người “duy vật” hay Tề Hoàn Công và Tào Tháo mới là người “duy vật” đây?
Con người khi còn chưa phát triển và mông muội, họ không dám ra khỏi hang động vào ban đêm, họ không nhìn thấy những ngôi sao trên bầu trời, thì nếu ai đó bảo rằng trên trời có sao chắc họ cũng không tin. Nhưng những ngôi sao không vì sự hoài nghi của họ mà không tồn tại. Sự thật sẽ vẫn ở đó dù họ có thấy hay không.
Những người “duy vật” không chỉ nhìn không thấy thì không tin, mà thậm chí cố chấp đến mức có nhìn thấy cũng không dám tin. Ví dụ như theo khoa học, con người chết rồi thì thân thể phải thối rữa. Tuy nhiên, trên thế giới có rất nhiều cao tăng có nhục thân không bị mục rữa, như Kim Kiều Giác ở núi Cửu Hoa, pháp sư Vô Hà, cao tăng Huệ Năng… Như vậy nhục thân họ vì sao không bị hư hoại? Chẳng lẽ phải đợi đến khi khoa học phát triển tới mức chứng minh được sau khi chết nhục thân có thể không bị hư, thì nhục thân các hòa thượng này mới không bị mục nát? Những người “duy vật” dù có nhìn thấy cũng không tin rằng người tu luyện có thể khiến các tế bào cấu tạo cơ thể chuyển hóa thành loại vật chất không còn chịu tác động của các quy luật sinh học và vật lý trên Trái Đất này.
Thuyết vô Thần đang ngày càng phô bày sự sơ hở của mình, kèm theo đó là hàng loạt các hệ lụy làm tha hóa đạo đức xã hội. Chính vì chẳng tin “trên đầu ba thước có Thần linh”, có luân hồi quả báo, nên con người cố gắng sống thật gấp gáp để hưởng thụ, vui chơi một cách ngày càng buông thả, để có được điều mình muốn bằng mọi giá, bất chấp cả nhân phẩm và sự thiệt hại của người khác.
Những người tổ chức buổi trình diễn thời trang nói trên có thể không tin vào tín ngưỡng nào hết, nhưng dù như vậy thì việc chà đạp lên niềm tin của một cộng đồng giáo dân là biểu hiện của sự xuống dốc về đạo đức. Đó là vi phạm cái Thiện mà rất nhiều tín ngưỡng, tôn giáo và chuẩn mực đạo đức truyền thống lưu giữ từ bao đời, cũng là phép tắc ứng xử tối thiểu của một xã hội được coi là văn minh.
Thời trang biến dị với cái mác “tự do biểu đạt”
Mọi thứ trong xã hội nhân loại đều có xu hướng phát sinh những biến thể kỳ dị. Thời trang cũng bị tác động một cách tiêu cực với sự phô bày da thịt và tính gợi dục, thậm chí chà đạp lên niềm tin của một bộ phận những người tu luyện. Trong thời cổ đại, dù là tại xã hội phương Đông hay phương Tây, phụ nữ đều mặc váy dài và chỉ để lộ rất ít da trần. Nhưng phụ nữ ngày nay mặc những chiếc quần hay váy ngắn nơi công cộng, thậm chí họ còn mặc những mốt thời trang như đồ ngủ ngoài phòng ngủ của mình. Hiện tượng xã hội biến dị này thực ra đều bắt nguồn từ “nghệ thuật nhân thể”.
“Nghệ thuật nhân thể” (nude art) được khai thủy trong thời kỳ Phục Hưng. Với sự phát triển của nghệ thuật nhân thể, chuẩn mực đạo đức của nhân loại trượt thêm một bước nữa. Nghệ thuật nhân thể chủ trương ủng hộ vẻ đẹp của thân thể con người và giải phóng nhân tính. Nhưng trên thực tế, người thưởng thức không phải ai cũng thánh khiết như những bậc chân tu, các tác phẩm khỏa thân đã tạo ra môi trường cho sự phóng túng dục vọng.
Trước đây, các tác phẩm nghệ thuật khỏa thân phương Tây thực ra là một cách thức ca ngợi Thần và thể hiện lòng kính ngưỡng của nhân loại đối với Thần. Một số vị Thần lõa thể bởi Thần không có dục vọng như con người, Thần không cần phải che đậy thân thể trước con mắt ham muốn, đầy tính dục như con người. Người phương Tây thời cổ đại đã vẽ những vị Thần lõa thể này với lòng kính ngưỡng. Nhiều nền văn hóa có mô tả về thời kỳ nhân Thần đồng tại, con người thời xưa ở những vùng đất cách xa nhau, với những ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt lại có những khái niệm rất giống nhau về các vị Thần. Đó chắc hẳn không phải là ngẫu nhiên, và chỉ vào thời đó mới có những tác phẩm vẽ Thần chân thực đến như vậy.
Sau này, những người gọi là “nghệ thuật gia” đã trở nên băng hoại về đạo đức. Vì những giá trị lệch lạc này mà các nghệ sĩ đời sau dù không thể nhìn thấy các cảnh tượng Thần thánh huy hoàng nhưng họ vẫn tiếp tục vẽ. Và họ vẽ người khỏa thân thay vào đó.
Ngày nay, người ta quay trở lại phê phán “lễ giáo phong kiến”. Nhưng thực ra, chính những “lễ giáo” này, do Thánh nhân truyền lại cho con người là để họ giữ gìn đạo đức và ước thúc tâm pháp. Chữ “Lễ” trong ngôn ngữ cổ xưa là những lễ nghi có thể được so sánh với giới luật trong Phật giáo, đã cấp cho con người những quy tắc hành xử. Chữ “Giáo” là những lời giáo huấn của Thánh nhân nhằm duy trì đạo đức cho con người. Sau này, cùng với sự bại hoại của xã hội, con người không còn hành xử theo “lễ giáo” và nhân loại đã mất đi tâm pháp để ước thúc suy nghĩ cũng như hành động của mình.
Tự do biểu đạt đúng là một quyền lợi tất nhiên của con người, tuy nhiên mọi thứ đều cần có giới hạn. Bố tôi đã từng lấy ví dụ như thế này khi tôi ương ngạch với lý lẽ tương tự. Khi còn ở trong quân đội, ông sống tập thể cùng nhiều người khác, doanh trại luôn có những quy định để đảm bảo quyền lợi và tính nhất quán của tập thể, nhưng có một vị luôn thích gì làm nấy và bao biện rằng ai cũng có sở thích riêng và quyền tự do cá nhân.
Bố tôi đã đứng dậy tát vị đó một cái trong sự sững sờ của tất cả mọi người có mặt. Sau đó ông bình tĩnh giải thích rằng, đó là sở thích của ông và cũng là tự do cá nhân của ông. Một ví dụ rất dễ hiểu về việc sở thích hay tự do cá nhân cũng phải nằm trong việc đảm bảo lợi ích của người khác, mọi thứ đều có giới hạn của nó. Lý lẽ thích gì làm nấy là do con người không còn e dè gì tới sự trừng phạt sau đó. Họ không tin vào sự báo ứng và theo dõi của lực lượng vô hình ngoài kia, nên mới nghĩ chỉ cần sống tốt cho bản thân là được.
Thời trang biến dị cùng với tư tưởng vô Thần luận đã khiến giới trẻ ngày nay sẵn sàng mang trên mình những bộ trang phục gây phẫn nộ dư luận như vụ việc trình diễn thời trang vừa rồi. Khi đạo đức xuống dốc và không còn lễ giáo nào câu thúc hành vi của con người, người ta sẽ cần những chế tài và nhà chức trách để hạn chế, xử lý những hành vi vượt ngoài khuôn khổ. Nhưng những chế tài đó cũng không phải luôn bao quát được hết mọi khả năng vi phạm của con người. Nhiều trường hợp các chế tài luôn chạy theo sau sự sai phạm, khi vụ việc xảy ra người ta mới khẩn cấp làm rõ, xử lý… và hoàn toàn không thể ngăn chặn kịp thời những điều sai trái, những tổn thương không đáng có của một cộng đồng nào đó.
Nếu xã hội coi trọng và tìm lại những giá trị đạo đức truyền thống, mọi người ai cũng có đạo trong tâm và thực hành tín ngưỡng hướng Thiện, thì sẽ không còn những vụ việc gây bức xúc trong dư luận như trên. Con người sống hòa ái và tôn trọng lẫn nhau dù có khác biệt về quan điểm, niềm tin, tôn giáo… Chúng ta lúc đó sẽ hoàn toàn có thể tự do biểu đạt bản thân mà không ảnh hưởng tới người khác, bởi ai cũng nghĩ tới người khác trước khi nghĩ tới mình.
Thu Hiền
Xem thêm:
- Vì sao đạo đức người Trung Quốc lại trở nên biến dị đến như vậy?
- Từ “yêu” đàm luận về sự biến dị của đạo đức con người
- Cuối cùng khoa học cũng phải thừa nhận: Nhân quả báo ứng là hoàn toàn có thật