Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ không thể bù đắp được lỗ hổng về đạo đức

Trong một “Talk show” truyền hình, khách mời là một doanh nhân trẻ nổi tiếng, thành đạt. Trước lúc kết thúc chương trình, người dẫn đưa ra câu hỏi cuối cùng: “Xin ông cho biết với một người thành công thì tính cách nào là quan trọng nhất?”. Im lặng suy nghĩ một lát, vị khách mời không trả lời trực tiếp câu hỏi mà kể lại câu chuyện nhỏ sau:

12 năm trước, có một chàng thanh niên vừa tốt nghiệp trung học đặt chân tới nước Pháp, bắt đầu cuộc sống du học sinh vừa học vừa làm. Khi đã dần quen với cuộc sống nơi đây, cậu bỗng phát hiện điểm bán vé xe bus gần nơi mình ở là hoàn toàn tự động. Nghĩa là bạn hoàn toàn chủ động trong việc mua vé, trả tiền, chọn điểm đến, quãng đường dài ngắn. Không hề có cửa soát vé, cũng không có nhân viên kiểm tra. Thậm chí chuyện kiểm tra ngẫu nhiên cũng rất hiếm khi xảy ra.

Cậu thanh niên phát hiện ra sơ hở trong cách quản lý này, cũng có thể trong mắt cậu đó là một lỗ hổng có thể lợi dụng. Vốn tính thông minh, cậu liền tính ngay ra được xác suất chính xác như sau: Tỷ lệ trốn vé bị phát hiện chỉ là: 3/10.000, nghĩa là cứ 10 nghìn người trốn vé thì mới có 3 người bị phát hiện.

Lợi dụng sơ hở này, cậu thường xuyên đi xe trốn vé. Cậu cũng tự tìm ra một lý do để an ủi là mình vốn chỉ là một học sinh nghèo, có thể tiết kiệm một khoản chi tiêu cũng tốt.

Châu Âu qua lịch sử lâu dài đã vun đầy cho mình được một nền tảng văn minh, văn hoá và đạo đức dồi dào (ảnh minh hoạ: Pinterest).

4 năm trôi qua, cậu thanh niên ngày nào giờ đã là cử nhân cầm trên tay tấm bằng xuất sắc của một trường đại học nổi tiếng. Cậu hứng khởi, nộp đơn ứng tuyển vào các công ty đa quốc gia có danh tiếng ở Paris. Trong buổi phỏng vấn, cậu rất tự tin giới thiệu thành tích học tập của bản thân. Cậu cũng biết những công ty này đều đang tích cực phát triển thị trường ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, đi đến đâu cậu cũng gặp phải một tình huống tương tự. Ban đầu, các công ty đều chào đón cậu rất nhiệt tình. Nhưng chỉ sau vài ngày tất cả đều lịch sự từ chối cậu. Nhiều lần như thế làm cậu vừa ngạc nhiên, vừa bực bội. Cậu còn nghĩ rằng các công ty ấy phân biệt đối xử, coi thường và bài trừ người Trung Quốc.

Lần cuối cùng, không thể nhẫn nhịn, cậu tới gặp giám đốc nhân sự của công ty đã ứng tuyển, yêu cầu vị giám đốc nhân sự nói cho mình biết một lý do hợp lý. Câu trả lời thực đã khiến cậu vô cùng sửng sốt.

Giám đốc nhân sự: “Thưa anh, chúng tôi không kỳ thị mà ngược lại còn rất coi trọng anh. Mục tiêu phát triển của chúng tôi chính là thị trường Trung Quốc. Những nhân tài bản địa có thể giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện này. Khi nhìn bảng CV của anh, nhìn vào kinh nghiệm học tập và khả năng của anh chúng tôi thực sự ấn tượng và có hứng thú. Thật lòng mà nói, anh chính là người mà chúng tôi đang cần tìm”. 

Chàng thanh niên: “Vậy xin hỏi ông vì sao quý công ty lại không cho tôi một cơ hội, không trọng dụng thu nhận hiền tài như thế?”.

Giám đốc nhân sự: “Có một việc khá tế nhị. Khi kiểm tra lịch sử thẻ tín dụng của anh, chúng tôi phát hiện anh từng bị xử phạt 3 lần vì đi xe bus công cộng lậu vé”.

Chàng thanh niên: “Tôi không phủ nhận việc đó nhưng lẽ nào chỉ vì một việc nhỏ như vậy mà các ông có thể bỏ qua một nhân tài từng được đăng luận văn trên báo?”.

Giám đốc nhân sự: “Anh nghĩ đó là việc nhỏ sao? Tôi lại không nghĩ thế. Chúng tôi biết rằng, lần đầu anh trốn vé là sau khi tới Pháp 1 tuần. Nhân viên soát vé tin lời giải thích khi đó của anh rằng mình chưa quen với hệ thống mua vé tự động ở nước chúng tôi. Họ chấp nhận cho anh mua vé bù. Nhưng sau đó anh vẫn tiếp tục đi lậu vé 2 lần khác nữa”.

Chàng thanh niên: “Lúc đó túi tôi không có tiền lẻ”

Giám đốc nhân sự: “Không! Không thưa anh. Tôi không đồng ý với cách giải thích này của anh. Chắc anh đang cố tình thử thách chỉ số thông minh của tôi? Tôi tin rằng trước khi bị kiểm tra và phát hiện, có lẽ anh đã trải qua vô số lần đi xe bus trốn vé như vậy”.

Chàng thanh niên: “Vậy cũng không có nghĩa là tôi phải chịu tội này tới khi chết mà. Sao các ông quá lấy làm nghiêm túc như vậy? Sau này tôi thay đổi không được sao?”.

Giám đốc nhân sự: “Không thưa anh, qua sự việc này có thể chứng minh hai điểm:

Thứ nhất: Anh là người không tôn trọng quy tắc. Không những vậy anh còn cố ý tận dụng sơ hở trong quy tắc của pháp luật vì mưu đồ cá nhân.

Thứ hai: Anh là người không đáng để tin tưởng. Có rất nhiều việc của công ty chúng tôi cần đến sự tín nhiệm và tin tưởng. Người không có được điều này thì không thể giao phó. Nếu anh phụ trách phát triển thị trường ở một khu vực nào đó, công ty sẽ phải giao phó ủy quyền cho anh rất nhiều quyền hạn. Để tiết kiệm chi phí, chúng tôi không thể lập nên một bộ máy giám sát phức tạp mà chỉ có thể hoạt động giống như hệ thống giao thông công cộng tự động. Nghĩa là đề cao sự tự giác chấp hành của cá nhân.

Những lý do ấy đã quá đủ để nói lên rằng anh không phù hợp với công ty này. Thậm chí có đi khắp Châu Âu, anh cũng sẽ không tìm được một nơi nào có thể tuyển dụng anh”.

Thành phố Paris (ảnh: Yandex).

Lúc này, chàng thanh niên nọ mới như bừng tỉnh cơn mê, cảm thấy hối hận khôn cùng. Tuy nhiên điều làm cậu thật sự có cảm giác sợ hãi là câu nói cuối cùng của vị giám đốc kia:

“Đạo đức thường có thể bù đắp những thiếu hụt của trí tuệ tuy nhiên trí tuệ vĩnh viễn không thể khoả lấp nổi những lỗ hổng cho đạo đức”

Người xưa nói: “Thiên hữu đạo, tắc nhật nguyệt thanh minh. Nhân hữu đạo, tự nhiên xã hội an trữ”, ý tứ là: Trời có đạo thì nhật nguyệt rõ ràng, người có đạo thì xã hội tất sẽ bình an.

Sở dĩ các nước Châu Âu giàu mạnh đến vậy không phải dựa vào khoa học, kỹ nghệ mà chính bởi qua lịch sử lâu dài đã vun đầy cho mình được một nền tảng văn minh, văn hoá và đạo đức dồi dào. Luân lý đạo đức mãi mãi là nền tảng cho sự sinh tồn của một xã hội, quốc gia chứ không phải cái vỏ văn minh, phồn thịnh bên ngoài.

Nho gia giảng về luân lý “Ngũ luân”, bao gồm tất cả các mối quan hệ phổ biến nhất. Giữa vua – tôi là có trung. Giữa cha – con là có hiếu. Giữa vợ – chồng là có nghĩa. Giữa anh – em là có thứ tự. Giữa bạn bè là có tín. Lại có đạo lý “Tam cương – Ngũ thường” dạy người ta cách ứng xử, đối đãi theo: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Tất cả những điều đó đã duy trì một trật tự bền vững, một nền tảng đạo đức dày dặn cho xã hội cổ đại Á Đông (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên). Con người thời trước rất có lễ nghi, phong thái, dù là kẻ thứ dân hay người làm quan lớn, dù là đứa trẻ lên ba hay cụ già thất tuần. Toàn bộ quan hệ xã hội, thiết chế chính trị, quan hệ kinh tế… đều được xây dựng trên cái nền móng đạo đức ấy.

Video: Đạo đức nghề nghiệp đưa con người đến chỗ tôn nghiêm

Exit mobile version