Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ đối nhân xử thế của người xưa nghìn năm lưu giá trị (P.1)

Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo giáo do Hoài Nam Vương Lưu An và nhóm các nhân sỹ cùng biên soạn. Bộ sách còn có tên gọi là Hoài Nam Hồng Liệt, hay Hồng Liệt, nghĩa là “Đạo lý to lớn và sáng tỏ”.

Hoài Nam Tử có nội dung phong phú, sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như chính trị, triết lý, thiên văn, địa lý, tự nhiên, dưỡng sinh, quân sự… Bộ sách dung nạp tư tưởng Chư Tử đời Tiên Tần, lấy tư tưởng Đạo gia của Lão Trang làm chủ đạo, đồng thời thu nạp quan điểm của Nho gia và Âm Dương gia.

Dưới đây là những câu trích dẫn nổi tiếng, chứa đựng các giá trị tinh hoa trong Hoài Nam Tử:

1. Bạch ngọc bất điêu, mỹ châu bất văn

Nguyên tác: 白玉不雕,美珠不文.

Giải nghĩa: Viên ngọc trắng tinh khiết không cần gia công điêu khắc mài dũa, viên minh châu đẹp không cần trang sức thêm hoa văn, màu sắc.

Bạch ngọc không cần mài giũa, mỹ châu chẳng cần văn hoa. Cái đẹp đích thực sẽ không cần phải điểm tô màu mè mà vẫn đẹp. Thi tiên Lý Bạch cũng có hai câu thơ thể hiện ý nghĩa này:

Thanh thủy xuất phù dung
Thiên nhiên khứ điêu sức

Nghĩa là:

Hoa sen mọc từ đầm nước trong thanh khiết
Chất phác đẹp tươi tự nhiên không cần điêu khắc, trang sức tô điểm

2. Trục lộc giả bất cố thố

Nguyên tác: 逐鹿者不顧 兔.

Giải nghĩa: Người thợ săn đang đuổi theo con hươu thì không để ý đến con thỏ.

Có câu chuyện kể rằng, tiểu hòa thượng nọ luôn bận rộn từ sớm đến tối mà vẫn không làm nên thành tựu gì. Một hôm cậu đem thắc mắc của mình đi hỏi sư phụ.

Vị sư phụ chỉ mỉm cười bảo tiểu hòa thượng mang hai chiếc bát tới. Trước tiên ông để đầy quả óc chó vào trong bát, sau đó đổ gạo lấp đầy bên trong. Cuối cùng ông đổ nước vào, và cái bát đã đầy.

Còn chiếc bát kia ông làm ngược lại, đổ nước vào trước tiên. Sau khi đổ nước ông mới lần lượt cho quả óc chó và gạo vào. Nước ngay lập tức tràn ra ngoài.

Lúc này, vị sư phụ mới từ tốn nói: “Sinh mệnh cũng giống như hai chiếc bát này. Nếu giống như cái bát thứ hai, chỉ biết chất đầy những chuyện vụn vặt thì dẫu cả ngày bận rộn con cũng sẽ chẳng làm nên thành tựu gì”.

Đời người là hữu hạn, vậy nên hãy dành thời gian và tâm sức vào những việc quan trọng, những mục tiêu lớn.

Hãy dành thời gian và tâm sức của mình vào những việc quan trọng, những mục tiêu lớn. (Ảnh: twoeggz.com)

3. Chính thân trực hành, chúng tà tự tức

Nguyên tác: 正身直行,眾邪自息.

Giải nghĩa: Chỉ cần bản thân chính trực, lời nói và hành vi đoan chính, thì tự sẽ khắc chế được hết thảy sự việc tà ác và kẻ tà ác.

Cổ nhân cũng có câu: “Nhất chính áp bách tà”. Có câu chuyện kể về Lã Động Tân – một trong Bát Tiên. Khi còn là người tu luyện, ông đã trải qua nhiều khảo nghiệm, trong đó khảo nghiệm thứ 10 cũng là khảo nghiệm cuối cùng đã chứng ngộ ông đắc Đạo.

Lã Động Tân đang ngồi trong phòng thì đột nhiên trước mặt ông xuất hiện vô số ma quỷ hình thù kỳ dị. Một số muốn đánh, một số muốn giết ông, nhưng Lã Động Tân vẫn không sợ hãi.

Rồi ông lại thấy mười con quỷ dạ xoa tới, áp giải một tử tù máu me nhễ nhại, khóc lóc nói: “Kiếp trước ông đã giết tôi, hôm nay ông phải trả lại mạng sống cho tôi”.

Lã Động Tân trả lời: “Giết người phải đền mạng”. Nói rồi tìm ngay một con dao để tự kết liễu, đột nhiên thấy trên không trung có tiếng hét to, quỷ thần đều biến mất. Một người vỗ tay cười lớn hạ từ trên không trung xuống, đó chính là Vân Phòng, sư phụ của ông.

Sư phụ nói: “Ta đã khảo nghiệm con mười lần, con vẫn bất động tâm, như vậy có thể thấy con đắc Đạo thành Tiên được rồi đó”.

4. Tái ông thất mã, yên tri phi phúc?

Nguyên tác: 塞翁失馬,焉知非福.

Giải nghĩa: Ông già ở biên ải mất ngựa, sao biết đó không phải là phúc?

Lão Tử cũng giảng: “Họa hề phúc chi sở ỷ. Phúc hề họa chi sở phục”. Nghĩa là: “Họa là nơi phúc nương tựa, phúc là nơi họa ẩn nấp”.

Một ông lão ở vùng biên ải có con ngựa. Một hôm, con ngựa đi mất, họ hàng thân thích đến thăm hỏi, chia buồn, ông lão lại cười khà khà nói: “Mất ngựa biết đâu lại là cái phúc”.

Mấy tháng sau, con ngựa trở về, lại có một con tuấn mã của người Hồ theo về. Những người thân quen kéo đến xem con tuấn mã và chúc mừng, ông lão lại chau mày nói: “Tự dưng mà lại được tuấn mã, biết đâu lại là cái họa”.

Từ khi được con tuấn mã, con trai ông lão thích lắm, thường cưỡi. Một hôm, chẳng may ngã ngựa gãy chân. Người thân quen đều đến hỏi thăm, chia buồn, ông chẳng buồn rầu chút nào, thản nhiên nói: “Con trai gãy chân, biết đâu lại là cái phúc”.

Một thời gian không lâu sau đó, có giặc Hồ xâm chiếm. Trai tráng đều được điều động ra chiến trường. Giặc Hồ rất hung hãn và thiện chiến, trai tráng mười người chết đến chín. Con trai ông lão vì què chân, không phải đi lính nên đã bảo toàn tính mệnh.

Ông già ở biên ải mất ngựa, sao biết đó không phải là phúc? (Ảnh: fairiesheart.com)

5. Tỉnh sự chỉ bản, tại ư tiết dục

Nguyên tác: 省事之本,在於節欲.

Giải nghĩa: Cái gốc của giảm thiểu sự việc và họa hoạn là ở tiết chế ham dục.

Có câu rằng: Dục vọng quá mức là cội nguồn của mọi tội ácXưa có một phú ông nọ, mặc dù có trong tay cả gia tài nhưng chưa bao giờ thấy thỏa mãn. Trong nhà ông có một đàn dê gồm 99 con béo tốt, nhưng ông cho rằng thế vẫn chưa đủ, nhất định phải có thêm một con nữa thì mới thấy vẹn tròn.

Vì quá sốt sắng làm sao để có thêm một con dê, mà ngày nào phú ông cũng trằn trọc mãi không ngủ được. Cho đến một hôm vào lúc đêm hôm khuya khoắt, phú ông bỗng nhớ ra là trong ngôi chùa trên ngọn núi sau thôn có nuôi một con dê. Thế là sáng sớm ngày hôm sau, ông đến khẩn cầu thiền sư từ bi hãy cho ông đem con dê đó về nuôi. Lúc đó thiền sư đang nhắm mắt đả tọa, nhưng cũng nói nhẹ nhàng rằng: “Dắt nó đi”.

Một tháng sau, phú ông lại đến cầu kiến thiền sư. Thiền sư thấy phú ông mặt mày nhăn nhó, sắc mặt tiều tụy, bèn hỏi tại sao lại rầu lòng như vậy?

Phú ông tỏ ra khổ sở nói: “Bây giờ con đã có 105 con dê rồi”. Thiền sư ngỡ ngàng không hiểu: “Nếu vậy thì ông nên vui mừng mới phải chứ?”.

Phú ông lắc đầu: “Nhưng đến bao giờ con mới có đủ 200 con dê đây?”.

Thiền sư lặng yên không nói mà chỉ quay người bước đi, lát sau thiền sư mang một chén trà để vào tay phú ông.

Phú ông vừa uống một hớp liền nói: “Sao chén trà này lại mặn như vậy?”.

Thiền sư không thay đổi nét mặt, chỉ bình thản đáp: “Chén trà mặn là vì có muối ở trong đó. Người đời chẳng ai thích trà muối, còn ngài thì ngày nào cũng tự pha cho mình chén trà muối, nên càng uống mới càng khát, càng có thì lại càng mong cầu có được nhiều hơn. Chẳng phải như vậy sao?”.

Chúng ta cũng vậy, dục vọng thì ai ai cũng có, ai ai cũng ham muốn, ai ai cũng truy cầu. Nhưng nếu biết tiết chế dục vọng, thì cũng giống như uống một chén trà không muối, vị nó thanh nhạt nhưng nhuận mát tâm can, nuôi dưỡng sinh mệnh. Còn ham dục quá độ thì như chén trà mặn, vị nó đậm đà nhưng càng uống càng khát, mà càng khát lại càng uống nhiều hơn. Cho dù người ta có uống cạn cả một đại dương thì cũng không thể giải hết cơn khát trong lòng.

Biết tiết chế dục vọng, thì cũng giống như uống một chén trà không muối, vị nó thanh nhạt nhưng nhuận mát tâm can, nuôi dưỡng sinh mệnh. (Ảnh: shiwenlu.com)

6. Tích ái thành phúc, tích oán tắc họa

Nguyên tác: 積爱成福,積怨則禍.

Giải nghĩa: Tích tụ yêu thương sẽ thành phúc lành, tích lũy oán hận sẽ thành tai họa.

Kinh dịch cũng viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chia gia tất hữu dư ương”, nghĩa là: Nhà tích thiện thì có thừa phúc lành, may mắn, nhà tích bất thiện, tích ác thì có đầy tai ương họa hoạn.

Thời cổ đại có người tên là Dương Vinh, nhà ông ta đời này qua đời khác sống bằng nghề chèo đò. Một lần trời đổ mưa lớn, nước suối dâng lên ngập rất nhiều nhà dân. Rất nhiều người bị ngập chết, thi thể theo dòng nước trôi xuống dưới. Lúc này, những người chèo đò khác đều vớt các tài sản trôi nổi trên mặt nước, thừa dịp phát tài, chỉ có cha và ông nội Dương Vinh bận cứu người mà không vớt đồ.

Mọi người đều cười họ ngu ngốc. Nhưng có một Đạo sỹ bảo với cha ông rằng, cả nhà anh đã tích được rất nhiều âm đức, nhà anh sẽ xuất hiện đại quan.

Sau này, Dương Vinh ra đời, chưa đến 20 tuổi thi đỗ tiến sỹ, con đường quan lộ thuận lợi không trở ngại nào, cuối cùng làm quan đến Thiếu sư. Con cháu của Dương Vinh cũng rất phát đạt, có rất nhiều bậc chí sỹ hiền năng.

(Còn tiếp)

Nam Phương

Exit mobile version