Đại Kỷ Nguyên

Tôn trọng người khác chính là một loại cảnh giới

Mọi người đều biết trong cuộc sống phải biết tôn trọng người khác, nhưng rất ít người có thể thật sự hiểu được ý nghĩa của điều này.

Mạnh Tử nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Câu nói ấy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác. Khi kết giao với người khác, nếu có thể hiểu và tôn trọng họ, vậy thì ta cũng sẽ được họ hiểu và tôn trọng lại mình gấp trăm lần.

Người thông minh, ưu tú thì đối với bất kể ai cũng đều tỏ thái độ khiêm nhường, tôn trọng. Tôn trọng cấp dưới chính là một loại mỹ đức, tôn trọng khách hàng chính là một loại ý thức, tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng, tôn trọng tất cả mọi người là một loại giáo dưỡng.

Trước tiên, hàm ý thực sự của tôn trọng là chú ý tới cảm nhận và suy nghĩ của người khác trong mọi thời điểm. Làm việc gì cũng đều suy nghĩ cho người khác trước tiên, luôn tự hỏi: “Việc này có hại gì cho người khác hay không?”. Tiếp theo, chỉ nên bày tỏ quan điểm của mình, không võ đoán, phán xét sai đúng trong hành vi, lời nói của người khác. Càng không thể chỉ vì muốn tự giải tỏa những cảm xúc cá nhân mà vô tình xúc phạm, làm tổn thương người khác.

Tôn trọng đối thủ là một loại độ lượng. (Ảnh theo eduu.vn)

Muốn áp đặt, khống chế là biểu hiện của sự không tôn trọng người khác

Nguyên nhân của việc này là người ta không tự tin vào bản thân mình, cảm thấy mình không có giá trị, cần thông qua người khác để có thể tự khẳng định chính mình. Sự áp đặt, khống chế này sẽ làm thay đổi người khác tới khi họ mất đi sự tự ngã. Một người nếu hiểu được đầy đủ giá trị và ý nghĩa của bản thân sẽ lập tức không còn hứng thú đi áp đặt người khác nữa. Một họa sĩ nếu thực sự hiểu được nét đẹp trong bức tranh của mình sẽ không để ý đến người khác nói nó đẹp hay xấu. Một nhà thơ nếu thực sự tin tưởng bài thơ của mình là hay nhất sẽ không bao giờ lo sợ bài thơ của mình không có người đọc.

Không bình luận về lời nói cử chỉ của người khác là biểu hiện cụ thể của sự tôn trọng

Người với người là bình đẳng như nhau, đây chính là nguyên tắc và là cơ sở giao tiếp cơ bản. Mỗi người đều là một cá thể độc lập. Tín ngưỡng, đạo đức, quan niệm hoặc cách nhìn nhận vấn đề, cách thức làm việc hay cách sống của bạn đều chỉ có thể chỉ đạo chính bản thân mình. Nếu bạn dùng nó để so sánh hay yêu cầu người khác chính là không tôn trọng họ.

Chí hướng, thái độ lập trường và kiến thức, năng lực của người khác như thế nào, tướng mạo của họ ra sao không liên quan gì đến bạn. Bạn không nên dùng tiêu chuẩn của bản thân để áp đặt làm tiêu chuẩn cho người khác, càng không nên yêu cầu người khác phải phù hợp theo tiểu chuẩn của mình. Kỳ thực tư tưởng tình cảm của một người luôn không ngừng thay đổi, không ai có thể bảo đảm rằng quan điểm và thái độ của mình là vĩnh viễn bất biến cả. 

Khi trao đổi, giao tiếp với người khác vừa phải có cảm xúc, lại vừa phải có đạo lý. Cảm xúc cần bắt nguồn từ sự tôn trọng lẫn nhau. Khi người ta cảm thấy bản thân được tôn trọng, họ mới có thể tôn trọng bạn. Trong giao tiếp, quan hệ nếu một người ngang ngược võ đoán, có thói quen đổ lỗi, quy chụp, chỉ trích, luôn cho người khác sai và bảo thủ cho mình là đúng, thì quả là không ai có thể nói đạo lý với bạn được nữa. Nếu bạn cho rằng người khác không có tư cách để giảng đạo lý với bạn, thì đó là vì bạn không biết đạo lý trước.

Không bình luận về lời nói cử chỉ của người khác là biểu hiện cụ thể của sự tôn trọng người khác. (Ảnh theo thefreedompromise.com)

Nghi ngờ đạo đức của người khác chính là biểu hiện của sự không tôn trọng

Thông thường, chúng ta hay có thói quen giảng đạo lý và cuối cùng đưa ra kết luận về hành vi hay lời nói của một người nào đó. Kỳ thực ,tốt nhất bạn chỉ nên giảng đạo lý, đừng nên đưa ra kết luận, nhận xét về bất kỳ ai. Điều này nên để họ tự hiểu, tự nhận xét về chính mình.

Bất kể là ai cũng đừng nên quá chú ý vào khuyết điểm hay thiếu sót của người khác, không cần thiết phải đặt nặng sai sót hay khuyết điểm của người khác trong lòng. Rốt cuộc đó có phải là khuyết điểm hay sai sót không thì cũng không thể lấy cách nhìn nhận của bạn làm thước đo, làm tiêu chuẩn được.

Hạnh phúc của mỗi người là bản thân họ tự quyết định, chỉ họ mới có trách nhiệm với chính mình. Vì vậy bạn chỉ cần cố gắng làm những gì bản thân có thể thực hiện tốt nhất là đủ rồi.

Hàm nghĩa chân chính của trí huệ nằm trong biểu hiện tôn trọng người khác

-Thứ nhất: Chấp nhận sự khác biệt, bao dung, rộng lượng với người khác.

– Thứ hai: Kiểm soát hành vi của bản thân để cả hai đều cùng là người chiến thắng.

-Thứ ba: Có thể tiến có thể lùi, biết làm thế nào để có sự lựa chọn đúng đắn nhất. Cho dù đối phương có thật sự sai sót, khi chỉ ra sự sai sót của đối phương cũng nên thiện ý rộng lượng, không nên quá khắt khe, kiêu ngạo coi thường người khác.

Chân thành nói ra suy nghĩ của mình là biểu hiện của sự tôn trọng

Nếu có lời muốn nói không nói lại để trong lòng, chính là biểu hiện của sự coi thường người khác.

Không tùy tiện xúc phạm tới tôn nghiêm của người khác chính là tôn trọng

Khi thấy người khác mắc lỗi, chúng ta thường nghĩ nếu không dùng lời chỉ trích nặng nề, đối phương sẽ không nhìn ra vấn đề. Do vậy, ta thường dùng cách nói phủ đầu những mong đối phương có thể ghi nhớ mà tỉnh ngộ. Điều này vô tình sẽ làm tổn thương tới cái tôi, tới lòng tự trọng của họ. Nếu phân tích vấn đề ở góc độ sâu sắc hơn, đây chính là âm thầm tự thể hiện sự ưu tú của bản thân, không ngại tạo niềm vui của mình trên sự đau khổ của người khác.

Cố gắng hiểu người khác là biểu hiện của sự tôn trọng

Mỗi người đều mong muốn được người khác chú ý, khen ngợi và được tự khẳng định mình. Do đó khi giao tiếp với người khác chúng ta cần chú ý tới điều này, cần cố gắng đáp ứng nhu cầu này của đối phương. Đây cũng chính là một biểu hiện của việc tôn trọng người khác. Có thể hiểu được ý nguyện của người khác, ta sẽ có thể chú ý tới trạng thái cảm xúc của họ, sẽ đoán được mong muốn cũng như động cơ đằng sau những trạng thái tính cảm của họ là gì.

Tôn trọng người khác qua lời nói giao tiếp hằng ngày của chúng ta. Lời nào nên nói, lời nào không và nói vào thời điểm nào cho phù hợp? Trước khi giao tiếp chúng ta cần cân nhắc những điều này rồi mới có thể nói ra.

Cố gắng hiểu người khác là biểu hiện của sự tôn trọng người khác. (Ảnh theo Quantrimang.com)

Tôn trọng người khác cần phải tự kiểm điểm bản thân

Một người không biết tự kiểm điểm, nhìn nhận lại bản thân khi giao tiếp sẽ vô tình làm tổn thương người khác. Hoặc đôi khi tự bản thân mình cho rằng đang tôn trọng người khác nhưng trên thực tế là đang đắc tội với họ. Do vậy trong giao tiếp sinh hoạt hằng ngày, mỗi người chúng ta khi gặp vấn đề nên tự kiểm điểm xem xét lại bản thân để kịp thời biết sửa sai và xin lỗi.

Mỗi người chúng ta nên tự nhìn lại, kiểm điểm bản thân 3 lần trong ngày, luôn tự chất vấn bản thân: “Hôm nay mình có nổi giận với ai đó không? Lời nói cử chỉ của mình hôm nay có làm tổn hại tới ai đó không? Mình có hành động cử chỉ nào biểu hiện không tôn trọng người khác hay không?”. 

Một phương diện quan trọng quyết định tố chất cao hay thấp của một người là việc họ có tôn trọng người khác hay không. Muốn biết một người có sự tu dưỡng đạo đức hay không chỉ cần quan sát xem họ có chú ý tới cảm nhận của người khác hay không. Nếu một người hay cáu giận với người khác, hay phủ định, phê phán người khác cũng là biểu hiện của một người không có sự tu dưỡng đạo đức.

Tôn trọng người khác là nền tảng cơ sở của tự do xã hội. Trong quan hệ giữa người với người, trước tiên nên có ranh giới rõ ràng, bất kể ai cũng không có quyền lấy đi sự tự do của người khác, không nên vượt quá ranh giới đã được đặt định đó. Ngoài việc có thể giám sát con cái, không ai bắt buộc phải nghe theo bạn cả.

Một người biết tôn trọng người khác có thể bình tĩnh hòa nhã nói đạo lý với người khác. Đó mới chính là biểu hiện của con người văn minh, của loại học vấn cần có của người tri thức.

Kiên Định biên dịch

Ý nghĩa của cuộc sống không phải ở chỗ nhìn thấu mà chính là trải nghiệm

Exit mobile version