Đại Kỷ Nguyên

Tôn Ngộ Không chân chính quy y không phải từ lúc bái Đường Tăng làm sư phụ, mà là sau khi ngắm một bức tranh

Khai tâm cốt một chữ thành.
Lẽ huyền giác ngộ, tử sinh rõ đường.

Sau khi Đường Tăng gỡ lá bùa trấn yểm trên núi Ngũ Hành Sơn, Tôn Ngộ Không được giải thoát, bái Đường Tăng làm sư phụ, nguyện ý phò tá người sang Tây Trúc thỉnh kinh. Giữa đường gặp sáu tên cướp, Tôn Ngộ Không dùng gậy Như Ý đập chết cả sáu, khiến Đường Tăng kinh hãi, trách móc Ngộ Không tàn ác không có đức hiếu sinh. “Ngộ Không vốn xưa nay vẫn không chịu nổi mắng nhiếc, thấy Tam Tạng lải nhải mãi, không nén được bực tức”, bèn cưỡi mây bay vù về phương Đông, bỏ Đường Tăng lại một mình. 

Tây du ký*, hồi thứ 14 viết:

“Lại nói Ngộ Không bỏ sư phụ ra đi, dùng phép cân đẩu vân đến thẳng Đông Dương đại hải, từ trên mây phóng xuống, rẽ nước đến ngay Thủy Tinh cung. Long vương sợ hãi vội ra nghênh tiếp, mời vào trong cùng ngồi. Chào xong, Long vương hỏi:

– Mới đây, nghe tin Đại thánh hết hạn, chưa kịp đến mừng, tưởng ngài đã sửa sang lại núi tiên, trở về động cũ rồi.

Ngộ Không đáp:

– Ta cũng muốn như thế, nhưng lại phải làm hòa thượng. 

Long vương hỏi:

– Sao, làm hòa thượng à? 

Hành Giả đáp:

– Đức Bồ tát ở Nam Hải khuyên ta làm điều thiện, tu hành chính quả, theo Đường Tăng bên phương Đông sang phương Tây lễ Phật cầu kinh, vào hàng sa môn, gọi là Hành Giả.

Long vương nói:

– Việc ấy hay lắm, hay lắm! Có thế mới cải tà quy chính, khai mở lòng lành được. Thế sao ngài không đi sang phương Tây mà lại quay về phương Đông?

Hành Giả cười, nói:

– Là vì Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi, nói ta như vậy là sai. Ngài bảo lão Tôn này chịu làm sao được? Thế là ta bỏ ông ấy, định trở về núi cũ. Nhân tiện qua đây ta ghé thăm ngài, xin một chén trà uống.

Long vương nói:

– Quý hóa quá! Quý hóa quá!

Lập tức con rồng, cháu rồng bưng trà hương ra mời Đại thánh. Uống trà xong, Hành Giả quay đầu ngắm nghía bức tranh “Cầu Dĩ dâng giày” treo phía sau bèn hỏi:

– Bức tranh vẽ gì nhỉ? 

Long vương thưa:

– Đại thánh sinh đời trước, việc này thuộc đời sau, ngài không biết. Bức tranh này gọi là “Ba lần dâng giày ở Cầu Dĩ”.

Hành Giả hỏi:

– “Ba lần dâng giày” là thế nào? 

Long vương thưa:

– Vị tiên này là Hoàng Thạch Công. Còn người kia là Trương Lương nhà Hán. Thạch Công ngồi trên Cầu Dĩ, bỗng bị rơi giày xuống chân cầu, bèn gọi Trương Lương nhặt hộ. Trương Lương nhanh nhẹn đi nhặt mang lên, quỳ dâng trước mặt. Ba lần như vậy, Trương Lương không chút tỏ ra lười biếng kiêu căng. Thạch Công quý mến Trương Lương cần cù lễ độ, nên đến đêm trao cho Trương Lương một cuốn thiên thư, và bảo giúp cho nhà Hán. Về sau, quả nhiên Trương Lương mưu tính trong màn trướng mà quyết đoán được sự thắng bại ở nơi nghìn dặm. Sau khi thái bình rồi, ông ta từ quan vào núi, theo Xích Tùng Tử học được đạo tiên. Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!

Tranh vẽ Trương Lương nhặt giày cho Hoàng Thạch Công (ảnh: Epoch Times).

Ngộ Không nghe nói, ngẫm nghĩ hồi lâu, chẳng nói năng gì. Long vương nói:

– Đại thánh nên xét kỹ, đừng thích phóng khoáng mà để lỡ các công việc về sau nữa.

Ngộ Không nói:

– Thôi ngài đừng nói nữa, ta đi hộ vệ Đường Tăng đây. 

Long vương mừng lắm, nói:

– Nếu như thế tôi cũng không dám giữ Đại thánh lâu. Mong ngài mở lòng từ bi ngay cho, đừng để sư phụ đợi lâu.

Hành Giả thấy Long vương giục giã đi ngay, bèn vội đứng dậy, ra khỏi đáy bể, từ biệt Long vương, cưỡi mây bay đi”.

Cố sự này vô cùng đặc biệt. Nó đánh dấu khởi đầu thực sự của hành trình tu luyện của Ngộ Không, từ lúc này Hành Giả mới chân chính thực lòng muốn tu thành chính quả. Vì sao lại nói như vậy? Trước đây, khi Ngộ Không nhận lời với Quán Thế Âm Bồ Tát phò tá người đi lấy kinh, đó chỉ là quyết định có phần miễn cưỡng, cốt để thoát cái nạn núi đè mà thôi. Khi Bồ Tát hứa rằng người đi lấy kinh sẽ cứu Ngộ Không, “Đại thánh đáp liến thoắng: – Vâng ạ! Vâng ạ!” (Trích Tây du ký, hồi thứ tám). Sự “liến thoắng” này cho thấy lời nói chưa hề trải qua quá trình suy ngẫm cẩn thận. Chính vì thế, mới lần đầu bị Đường Tăng mắng, Ngộ Không đã tức không chịu được, bay thẳng về Đông rồi. Lúc Long vương hỏi về chuyện quay về Hoa Quả sơn, Hành Giả mới nói lộ ra cái ‘tim đen’ của mình: “Ta cũng muốn như thế, nhưng lại phải làm hòa thượng”. 

Vậy nên, cố sự “Ngộ Không ngắm tranh” mới có ý nghĩa đặc biệt đến thế. Nếu không có đoạn đường này, Ngộ Không sẽ không thể liều mình xông pha bảo hộ Đường Tăng trên đường đi lấy kinh, cả hai thầy trò đều không thể tu thành chính quả. Trong câu chuyện này, công lớn thuộc về Long vương, ông đã thuận theo cá tính của Đại Thánh mà lựa lời khuyên nhủ.

Bước đầu, Long vương hết lời khen ngợi việc làm hòa thượng: “Việc ấy hay lắm, hay lắm! Có thế mới cải tà quy chính, khai mở lòng lành được”, cốt để Ngộ Không thấy tu hành là điều quý, bỏ dở giữa chừng có phần đáng tiếc chăng. Tiếp theo, Long vương giải nghĩa tường tận bức tranh “Ba lần dâng giày ở cầu Dĩ”, nhấn mạnh vào cái tâm cung kính nhu thuận của Trương Lương đã giúp ông công thành viên mãn như thế nào. Khi Đại Thánh đã nghe lọt tai câu chuyện ấy, Long vương mới thuận đà khuyên nhủ: “Đại thánh ạ, ngài không theo Đường Tăng, không chịu khó nhọc, không nghe dạy bảo, cuối cùng vẫn chỉ là một con yêu quái mà thôi, thành chính quả sao được!”. Ngộ Không lúc này trầm ngâm suy nghĩ, cuối cùng chỉ thêm một lời của Long vương đã quyết định trở về phò tá Đường Tăng.

Có một chi tiết nhỏ đáng chú ý. Trong cuộc trò chuyện với Long vương, Ngộ Không phân trần: “Là vì Đường Tăng không biết tính ta, có mấy thằng giặc cỏ chặn đường bị ta giết chết, mà Đường Tăng cứ càu nhàu mãi”. Cái “tính” ấy là gì đây? Còn nhớ ở hồi thứ nhất, khi ra mắt Tổ sư Bồ Đề, Ngộ Không đã nói: “Con không có tính. Người ta mắng con, con cũng không giận: đánh con, con cũng không tức, chỉ lạy họ mà thôi, cả đời con không có tính”. Đem ra so sánh, mới biết cái “tính” này đâu phải bản chất tiên thiên ban đầu của Ngộ Không? Đó chỉ là thói hung hãn, kiêu căng, bướng bỉnh nảy sinh khi Ngộ Không sa đọa chốn hồng trần. Nên mới có thơ rằng:

Năm nao trứng đã nở thành người,
Lập chí tu hành cũng đến nơi.
Muôn kiếp rong chơi nơi thắng cảnh,
Một giây biến đổi đã tong đời.
Dối trên lừa dưới lòng ngông bạo,
Nhục thánh trộm đơn loạn lẽ trời.
Quen thói làm càn nay quả báo.
Biết ngày nào thoát, hỡi trời ơi!

Toàn bộ quá trình đi Thiên Trúc, dọc đường trừ yêu diệt quái, gian nan vô vàn, chính là để giúp Ngộ Không tu bỏ đi cái “tính” do hậu thiên sinh ra, tìm về sinh mệnh thuần khiết nguyên sơ của chính mình.

Con người chúng ta sống trên đời thường tự cho rằng tính cách mình là thế này thế kia, nào là tự do phóng khoáng, nào là nhút nhát tự ti, nào là nóng nảy bộp chộp… Tất cả những biểu hiện đó, thực ra không phải là bản chất nguyên sơ của chúng ta, mà chỉ là thói quen dưỡng thành trong quá trình tiếp xúc với xã hội trần tục, nhưng chúng ta nhầm lẫn cứ tưởng nó là mình. Chỉ khi nào ta minh bạch nó không phải là ta, thì ta mới có thể quyết tâm trừ bỏ nó, tìm lại chân ngã tiên thiên.

Quay trở lại việc Ngộ Không chín chắn suy nghĩ, thực lòng muốn sửa tính tu tâm, quay về hộ vệ Đường Tăng. Ngay khi gặp lại sư phụ, Ngộ Không đã bị “lừa” đội chiếc vòng kim cô lên đầu. Mỗi khi Đường Tăng niệm “Khẩn cô nhi chú”, còn có tên là “Định tâm chân ngôn”, thì chiếc vòng sẽ siết chặt khiến Ngộ Không đau đớn quằn quại. Tôn Ngộ Không là con khỉ đá trời sinh, tượng trưng cho cái tâm lăng xăng nhảy nhót của con người, nên chiếc vòng kim cô có một hàm nghĩa là người tu luyện khắc chế tâm, định tâm, ước thúc bản thân hành xử theo Đạo. Tuy nhiên, trong cố sự này, nó còn có một tầng hàm nghĩa khác. 

Trước đó, Ngộ Không trên miệng nói đi tu, nhưng trong tâm vẫn bướng bỉnh như cũ, nên Phật và Bồ Tát không thực sự quản. Còn bây giờ, Ngộ Không trải qua quá trình suy nghĩ, không phải bị ép buộc, chỉ vì không muốn làm yêu quái nữa, nên chân chính nguyện ý tu hành. Bát Giới và Sa Tăng chẳng phải cũng vậy sao? Chiếc vòng kim cô ngụ ý sự quản thúc, chăm nom của đấng giác ngộ; vậy nên sau này Ngộ Không đến Linh Sơn, tu thành rồi thì chiếc vòng tự dưng biến mất. 

Vậy mới biết, tu hành không phải dựa vào hình thức, tụng kinh niệm Phật chưa chắc đã là thật, “chiếc áo chẳng làm nên thầy tu”. Biểu hiện bên ngoài chỉ là để người khác xem, còn Thần Phật lại chỉ nhìn cái tâm bên trong của con người là chân hay giả. Chỉ khi một người chân chính thực tu, sẵn sàng chịu khổ, nhẫn nhục cầu thị, thì mới tính là đệ tử Phật môn. Cái chân tâm này là trân quý nhất, là ánh sáng dẫn đường giúp người tu luyện vượt qua mọi trở ngại khó khăn, đến bến bờ giác ngộ. Thơ rằng:

Một niệm nảy sinh đấy vạn ma,
Tu trì vất vả khó khăn là.
Đã đành tắm gội không vương bụi.
Vẫn phải dày công khổ luyện mà.
Quét sạch vạn duyên về cõi tịch,
Diệt phăng nghìn quái chẳng buông tha.
Rồi đây thoát khỏi vòng vây hãm,
Viên mãn bay lên cõi Đại La.

Thanh Ngọc

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

Exit mobile version