Đại Kỷ Nguyên

Tôi đã từng oán trách mẹ đối xử với mình tệ bạc, cho đến khi đọc được câu chuyện này

“Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt” (Đệ tử quy).

Mẫn Tổn, còn gọi là Mẫn Tử Khiên, là học trò của Đức Khổng Tử. Lúc ông còn thơ ấu, mẹ ruột đã sớm qua đời, cha ông tái hôn với một người phụ nữ khác. Sau đó, người mẹ kế sinh thêm hai người em. Mẫn Tử Khiên vốn không phải con ruột nên bị mẹ kế thường xuyên ngược đãi.

Tiết trời mùa đông, giá rét căm căm, bà lấy vải áo tốt mềm mại lót bông vào cho con bà. Bà lấy vải thô và độn vào hoa cỏ lau để làm áo cho Mẫn Tử Khiên.

Tuy cả ba huynh đệ đều mặc áo ấm nhưng tâm trạng không giống nhau. Loại áo độn hoa cỏ lau thì không thể nào đủ ấm được, chỉ có áo bông mới có thể chịu đựng nổi cái giá rét của mùa đông. Cho nên Mẫn Tử Khiên thường lạnh run cầm cập.

Một hôm nọ, cha của Mẫn Tử Khiên có việc cần ra ngoài, bèn bảo Mẫn Tử Khiên đánh xe. Trên đường đi, gió lạnh ren rét thổi vi vu, Mẫn Tử Khiên chịu không nổi nên run lên bần bật, tay chân cũng không còn linh hoạt nữa.

Bỗng nhiên Mẫn Tử Khiên hắt xì hơi một tiếng, lập tức dây cương đang cầm liền rơi xuống đất. Mẫn Tử Khiên rất sợ hãi, mặt biến sắc, đầu thụt vào, toàn thân run lẩy bẩy.

Cha của Mẫn Tử Khiên thấy thế giận dữ quát: “Tử Khiên, hôm nay trời không lạnh lắm, mày làm sao thế hả?”. Nói rồi, ông rút cái roi đánh xe và quất mạnh lên mình Mẫn Tử Khiên. Cú đánh làm cho chiếc áo Mẫn Tử Khiên đang mặc bị rách, để lộ lớp hoa cỏ lau độn bên trong.

Ông sửng sốt trước cảnh tượng ấy và chợt hiểu ra tất cả. Bấy giờ, lửa sân nổi lên ba nghìn trượng, ông đùng đùng quay xe về nhà gặp vợ.

“Bà làm mẹ kiểu gì vậy, sao dám ngược đãi con của ta hả? Ta làm sao có thể tha thứ cho bà. Bà hãy đi ngay đi!”

Bà mẹ kế kinh hoàng thất vía, hoảng sợ hối lỗi. Mẫn Tử Khiên thấy thế, chẳng những không tỏ vẻ vui lòng thích ý, mà trái lại vội vàng quỳ xuống trước mặt cha, thưa:

“Cha! Còn mẹ ở lại, chỉ có mình con bị lạnh. Nhưng mẹ đi rồi thì hai người em cũng đều phải chịu giá lạnh, không ai săn sóc, cúi van cha đừng đuổi mẹ đi.”

Người cha nghe xong, xúc động bùi ngùi, rơi nước mắt: “Tử Khiên! Ta có được đứa con hiền hậu như thế này, thật không gì quý bằng, ta sẽ không đuổi bà ấy đi nữa.”

Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên hội tụ đủ Chân, Thiện, Nhẫn, tựa như hơi ấm của mặt trời đã làm tan chảy cả băng tuyết. (Ảnh: tinhhoa.net)

Lúc đó, mẹ kế rất cảm động với lòng hiếu của Mẫn Tử Khiên. Bà cũng hiểu chuyện nên tự giác hổ thẹn, sửa đổi lỗi lầm. Từ đó về sau, bà yêu thương Mẫn Tử Khiên như con ruột và không còn phân biệt nữa. Cả nhà đoàn viên sum họp, hòa thuận quây quần.

***

Nếu Mẫn Tử Khiên hả hê nhìn cha đuổi mẹ kế đi, cậu và hai em sẽ chịu cảnh đói lạnh, cha cũng không thể sống vui vẻ trong gia đình tan nát. Đối diện với đau khổ và bất công, nếu như một người đáp trả lại bằng thù hận và tranh đấu, thì sẽ dẫn đến đau khổ lớn hơn.

Nhưng Mẫn Tử Khiên không hề oán hận, lại biết lấy đức báo oán. Tấm lòng hiếu thảo chân thành của Mẫn Tử Khiên cuối cùng đã chuyển hoá ác duyên thành thiện duyên, khiến gia đình hạnh phúc, yên vui.

Cắn răng chịu đựng giá rét, không một lời oán thán với cha, ấy là Nhẫn.

Không nhớ kể đến lỗi lầm của mẹ kế, lại còn quỳ xuống xin tha cho mẹ, ấy là Thiện.

Thật lòng lo lắng cho hai em thơ dại, ấy là Chân.

Người mẹ kế ghét bỏ Mẫn Tử Khiên tựa như có băng tuyết mùa đông lạnh giá trong lòng bà. Lòng hiếu thảo của Mẫn Tử Khiên hội tụ đủ Chân, Thiện, Nhẫn, tựa như hơi ấm của mặt trời đã làm tan chảy cả băng tuyết.

Thanh Ngọc

Exit mobile version