Đại Kỷ Nguyên

Tội bất hiếu trời đất không dung, luật nhân quả chẳng bỏ sót một ai

Cổ nhân có câu: “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong tất cả các đức hạnh của con người thì đạo Hiếu là hàng đầu. Bởi vậy, phận làm con phải biết kính trên nhường dưới báo đáp công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ.

Câu chuyện về người mẹ đầu thai để đòi nợ 

Tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có đôi vợ chồng nuôi một chú chó nhỏ đặt tên là Lu Lu. Lu Lu lớn lên vô cùng đáng yêu với bộ lông trắng mượt kiêu hãnh nên được chủ nhân hết mực cưng chiều. Mỗi ngày họ đều cho nó uống sữa bò, ăn thịt chân giò hun khói, tắm rửa, chỗ ngủ thì vô cùng êm ái thơm tho. Khách đến chơi nhìn thấy Lu Lu như vậy đều bảo nó thật là có phúc.

Nhưng một ngày kia chú chó nhỏ đột nhiên lăn ra chết bất ngờ. Cả nhà nọ đều khóc thương, mãi cho đến vài tháng sau đôi vợ chồng trẻ vẫn không hết buồn rầu. Hàng xóm thấy thế đều không hiểu được phải thốt lên rằng : “Chẳng phải nó chỉ là một con chó thôi sao, có cần phải khổ sở đến như thế? Lúc mẹ họ chết tôi cũng không thấy họ rơi nhiều nước mắt đến như vậy!”.

Một trưa nọ, khi người chồng buồn bã vì nhớ Lu Lu mà thiếp đi thì thấy mẹ anh hiện về nói với anh rằng: “Lúc mẹ sắp qua đời, hai con quá bận rộn làm ăn mà không chăm sóc mẹ. Kết quả là đã để mẹ phải lẻ loi trơ trọi một mình trong góc nhà. Thậm chí lúc mẹ qua đời hai con cũng không về bên cạnh mẹ lần cuối. Sau khi mẹ ra đi, các con cũng không hề thương xót mà rơi nhiều nước mắt. Là con nhưng các con đã không làm tròn bổn phận của mình. Lu Lu chính là mẹ chuyển sinh đến để đòi món nợ này. Các con nghĩ lại sẽ thấy thời gian các con chăm sóc Lu Lu chính bằng với thời gian các con bỏ mặc mẹ bị bệnh đấy. Duyên hết rồi, nợ cũng đã trả xong, mẹ phải đi đây!”. Sau khi nói xong, mẹ anh liền rời đi.

Giật mình tỉnh lại, người chồng ướt đẫm mồ hôi pha lẫn bần thần. Anh ngẫm lại thời gian đem Lu Lu về nuôi đúng hai năm, cũng chính là hai năm vợ chồng anh lao vào làm ăn mà quên mất bổn phận làm con, bỏ mặc mẹ lẻ loi ốm đau bệnh tật ở góc phòng. Khi về nhà cũng vì quá mệt mỏi nên hiếm lời hỏi thăm. Lúc bà mất hai vợ chồng vì bận bịu cũng không túc trực bên cạnh. Sau khi bà ra đi, bản thân anh cũng không quá buồn rầu mà nhanh chóng quên đi rồi tiếp tục lao vào kiếm tiền.

Khi được nghe chồng kể lại, người vợ rơi nước mắt nhìn lên bàn thờ mẹ chồng mà rằng: “Hóa ra thiếu nợ người khác cái gì đều phải hoàn trả. Người xưa nói ‘Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo’ quả là không sai, chúng ta đã quá có lỗi với mẹ rồi”.

“Lên non mới biết non cao, nuôi con mới biết công lao mẫu từ”. Mẹ là người mang nặng đẻ đau mới nên hình hài chúng ta hôm nay. Vì con mà mẹ chịu biết bao vất vả cực nhọc, thức đêm hôm chăm sóc cho ta từng miếng ăn giấc ngủ hay đau ốm lúc trái gió trở trời, vì con mà mẹ đã hy sinh cả cuộc đời. Phận làm con chúng ta đã nợ công đức ấy biết bao nhiêu. Người chồng trên chỉ vì quá lo làm ăn mà quên mất rằng, dù anh có kiếm ra nhiều tiền để phụng dưỡng bà đi nữa thì sự thật anh vẫn nợ mẹ sự quan tâm, tình cảm mà cả đời bà đã dành cho anh.

Nhắc đến đây, tôi bỗng nhớ đến câu chuyện của gia đình người hàng xóm bên cạnh nhà, có lẽ cũng vì tội bất hiếu nên cả dòng họ về sau không ai có được cuộc sống đàng hoàng, bình yên.

Mẹ là người tần tảo nuôi chúng ta nên người, nhưng thành người rồi chúng ta lại quên mất rằng không có Mẹ thì không có tất cả. (Ảnh: Dương Tuấn Minh )

Câu chuyện về người mẹ chết trong đói lạnh

Hàng xóm cạnh nhà tôi có một cụ bà sinh được ba người con gồm một gái, hai trai. Chồng bà mất sớm vì chiến tranh nên chỉ mình bà còm cõi sớm hôm nuôi ba con khôn lớn.

Khi cả ba người con đã yên bề gia thất thì lúc đó bà cũng gần kề 80 tuổi. Tuy nhiên cuộc sống lúc ấy của bà cũng chẳng mấy êm đềm. Người chị cả có gia đình rất hiếm khi về thăm bà cụ. Người con trai thứ hai cũng không có việc làm gì ổn định, nay đây mai đó, lại có đến ba đời vợ và hai người con.

Người con của bà vợ đầu thì do ly dị từ sớm nên cũng không bao giờ ghé thăm cha. Người vợ thứ hai thì cưới chưa đầy một năm bỗng bị tai nạn giao thông mất trong lúc bụng mang dạ chửa chưa đầy hai tháng. Người vợ thứ ba tuy sinh được cho ông đứa con gái nhỏ nhưng vì kinh tế bấp bênh nên cuộc sống lại càng thêm khốn khó. Trớ trêu thay đứa con trai thứ ba của bà cụ lại bị thần kinh nửa tỉnh nửa mê, tuy đã có vợ và đứa con gái nhưng cũng ly dị sớm vì sự nóng nảy điên cuồng đánh đập vợ con của ông.

Tuy nhiên câu chuyện không chỉ dừng ở đó. Một ngày nọ, bà cụ lâm bệnh nặng lại thêm phần già yếu nên chỉ có thể nằm một chỗ không đi lại được. Lúc ấy bà đang sống cùng với hai người con trai và vợ con của người con trai thứ hai.

Khi biết bà già yếu, người con dâu sợ trách nhiệm nên bảo chồng dọn về nhà mình ở cách đó 20 cây số, vì thế người con trai thứ lâu lâu mới ghé đến chăm bà cụ. Người chị cả bình thường không về, thì đến lúc bà cụ già yếu cũng hiếm khi lui tới. Phần trách nhiệm lo bà cụ dồn hết cho người con trai út vốn thần kinh không bình thường.

sasasas. (Ảnh: Youtube)

Bà cụ bị bệnh tiểu đường lại không ai chăm sóc chu đáo nên phải tháo cụt hết các khớp chân do đó không vận động được nhiều, chỉ có thể tự ngồi và nằm. Do nhà ở mặt tiền nên hàng xóm hay đi ngang qua lại cũng muốn ghé thăm cụ nhưng ngại vì bên trong mùi hôi thối nồng nặc bốc ra như lâu ngày chưa quét dọn.

Có lần mẹ tôi cũng vào ghé thăm cụ, lúc đó cụ ở một mình trong phòng tối, cụ bảo cụ đói quá và nhờ mẹ mua cho cụ ít đồ ăn, mẹ tôi thương xót vì thấy cụ nằm trên chiếc chiếu rách chỏng chơ pha lẫn mùi phân với nước tiểu. Hàng xóm có nói quá nên ba người con thi thoảng mới thay đồ tắm rửa cho cụ.

Vào một ngày sau hai năm ròng bệnh tật, hàng xóm đi ngang qua nhiều ngày nhưng thấy cửa phòng bà cụ đóng im ỉm chứ không mở ra như mọi hôm. Họ gọi cũng không ai trả lời nên bèn đẩy cửa đi vào. Cảnh tưởng trước mắt khiến ai chứng kiến cũng không khỏi xót xa. Bà cụ nằm đó không mặc áo, bộ xương già nua co quắp ốm yếu vì lâu ngày bị đói, một mùi hôi thối ẩm ướt bốc lên.

Mọi người xì xầm với nhau rằng, có lẽ cụ chết vì đói, áo quần dính phân và nước tiểu hôi thối không mặc được nên cụ phải cởi ra trần truồng như vậy, thêm phần trời về đêm trở lạnh không có gì đắp đã khiến cụ qua đời. Tuy nhiên, điều tôi ấn tượng sâu sắc hơn cả là, dù ba người con của cụ đối xử tệ bạc như thế nhưng chưa một lần nào cụ than vãn với hàng xóm về con mình cả.

Sau khi chôn cất cụ không lâu thì giống như báo ứng nhãn tiền đến với gia đình đó. Chồng người chị cả bỗng dưng bị tai biến phải nằm liệt giường, con trai người chị cả thì sa vào nghiện ngập nên phải đi tù. Người vợ của con trai thứ thì khinh rẻ chồng, bắt ông giặt đồ nấu cơm hầu hạ như người ở, còn bà thì lo ăn diện đi theo người khác trước mặt ông. Người con trai út của bà cụ thì thêm phần điên loạn, suốt ngày đi ngoài đường lẩm bẩm một mình, thấy ở ngã ba hay ngoài đường có bát hương vất vưởng, ông đều rinh về nhà. Bàn thờ bà cụ thì không ai hương khói phủ một màu lạnh tanh, u uất.

Mải mê kiếm tiền, chung ta đang đánh mất người thân của chính mình. (Ảnh: South China Morning Post)

Đây phải chăng là cái giá nhãn tiền mà ba người con bà cụ phải chịu lấy vì tội bất hiếu. Bởi cả đời bà cụ đã mòn mỏi hy sinh cho họ nhưng dù khi bà còn sống cho đến khi chết đi, chưa một lần bà nhận được sự hiếu thuận chân tình từ con mình.

“Nhọc nhằn nuôi lớn, dạy khôn
Say giấc no tròn, Mẹ bế Mẹ chăm
Đau những lúc đêm nằm mệt mỏi
Ốm thêm nhiều bởi đói vì con

Mong sao cuộc sống trường tồn
Mưu sinh Mẹ khổ, héo hon từng ngày
Chẳng ai hiểu… ai hay điều đó
Chỉ thấy mình từ nhỏ sướng, ngon

Nỗi đau khiến Mẹ hao mòn
Tuổi xuân lặng lẽ dành con dại khờ
Đời vất vả nào mơ với mộng
Mẹ hy sinh mở rộng tâm hồn”

(Bài thơ “Mẹ trong tiếng gọi tim con” của Vượng Phạm)

Mẹ đã hy sinh cho con nhiều như thế, dù con thế nào mẹ vẫn ôm ấp chở che, nhưng ai thấu hết nỗi đau của mẹ. Là phận làm con chúng ta phải làm tròn chữ Hiếu, đừng để mẹ đi rồi mới tiếc nuối xót xa. Và hơn thế nữa trời xanh luôn có mắt nên sẽ không thể im lặng trước sự vô tình của những người con, bởi “Sống ở đời có vay có trả, luật nhân quả không bỏ sót một ai”.

Nhã Thanh

Exit mobile version