Đại Kỷ Nguyên

Thượng cổ bí sử (5): Nữ Oa luyện đá vá trời; Cộng Công trùng bá Cửu Châu

Mấy ngày sau, bách tính miền đông bắc nháo nhác đưa tin: Khang Hồi cùng bè lũ hung ác đã kéo đến đây rồi!” Nữ Oa nhận được mật báo, lập tức hạ lệnh vận chuyển toàn bộ gỗ đá, lau sậy, thảo cỏ dự bị trong tư thế sẵn sàng, đồng thời đích thân huy động ba ngàn người rèn luyện kỹ năng leo núi, bơi lội và tập trung nhào nặn tạo ra vô số tượng đất hình người hướng về phía trước khởi hành…

Chưa đến vài ngày đã đặt chân lên miền đất Không Tang, trực tiếp chứng kiến tình cảnh vô số bách tính tay kéo con trai tay bồng con gái gấp rút tháo chạy về phía Tây, miệng không ngừng ca thán: “Không ổn rồi, Khang Hồi dẫn nước phá đê kéo lũ lụt đến đây rồi!”

Vốn dĩ cả hai phía tả hữu của miền đất Không Tang đều được bao quanh bởi đầm lầy mênh mông, bên trái tiếp giáp với Hà Trạch, bên phải nối liền với Huỳnh Trạch, ngoài hai trăm dặm về phía bắc là Hoàng Trạch. Địa thế phía nam vẫn là đất lầy trũng thấp, chỉ riêng địa phương Không Tang là một vùng bình dương với diện tích rộng lớn trải dài ước chừng khoảng một trăm dặm, cư dân đông đúc, quả thật là một vùng đất trù phú màu mỡ. Khang Hồi hiện đã chiếm giữ được Cửu Châu, tuy nhiên Nữ Oa không quy phục hắn, không có điểm nào thuận theo hắn! Vì vậy Khang Hồi mới chỉ huy bách tính đến đây tấn công đánh chiếm. 

Đến miền đất Không Tang là đã đặt chân lên địa giới của Nữ Oa, Khang Hồi xét thấy bốn bề tứ phía đều bao quanh bởi sông nước, lập tức thi triển phương pháp quyết thủy quán thủy khiến lũ lụt kéo đến. Bách tính Không Tang vô tội đáng thương gần kề đó đều bị nhấn chìm trong biển nước mà thiệt mạng, một số tuy may mắn thoát chết nhưng do liên tiếp té ngã lộn nhào trong lúc tháo chạy mà toàn thân lấm lem bùn nhão, trông chẳng khác gì tượng đất; Bách tính ở bán kính xa hơn may mắn nhanh chân tẩu thoát, dù chưa rơi vào hoàn cảnh bị nước nhấn chìm song cũng trải qua không ít kinh hoàng chấn động, lưu lạc trôi dạt khắp nơi nơi. Nữ Oa chứng kiến thảm cảnh này, lập tức hạ lệnh điều động 50 vạn bách tính gánh phân nửa số lau sậy, thảo cỏ đã chuẩn bị sẵn, đem đốt thành tro bụi. Đồng thời chỉ huy bách tính đào bới thu gom vô số bùn nhão phía trước, sau đó trộn lẫn cùng với bụi tro của lau sậy thảo cỏ, mỗi người một gánh, tiến thẳng về phía trước, thấy nơi nào nhiều nước, thì dùng tro bùn đó để lấp đầy vào. 

Ảnh minh họa (Nguồn Internet)

Nữ Oa đồng thời vận dụng thần lực của mình từ phía sau, thi triển phương pháp biến hóa, chỉ trong chốc lát, toàn bộ lượng nước mà Khang Hồi trút xuống, liền lập tức dội ngược lại về phía hắn ta. Một mặt lấy thổ khắc thủy, mặt khác nhờ sự hậu thuẫn từ thần lực nội tại của Nữ Oa, chính vì vậy mới có thể đạt được hiệu quả nhanh chóng thần tốc đến vậy.

Khang Hồi trong lần trở lại tấn công Không Tang này luôn kiêu ngạo chắc mẩm rằng Nữ Oa mang thân phận nữ nhi, có được bản lĩnh đến bao nhiêu, vì vậy hắn không hề chuẩn bị phương án đề phòng. Huống hồ phương pháp quyết thủy gây lũ lụt đã từng trải qua nhiều lần thử nghiệm vận dụng, cứ tấn công là luôn luôn giành chiến thắng với ưu điểm nổi bật là không cần gia cường phòng bị. Ngày hôm đó Khang Hồi còn đang lên kế hoạch xem xét sử dụng phương cách nào để tiếp tục tấn công tiêu diệt Nữ Oa, bất chợt trông thấy thác nước cuồn cuộn ồ ạt chảy về phía mình, thoáng chốc hai chân đã ngập trong biển nước. Còn đang bàng hoàng kinh ngạc, thì nghe thấy tiếng nhân dân bách tính của mình hô hào, la hét hớn: “Không ổn rồi, dòng nước đã quay ngược trở lại hướng về phía chúng ta rồi!” Họ đều là những người thành thục kỹ năng bơi lội, không hề sợ nước, tuy nhiên y phục lương thực cũng dần dần bị nhấn chìm, vì vậy nhất thời nổi đại loạn, tranh giành đồ đạc, di dời đồ vật, loay hoay bộn bề không ngớt. Khang Hồi không còn cách nào khác, buộc phải truyền lệnh thoái lui.

Trước động thái rút lui của bách tính Cộng Công, Nữ Oa liền đứng lên kêu gọi sự đồng lòng của toàn bộ bách tính: “Khang Hồi mặc dù hiện tại đã thoái lui, nhưng e rằng sau này vẫn cố chấp quay lại tấn công chúng ta, chi bằng chúng ta hãy tận dụng cơ hội này, thời điểm này nhằm tiêu diệt hắn ta, như vậy mới có thể vĩnh viễn tiêu trừ hậu họa. Mọi người thấy thế nào?” Quần chúng bách tính đồng loạt đáp lời: “Có thể làm được như vậy thì thật quá xuất sắc! Tuy nhiên hết thảy đều cần nhờ cậy vào nữ hoàng, cho dù dùng đến bất kể phương cách nào chúng thần đều cam tâm tình nguyện phụng mệnh.”

Nữ Oa chỉ thị: “Đã như vậy, hãy tiến về phía trước.” Quần chúng bách tính sau khi di chuyển mấy trăm dặm, đã giáp mặt với binh lực quân sĩ Cộng Công.

Khang Hồi mặc dù đã rút lui, song cũng chưa tháo chạy được quá xa, đã lựa chọn một địa phương có đồi cao, gò đất lớn, vượt trên thủy thế rồi tạm thời nán lại. Một mặt phái mật thám đi dò xét tỉ mỉ từng động thái của Nữ Oa, mặt khác tiếp tục nghiên cứu nguyên lý đảo ngược thủy thế. Còn đang trong quá trình phân tích lý giải, lại nhận được tin báo bách tính Nữ Oa đang tức tốc tiến đến tấn công, Khang Hồi truyền lệnh: “Lần này ta sẽ không vận dụng thủy công, mà trực tiếp giao đấu với bọn họ. Bách tính của họ chỉ có hai ngàn người, trong khi bách tính chúng ta có mấy vạn người, 10 người đánh một người, chẳng nhẽ còn không đấu lại bọn họ hay sao? Tất cả các khanh anh dũng, nỗ lực hạ gục quân địch, tuyệt đối không suy giảm nhuệ khí.” Bách tính Cộng Công vốn dĩ hung mãnh, lần này lại chịu thiệt thòi, người người ôm hận, nhận được mệnh lệnh của Khang Hồi, liền nhất tề đồng loạt vung tay vung chân, cầm lấy khí giới trúc mộc sắc nhọn cùng đá sỏi nhỏ to sẵn sàng nghênh đón giao đấu với lực lượng Nữ Oa đang tiến đến.

Về phía Nữ Oa, sau khi nhận thấy xu hướng xông lên đột kích của bách tính Cộng Công, đã lập tức hạ lệnh tạm thời hoãn binh, một mặt tập hợp toàn bộ mấy ngàn tượng đất lớn nhỏ mà bà từng nặn trước đây, xếp đặt ở địa vong, vận dụng thần lực, thi triển biến hóa. Trong phút chốc, mấy ngàn pho tượng đất từng cái từng cái đều to lớn dần lên, tượng lớn cao tới năm trượng, tượng nhỏ cũng hơn ba trượng, hơn nữa đều biến thành người sống, trên tay mang binh khí, cất bước tiến về phía trước ứng phó với quân địch. Lúc này, bách tính Cộng Công đã tập kết phủ kín khắp núi đồi, như lang như hổ, thanh âm hô hào tàn sát chấn động thiên địa. Sau đó, đột nhiên trông thấy sự xuất hiện của mấy ngàn người vừa cao vừa lớn liều mạng xông pha tấn công, họ bất giác hoảng hồn kinh sợ, cũng vô cùng ngạc nhiên, thầm nghĩ: “Thiên hạ vũ trụ bao la ở đâu tồn tại chủng người này cơ chứ? Chẳng phải thần binh hay sao! Làm thế nào đối địch được đây.”

Vừa thoáng nghĩ như vậy, lập tức thanh thế suy giảm, nhuệ khí tiêu tan, chứng kiến mấy ngàn tượng đất đột kích tấn công phía trước, bách tính Cộng Công trút một tiếng thở dài, quay người cất bước. Khang Hồi tuy hung ác, song cũng không thể trấn áp, chỉ đành dẫn theo bách tính lập tức rút lui.

Nữ Oa cùng đại đa số bách tính chỉ huy mấy ngàn tượng đất tiếp tục truy đuổi một hồi, nhận thấy lực lượng Khang Hồi đã di chuyển được khá xa, liền dừng lại không truy sát nữa, thi triển phép thuật biến hóa mấy ngàn tượng đất phục hồi về nguyên trạng, sau đó hạ lệnh cho một ngàn bách tính từng rèn luyện trang bị kỹ năng bơi lội đến giao phó trọng trách: “Khang Hồi lần này rút lui, nhất định sẽ lựa chọn một địa phương hiểm yếu để bắt đầu phòng thủ. Từ đây xuôi theo hướng bắc sẽ đi qua Hoàng Trạch, phía bắc Hoàng Trạch chính là Đại Lục Trạch. Phía tây bắc Hoàng Trạch lại có vô số tiểu trạch, tiếp tục sẽ đi qua Chiêu Dư Kỳ Đại Trạch, chính là quê hương nguyên quán của Khang Hồi, nơi hắn ta lựa chọn phòng thủ nhất định là hai địa phương này.

Nữ oa vá trời (Ảnh: Truyendangian.com)

“Xung quanh Đại Lục Trạch có kết cấu kiến trúc đê điều phòng bị kiên cố, chúng ta lần này tấn công qua đó, hắn nhất định sẽ phá vỡ đê điều trút nước nhấn chìm chúng ta, vì vậy ta sẽ cho người vận chuyển những đầu gỗ mà ta đã chuẩn bị sẵn đến những đầm, hồ có hệ thống đê điều, tùy thuộc vào kích cỡ lớn nhỏ mà sử dụng bốn gốc cây gỗ dài gia cố bốn phía xung quanh mỗi đầm hồ, đóng cọc sâu xuống dưới lòng đất, đồng thời dùng mấy gốc cây gỗ ngắn hơn đóng thêm vào hai bên trái phải, nếu làm được như vậy thì dù hắn ta có muốn phá vỡ hệ thống đê điều phòng bị cũng phá không nổi”.

Mọi người vẫn còn chút hoài nghi, bèn hỏi: “Chỉ có vài gốc cây, đầu gỗ và đóng cọc xuống phía dưới, thì liệu có tác dụng gì chứ?” Nữ Oa đáp: “Trong lòng đại dương, cá trạch to lớn nhất, cũng là loài mạnh nhất, với sở trường chịu được sức nặng, đến một tảng núi lớn nó còn có thể kéo đi, huống hồ chỉ là vài kết cấu đê điều nhỏ bé. Trên những đầu gỗ này chẳng phải đều có nét chạm khắc hình tượng cá trạch của ta hay sao? Hôm kia ta đã xuống lòng biển để thương lượng với thần đại dương, tạm thời mượn dùng bốn chân của cá trạch, vì vậy trên mỗi gốc cây gỗ không chỉ chạm khắc hình tượng cá trạch, mà còn liên kết bao chứa tinh thần, sinh lực của nó ở bên trong. Đê điều gặp loại trấn áp này, bọn họ tuyệt đối sẽ không thể phá giải được!”

Mọi người nghe xong đều hân hoan vui mừng, lập tức đứng dậy triển khai thực hiện. Nữ Oa dẫn theo hai ngàn bách tính lên núi, mang theo những đồ vật bằng tượng đất, bằng đá, v.v., chầm chậm hướng về phương bắc, thẳng tiến Hoàng Trạch, không thấy tung tích của Cộng Công Thị. Liền tiếp tục di chuyển thêm hai ngày nữa, đặt chân đến Đại Lục Trạch, quả nhiên xuất hiện bách tính của Cộng Công canh gác tại đó. Bọn họ đang lấy thuyền làm nhà, trông thấy Nữ Oa đuổi tới, liền chèo thuyền tháo chạy vào phía trong Đại Lục Trạch. Một số thế lực phô trương khác thì lăn lộn trong dòng nước, bơi đến ven bờ với ý đồ phá vỡ hệ thống đê điều, không ngờ rằng cho dù dốc sức vận dụng toàn bộ sức mạnh bản thân cũng không lay chuyển được một chút nào, thường ngày khi thao diễn thuần thục, đến giờ phút này lại mất đi năng lực bản lĩnh sở trường. Mọi người không có cách nào, chỉ đành hồi thuyền quay trở lại, gắng gượng tháo chạy về hướng tây.

Bách tính Nữ Oa dần dần tập hợp lực lượng, mấy ngàn tượng đất hình nhân cao lớn mang theo vũ khí sắc bén, diễu võ oai phong, vô cùng đáng sợ. Bách tính Cộng Công chỉ đành ném bỏ tàu thuyền, liều mạng tháo chạy về hướng Chiêu Dư Kỳ Đại Trạch. Nữ Oa truy đuổi ngay phía sau, địa thế vùng Chiêu Dư Kỳ Đại Trạch và Đại Lục Trạch hoàn toàn không giống nhau, Đại Lục Trạch với ba mặt là bình nguyên (đồng bằng), chỉ riêng địa thế phía tây tương đối cao, còn Chiêu Dư Kỳ Đại Trạch có bốn mặt bao quanh bởi núi, giống như đê điều tự nhiên, trên đó tồn tại những lỗ hổng mà Cộng Công đã tiên liệu sắp xếp sẵn sàng, chỉ cần kẻ địch bước chân vào, liền chặn đứng dòng chảy, khiến nước dội thẳng xuống phía dưới. Nữ Oa sớm đã lên phương án phòng bị cho tình huống này, liền hạ lệnh đem phân nửa số lau sậy thảo cỏ còn lại đốt thành tro bụi, trộn lẫn cùng bùn nhão, huy động hai ngàn bách tính đang rèn luyện trên núi đến giao phó: “Hiện tại cần nhanh chóng đến Chiêu Dư Kỳ Đại Trạch, các khanh phân thành hai nhóm, một nhóm chịu trách nhiệm vận chuyển đá ngũ sắc mà ta chuẩn bị, mỗi người vác mười viên lên núi, nhóm còn lại vận chuyển bùn đất, mỗi người một gánh lên trên núi, nhân lúc đêm hôm nay, khi bọn họ chưa phòng bị, tiến hành vá lấp toàn bộ những lỗ hổng đó. Ta ở đây sẽ vận khởi thần lực hỗ trợ mọi người, mọi người dùng xong bữa cơm tối rồi lên đường nhé.” Bách tính đồng lòng phụng lệnh.

Về phần Khang Hồi sau hai lần thất bại ở Không Tang, đã lui về Ký Châu. Trong lòng thầm nghĩ chắc hẳn Nữ Oa sẽ không đủ dũng khí đến tấn công mình, giả sử có đến tấn công thì ở đây đã bố trí kiên cố vững chắc đến vậy, cũng không cần e sợ bà ta; tranh giành thiên hạ tuy không thể, song lui về phòng thủ coi giữ bổn quốc thì có ắt hẳn sẽ bình yên thư thái rồi.

Sau đó trông thấy bách tính Đại Lục Trạch nháo nhác chạy đến báo tin Nữ Oa đã tấn công tới đây rồi, Khang Hồi vẫn chẳng lưu tâm, nói với bách tính rằng: “Bọn họ dám đến, ta chỉ cần trút nước từ trên núi xuống, đảm bảo từng người từng người họ đều sẽ thiệt mạng.” Có một vài bách tính trong đó tiếp lời: “Phương pháp trút nước phá đê của chúng ta từ trước đến nay đều vận dụng rất linh nghiệm, song hai lần gần đây bỗng mất linh, dẫn đến đại bại, chẳng phải Nữ Oa đã thi triển một chủng thần lực khác tại đó để tạo thành trở ngại hay sao, chúng ta vẫn nên cẩn thận chú ý coi chừng mới phải.” Khang Hồi nghe thấy vậy liền nổi cơn thịnh nộ: “Thật hồ đồ! Ngươi dám nói những lời này sao, khiến dao động nhân tâm, thật đáng khiển trách, lẽ nào tầm hiểu biết của ta hạn hẹp không bằng ngươi hay sao!” Liền hạ lệnh cho đám tùy tùng xử tử những bách tính đó. Nhân dân vô cùng sợ hãi, không ai dám lên tiếng.

Sang ngày thứ hai, chợt nghe thấy một hồi la hét lớn dưới chân núi, tùy tùng tức tốc bẩm báo với Khang Hồi: “Bách tính Nữ Oa kéo đến rồi!” Khang Hồi lập tức hạ lệnh khẩn trương quán thủy trút nước xuống. Nhưng đám tùy tùng hoảng hốt phản hồi: “Chúng thần đã trút nước, song không hiểu tại sao, toàn bộ những lỗ hổng kia đã được lấp đầy bởi những viên đá ngũ sắc, bất luận dùng phương cách nào cũng không thể khai mở được, cần phải xử lý sao đây?” Khang Hồi giận dữ nói: “Lẽ nào lại như vậy! Những lỗ hổng trên núi đã được chúng ta đích thân xếp đặt, chuẩn bị sẵn sàng, sao lại có người đến đắp vá lấp đầy lại cơ chứ? Mau gọi mật thám dò xét phe đối địch đến đây, chỉ qua một đêm, tại sao lại có thể vá lấp được nhiều đến thế! Hơn nữa còn kiên cố chắc chắn đến vậy, không thể phá vỡ khai mở được! Có lẽ đều là do đám người các ngươi đại kinh tiểu quái, cố ý náo loạn nhân tâm, hay là muốn mượn sự việc này để tranh giành công trạng, cũng chưa biết chừng! Tình huống này, quả thật đáng trách!” Liền hạ lệnh xử trảm toàn bộ những thủ lĩnh phụ trách quản lý trông giữ lỗ hổng.

Đang trong lúc huyên náo ồn ào, bỗng nghe thấy âm thanh đại loạn nháo nhác từ phía sau, ngoảnh đầu nhìn lại, bách tính của Nữ Oa đã di chuyển từ con đường mòn rẽ lên tấn công đến nơi rồi. Khang Hồi không còn cách nào khác, đành dẫn theo mấy người thân tín nhảy lên thuyền lớn, tiến vào trong Đại Trạch. Hơn phân nửa bách tính còn lại cũng tháo chạy vào trong trạch, song ai ai cũng lo lắng bảo toàn tính mệnh bản thân nên không có thời gian bảo hộ cho Khang Hồi. Phía bên này bách tính của Nữ Oa từng lớp người lớp người đang bơi đến tựa hồ như hàng ngàn con giao long, nhảy trong dòng nước, trở mình lướt trên sóng tới bắt giữ Khang Hồi, bao vây bốn phía chiếc thuyền lớn, Khang Hồi nhảy xuống nước hòng tẩu thoát, song chống cự không nổi số đông, đã lập tức bị bắt sống.

Mọi người bơi trở về bờ, dùng dây thừng lớn trói Khang Hồi lại, dâng nạp cho Nữ Oa. Nữ Oa vui mừng, thăm hỏi thiết đãi quần thần bách tính và ban thưởng vật phẩm, sau đó tiến hành trừng phạt Khang Hồi: “Ngươi cũng là một con người, có sinh mệnh, có thân gia, lại sở hữu địa phương Ký Châu, nắm trong tay chức vị quân chủ, thiết nghĩ như vậy cũng đủ thỏa mãn rồi, tại sao ngươi còn thường xuyên công kích bách tính địa phương của ta? Lại sử dụng loại độc pháp quyết thủy quán thủy tàn nhẫn làm tổn hại nhân dân, khiến cho nhân dân các địa phương thiệt mạng mà trở thành oan hồn đáng thương, tán gia bại sản hoặc cốt nhục ly tán. Ngươi nghĩ xem chẳng phải rất đáng thương tâm, bi thảm và tàn ác hay sao! Ngươi khiến cho không địa phương nào là không bị giày xéo, khiến người người lo lắng bất an, người người sợ hãi, trốn tránh, ẩn dật, rơi vào tình cảnh lưu lạc trôi giạt lang thang, nỗi thống khổ không thể diễn đạt bằng ngôn từ. Ngươi vì bản thân mà tranh đoạt địa bàn, hãm hại nhiều nhân dân đến thế, tội lỗi của ngươi có lớn không, sự hung ác của người đã đạt đến cực điểm chưa?

“Ta hôm nay sẽ trừng phạt xử tử ngươi, một mặt để trút giận cho những người dân đã chịu nhiều đau thương tổn thất, mặt khác là để tạo nên một tấm gương trừng phạt điển hình cho những kẻ sau này có hành vi tương tự như ngươi. Ta muốn cho bọn họ biết rằng loại người như ngươi tuy có thể không gặp kiếp nạn sinh tử trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng chiếc đầu đó cũng bất quá chỉ là tạm thời gửi gắm treo trên cổ nhà ngươi mà thôi, cuối cùng có muốn cũng không thể bảo toàn. Đây gọi là thiên lý nan dung, tự làm tự chịu!”

Dứt lời, liền phó thác cho hạ nhân trảm đầu Khang Hồi. Thật không ngờ sau khi nhát đao vừa chém rớt, trên cổ hắn ta không có lấy một giọt máu, toàn bộ là hắc khí ứa ra, bay tới không trung kết thành hình một con rồng, uốn lượn theo hướng bắc rồi bay đi, khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Nữ Oa nói: “Hắn ta vốn dĩ là một con hắc long giáng sinh, bây giờ hồn phách của hắn có lẽ đã hoàn lại nguyên trạng mà trở về trời, điều này không có gì kỳ quái”. Dứt lời, mọi người đưa thi thể hắn đi an táng, sau đó khải hoàn thu quân trở về.

Người đời sau tương truyền rằng Nữ Oa nặn đất tạo hình người, lưu lại bốn câu thơ, chính là: “Luyện đá ngũ sắc vá trời xanh, đoạn trạch túc lập lên tứ cực, sát hắc long cứu tế Ký Châu, tích tro lau ngăn dòng nước lũ”. Phàm khi nhắc đến câu chuyện này, đều diễn đạt một cách phô trương, giống như truyện thần thoại vậy. Đây là đại công trạng thứ hai của Nữ Oa.

Kể từ đó, bách tính Cộng Công tuy vẫn hung ác, song tựa như rắn mất đầu bất lực, vậy nên trải qua ba triều đại Thần Nông, Hoàng Đế, Thiếu Hạo, tổng cộng hơn bảy trăm năm mà không nảy sinh phiến loạn. Vào cuối những năm Thiếu Hạo tại vị, Cộng Công quốc bỗng nhiên xuất hiện một dị nhân với sức mạnh vô song, mọi người lập vị tôn ông lên làm quân chủ. Ông ấy không có danh tính, lấy hiệu là Cộng Công Thị, bổ nhiệm một hạ thần thân tín tên là Phù Du, người này có vẻ bề ngoài kỳ dị, huyết hồng toàn thân, hình dáng tựa như một con gấu, khi đi trên đường thường bất ngờ quay đầu lại, lúc nói chuyện thì luôn cất tiếng cười trước, có thể thấy đây là một người nham hiểm tàn độc. Tuy nhiên, Cộng Công Thị đối với những lời nói của vị hạ thần này lại vô cùng tin tưởng, bất luận chuyện gì cũng thuận theo, ông luôn cho rằng trong thiên hạ chỉ riêng mình Phù Du là người tốt, còn những người khác đều vô dụng.

Một ngày nọ, Phù Du tâm sự với Cộng Công Thị rằng: “Quân chủ của đất nước Cộng Công chúng ta ngày trước – Khang Hồi từng xưng bá Cửu Châu, vô cùng oai phong uy vũ. Nhưng kể từ khi bị Nữ Oa hãm hại, cho đến bây giờ đã hơn bảy trăm năm trôi qua, vậy mà vẫn chưa một ai có thể phục hưng đất nước trở lại, đây quả thực là nỗi hổ thẹn nhục nhã của Cộng Công quốc chúng ta! Hiện nay Đại vương với phong thái hùng vũ như vậy, thần nghĩ lúc này chính là thời điểm nên hoạch định một phương pháp nhằm khôi phục lại sự nghiệp vĩ đại vẻ vang thuở trước, từ đó khiến cho hậu nhân trong thiên hạ phải ngưỡng mộ khâm phục. Đại Vương thấy như thế nào?” Cộng Công Thị đáp lời: “Không tồi, không tồi. Nhưng nên định ra phương cách nào đây?”

Phù Du đề xuất: “Thần nghĩ, sự thất bại của quân chủ Khang Hồi ngày trước là thất bại trong chuyên môn thi triển thủy công, nguyên do không phải từ các phương pháp tác chiến khác. Chiến tranh trước đây đều sử dụng đầu gỗ thân trúc, vì vậy bên có số lượng người tham chiến nhiều sẽ giành được lợi thế. Lúc đó người của Nữ Oa tuy không nhiều nhưng vì có thể vận dụng thần lực, nên đã đánh bại quân chủ Khang Hồi. Kể từ khi Thần Nông Thị lấy đá làm binh cụ, quân khí đã có bước chuyển mình phát triển tiến bộ, rồi đến khi Xi Vưu Thị phát minh ra phương thức chiết xuất đồng, chế tạo được dao kích đại nỏ, v.v., Hoàng Đế Hiên Viên Thị lại tiếp tục chế tác cung tiễn, khí giới chiến tranh càng trải qua quá trình biến đổi càng trở nên tinh mỹ hoàn thiện, phương pháp tác chiến cũng có sự khác biệt rất lớn so với trước đây. Trọng điểm không còn phụ thuộc vào quân số đông nữa, mà phụ thuộc vào cung cường tiễn nhuệ, đao kích sắc bén, cho dù dụng binh ít cũng có thể đánh thắng được lực lượng quân địch đông đúc. Đại Vương bây giờ chỉ cần phái người chế tạo trước các loại binh khí đó, đồng thời tuyển lựa những bách tính tráng kiện khỏe mạnh rồi huấn luyện bọn họ phương pháp sử dụng các loại đao, kích, cách kéo cung bắn tên, ngày ngày thao diễn, tập hợp được dũng khí của bách tính đất nước Cộng Công ta cùng với bản lĩnh của Đại Vương, thần nhận thấy tương lai xưng bá Cửu Châu không phải việc khó thực hiện.

“Hơn nữa, thần còn có thêm một phương pháp, trong quá trình diễn ra chiến sự, chúng ta sẽ vận động các binh sĩ sử dụng một loại da bì thật dày, chế thành y phục, khoác lên người, như vậy cung tiễn đao kích của chúng ta có thể đả thương kẻ địch, còn cung tiễn đao kích của kẻ địch không thể gây tổn hại đến lực lượng của ta, đây chẳng phải là phương pháp tất thắng hay sao! Tên gọi của áo da này chính là áo giáp, Đại vương thấy thế nào?” Cộng Công Thị nghe xong, không giấu nổi vui mừng, lập tức hạ lệnh cho các thợ thủ công khẩn trương chế tác các loại binh khí và áo giáp, đồng thời huy động bách tính ngày ngày thao luyện. Tuy nhiên do kinh phí không đủ, lại thuận theo đề xuất của Phù Du đã tiến hành vơ vét tài sản của bách tính, khiến dân chúng than khổ thấu trời, nhưng vì e sợ trước các hình phạt nặng nề của Cộng Công Thị, mọi người vô cùng phẫn nộ mà chẳng dám oán than.

Cộng Công Thị có một nhi tử, tên là Hậu Thổ, tướng mạo đôn hậu lạc quan vui vẻ, tính cách hoàn toàn đối lập với phụ thân. Tận mắt chứng kiến những chính sách bạo ngược mà phụ thân thi hành, trong lòng không hề ủng hộ, liền đến can gián Cộng Công Thị: “Hài nhi nghe nói, các Thánh nhân cổ đại đều thực thi nền chính trị nhân từ bình ổn bách tính, mới có thể trở thành bậc quân chủ trong thiên hạ, chưa từng thấy nhân vật nào dùng vũ lực mà có thể chinh phục thiên hạ. Hôm nay phụ thân nghe theo lời Phù Du, muốn dùng vũ lực thống nhất thiên hạ, hài nhi e rằng sẽ luôn tồn tại một chút khó nạn! Huống hồ quân chủ Khang Hồi ngày trước hùng cường đến vậy, Xi Vưu Thị bản lĩnh như thế, cuối cùng cũng đi đến bại vong, đây chẳng phải là những vết xe đổ hay sao? Hơn nữa Thiếu Hạo Đế đã tại vị hơn tám mươi năm, ân trạch thâm hậu, nhân dân kính trọng, các nước chư hầu bốn phương đều quy tâm quy phục ông ấy, cho dù binh lực của chúng ta hùng cường, thì e rằng đến cuối cùng cũng khó mà giành được chiến thắng?”

Đang trong lúc trò chuyện thì Phù Du cười lớn bước vào, Cộng Công Thị bèn thuật lại đại ý nội dung Hậu Thổ vừa nói rồi hỏi ông ta: “Khanh nhìn nhận thế nào?” Phù Du cười đáp: “Lời thế tử nói cũng không có gì sai, chỉ là biết một mà không biết hai. Bậc quân chủ xưa nay thất bại, có một số dĩ nhiên là lạm dụng cường bạo. Tuy nhiên những trường hợp thành công, cũng chưa hẳn là không dựa vào vũ lực. Giống như vị quân chủ Khang Hồi, tuy vì vũ lực mà suy vong, nhưng Nữ Oa chẳng phải dùng vũ lực mà hưng thịnh hay sao? Hay Xi Vưu Thị cũng vì vũ lực mà thất bại, còn Hiên Viên Thị lại nhờ vũ lực mà thành công hay sao? Vũ lực vốn dĩ mang đến bất lợi cho bách tính, quả thật không thể thừa nhận là thực thi nền chính trị nhân từ, tuy nhiên ngoài vũ lực ra, liệu còn có phương pháp nào có thể thống nhất thiên hạ không? Câu nói lấy nền chính trị nhân từ để nắm trong tay thiên hạ, bất quá chỉ là lời nói trống rỗng hư không, há có thể xem như bằng chứng! Hãy nhìn tấm gương Hiên Viên Thị, được hậu thế tôn sùng với danh xưng quân vương nhân ái, nhưng dựa trên những câu chuyện của ông ấy mà luận bàn, kể từ khi Xi Vưu Thị sụp đổ, ngũ huy lục đạo, bốn bề chinh chiến không ngừng, bách tính khi đó thiệt mạng oan uổng cũng chẳng phải ít! Bởi lẽ sau này ông ta trở thành quân chủ trị vì thiên hạ, mọi người xu nịnh mà tôn phong là nhân quân; Hoặc cũng có thể là sau khi bình định thiên hạ, ông thực thi nhiều chính sách an dân mang đến lợi ích to lớn cho bách tính, vì vậy mọi người ca tụng công đức, gọi ông là nhân quân. Kỳ thực căn cứ vào bối cảnh thực tế, không thể minh xác khẳng định rằng “dùng nền chính trị nhân từ để nắm trong tay thiên hạ”? Vì vậy thần thiết nghĩ, sau khi đại công cáo thành, ta tiếp tục thực thi nền chính trị nhân từ cũng không muộn, giờ đây có bàn luận cũng chỉ đến vậy thôi.

“Về phần Thiếu Hạo Thị, hiện nay tuổi tác đã cao, thân thể hom hem già yếu, triều đình không chắc có thể bảo vệ được đến phút cuối, chúng ta nên nắm bắt thời cơ này luyện quân khởi binh, phô diễn sự cường thịnh của đất nước, để thiên hạ khâm phục ngưỡng vọng, như vậy thì sau khi Thiếu Hạo Thị qua đời, tứ hải chư hầu đương nhiên đều nguyện tôn phong Đại Vương lên làm quân chủ. Nếu không như vậy thì đến lúc đó, thiên hạ vô chủ, chúng ta dùng binh lực thu phục bọn họ, cũng không phải là điều không thể!”

Những lời này thật hợp ý với Cộng Công Thị, ông cười lớn ngoảnh lại nói với Hậu Thổ rằng: “Con hãy lắng nghe một chút, kiến thức hạn hẹp của tiểu hài tử như con tuyệt đối không thể sánh bằng những lão thần từng trải dày dạn kinh nghiệm được!” Hậu Thổ trầm mặc lặng im, ngưng lại một hồi lâu rồi xin lui ra ngoài, trong lòng thầm nghĩ: “Phù Du con người này miệng lưỡi thật sự lợi hại, phụ thân ta hoàn toàn bị hắn đầu độc rồi, cuối cùng không tránh khỏi tai họa. Đến lúc đó nước mất nhà tan, ta thực sự không đành lòng chứng kiến, song không có phương cách nào có thể vãn hồi xoay chuyển được, cần hành xử sao cho phải lẽ đây?

Sau khi suy nghĩ hồi lâu liền thốt lên: “Thôi! Thôi! Chi bằng ta rời đi!” Chủ ý đã định, sang ngày kế tiếp, Hậu Thổ thu dọn hành lý, bỏ lại gia thất, buồn bã lên đường. Trước khi khởi hành còn lưu lại một bức thư cho phụ thân, trong đó bày tỏ nguyên nhân rời hoàng cung, đồng thời khẩn thiết can gián phụ thân, gửi gắm lại những lời khuyên nhủ cuối cùng với tư cách một nhi tử.

Công Công Thị tuy yêu thương con trai, nhưng rốt cuộc cũng không so bì được với sự tin tưởng dành cho Phù Du, vậy nên sau khi đọc bức thư của Hậu Thổ, trong lòng ông cũng có chút động niệm, song chốc lát đã vội quên, duy chỉ có việc tiếp nhận đồng thuận với mọi đề xuất của Phù Du là không thay đổi, quả thật vô phương cứu chữa.

Sau khi Hậu Thổ rời thành, đã đi đến những nơi nào? Hậu Thổ vốn mang thiên tính thông minh, lại đam mê nghiên cứu học thuật, đặc biệt yêu thích tìm hiểu kiến thức về thủy lợi. Vào thời điểm đó họa nạn lũ lụt trong thiên hạ vẫn chưa hoàn toàn bình ổn, Ký Châu là địa phương chịu thiệt hại bởi lũ lụt đặc biệt nhiều. Bách tính đất nước Cộng Công vốn thành thục kỹ năng bơi lội, nên bản lĩnh cải tạo thủy thổ của Hậu Thổ cũng vô cùng cao siêu. Khi còn ở trong nước, Hậu Thổ đã thường xuyên hướng dẫn bách tính phương pháp cải tạo thủy thổ, đạt được hiệu quả tốt nên mọi người rất yêu kính mến mộ. Lần này rời thành, Hậu Thổ quyết chí đi khắp Cửu Châu, chia sẻ toàn bộ kinh nghiệm bình ổn thủy thổ hàng ngày truyền thụ đến mọi vùng miền, để bách tính tại các châu có thể an cư tại mảnh đất quê hương, thoát khỏi nạn lũ lụt, đây là một việc làm ý nghĩa đem lại lợi ích cho nhân dân. Quả thật sau này tại mỗi địa phương ông đi qua đều được nhân dân nơi đó hoan nghênh chào đón, thanh danh ngày càng vang xa. Tuy nhiên Hậu Thổ chưa một lần hồi quốc để diện kiến phụ thân. Sau này, khi phụ thân thất bại, quốc phá nhân vong, trong lòng ông càng thêm thống khổ, đã mai danh ẩn tính, không biết ở chốn nào. Nhưng bách tính Cửu Châu đều mong nhớ, hoài niệm về ân đức của Hậu Thổ, khắp nơi lập miếu tế tự, tôn là Xã Thần, theo nền nếp xuyên suốt như vậy đến mấy ngàn năm sau. Hiện nay thì không đề cập tới.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch

Exit mobile version