Đại Kỷ Nguyên

Thượng cổ bí sử (12): Trên đường đến Tung Sơn gặp kỳ thú, nhớ lại tỉ mỉ chuyện năm xưa về Xi Vưu

“Một hôm, sau khi thất bại, Cao tổ Hoàng Khảo đưa quân lui về chân núi Thái Sơn, tập hợp lại tàn binh, cùng với tướng tá Phong Hậu, Lực Mục và những người khác bàn bạc kế sách chống đỡ…

Lại nói đến chuyện đi tuần lần này của Cốc Đế, theo dự định ban đầu là đi từ Tung Sơn tới Kinh Châu, sau đó băng qua Vân Mộng Đại Trạch, rồi di chuyển theo sông Tương tới Nam Nhạc. Một ngày nọ, khi đi ngang qua Hoàn Viên khẩu, Cốc Đế hướng tay về phía Đế Nữ nói: “Phía trước là Thiếu Thất sơn”. Đế Nữ hỏi: “Nữ nhi nghe nói trên núi này có Bạch Ngọc Cao, loại thuốc uống vào có thể thành tiên, liệu có việc này không ạ?” Cốc Đế đáp: “Trong ghi chép có thấy viết về điều này, vậy hẳn là có đấy. Côn Lôn sơn, Ngọc sơn và ngọn núi này đều có thứ Bạch Ngọc Cao nổi tiếng. Côn Lôn sơn, Ngọc sơn có nhược thủy ngăn trở, núi cao dựng đứng, không dễ dàng tới được, cho nên rất ít người dùng Bạch Ngọc Cao trở thành tiên. Cho nên mới nói, việc trở thành thần tiên thực không dễ dàng”. 

Ngày hôm sau, đoàn người đi qua Thiếu Thất sơn, lại đến Thái Thất sơn, lên đỉnh Tung sơn, bồi hồi nhìn ngắm một lúc. Lúc đó là thời tiết cuối mùa thu, mây trắng lá đỏ, bách xanh hoa vàng tô điểm cho những tảng đá tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây cũng là phong cảnh mà Thường Nghi và Đế Nữ chưa từng được thấy trước đó, nên hai người đã khen ngợi không ngớt. Cốc Đế nói: “Trẫm du ngoạn nhìn ngắm thiên hạ, đã đi qua 4 trong 5 ngọn núi nổi tiếng. Thái sơn nổi danh hùng vĩ, Hoa sơn nổi danh thanh tú lạ thường, Hằng sơn nổi danh cao độ cổ xưa, chỉ có núi này, tuy không nổi danh như Thái sơn Hằng sơn, Hoa sơn nhưng lại có khí tượng trung dung, thần thái đẹp rực rỡ, giống như nơi ở của vua chúa, mũ miện phủ thân, cảnh sắc và danh tiếng không lớn, nhưng ý chí đức hạnh sáng tỏ tới tận nơi xa. Trẫm thiết lập kinh đô tại phía Bắc của ngọn núi này, cũng là bởi duyên cớ đó”

Lúc đó là thời tiết cuối mùa thu, mây trắng lá đỏ, bách xanh hoa vàng tô điểm cho những tảng đá tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. (Ảnh minh hoạ)

Một ngày khi ngồi xe tới một ngọn núi, chợt thấy từ bên trong có tiếng la hét chửi bới phát ra. Nghe kỹ mới phát hiện dường như đó là lời mắng mỏ: “Đồ ác độc! Đồ khốn nạn! Đồ lấy chó làm vợ! Đồ trộm chó!”

Tiếng chửi không ngừng phát ra khiến người nghe thấy vô cùng kinh ngạc. Thế nhưng khi nhìn vào rừng lại thấy không có người, chỉ thấy Bàn Hồ (một con nhân cẩu) vểnh hai lỗ tai lên, đứng thẳng, đuôi dài, tru lên tiếng lớn rồi chạy thẳng vào rừng. Đột nhiên lại nghe được âm thanh: “Ngươi là kẻ trộm chó! Ngươi là chó dữ! Ngươi là hung cẩu!”. Lại một tràng âm thanh mắng mỏ phát ra, sau đó thì không còn nghe thấy tiếng gì nữa. Người đi theo Cốc Đế truy tìm thì chỉ thấy Bàn Hồ đang chộp lấy một con động vật đỏ như lửa trong bụi cỏ đang sủa loạn. Nhìn kỹ thì thấy con vật đó giống như một con lợn nên đã vội chạy tới báo cho Cốc Đế biết. Cốc Đế chợt nhớ ra và nói: “Trẫm nghe núi Khổ Sơn có sinh ra một con thú, tên gọi là Sơn Cao, hình dáng trông giống con lợn, màu đỏ như lửa, giỏi mắng chửi người, liệu có phải là con thú này không?” Sau đó ông lập tức sai người đi hỏi xem ngọn núi này tên là gì. Người theo hầu đi hỏi về bẩm báo: “Thần vừa mới hỏi xong, ngọn núi này tên là Khổ Sơn”. Cốc Đế nói: “Vậy thì không cần phải nói, đó đúng là con Sơn Cao rồi. Con súc sinh này vô tình học được mấy câu tiếng người, liền tự cho mình là to lớn. Người gặp nó chẳng nói lời xúc phạm vậy mà nó lại đi chửi bới con người. Hôm nay nếu không phải nó tự gây họa sát thân thì cũng không thể nó làm càn vô lễ thêm nữa”

Một lúc sau, đoàn người đến quán trọ nghỉ chân. Mọi người liền nói về sự việc con Sơn Cao vừa mắng chửi người, Thường Nghi liền hỏi Cốc Đế: “Thú vật có thể nói tiếng người, thực sự là chuyện lạ!” Cốc Đế nói: “Có rất nhiều loại động vật có được năng lực nói tiếng người, nổi tiếng nhất là con tinh tinh. Nó chẳng những có thể nói tiếng người mà còn biết được danh tính và việc con người từng làm trong quá khứ, đó chẳng phải là kỳ lạ sao? Còn có một con gọi là Giác Đoan, thân hình giống với con tuần lộc đuôi ngựa, trên thân có 6 màu sắc, chính giữa có 2 cái sừng. Nó không những có thể nói tiếng người mà còn hiểu được tiếng nói của người bốn phương, hơn nữa còn biết được chuyện xảy ra trong tương lai. Đây chẳng phải kỳ quái hơn sao?” Đế Nữ vội hỏi: “Vậy thì cái sừng của nó mọc ở chỗ nào?” Cốc Đế nói: “Nó là một con mao tinh thành tinh, khi có thánh nhân thì nó phụng chỉ đưa tin, là một con linh vật không dễ gặp được, cũng không nhất định có nguồn gốc. Còn một loại tên là Bạch Trạch, lông trên toàn thân đều là màu trắng. Nó chẳng những có thể nói tiếng người, hơn nữa còn biết rõ tình huống sự vật trừ hại giúp dân. Khi Cao tổ Hoàng Khảo tuần tra phía đông, lúc đi đến địa phận Hải Tân từng nhìn thấy con thú này. Khi đó ngài có hỏi nó về ma quỷ và các vị Thần trên thế giới, nó có thể trả lời sự việc của từng người một. Vừa nói nó vừa ghi lại và vẽ ra. Từ xưa, tinh khí biến thành vật, linh hồn thay đổi qua các vật. Sau khi trải qua tổng cộng 11.520 loại thì được gọi là ‘Bạch Trạch đồ’. Sau đó lại làm một chúc văn để cắt đứt đoạn tuyệt với nó, đây chẳng phải là chuyện lạ sao?”. Đế Nữ lại hỏi: “Về sau con Bạch Trạch này đã đến nơi nào rồi?” Cốc Đế nói: “Loại này là thần thú, không thường xuyên xuất hiện, chỉ khi có bậc quân chủ minh đức sâu dày, nó mới ra ngoài một lần. Hiện tại đức hạnh của trẫm kém xa với Cao tổ Hoàng Khảo, cho nên nó mới không tới”

Hoàng Đế sinh ở gò Hiên Viên vùng Tân Trịnh, Hà Nam, do đó được gọi là Hiên Viên Hoàng Đế. (Ảnh: NTDTV)

Đế Nữ hỏi tiếp: “Nữ nhi nghe nói Cao tổ Hoàng Khảo về sau lên trời thành tiên, việc này là thật sao?” 

Cốc Đế nói: “Sao lại không thật? Đương sơ Cao tổ Hoàng Khảo dùng võ công định tứ di, dựa vào văn để cai quản dân chúng. Sau khi thành công, ông đến núi Thải Đồng rồi đến chân núi Kinh đúc đỉnh. Lúc đúc đỉnh xong thì có một con thần long mang theo một cái kiềng từ trời giáng xuống. Cao tổ Hoàng Khảo biết là nó đến để đón mình, cho nên đã mang theo đồ đạc cùng vật tùy thân, từ biệt quan đại thần, hoàng hậu và phú hào, sau đó cưỡi rồng bay đi. Chúng thần thấy Cao tổ Hoàng Khảo cưỡi rồng bay đi muốn thành tiên rồi, họ cũng mau chóng cưỡi rồng bay đi theo, tổng cộng có hơn 70 người. Khi đó rồng từ từ bay lên, một số quan lại không kịp cưỡi lên lưng rồng liêng nắm lấy râu của nó. Rồng không cõng nổi trọng lượng của quá nhiều người trên lưng nên nó tỏ ra đau đớn, liền hất đầu, lắc mình bay lên, khiến cho râu rồng bị đứt không ít. Những tiểu thần đã túm râu rồng bị hất ngã văng xuống đất, sự việc này đã làm rung chuyển cung điện của Cao tổ Hoàng Khảo. Thời điểm đó, bách tính bên dưới không chỉ có mấy nghìn vạn dân. Cao tổ Hoàng Khảo đã cưỡi rồng lên trời rồi, không ai nhìn thấy nữa. Vì vậy mới có bế cung, ôm râu rồng, mọi người khóc lóc thảm thiết. Vì vậy, người đời sau đã đặt tên cho nơi này là Đỉnh Hồ và cung này là Ô Hào. Nhìn vào lịch sử, đích xác là có sự việc này, sao còn nghi ngờ chứ?”

Đế Nữ hỏi: “Mộ phần của Cao tổ Hoàng Khảo hiện ở Kiều Sơn, nếu thành tiên, vì sao còn có lăng mộ?” 

Cốc Đế nói: “Cái lăng mộ đó là giả. Vì nhớ ân đức của Cao tổ Hoàng Khảo mà người đời sau đã lấy y phục mà ông mặc thường ngày đem an táng ở đó, đồng thời xây lăng mộ, để tiện tế bái chứ không phải là thật”. 

Đế Nữ đáp: “Thì ra là vậy. Thế nhưng nữ nhi lại có một cảm nghĩ, nếu như Cao tổ Hoàng Khảo dựa vào công đức to lớn của mình mà đắc đạo thành tiên, giống như công đức của phụ thân ở hiện tại, so với Cao tổ Hoàng Khảo, theo nữ nhi thoạt nhìn thì không sai biệt lắm, sau nhiều năm nữa, khó nói rằng không có thần long tới đón phụ thân lên trời thành tiên nhỉ?”  

Cốc Đế cười nói: “Con tưởng đắc đạo thành tiên dễ vậy sao? Năm xưa Cao tổ Hoàng Khảo chào đời mà thần linh, yếu nhưng lại có tài ăn nói, nhỏ tuổi mà có kỷ luật, giỏi giang mà thông minh, thành thục mà thật thà nhanh nhạy, có thể sai khiến Bách Linh, có thể được xem là bậc thánh nhân ngút trời, thế nhưng vẫn không thể ngồi mà đắc đạo, nhất định phải kinh qua không ngừng tìm tòi nghiên cứu, gặp rất nhiều danh sư, mới hiểu được hết yếu lĩnh bí truyền, hết thảy những đạo lý của Chân, mới có thể đắc được kết quả thành tiên. Trẫm đâu được như thế chứ? Con thực thấy thành tiên quá dễ dàng à”

Đế nữ nói: “Cao tổ Hoàng Khảo đã tìm hiểu những gì? Có bao nhiêu danh sư? Truyền thụ như thế nào? Làm sao có thể thành tiên? Phụ thân hẳn đã biết tường tận, nếu không ngại thì nói cho con nghe một chút đi”. 

Cốc Đế đáp: “Những đạo lý tinh thâm trong đó thì trẫm không thể biết, cho nên cũng không thể nói. Về phần những gì Cao tổ Hoàng Khảo từng trải qua thì đều có ghi lại trong sách, những thứ đó trẫm đều biết cả, cũng có thể kể cho con nghe. Hầu hết người muốn thành tiên, cần hội tụ 5 điều kiện: Thứ nhất là có đức hạnh cao thâm, hai là có trí tuệ siêu phàm, ba là được thiên thần trợ giúp, bốn là làm được 1.300 việc thiện, năm là cần có danh sư truyền thụ, cuối cùng là có đan dược và phương thuốc dẫn. 5 điều kiện đó, thiếu một thứ cũng không được. Cao tổ Hoàng Khảo đức hạnh trí tuệ, rõ ràng ở nhân thế mọi người đều biết, trẫm không cần phải nói thêm nữa. Điều khó được nhất chính là được thiên thần trợ giúp, điều này nằm ngoài tầm với của hậu nhân. Đương sơ lúc ngài ấy làm chư hầu tại Hữu Hùng, lúc đó ở phương bắc có một chư hầu tên là Xi Vưu, dẫn theo người của hắn tới gây nhiễu loạn. Xi Vưu thị có 81 huynh đệ, tất cả đều có đầu đồng, trán sắt, cổ đá, thân hình rất giống dã thú, có tám tay tám chân, tay như móng hổ, lòng bàn tay có văn tự, vô cùng hung ác. 

Tương truyền Xi Vưu 3 đầu 6 tay, đầu đầu trán sắt, đao kiếm không đâm chém được. (Ảnh: NTD)

Ngay cả việc bay lên trời, không gì không làm được, vê cát làm cơn, dùng đá làm lương thực, con xem có lạ không? Đúng lúc đó, núi cát lô bị lở, hồng thủy tràn ngập, lúc nước rút đã lộ ra một mỏ khoáng chất, tên là vàng. Xi Vưu liền lấy loại vàng ròng này để đúc binh khí là kiếm, khiên, thương, kích. Sau đó núi Ung Hồ cũng bị lở, nơi đó lại lộ ra một mỏ vàng, ông liền dùng số vàng đó đúc thành đặt tên là kích Ung Hồ, giáo mác Ung Hồ. Ngoài ra còn chế tác được một loại binh khí nữa gọi là Tác nỏ, có thể bắn đả thương người từ một nơi rất xa. Bình thường họ đã rất hung ác, giờ có thêm các loại binh khí lợi hại này trợ giúp, dân chúng cũng chỉ có thể dựa vào nhẫn chịu thôi. Họ có thể biến ảo không theo cách thức nào, có thể hô phong hoán vũ, lấy mây làm sương, có thể thực hiện đủ loại hành động gian ác mê hoặc lòng người, đó cũng không phải là hiện tượng cá biệt. Đó là nguyên do chúng hành động bạo ngược đối với bách tính, không từ thủ đoạn. 

Trong sách sử có ghi lại 2 câu: “Trận kích nổi lên, thi thể đầy đồng ruộng”. Từ hai câu này mà xét thì, sự tàn bạo và hung ác của chúng chẳng phải rất đáng sợ sao? Khi đó Viêm Đế Du Võng đang làm hoàng đế, thực lực yếu kém, không có cách nào khống chế được nên phải phong cho nó làm Khanh thổ, bảo người này cai quản phương tây, quản lý việc của trăm quan, nghĩ rằng làm vậy sẽ có thể kiềm chế được nó. Không ngờ lòng dạ lang sói của Xi Vưu lại vô độ, dã tâm muốn đoạt đế vị. Một hôm nó dẫn binh tiến đánh Du Võng, Du Võng đánh không lại nên đã bỏ ngôi vị chạy trốn đến địa phương Trác Lộc. Xi Vưu liền tự xưng làm Viêm Đế, trước là thực hiện tế bái trời đất, sau lại muốn tấn công tiêu diệt các chư hầu. Khi đó Cao tổ Hoàng Khảo sống ở Hữu Hùng, đức cao vọng trọng, các chư hầu khác và Du Võng đều quy thuận tuân theo lệnh của Cao tổ Hoàng Khảo, muốn ông thảo phạt Xi Vưu. Lúc đó Cao tổ Hoàng Khảo còn muốn dùng nhân nghĩa để cảm hóa, kết quả đến cuối cùng vẫn bắt buộc phải thực hiện chiến tranh. Thế nhưng, cho dù đánh như thế nào cũng không giành phần thắng. Bởi vì binh khí của Xi Vưu đều luyện từ vàng ròng, vô cùng sắc bén. Binh khí mà binh lính của Cao tổ Hoàng Khảo dùng đều làm từ la trúc gỗ đá. Dù là trên dưới một lòng, liều mạng tử chiến, thì thắng như thế nào đây? Huống hồ Xi Vưu lại giỏi về thuật biến ảo, tới lúc nguy gấp, không làm mưa gió bão cát thì cũng tạo ra trận mưa tầm tã khiến cho quân của Cao tổ Hoàng Khảo không thể đánh tới. Có lúc còn khiến cho sương mù bao phủ khắp nơi, mây mù che lấp tầm nhìn, không thể xác định được phương hướng. Lúc đó hắn ta lại thừa cơ công kích, bởi thế mà nhiều lần giao chiến, Cao tổ Hoàng Khảo luôn gặp thất bại. Một hôm, sau khi thất bại, ông đưa quân lui về chân núi Thái Sơn, tập hợp lại tàn binh, cùng với tướng tá Phong Hậu, Lực Mục và những người khác bàn bạc kế sách chống đỡ, nghĩ trước nghĩ sau mà không tìm ra được biện pháp gì. 

Trong lòng Cao tổ Hoàng Khảo cảm thấy ưu sầu lo lắng, bất giác ngửa mặt lên trời thở dài vài tiếng, bởi vì mấy ngày qua chiến sự mệt nhọc, ông liền về trướng mơ màng ngủ. Thế nhưng vài tiếng thở dài của ông đã khiến cho một vị thượng tiên cảm động, vị ấy chính là Tây Vương Mẫu cư ngụ ở Ngọc Sơn. Bà biết Cao tổ Hoàng Khảo gặp nạn, liền sai Cửu Thiên Huyền Nữ tới, sai bảo nói: “Hiện tại, Xi Vưu ở hạ giới làm loạn, bạo ngược bách tính, Công Tôn Hiên Viên chinh phạt không được, ngươi có thể đi trước giúp đỡ một tay”. Cửu Thiên Huyền Nữ nhận lệnh định đứng dậy rời đi, Tây Vương Mẫu lại nói: “Khoan đã, ta còn có việc này nữa”. Nói rồi bà liền hướng sang thị nữ đứng bên nhắn nhủ: “Mang bộ áo lông cáo mà ta cất giấu tới đây”. Thị nữ mang bộ áo lông cáo đến đặt vào tay, Tây Vương Mẫu liền lấy ra miếng vải trắng rồi viết lên một đạo phù, bảo thị nữ cầm theo, cùng Huyền Nữ hạ giới trước, giao cho Công Tôn Hiên Viên. Thị nữ nhận lệnh cùng Huyền Nữ hạ sơn. Cửu Thiên Huyền Nữ vốn có hình dạng một con chim, lần này hạ sơn lại hóa thành một mỹ nữ tuyệt sắc, cưỡi con Đan Phượng đứng trên một đám mây, thân mặc chiếc áo có 9 màu xanh biếc. Thị nữ đi cùng cũng là một vị tiên, nàng mặc bộ y phục trắng tinh, cưỡi trên đám mây đầy màu sắc, du hành cùng Huyền Nữ đi về phía đông. 

Thực sự là đi ngàn dặm chỉ trong nháy mắt, không bao lâu đã đến được chân núi Thái Sơn. Hai người đáp mây, hạ Đan Phượng xuống, đi thẳng về hướng đại bản doanh. Khi đó Cao tổ Hoàng Khảo đang ngủ mê man, tất cả binh lính cũng từng nhóm từng nhóm túm năm tụm ba ngồi nghỉ ngơi tại chỗ vì đã chiến đấu nhiều ngày liền. Bỗng thấy có hai cô gái tuyệt sắc đi tới, một người mặc y phục rực rỡ, một người mặc y phục tơ trắng. Cô gái mặc áo tơ trắng tay cầm chiếc áo lông cáo đen, không khỏi tỏ vẻ kinh ngạc. Cô ấy hỏi: “Nhữ vương hiện ở nơi nào?”

Những binh lính này đều là do Cao tổ Hoàng Khảo huấn luyện, cho nên họ đều là người có đạo đức và hiểu biết, không thể đem so với binh sĩ cường đạo giặc cỏ, chúng hoàn toàn không có kỷ luật, thậm chí còn bắt người cướp của, gian dâm. Cho dù những binh lính này gặp phải thất bại nhưng ở nơi hoang vắng gặp được nữ tử tuyệt sắc vẫn đối đãi với họ một cách cung kinh, không làm bậy, không có tâm địa của thú vật. Lại nghe thấy hai người hỏi quân chủ, họ lại càng thêm khách khí, liền cùng đồng thanh đáp: “Chủ của chúng tôi đang ngủ rồi, nhữ chờ hỏi chuyện gì, tới đây hỏi đi?” Nữ tử mặc y phục sặc sỡ nói: “Chúng tôi có chuyện quan trọng xin gặp, cảm phiền chư vị vào thông báo giúp!” Binh lính nhận lời đồng ý đi vào bẩm báo, Cao tổ Hoàng Khảo biết được liền lập tức tiếp kiến. Sau khi chào hỏi, Huyền Nữ và Thị Nữ nói rõ ý định đến của mình, Cao tổ Hoàng Khảo vô cùng cảm kích, hướng về Tây bái lạy, sau đó kể lại nguyên do vi Xi Vưu hung ác biến ảo lợi hại nên ông so tài nhiều lần nhưng không thể thắng được. Thị Nữ nói: “Cái này không khó chống đỡ, thỉnh Đế yên tâm”. Dứt lời, nàng đưa bộ áo lông cáo, bùa hộ mệnh cho Cao tổ Hoàng Khảo, sau đó nói: “Mặc áo lông cáo, đao kích đánh tới cũng không bị thương, lá bùa này khiến cho bản thân không bị mê mất tâm trí trong mưa gió, như vậy tự nhiên sẽ thành công”. 

Nghe xong hai câu này, Cao tổ Hoàng Khảo bất giác hoài nghi, liền hỏi: “Nếu binh sĩ tấn công Xi Vưu đều bị thương, chỉ mình ta là không sao cả, quân sĩ đều bị mê mất tâm trí chỉ có ta là không mê, thế thì còn làm được gì?” Huyền Nữ đáp: “Xin hãy yên tâm, còn có phương pháp mà. Binh khí lợi hại nhất của Xi Vưu là đao kích, nỏ lớn, những thứ đó chúng ta cũng có thế chế tạo ra. Xi Vưu có phép thuật biến ảo, hô mưa gọi gió thì chúng ta cũng có biện pháp khắc chế nó mà. Lần này Tây Vương Mẫu gọi ta hạ sơn trợ giúp, có nhiều sự tình bàn bạc, e rằng phải ở trong quân doanh mấy tháng mới xong, chúng ta có thể vừa đi vừa bàn luận. Hiện có áo lông cáo và lá bùa này là Tây Vương Mẫu đặc biệt căn dặn tặng cho Đế, thỉnh Đế mặc vào đi”. Cao tổ Hoàng Khảo nghe xong không khỏi vui mừng, vội vàng mặc lên người, đeo vào bùa hộ thân rồi hướng về Tây cung kính bái lạy, sau đó giữ hai nữ tử lại và hỏi: “Làm thế nào bắt chước được cách chế tác binh khí của Xi Vưu?” Huyền Nữ nói: “Binh khí của Xi Vưu đúc từ đồng. Ở địa phận cách nơi này không xa có một ngọn núi gọi là Côn Ngô, trong núi này có đồng, màu sắc như lửa, Đế có thể cho người tới đó khai thác, đào xuống sâu 100 thước, khi chưa thấy nước suối thì lại đào tiếp, sẽ nhìn thấy hào quang như lửa tỏa ra lấp lánh, vậy là chất liệu đó rồi. Sau đó lấy lửa rèn, có thể thu được đồng nguyên chất, rồi đem đồng đi chế tạo kiếm kích, như vậy chẳng phải là tương đương với quân địch về binh khí sao. Tiếp đến là phỏng theo cách chế tạo nỏ lớn, sau đó cùng một khối nhỏ đồng lắp trên đầu của gậy trúc rồi đặt lên giá bắn, như vậy chẳng phải lợi hại hơn nỏ lớn của chúng sao?” 

Cao tổ Hoàng Khảo nghe vậy thì vô cùng vui mừng, lại hỏi tiếp: “Làm vậy có thể chắn gió mưa, giải sương mù như thế nào đây? Huyền Nữ nói: “Điều này nhất thời nói không được rõ, ta có một bản vẽ ở đây”. Vừa nói, nàng vừa lấy từ bên người ra đưa cho Cao tổ Hoàng Khảo. Cao tổ Hoàng Khảo vừa nhìn, chỉ thấy bên trên vẽ một vật, giống như cây liễu, trước và sau đều thiếu một khối, có người đứng ở phía trên, tay giương cao và kéo hướng đến phía trước, phía trước lại có người vươn thân ra giống như hình bán nguyệt, xuống phía bên cạnh là hai vòng tròn lớn, giữa hai vòng tròn lớn này có vô số sợi chống đỡ. Cao tổ Hoàng Khảo nhìn bức vẽ mà không tưởng tượng ra đó là vật gì, vội hỏi: “Cái này có tác dụng gì?” Huyền Nữ giải thích: “Đây là loại khí cụ trước đây chưa từng có, hiện tại không thể làm gì khác hơn là đặt tên cho nó. Vật giống nỏ này đặt là cung tên, còn vật này gọi là xe. Tách riêng ra mà nói thì hai vòng tròn lớn bên dưới gọi là bánh xe, vật hình bán nguyệt ở trước gọi là càng xe, 3 đến 4 người có thể ngồi trên chiếc xe này, phía trước có thể dụng ngựa kéo, cũng có thể dùng bò, dùng dây thừng điều khiển, hai bánh xe chuyển động đưa người về phía trước. Binh lính của Xi Vưu đều đi bộ, chúng ta dùng vật lớn như vậy nhất tề xung phá, quân địch làm sao có thể chống đỡ?

Hơn nữa họ sống ở nơi đất thấp, công lên khó, chúng ta đánh từ trên cao, có thể dễ dàng công kích. Hơn nữa chúng ta còn có cung tên bắn từ nơi xa, tại sao phải sợ chứ?” Cao tổ Hoàng Khảo nói: “Thì ra là vậy. Thế nhưng người đứng trên xe dùng tay chỉ là có ý gì?” Huyền Nữ nói: “Đây là để phá vỡ thuật mây mù. Xi Vưu giỏi dùng mây mù để khiến cho quân lính chúng ta bị mê lạc mất phương hướng, người trên xe có thể gọi là làm tiên nhân. Trên tay của người này có một bộ phận then chốt, có thể điều khiển xe xoay theo hướng mong muốn, hướng hai ngón tay chỉ luôn hướng về phương nam. Xi Vưu tuy giỏi dùng thuật mây mù nhưng chúng ta lại có phương pháp không bị lạc hướng, chẳng phải có thể phá hắn sao?” 

Cao tổ Hoàng Khảo kinh ngạc nói: “Chiến xa được làm bằng gỗ, nên đương nhiên vị tiên này cũng được chạm khắc từ gỗ. Nó không phải là một vị tiên thực sự. Cho dù có cơ chế, làm sao có thể khẳng định nó luôn chỉ về phía nam? Đạo lý ở chỗ này rất khó để có thể hiểu được, chẳng lẽ trong đó có phép thuật nào đó?” Huyền Nữ nói: “Bên trong cũng không phép tiên thuật gì, bất quá cũng chỉ là một loại lực hấp dẫn mà thôi. Bên trong có loại đá gọi là nam châm, nó có lực hấp dẫn rất mạnh, nhưng có hai mặt âm dương, gặp phải thứ cùng loại thì đẩy, khác loại thì hút nhau, quả thực rất kỳ diệu, không thể nghĩ bàn. Trên địa cầu này, lực hút nam châm mạnh nhất là ở hai đầu cực, có thể nói các vật kim loại trên mặt đất đều bị nó hút vào. Hiện tại người gỗ trên xe có hai đầu ngón tay chế tác từ nam châm, cho dù xe có xoay thế nào đi nữa thì nó vẫn theo đó mà chỉ về phương nam”. Cao tổ Hoàng Khảo nghe xong, không khỏi thở dài cảm thán: “Thì ra là thế. Vật này được phát minh ra, có lẽ mấy ngàn năm sau vẫn thu được lợi ích”. 

Chỉ nam xa (xe chỉ nam).

Huyền Nữ lại nói: “Còn có đồ vật mà Thị Nữ sẽ giúp làm cùng”. Nói xong nàng lấy ra một bản vẽ, Cao tổ Hoàng Khảo vừa nhìn chỉ thấy phía trên cũng là một cỗ xe, trên đó vẫn có một tiên nhân đứng, thế nhưng trên tay vị này cầm một chiếc dùi, dùi đánh xuống mặt trống. Cao tổ Hoàng Khảo chỉ vào hình ảnh hỏi đây là cái gì, Huyền Nữ đáp: “Đây là trống báo dặm đường, bên trong người gỗ có đặt cơ quan, khi xe đi được 1 dặm thì chốt bên trong sẽ khởi động khiến cho tay cầm dùi đánh xuống mặt trống một cái, khi đi được 2 dặm thì dùi nện xuống trống 2 cái. Khi gặp tình huống Xi Vưu thực hiện ngưng tụ mây làm mù, xe chỉ nam giúp binh lính không mê lạc phương hướng, thế nhưng khi truy đuổi theo quân địch tháo chạy lại không biết đã đuổi theo bao nhiêu dặm để liệu bề tiến lùi, suy cho cùng, thì đó không phải kế sách vẹn toàn. Có cỗ xe đo dặm đường này thì không cần lo lắng nữa. Hơn nữa cái xe này không chỉ dùng khi hành quân mà ngay cả đi đường mà dùng đến cũng rất tiện lợi”. Cao tổ Hoàng Khảo nghe xong tỏ ra vô cùng cảm kích, liền hướng đến Huyền Nữ mà hành lễ đại tạ. Huyền Nữ nói: “Có vài món binh khí chuyên dùng để đối kháng lại binh khí của Xi Vưu cùng với thuật mây mù. Về phần biến ảo, theo ta thấy thì ông ta cũng không hay dùng, đến lúc đó sẽ tự có phương pháp phá giải, hiện tại không cần tiên liệu trước”. 

Cao tổ Hoàng Khảo vui mừng khôn xiết, ông liền lưu giữ hai nữ tử này tại quân doanh, cung cấp hậu đãi khác thường. Một mặt mọi người nương theo lời Huyền Nữ nói để chuẩn bị tất cả các vật dụng. Huyền Nữ cũng truyền thụ lại cho Cao tổ Hoàng Khảo hết thảy đạo lý luyện binh cơ. Tất cả những gì nàng truyền thụ mà người đời sau còn lưu giữ được thì có 8 loại: “Một loại là Tam cung Ngũ âm Âm Dương phương lược, một loại là Thái Ất độn giáp lục nhâm bộ đấu pháp thuật, cung cấp cho một bộ phù lục giáp lục nhâm Binh tín; một loại là âm phù cơ yếu; một loại là sách linh bảo Ngũ Đế, bên trong có văn tự ngũ phù ngũ thắng; một loại là thư sai khiến quỷ thần; một loại là sơ đồ cầm nắm thắng bại của tứ Thần, một loại là sách tinh lọc bí quyết Ngũ Binh Hà Đồ; còn có một loại là chế yêu thông linh ngũ minh, tuy nhiên thuật này thực sự có hay không thì người đời sau không được biết nữa. Cao tổ Hoàng Khảo vốn là người có trí tuệ tuyệt luân, chỉ cần nghe Huyền Nữ nói qua, tự nhiên thấu hiểu được, chỉ sau vài ngày thì đã thành thục. Huyền Nữ nói: “Hiện tại Đế khoan khoan tranh cao thấp với Xi Vưu, tạm lui về đất Hữu Hùng, ta còn thỉnh Đế đến bên bờ Đông Hải một chuyến”. Cao tổ Hoàng Khảo vội hỏi: “Đến bên bờ Đông Hải làm gì?” Huyền Nữ đáp: “Bên đó còn một món binh khí, mang tới có thể tăng thêm uy lực cho quân đội”. 

Lúc đó Cao tổ Hoàng Khảo đã tin tưởng Huyền Nữ tới mức không một chút nghi ngờ, ông không hỏi gì thêm nữa. Một mặt ông gọi Tương Phong dẫn quân trở về Hữu Hùng, một mặt chọn ra một ngàn binh sĩ cùng ông và Huyền Nữ, Thị Nữ của Tây Vương Mẫu đi theo đường mòn tiến về bờ Đông Hải. Huyền Nữ hỏi Cao tổ Hoàng Khảo: “Trong biển phía trước có một ngọn núi, gọi là Lưu Ba, cách bờ 7 ngàn dặm. Trên núi có một con thú, khỏe như trâu, thân hình màu xanh nhưng không có sừng, chỉ có một chân, là loài động vật lưỡng cư, lúc thì ở trên núi, lúc lại ở dưới biển. Khi nó bắt đầu lên khỏi mặt nước thì nhất định xuất hiện mưa to gió lớn. Hai con mắt của nó vô cùng sáng, ngay cả trong bóng tối cũng tỏa sáng như vầng trăng và có thể soi rõ bất kỳ loài vật nào ở trước mắt. Âm thanh của nó vô cùng to, tựa như sấm sét, vang xa trăm dặm. Tên của nó là Quỳ Ngưu. Nếu giết nó, da có thể dùng làm mặt trống, âm thanh vô cùng vang, một cái thì có thể tạo ra âm thanh vang xa 8 dặm, 80 cái trống cùng hợp lại thì có thể tạo ra âm thanh vang xa 500 dặm, nếu đặt ở trên cao thì thanh âm có thể vang xa tới 3 ngàn 8 trăm dặm, chẳng phải có thể khiến quân địch nghe thấy mà khiếp đảm, tăng cường uy lực cho quân đội sao”. 

Cao tổ Hoàng Khảo nói: “Một con thú kỳ lạ như vậy có lẽ không dễ bắt”. Huyền Nữ nói: “Mặc dù là quái thú thần kỳ, nhưng cũng chỉ một loài thú mà thôi, sẽ luôn có cách để bắt nó”. Một ngày nọ, đoàn người đi đến núi Lưu Ba, Huyền Nữ đi trước dò xét một hồi, khi xuống thì dẫn theo 200 binh sĩ, tay tính phương lược, gọi họ cầm theo binh khí, phân công nhau mai phục, công kích bắt như thế nào; mặt khác viết một lá bùa dán vào cây ở bên đường, cấm không cho Quỳ Ngưu chạy loạn. Sau đó nàng hạ sơn nói chuyện phiếm cùng Cao tổ Hoàng Khảo, tĩnh lặng chờ nghe tin tốt. Đến lúc trời sắp tối, quả nhiên rất nhanh nghe thấy tiếng sấm mãnh liệt, một lát thấy 200 binh lính cầm theo cây đuốc, khiêng con quái thú tới, nhìn kỹ thì thấy nó đã bị đánh chết. Huyền Nữ liền sai người lột da, còn thi thể ném xuống biển, ngày hôm sau khải hoàn trở về”

Cốc Đế vừa nói xong câu này, bên ngoài đột nhiên trở nên im ắng không một tiếng động, tất cả mọi người tỏ ra vô cùng kinh hãi, giống như thật sự có người đánh trống Quỳ Ngưu, vội vàng gọi người hầu ra ngoài xem xét, thì ra nhân viên phục vụ trong quán vì mệt quá mà ngủ gật va vào bảng hiệu. Cốc Đế vội hỏi: “Hiện tại là lúc nào rồi?” Người theo hầu nói: “Hiện đã quá nửa đêm”. Cốc Đế nhân tiện nói: “Thời gian đã muộn rồi, chuyện này mai nói tiếp”. Thế là mọi người liền cùng nhau đi ngủ.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times
San San biên dịch

Exit mobile version