Đại Kỷ Nguyên

Thuộc những câu tinh hoa này của cổ nhân, bạn có thể thăng hoa tầng thứ (P.7)

Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

81.長風破浪會有時,直掛雲帆濟滄海。(唐李白行路難)

“Trường phong phá lãng hội hữu thì,

Trực quải vân phàm tế thương hải”.

(Đường Lý Bạch – Hành lộ nan)

Dịch nghĩa:

Ngọn gió lớn phá tan con sóng dữ rồi sẽ đến

Kéo thẳng buồm mây giương lên vượt biển xanh khơi.

(Lý Bạch – Đi đường khó)

82.興酣落筆搖五嶽,詩成笑傲凌滄洲 。(唐李白江上吟)

“Hứng hàm lạc bút dao ngũ nhạc,

Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu”.

(Lý Bạch – Giang thượng ngâm)

Dịch nghĩa:

Khi cảm hứng say sưa, hạ bút làm rung chuyển năm ngọn núi lớn [1]

Lúc thơ làm xong, tiếng cười cợt, ngạo nghễ vượt qua biển xanh (hoặc Thương Châu – tên 1 châu bên bờ biển Bột Hải).

(Lý Bạch – Khúc ngâm trên sông)

Hai câu thơ thể hiện trọn vẹn tinh thần phóng khoáng, tiêu dao, ngạo nghễ của Thi tiên Lý Bạch. Trong hai câu tiếp theo, Lý Bạch tỏ rõ chí khí của đời mình: “Công danh phú quý nhược trường tại, Hán thuỷ diệc ưng tây bắc lưu”, nghĩa là: Nếu như công danh, phú quý mà tồn tại lâu dài, thì dòng sông Hán Thuỷ cũng phải chạy lên phía tây bắc (ngụ ý là không thể vậy).

Hứng hàm lạc bút dao ngũ nhạc… (Ảnh: storm.mg)

83.安能摧眉折腰事權貴,使我不得開心顏。(唐李白夢遊天姥吟留別)

“An năng tồi mi chiết yêu sự quyền quý,

Sử ngã bất đắc khai tâm nhan!”

(Đường Lý Bạch – Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt)

Dịch nghĩa:

Sao có thể cụp mắt khom lưng phụng quyền quý,

Khiến ta chẳng được vui vẻ tươi cười.

(Lý Bạch – Mơ đi chơi núi Thiên Mụ, làm thơ để lại lúc từ biệt)

Theo Nhạc sử, trong năm Thiên Bảo, khi Lý Bạch ở toà Hàn Lâm, trong cung mới bắt đầu trồng một loài hoa mẫu đơn rất quý, được gọi là mộc thược dược. Tại đình Trầm Hương, người ta trồng bốn loại quý nhất vừa mới tìm ra. Ngày hoa nở đầu tiên, Đường Minh Hoàng đưa Dương Quý Phi đến thưởng hoa. Ban nhạc do nhạc trưởng Lý Quý Niên điều khiển, toan cất tiếng hát, Đường Minh Hoàng ngăn lại và nói: “Thưởng danh hoa, đối phi tử, sao lại dùng những bài hát cũ?” Rồi Minh Hoàng truyền Lý Quý Niên cầm giấy hoa vàng đòi Lý Bạch đến. Bấy giờ Lý Bạch còn say rượu, liền vung bút viết ngay ba bài Thanh bình điệu tuyệt bút.

Cũng trong thời gian được vua yêu chuộng, một hôm trong lúc say rượu, Lý Bạch đã đưa chân cho Cao lực sĩ tháo giày cũ thay giày mới vừa được vua ban sủng ái, Cao lực sĩ đành phải làm nhưng trong lòng căm giận. Nhân bài hát này, Cao lực sĩ dèm pha với Dương Quý Phi rằng Lý Bạch có ý ngạo mạn khi ví Dương Quý Phi với nàng Triệu Phi Yến, một phi tần thất sủng của vua Thành Đế nhà Hán (“Khả liên Phi Yến ỷ tân trang”). Nhiều lần Minh Hoàng muốn phong quan chức cho Lý Bạch nhưng vẫn không thành, vì Dương Quý Phi cản trở. Lý Bạch đành xin vua trở về quê, rồi ngao du sơn thuỷ khắp miền trung và nam Trung Hoa.

Bài thơ “Mộng du Thiên Mụ ngâm lưu biệt” viết vào khoảng một năm sau khi Lý Bạch rời cung (746).

Sao có thể cụp mắt khom lưng phụng quyền quý, khiến ta chẳng được vui vẻ tươi cười. (Ảnh: sanhenews.com)

84.讀書破萬卷,下筆如有神。(唐杜甫奉贈韋左丞丈二十二韻)

“Độc thư phá vạn quyển,

Hạ bút như hữu thần”.

(Đường Đỗ Phủ – Phụng tặng Vi tả thừa trượng nhị thập nhị vận)

Dịch nghĩa:

Sách đọc rách vạn cuốn

Bút viết như có thần.

(Đỗ Phủ – Hai mươi hai vần dâng tặng quan tả thừa họ Vi)

Đỗ Phủ, tự Tử Mỹ, là một nhà thơ Trung Quốc nổi bật thời nhà Đường. Cùng với Lý Bạch, ông được coi là một trong hai nhà thơ vĩ đại nhất của lịch sử văn học Trung Quốc. Với tài năng tuyệt vời và đức độ cao thượng, Đỗ Phủ được xưng tụng là Thi Sử và Thi Thánh.

Trong suốt cuộc đời của mình, tham vọng lớn nhất của ông là “Bước lên nơi trọng yếu/ Giúp vua hơn Nghiêu, Thuấn/ Làm cho phong tục trở lại trong lành”, nhưng đã không thành. Đỗ Phủ gần như cả đời sống trong cảnh đau khổ, bệnh tật, trong chiến tranh loạn lạc liên miên.

Đỗ Phủ làm bài này năm Thiên Bảo thứ 8 (748) khi đến Trường An thi bị hỏng, định xuất du nhưng còn lưu luyến đất đế đô, nhân đó gặp Vi Tế giữ chức thượng thư tả thừa. Ông làm bài này nói rõ tình cảnh và hoài bão của mình. Hai câu thơ nói trên là Đỗ Phủ tự hoạ về bản thân mình thời còn ít tuổi.

85.會當凌絕頂,一覽眾山小。(唐杜甫望岳)

“Hội đương lăng tuyệt đỉnh

Nhất lãm chúng sơn tiểu”.

(Đường Đỗ Phủ – Vọng nhạc)

Dịch nghĩa:

Rồi sẽ lên tận đỉnh cao chót vót,

Ngắm nhìn mới thấy núi non chung quanh đều nhỏ bé.

(Đỗ Phủ – Trông núi)

Bài thơ này làm khi Đỗ Phủ đến Lạc Dương, thi hỏng rồi đi chơi Tề, Triệu, ở đây là trông núi Thái Sơn. Núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông phía Bắc thành Thái An, được mệnh danh là cột chống trời. Là một trong ngũ nhạc (năm ngọn núi lớn linh thiêng), núi Thái Sơn có tên là Đông Nhạc, là thánh địa của Đạo gia và là nơi tế lễ của các triều đại hoàng đế Trung Hoa. Thái Sơn được cổ nhân liên hệ với bình minh, sinh, tái sinh và được xem như thiêng nhất trong năm ngọn núi.

Hội đương lăng tuyệt đỉnh, nhất lãm chúng sơn tiểu. (Ảnh: thenewslens.com)

86.筆落驚風雨,詩成泣鬼神。(唐杜甫寄本十二白二十)

“Bút lạc kinh phong vũ,

Thi thành khấp quỷ thần”.

(Đường Đỗ Phủ – Ký Lý thập nhị Bạch nhị thập vận)

Dịch nghĩa:

Bút viết xuống (sáng tác) khiến gió mưa kinh sợ,

Xong một bài thơ khiến quỷ thần phải khóc.

(Đỗ Phủ – Hai mươi vần gửi anh mười hai Lý Bạch)

Đây là hai câu thơ Đỗ Phủ ca ngợi Lý Bạch, trước đó Đỗ Phủ gọi Lý Bạch là “vị tiên bị đày xuống trần gian”.

87.新松恨不高千尺,惡竹應須斬萬竿。(唐杜甫)

“Tân tùng hận bất cao thiên xích

Ác trúc ưng tu trảm vạn can”.

(Đường Đỗ Phủ)

Dịch nghĩa:

Chỉ hận cây tùng mới trồng không cao được ngàn thước

Trúc hoang phải chặt bỏ hàng vạn cây (mới quang đãng được).

Hai câu thơ trên nằm trong bài “Tương phó Thành Đô thảo đường đồ trung hữu tác, tiên ký Nghiêm Trịnh công” (Trên đường sắp về tới thảo đường ở Thành Đô làm gửi trước cho Trịnh quốc công Nghiêm Vũ), làm vào khoảng năm 764. Lúc đó, Đỗ Phủ dời gia quyến từ Lãng Châu về thảo đường ở ngoại ô Thành Đô (nay là thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên) [2]. Trong bài có những chi tiết miêu tả cuộc đời lênh đênh cơ cực của nhà thơ như “Tam niên bôn tẩu không bì cốt/ Tín hữu nhân gian hành lộ nan” (Ba năm qua mình lưu lạc trơ da với xương/ Thế mới tin rằng trong nhân gian đường đi thật vất vả).

Đường Đỗ Phủ. (Ảnh: vvttw.com)

88.爾曹身與名俱滅,不廢江河萬古流。(唐杜甫戲為六絕句)

“Nhĩ tào thân dữ danh câu diệt,

Bất phế giang hà vạn cổ lưu”.

(Đường Đỗ Phủ – Hí vi lục tuyệt cú)

Dịch nghĩa:

Các ngươi, thân với danh đều tiêu tán,

Trái lại (thơ văn của các vị) sẽ còn mãi với non sông đất nước.

(Đỗ Phủ – Làm vui sáu bài tuyệt cú)

“Các vị” mà Đỗ Phủ nhắc đến là Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương, tức “Sơ Đường tứ kiệt” (4 nhà thơ kiệt xuất giai đoạn đầu của nhà Đường).

89.今夜月明人盡望,不知秋思落誰家。(唐王建十五夜望月)

“Kim dạ nguyệt minh nhân tận vọng,

Bất tri thu tứ lạc thuỳ gia?”

(Đường Vương Kiến – Thập ngũ dạ vọng nguyệt)

Dịch nghĩa:

Đêm nay mọi người đều ngắm trăng sáng

Chẳng biết ý thu ở lại nhà ai đây?

(Vương Kiến – Ngắm trăng đêm rằm)

Đêm nay mọi người đều ngắm trăng sáng, chẳng biết ý thu ở lại nhà ai đây? (Ảnh: kknews.cc)

90.誰言寸草心,報得三春暉。(唐孟郊遊子吟)

“Thuỳ ngôn thốn thảo tâm

Báo đắc tam xuân huy”.

(Đường Mạnh Giao – Du tử ngâm)

Dịch nghĩa:

Nào ai dám nói một tấm lòng thơm thảo

Có thể báo đáp được ánh dương của ba tháng xuân (tức tấm lòng của mẫu thân, như ánh nắng mùa xuân)?

(Mạnh Giao – Khúc ngâm của đứa con đi xa)

Theo Soundofhope.org

Như Ý biên dịch và chú giải

Chú thích:

[1] “Ngũ nhạc” là năm ngọn núi lớn của Trung Hoa: Thái Sơn, Hoa Sơn, Hành Sơn, Hằng Sơn và Tung Sơn.

[2] Tham khảo tại hoasontrang.us

Exit mobile version