Đại Kỷ Nguyên

Thắp hương bái Phật, vì sao thảm họa vẫn ập đến?

Thắp hương và thờ Phật, nhưng vì sao thảm họa vẫn ập đến?

Ảnh: Đại Kỷ Nguyên tổng hợp.

Người xưa có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, “chỉ cần trong tâm nghĩ thoáng qua là trời đất đã tỏ tường”. Nếu con người không làm việc thiện, thì việc thắp hương thờ Phật cũng trở nên vô nghĩa.

Đức Phật thực sự chỉ bảo vệ những người luôn làm việc tốt. Sau đây, xin chia sẻ với quý độc giả một câu chuyện, mong rằng người hữu duyên đọc được sẽ luôn biết làm thế nào để kính trời thờ Phật, tích đức hành thiện…

Theo “Tử bất ngữ” của Viên Mai vào thời nhà Thanh, có một tuần phủ ở Hồ Nam thường thờ cúng Quan Lão Gia. Vào ngày mùng 1 Tết đầu năm, ông thường tới thắp hương tại miếu của Quan Lão Gia, ông khấn vái cầu lộc cho cả năm. Lời khẩn cầu của ông thường rất linh ứng.

Vào ngày mồng 1 Tết năm thứ 32 Càn Long, ông đến miếu Quan Lão Gia để cầu nguyện, xin được thăng chức. Trong sớ có câu “Thập bát than đầu thuyết dư quân” (18 hạn liên quan sông nước) đã làm ông rất lo lắng. Trong năm đó, dẫu là khi gặp chỗ nước nông ông vẫn nhất quyết đi đường bộ qua cầu, đi đường vòng xa hơn để tránh gặp phải hạn sông nước.

Vào mùa thu năm đó, để xử vụ án “Hầu thất”, Hoàng thượng đã cử Khâm sai đại thần tới, khi tới Hồ Nam, giữa đường gặp một hồ nước. Nếu đi qua hồ đường sẽ gần và nhanh hơn rất nhiều, còn nếu đi bằng đường bộ, ông phải đi từ sáng sớm tới tối mịt, đường vừa xa lại vừa khó đi. Đại sứ khâm sai muốn đi bằng thuyền, nhưng vị Tuần phủ Hồ Nam này lại nhất quyết đi đường bộ, đồng thời đã đọc rõ mười tám hạn cho vị khâm sai nghe. Khâm sai đại thần miễn cưỡng thuận theo ông ta, nhưng trong lòng rất không vui.

Sau đó không lâu, vụ án tham nhũng ở mỏ chì Quý Châu bị bại lộ. Có người tố cáo Tuần phủ Hồ Nam nhận hối lộ. Khi ấy, một người hầu họ Lý chuyên gác cổng ở Quý Châu cũng có liên quan đến vụ án này. Người này khẳng định đã nhận và chuyển số bạc cho Tuần phủ và bản thân chỉ là người làm theo chỉ đạo của chủ, không liên quan tới vụ việc. Khi đó, người hầu này đã phải nhận một bản án rất nặng, hai chân bị đánh cho liệt.

Tuần phủ và người hầu đang cãi nhau mặt đỏ tía tai, không ai nhường ai. Đúng lúc đó, Khâm sai đại thần chỉ vào Tuần phủ nói lớn: “Ngươi không phải tranh cãi nữa! Quẻ hạn của nhà ngươi đã linh nghiệm rồi! Người hầu này của ngươi họ Lý, nét viết chính là “Thập bát”, hai chân của người hầu này đã bị liệt, đó chính là chữ “Than”. Còn “Thuyết dư quân” chính là số bạc người hầu này đã nói, tất cả đã đưa cho ông. Quan lão gia từ lâu đã biết ngươi sẽ phạm pháp, ngươi còn gì để chối cãi nữa không!”.

Tuần phủ Hồ Nam nghe xong, ngây người không nói nên lời, lời quan khâm sai như sét đánh bên tai, không chối cãi được, phải thú thật mọi chuyện. Cuối cùng ông ta đã phải lãnh hình phạt cực kỳ nặng nề.

Quả đúng là:

Kẻ ác đi cúng lễ chùa
Cái tâm bất thiện dối lừa thế gian
Thắp hương cúng Phật kêu van
Đâu hay nhân quả tai oan định rồi

Hiện nay tại các chùa chiền đâu đâu cũng thấy các nam thanh nữ tú tới thắp hương cầu khấn. Hầu hết người ta chỉ cầu xin những điều có lợi cho cá nhân như sức khỏe dồi dào, thăng quan phát tài, gia đình hòa thuận, công việc thuận lợi… Thực ra, việc khấn vái trước Thần Phật nên là cầu xin cho bản thân được làm người tốt, trọng đức, hành thiện, chăm chỉ tu hành. Thần Phật chỉ phù hộ cho những người này vì họ là người tốt. Nếu làm việc xấu thì dù có đốt bao nhiêu hương cũng vẫn phải chịu báo ứng, phải trả giá. Vì mắt Thần nhanh như tia chớp, người làm việc xấu chắc chắn sẽ phải lĩnh hậu quả. 

Theo Sound Of Hope
Quỳnh Chi biên dịch

Exit mobile version