Đại Kỷ Nguyên

Thành thực – đạo xử thế giúp ta đứng vững ở đời

Ảnh: Shutterstock.

Làm người cần phải thành thực. Thành thực ấy cũng là đại biểu cho nhân cách và chữ tín của một người. Có câu: “Người không giữ chữ tín thì rất khó đứng vững ở đời”. Người không thành thực cũng thường rất khó thành công.

Hẳn mỗi người chúng ta đều biết câu chuyện “Chú bé nói dối”. Cậu bé chăn cừu bịa ra câu chuyện “sói đến rồi!” để chọc ghẹo người dân trong làng. Tuy cậu chỉ lấy đây làm trò tiêu khiển, nhưng bởi năm lần bảy lượt nói dối đùa cợt mọi người, kết quả mọi người không còn tin cậu nữa. Một hôm, sói đến thật, cậu la lên nhưng không một ai đến cứu. Ngoài ra, còn có câu chuyện lịch sử về Chu U Vương vì để thấy được nụ cười của nàng Bao Tự mà đã không tiếc đốt lửa ở phong hỏa đài để bỡn cợt chư hầu, bởi vậy thất tín với chư hầu, cuối cùng dẫn đến thảm kịch nước mất nhà tan.

Thành thực là gốc rễ trong đối nhân xử thế. George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, khi còn nhỏ cha ông cho ông một cây rìu. Cây rìu sáng lấp lánh khiến cậu bé George rất thích thú. Cậu thường mang nó đi chơi và dùng để chặt cây cối. Một hôm, cậu lỡ tay chặt mất cây anh đào quý của cha mình. Khi cha giận dữ chất vấn mọi người, dù trong tâm rất sợ hãi nhưng cậu đã không nói dối, mà thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm. Những tưởng thể nào cũng sẽ bị cha trách phạt, nhưng ngược lại cha lại rất vui. Ông nói thà chịu mất cây anh đào đó chứ không muốn George thành kẻ nói dối, dù chỉ một lần! Câu chuyện “Washington và cây rìu” đến nay vẫn là câu chuyện được mọi người truyền tụng về lòng thành thực.

Người Mỹ rất xem trọng thành tín, khi công dân nước khác muốn nhập quốc tịch Mỹ đều phải khai báo thành thật, thậm chí du khách khi đặt chân vào hải quan của Mỹ, chỉ cần bạn thành thật điền vào tờ khai nhập cảnh, họ đều sẽ tin tưởng bạn. Nhưng nếu có chỗ khai báo không trung thực, một khi bị phát hiện, lần sau sẽ rất khó khăn để xin được visa vào nước Mỹ.

Tranh vẽ câu chuyện cậu bé George Washington và cây anh đào, của họa sĩ Grant Wood, trưng bày tại bảo tàng nghệ thuật Mỹ Emon Carter (ảnh: Art.biblioclub).

Kỳ thực, bất kỳ quốc gia và khu vực nào đều mở rộng cửa chào đón những người thành thực, và đương nhiên tất cả đều rất chán ghét những kẻ giả dối. Vậy nên làm người cần phải thành thực, như vậy đường đời mới có thể đi được thuận lợi. Lợi ích của thành thật, có thể tóm gọn như sau:

Thành thực có thể nhận được sự tôn trọng

Một người khi nói chuyện, có những lúc tuy bất lợi với bản thân, nhưng bởi anh ta thành thật, trái lại sẽ giành được sự tôn trọng của những người khác. Xã hội hiện nay có những người thà chết cũng không chịu nhận sai, thậm chí “nhân chứng vật chứng” rành rành ngay trước mặt cũng không chịu thừa nhận. Kỳ thực, biết nhận lỗi là một mỹ đức, người thành thực dù có gặp phải thất bại, nhưng bởi sự thành thật của anh ta đã gây dựng được uy tín tốt, cuối cùng vẫn sẽ còn có cơ hội gây dựng lại từ đầu. Bởi trong xã hội này, rốt cuộc người ta vẫn thích những người thật thà hơn.

Thành thực có thể cảm thấy yên tâm

Kẻ nói dối dù có được lợi ích nhất thời, nhưng lương tâm lại luôn cảm thấy bất an. Người thành thực dù có chịu thiệt, nhưng trong thâm tâm lại luôn thanh thản. Có những lúc ở trước mọi người, khi đứng trước quan hệ lợi hại được mất sẽ có rất nhiều chỗ khó xử, nhưng chỉ có thành thật mới giúp ta có được bình ổn trong tâm.

Thành thực có thể gặt hái được tín nhiệm

Trong ngũ giới của Phật giáo, giới điều thứ tư chính là “không nói dối”. Trước đây có một tín đồ yêu cầu được thọ trì ngũ giới, nhưng lại sợ rằng bản thân mình không thể tuân theo “không nói dối”, bởi nhà anh ta mở tiệm vải, khách hàng khi đến mua vải thường hỏi: “Một thước nhiêu tiền?”. “Ba đồng”. “Có bị bay màu hay không?”. Lúc này anh ta đành phải nói dối là “không bay màu”, có như vậy người ta mới chịu mua.

Tôi bảo anh ta rằng, cậu có thể không cần phải nói dối, khi có người hỏi loại vải này có bị bay màu hay không, cậu có thể nói: “Loại ba đồng một thước này sẽ bị bay màu, còn loại tám đồng một thước kia thì sẽ không bị”. Nhiều năm sau, anh ta từ một tiệm vải nhỏ đã dựng nên một cửa hàng lớn, việc làm ăn ngày càng phát đạt. Đây chẳng phải là lợi ích của thành thực, nhờ đó mà có được tín nhiệm của người khác hay sao?

Thành thực có thể kết giao bạn bè

Bạn bè kết giao với nhau, điều dễ khiến tình bạn tổn thương nhất không gì hơn là không thành thực. Bạn bè dối gạt nhau, một khi bị đối phương bóc mẽ sẽ khó tránh khỏi trở mặt thành thủ. Nếu vậy chi bằng hãy ôm giữ thái độ thành thực trong ứng xử. Thành thực là một trong những nhân tố quan trọng khiến tình bạn được bền lâu.

Nhà Phật có giảng “Tam kỳ tu phước huệ, bách kiếp chủng tướng hảo”, nghĩa là trong ba A-tăng-kỳ kiếp tu phước huệ, và hàng trăm kiếp thì vun trồng tướng tốt. Trong “ba mươi hai tướng tốt” của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, trong đó có “tướng quảng trường thiệt”, đây là tướng tốt do 32 đời không nói dối mà tu được. Ngoài ra còn có một vị sa khác, anh ta không những không nói dối, không mắng chửi người, mà còn luôn nói những lời tốt đẹp thiện lành. Cuối cùng khi anh ta nói chuyện, trong miệng không hề có mùi khó chịu, mà chỉ toàn là hương thơm, vậy nên mọi người gọi anh là “sa di Hương Khẩu”. Từ đây có thể thấy được rằng, thành thực có thiện nhân thiện quả của thành thực, và nói dối cũng sẽ có ác nhân ác quả của nói dối.

Theo Tinh Vân đại sư, Huaien
Vũ Dương biên dịch

Video: ‘Đạo đức giả’ còn nghiêm trọng hơn điểm giả, thuốc giả, thực phẩm giả

Exit mobile version