Đại Kỷ Nguyên

Tha thứ là một loại trí tuệ, cũng là một cảnh giới nhân sinh

Học cách quên đi và tha thứ tất cả, nhìn sự việc bằng tâm thái bình thản là cách đơn giản nhất để loại bỏ hận thù.

Khi bị người khác sỉ nhục, quân tử và tiểu nhân đối đãi như thế nào? Kẻ tiểu nhân lòng dạ hẹp hòi, kiên quyết ghi nhớ mối thù hận trong tim. Người quân tử lòng dạ thoáng đãng, tấm lòng độ lượng bao dung, không vì lời lẽ khó nghe mà tức giận. Cầm lên được thì cũng buông xuống được, bậc quân tử được gọi là “quân tử” là bởi có tấm lòng khoan dung, biết suy nghĩ cho người.

Tô Thức từng viết trong tác phẩm Lưu Hầu Luận rằng: Kẻ thất phu chịu nhục liền rút kiếm ra chiến đấu với người khác, nhưng điều này không được cho là dũng cảm. (Nguyên văn: “Thất phu kiến nhục, bạt kiếm nhi khởi, đĩnh thân nhi đấu, thử bất túc vi dũng dã”).

Làm người nên học cách tha thứ

Trong cuốn Luận Ngữ, Khổng Tử giảng: “Đạo của ta chỉ có một lẽ mà thông suốt hết thảy”. Còn Tăng Tử thì nói: “Đạo của thầy chỉ gồm đức Trung và Thứ mà thôi”.

Một ngày, Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thầy ơi, có từ nào đủ để làm nguyên tắc theo đuổi cả đời không ạ?”.

Khổng Tử trả lời: “Vậy thì chỉ có thể là từ Thứ!”.

Cổ nhân rất coi trọng việc tu dưỡng bản thân, dùng tấm lòng khoan dung độ lượng để tha thứ cho lỗi lầm của người khác. Như thế không chỉ cải thiện đạo đức của chính mình mà còn cảm hoá người khác, giúp họ trở nên lương thiện hơn.

Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử thuyết: Người tốt ta dùng thiện đối đãi, mà người không tốt ta cũng dùng thiện đối đãi (Nguyên văn: “Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả, ngô diệc thiện chi”). Nói cách khác, người đối xử tốt với ta, ta cũng đối xử tốt với người, người đối xử không tốt với ta, ta vẫn đối xử tốt với người.

Ảnh minh họa: Baidu.

Tha thứ là từ bi, có thể hóa giải cái ác

Trên đường hoá duyên, vị hoà thượng đi ngang qua một gia đình giàu có, vì trời mưa to nên ông hỏi chủ nhà có thể cho ông tránh mưa được không. Chủ nhà đồng ý nhưng không cho ông vào trong mà chỉ cho ngủ ngoài hành lang, cả đêm hôm đó hoà thượng vừa lạnh vừa đói.

Sáng sớm hôm sau, hoà thượng hỏi quản gia tên của chủ nhà rồi vội vã cáo từ.

Nhiều năm về sau, hoà thượng năm nào đã trở thành trụ trì của một ngôi chùa lớn, vợ của người giàu có nghe nói ngôi chùa ấy rất thiêng nên muốn đến làm lễ bái Phật. 

Khi đến cửa chùa, bà nhìn thấy tên chồng mình được khắc trên một tấm bảng treo ngay lối vào chùa. Bà cảm thấy kỳ lạ bèn đi tìm một vị hoà thượng trong chùa hỏi nguyên do.

Hoà thượng nói: “Bởi vì vị thí chủ này không sẵn sàng bố thí nên chúng tôi khắc tên ông ấy treo lên như vậy”.

Vợ của người giàu có nghe thấy thế vô cùng tức giận, lớn tiếng quát: “Trụ trì của các người sao lại hẹp hòi như thế?”.

Hoà thượng nói: “Xin thí chủ bớt giận. Trụ trì của chúng tôi cho rằng đó là vì kiếp trước có nghiệt duyên, nên ngài mới khắc tên ông ấy treo lên để ngày ngày đọc kinh, giải trừ nghiệt duyên, giúp cả gia đình ông ấy bình an”.

Nghe đến đấy, vợ người giàu có vô cùng cảm động, về nhà kể lại về chuyện này. Ông chồng nghe xong rất hối hận, liền đích thân mang hương lễ đến chùa tạ ơn trụ trì.

Quả thật, thiện lương có thể hóa giải nghiệt duyên, thay vì tìm thời cơ để trả thù thì chi bằng hãy từ bi, mở lòng tấm lòng và hóa giải điều ác.

Ảnh minh họa: Youtube.

Tha thứ làm tâm trí cởi mở

Trong lớp, giáo viên hỏi học sinh: “Các bạn trẻ, nếu bị kẻ gian làm hại thì các bạn sẽ lựa chọn hận thù hay tha thứ?”.

Học sinh đầu tiên trả lời: “Thưa cô, em có thể tha thứ nhưng không thể quên được ạ!”. Những bạn học khác cũng đồng tình với ý kiến này.

Cô giáo liền gật đầu nói: “Không thể quên đi thì cũng không thể buông bỏ thù hận”.

Bởi chính sự “không buông bỏ” này sẽ khiến con người ta rơi vào rắc rối, tức giận và oán hận. Dân gian cho rằng trước khi tái sinh sang thế giới tiếp theo, con người phải uống canh Mạnh Bà để loại bỏ tất cả ký ức của kiếp trước. Có phải cũng xuất phát từ đạo lý này?

Nhiều người nói rằng họ phải học cách quên đi, bởi vì khi quên hoàn toàn mới có thể buông bỏ oán giận. Cuộc sống ngắn ngủi, hãy để sự oán giận trôi theo chiều gió, giống như chưa từng xảy ra, để trái tim có thể thoải mái và thư thái.

Có lòng tốt sẽ được quý nhân phù trợ

Lưu Bị dẫn hơn 10 nghìn dân đến miền nam lánh nạn, mặc dù cuộc sống sớm tối nguy hiểm rình rập nhưng ông chưa bao giờ từ bỏ dân chúng của mình. Cảm nhận được lòng tốt của Lưu Bị nên Gia Cát Lượng đã nhận lời đến Nam Dương giúp ông hoàn thành đại nghiệp. Một người tốt có tấm lòng bao dung độ lượng nhất định sẽ được quý nhân phù trợ.

Trong xã hội hiện đại, một vài người chỉ biết kiếm tiền và tích luỹ của cải mà lời nói và hành động lại bất thiện. Nhưng họ không hề biết rằng, thứ mà họ đạt được còn ít hơn cả những gì mà họ đã mất đi.

Đức Phật dạy: Nợ nhất định phải trả, dù sớm hay muộn thì vẫn phải hoàn trả. Làm hại người ở kiếp này mà chưa trả hết nghiệp báo, thì kiếp sau vẫn phải tiếp tục trả nợ nghiệp.

Cầm lên được thì cũng buông xuống được, cuộc sống cần lắm những tấm lòng khoan dung và biết nghĩ cho người. Hãy đặt sự phẫn nộ ra khỏi trái tim và dùng tấm lòng thiện lương để đối đãi với người…

Ngọc Linh
Theo Hoa Nhân

Exit mobile version