Đại Kỷ Nguyên

Tây Lương nữ quốc trong Tây Du Ký có thực sự tồn tại ngoài đời không?

“Tây lương nữ quốc’ trong Tây Du Ký thực sự có tồn tại, bây giờ vẫn có người

Đó là câu chuyện về một nữ vương xinh đẹp tuyệt trần và si tình đến độ chỉ muốn giữ Đường tăng bên mình để thỏa nguyện yêu thương. Đó là câu chuyện về một dòng sông mà đàn ông vô tình uống phải nước ở đó sẽ mang thai. Tây Lương nữ quốc được miêu tả trong Tây du ký làm không ít độc giả tò mò, thích thú. Nhưng rốt cuộc, “Nữ nhi quốc” là tưởng tượng của Ngô Thừa Ân hay thực sự có thật trong lịch sử?

Những mô tả sống động về Tây Lương nữ quốc hay Nữ nhi quốc trong Tây Du Ký để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi khán giả yêu thích cuộc hành trình thỉnh kinh của bốn thầy trò Đường Tăng. Nhiều người tưởng rằng Nữ nhi quốc chỉ là thiên đường lý tưởng được hư cấu theo trí tưởng tượng của Ngô Thừa Ân. Song các ghi chép trong lịch sử cho thấy có một Nữ nhi quốc có thật như vậy. Hiện nay, con cháu đời sau của họ vẫn đang sinh sống tại Tứ Xuyên và Quý Châu (Trung Quốc). 

Theo ghi chép trong “Nam man tây nam man truyện”, quyển 197 của Cựu Đường Thư, Đông Nữ Quốc hay còn gọi là Tây Khương, là một quốc gia có rất nhiều phụ nữ ở vùng biển phía Tây. Sử sách gọi đây là Đông Nữ Yên. Quốc gia này thường lập phụ nữ làm vua. Phía đông của nó tiếp giáp với vùng Mao Châu và Đăng Hương, phía đông nam tiếp giáp với Nhã Châu, ngăn cách bởi La Nữ Man và Bách Lang Di. Đi từ cực nam đến cực bắc của Đông Nữ Quốc phải mất 22 ngày, còn từ cực đông đến cực tây mất 9 ngày. Nơi đây có hơn 80 thành phố lớn nhỏ. Căn cứ vào đoạn đường trung bình đi được trong ngày đối với ngựa (40km) và người (20km), người ta tính được rằng từ cực nam đến cực bắc của Đông Nữ Quốc dài khoảng 400 km đến 800 km còn từ cực đông đến cực tây dài khoảng 180 km đến 360 km. 

Sách sử cũng ghi lại rằng các công trình kiến trúc ở Đông Nữ Quốc được xây dựng theo kiểu gác canh. Đặc điểm lớn nhất của Đông Nữ Quốc là trọng nữ khinh nam. Quốc vương và các mệnh quan triều đình đều là phụ nữ. Dưới Quốc vương là phó Quốc vương. Khi Quốc vương qua đời, phó Quốc vương sẽ kế vị, cai quản đất nước. Quốc vương sống ở tháp canh có chín tầng còn dân thường sống trong những tháp canh từ 4 đến 5 tầng. Nữ vương mặc váy dài làm bằng tơ lụa dát hoa vàng và áo xanh cổ cao. 

Về phương diện chính trị, tại Đông Nữ Quốc, nam giới không được bén mảng vào trong triều đình, chỉ được ở bên ngoài làm các công việc phục dịch, cày cấy, trồng trọt, tòng quân đánh trận và hầu hạ các “nữ chủ nhân”. Mọi ý chỉ của Quốc vương được truyền đạt thông qua các nữ quan. Trong gia đình, mọi quyền quyết định đều thuộc về phụ nữ, từ việc phân công lao động đến quản lý và phân phối tài sản. Con cái cũng đều mang họ của mẹ.

Ở Đông Nữ Quốc, phụ nữ rất được coi trọng nên chuyện một có tới vài ba ông chồng không phải là chuyện hiếm. Điều đáng nói là các bà hoàn toàn có quyền “sa thải” các ông chồng nếu cảm thấy các ông không mang lại niềm vui cho mình. Cho nên, quan hệ vợ chồng ở Đông Nữ Quốc không rõ ràng. Khi đó, số dân của Đông Nữ Quốc là khoảng 40.000 hộ.

Tạo hình Quốc vương nước Tây Lương Nữ Quốc trên màn ảnh (ảnh: Sohu).

Cựu Đường Thư ghi chép khá tường tận về Đông Nữ Quốc. Nhưng kể từ sau đời Đường, dường như Đông Nữ Quốc biến mất khỏi sử sách Trung Quốc. Lẽ nào Đông Nữ Quốc chỉ như một đóa phù dung sớm nở tối tàn?

Theo các nhà sử học, vào thời Đường Huyền Tông trị vì (712 – 756) trị vì, quan hệ giữa triều đình và thổ phiên tương đối hữu hảo. Nhưng đến giữa đời Đường, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, xung đột kéo dài hơn 100 năm. Sau đó, Nhà Đường đã sử dụng chiến thuật chiêu hàng, đưa được 8 bộ lạc dân tộc thiểu số từ các hẻm núi Mân Sơn (giáp ranh giữa tỉnh Tứ Xuyên và tỉnh Cam Túc của Trung Quốc) di chuyển qua định cư ở bờ phía đông của sông Đại Độ (bắt nguồn từ núi Quả Lạc ở biên giới Thanh Hải – Tứ Xuyên, đến thành phố Lạc Sơn thì đổ vào sông Mân Giang). Trong số 8 bộ lạc này có Đông Nữ Quốc.

Khi đó, Quốc vương của Đông Nữ Quốc được triều Đường sắc phong là “Ngân Thanh Quang Lộc Đại Phu”. Tuy rằng tước hàm chỉ là hư danh, phẩm cấp của họ lại rất cao, tương đương với quan chức hàng tỉnh ngày nay. Đến cuối đời Đường, thế lực của thổ phiên ngày càng tăng lên, nhiều lần xâm phạm khu vực bờ phía đông của sông Đại Độ. Triều Đường tổ chức lực lượng đánh trả. Nằm trong thế trận chiến tranh cài răng lược giữa thổ phiên và quân triều đình, nhằm bảo vệ bộ lạc mình, Quốc vương của Đông Nữ Quốc đã lựa chọn sách lược “lấy lòng cả hai”. 

Sau này, nhà Đường dần dần suy vi, thổ phiên cũng dần dần bị diệt vong. Cao nguyên Thanh Tạng vốn bị thổ phiên thống trị trở lại thời kỳ bộ lạc. Nhà Đường tới hồi phân liệt, nơi đây không có lực lượng nào thống trị và quản lý. Ba triều đình sau nhà Đường, gồm: Tống, Nguyên, Minh cũng hầu như không áp đặt được ách thống trị đối với cao nguyên Thanh Tạng, về cơ bản lịch sử không ghi chép gì. Tới đời Thanh, chế độ thổ ty mới được kiện toàn.

Do các bộ lạc Đông Nữ Quốc nằm sát các trục giao thông quan trọng, nên chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai. Sau khi Quốc vương Đông Nữ Quốc chết, các tập tục truyền thống không được bảo lưu, Đông Nữ Quốc dần dần trở thành xã hội phụ hệ. Tuy nhiên, một số bộ lạc của Đông Nữ Quốc vẫn tiếp tục sinh sống ở các hẻm núi, khe thung và họ đã bảo lưu được những dấu tích của xã hội mẫu hệ. 

Theo khảo sát của các nhà khoa học, Đông Nữ Quốc trong lịch sử nằm ở nơi giao hội của các nhánh sông Nha Lung và Đại Độ thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Vân Nam, Tây Tạng ngày nay. Đây cũng là vành đai văn hóa mẫu hệ nổi tiếng của Trung Hoa. 

Ông Nhiệm Tân Kiến chia sẻ, Trát Bá Cực rất có thể là một trong những bộ lạc còn sót lại của Đông Nữ Quốc, đến nay vẫn lưu giữ được nhiều đặc điểm của chế độ mẫu hệ và Đông Nữ Quốc thuở xa xưa. Trát Bá trước đây là một khu vực, hiện tại có 7 thôn, 5 thôn ở trong khu vực huyện Đạo Phù, 2 thôn ở trong khu vực huyện Nhã Giang, tổng cộng có gần 10.000 người. Trong quá trình điều tra tìm hiểu, ông Nhiệm phát hiện, ở bộ tộc Trát Bá, phụ nữ là trung tâm của gia đình, họ chịu trách nhiệm quản lý phân phối tài sản cũng như có vai trò quyết định trong các vấn đề gia đình khác. Cách sinh hoạt cũng gần giống như Đông Nữ Quốc trước đây. Một số gia đình có hơn 30 người, mọi người đều không kết hôn, mẹ già là người có quyền quyết định cao nhất trong nhà và chỉ đạo mọi việc lớn nhỏ của gia đình. 

Người Trát Bá vẫn duy trì chế độ ‘Tẩu hôn’. Thông qua các lễ hội trong bộ tộc, nếu người con trai thích một người con gái, sẽ lấy một đồ vật của cô gái như khăn tay, dây chuyền… Nếu người phụ nữ không muốn trao đổi tín vật là biểu thị đồng ý. Đến tối, người phụ nữ sẽ thắp một ngọn nến bên cửa sổ và đợi người con trai xuất hiện. Trong gia đình, những người con không quan tâm cha họ là ai nhưng họ rất hòa thuận với nhau và coi nhau như anh em ruột thịt. Họ cũng không phản đối chuyện mẹ mình tiếp tục tẩu hôn với những người đàn ông khác và sinh ra những đứa em cùng mẹ khác cha. Một điều kỳ lạ mọi người dân trong làng đều biết cha của những đứa trẻ là ai.

Như vậy, quả thực có một “mô hình” Tây Lương nữ quốc mà Tây Du Ký từng kể. Trong truyện, Đường Tăng cuối cùng cũng đã vượt qua được khảo nghiệm rất lớn về sắc để tiếp tục lên đường thỉnh kinh. Câu chuyện xưa trải qua hàng nghìn năm, ngày nay Tây Lương nữ quốc cũng không còn tồn tại nhưng với những người yêu mến văn hoá phương Đông thì đây mãi là một ký ức đẹp, đầy trân quý. 

Kiên Định
Theo NTDTV

Video: Nội tình cuộc khủng bố gần hai thập kỷ đang diễn ra tại Trung Quốc

Exit mobile version