Đại Kỷ Nguyên

Tần Thuỷ Hoàng băng hà phải chăng đã được báo trước? – Tần Hoàng Hán Vũ tập 3 (1)

Tần Thuỷ Hoàng băng hà phải chăng đã được báo trước? – Tần Hoàng Hán Vũ tập 3 (1)

Năm 210 TCN, trong lần tuần hành thứ năm, Tần Thuỷ Hoàng đã băng hà ở Sa Khâu. Ảnh minh hoạ.

Sứ giả của Tần Thuỷ Hoàng trên đường đi công tác có qua một ngọn núi ở tỉnh Thiểm Tây, thì bị một người lạ chặn lại đưa cho khối ngọc và nói: ‘Minh niên tổ long tử’ (明年祖龍死: Năm sau Tổ Long mất).

Tổ (祖) có nghĩa là thuỷ tổ, Hoàng đế còn gọi là ‘chân long thiên tử’, cho nên Tổ Long là ám chỉ Tần Thuỷ Hoàng. Vậy thì phải chăng việc Tần Thuỷ Hoàng băng hà đã được báo trước?

Lời bạchSau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ, về phương diện chính trị ‘phế phân phong, trí quận huyện’, kiến lập một chế độ quan lại thành thục sớm hơn ở tây phương 1800 năm, về kinh tế thì ‘thống nhất tiền tệ’ và ‘thống nhất đo lường’, về văn hoá thì ‘thống nhất văn tự’, về quân sự thì ‘nam chinh Bách Việt, bắc kích Hung Nô’… thiết lập một quốc gia đa dân tộc thống nhất, đồng thời còn xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đặt định cơ sở cho đế quốc kéo dài 2000 năm.

Năm 210 TCN, khi Tần Thuỷ Hoàng tuần hành thiên hạ thì băng hà ở Sa Khâu. Vốn dĩ nước Tần sẽ bắt đầu đi theo con đường trị quốc ‘nhân chính’ (chính trị nhân nghĩa) của Nho gia, đồng thời sẽ nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng đáng tiếc lại bị Lang trung lệnh Triệu Cao làm đứt đoạn, khiến cho nước Tần đến thời Nhị Thế thì vong. Đây rốt cuộc là chuyện gì?

5 lần tuần hành thiên hạ của Tần Thuỷ Hoàng 

Ở tập trước, Giáo sư Chương Thiên Lượng đã giảng, sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất thiên hạ đã xây dựng rất nhiều đường cao tốc rẽ bốn phương tám hướng. Sau khi xây xong, Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu tuần hành thiên hạ. Trong cuộc đời của mình, Tần Thuỷ Hoàng đã xuất hành 5 lần.

Lần thứ nhất

Lần thứ nhất là vào năm 219 TCN, lần này Tần Thuỷ Hoàng đi về hướng tây. 

Lần thứ hai: đến núi Thái Sơn ‘phong thiện’, sai người ra biển Bột Hải cầu Tiên

Vào năm 218 TCN, Tần Thuỷ Hoàng đi về hướng đông, lần này ông lên núi Thái Sơn làm lễ ‘phong thiện’ (封禪). Cái gọi là ‘phong thiện’ chính là lên đỉnh Thái Sơn tế Trời, sau đó xuống chân núi Thái Sơn tế Đất. 

Lần tuần hành này để lại rất nhiều ảnh hưởng lịch sử, đó là khi ông đến biển Bột Hải thấy trên biển có ‘chợ biển lầu sò’ (Hải thị thận lâu – 海市蜃樓: Ánh sáng soi bể rọi lên trên không thành muôn hình vạn trạng, ngày xưa cho là vì con sò thần hóa ra). Tần Thuỷ Hoàng cho rằng trong biển Bột Hải có 3 ngọn núi Tiên là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. 

Thế là ông lệnh cho một người tên Từ Phúc đem theo mấy ngàn đồng nam đồng nữ ‘nhập hải cầu Tiên’. Tương truyền, thuyền của những người này gặp sóng to gió lớn, cuối cùng dừng lại ở Nhật Bản mà không quay trở về. Họ trở thành những cư dân sớm nhất trú ở Nhật Bản. Cũng chính là nói người Nhật Bản hiện nay là hậu duệ của Từ Phúc và những đồng nam đồng nữ năm đó.

Đương nhiên khi Tần Thuỷ Hoàng tuần hành có phô trương rất lớn. Ở phần trước Giáo sư Chương đã giảng rồi, đường rộng 50 bộ (100m), có thể chứa được 50 chiếc xe ngựa dàn hàng ngang cùng lúc, mỗi 3 trượng (10m) trồng một cây tùng lớn, rất hoành tráng và đẹp, đường cao tốc cũng vô cùng bằng phẳng. Hơn nữa mỗi lần ông xuất hành thì cờ xí rợp trời, bách quan hộ tống; uy nghi của hoàng gia khiến người ta vô cùng ngưỡng vọng, nhưng cũng kích khởi dã tâm của một số ‘anh hào’.

Có người khi thấy Tần Thuỷ Hoàng tuần hành khoa trương, anh ấy đã nói: ‘Ta có thể thay thế người đó’. Người này chính là Hạng Vũ.

Hạng Vũ và câu nói: “Bỉ khả thủ nhi đại dã” (Ta có thể thay thế người đó).

Còn có một người nữa khi thấy Tần Thuỷ Hoàng xuất hành đã nói: ‘Làm đại trượng phu thì nên như thế’. Người này là Lưu Bang

Lưu Bang và câu nói: “Đại trượng phu đương như thử dã” (Làm đại trượng phu thì nên như thế).

Lần thứ ba: gặp thích khách do Trương Lương đứng đằng sau

Lần thứ ba tuần hành, Tần Thuỷ Hoàng đi về phía đông nam, từ đô thành Hàm Dương đến Tân Hương ở Hà Nam, lần này Tần Thuỷ Hoàng đã gặp thích khách. Người chủ của thích khách này là Trương Lương – người sau này được Lưu Bang xưng là ‘Hán sơ tam kiệt’ cùng với Tiêu Hà và Hàn Tín.

Chúng ta biết rằng, gia đình Trương Lương là ‘ngũ thế tướng Hàn’, chính là nhà ông có 3 đời mà phò tá có 5 đời quốc vương nước Hàn. Mà Hàn lại là quốc gia Tần Thuỷ Hoàng tiêu diệt đầu tiên khi thống nhất thiên hạ, cho nên Trương Lương từ đó có ‘nợ nước thù nhà’ với nước Tần. Khi Trương Lương biết Tần Thuỷ Hoàng tuần hành phải đi qua Bác Lãng Sa, ông đã mua chuộc một đại lực sĩ. 

Đại lực sĩ này có một đại thiết chuỳ (chuỳ sắt to) nặng 120 cân, 1 cân thời đó nặng 253g, cho nên 120 cân nặng khoảng 30kg. Đại lực sĩ có thể ném đại chuỳ này rất xa, giống như nã pháo. Khi đó hàng ngũ quân lính của Tần Thuỷ Hoàng đang tuần hành qua Bác Lãng Sa, đại lực sĩ mai phục bên bờ sông, sau đó ném đại chuỳ. Kết quả đại chuỳ này trúng xe phía sau của Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng bắt đầu tìm bắt thích khách nhưng không tìm thấy. Còn Trương Lương cũng mai danh ẩn tính mà chạy trốn. Đây là lần tuần hành thứ ba của Tần Thuỷ Hoàng.

Lần thứ tư: Nhận được lời sấm về nhà Tần

Sau đó Tần Thuỷ Hoàng nghỉ vài năm. Đến năm 215 TCN, Tần Thuỷ Hoàng tuần hành lần thứ tư, lần này ông đi về phía đông và phía bắc. Khi xuất hành, ông phái một người tên là Lư Sinh để cầu Tiên. Lư Sinh từ bên ngoài đem đến một đồ sấm, tức hình vẽ có lời sấm (dự ngôn) rằng: Vong Tần giả, Hồ dã (người làm vong nước Tần là Hồ).

Khi đó Tần Thuỷ Hoàng cho rằng Hồ là chỉ Hung Nô, thế là phái đại tướng Mông Điềm ‘bắc kích Hung Nô’.

Đương nhiên đợi đến khi Tần vong quốc, thì mọi người mới biết Hồ không phải là Hung Nô mà là Hồ Hợi (Tần Nhị Thế) – người con trai thứ 18 của Tần Thuỷ Hoàng.

Lần thứ năm: băng hà ở Sa Khâu

Sau đó trải qua thêm 4 năm, đến năm 211 TCN Tần Thuỷ Hoàng tuần hành lần thứ năm. Lần này có một sứ giả đi công vụ, trên đường trở về có đi qua một ngọn núi ở Thiểm Tây có đường đi rất hẹp. Sứ giả thấy một người đang chặn lại, trên tay cầm một khối ngọc đưa cho sứ giả rồi nói: ‘Minh niên tổ long tử’ (明年祖龍死: Năm sau Tổ Long mất).

Sứ giả cầm khối ngọc, đang suy nghĩ đây là chuyện gì thì vừa quay đầu nhìn lại thì người lạ kia biến mất. Sứ giả thấy kỳ quái, thế là đưa khối ngọc cho Tần Thuỷ Hoàng. Tần Thuỷ Hoàng xem xong vô cùng giật mình, bởi vì 8 năm trước, khi qua sông Tần Thuỷ Hoàng đã làm rơi khối ngọc này xuống nước, không biết thất lạc nơi đâu, hôm nay lại có người mò lên dâng đến.

Tần Thuỷ Hoàng nghe những lời trên thấy đây là điềm chẳng lành. Vì sao? ‘Minh niên tổ long tử’, thì ‘tổ’ có nghĩ là ‘thuỷ tổ’ (bắt đầu), còn Hoàng đế xưng mình là ‘Chân long Thiên tử’, do đó ‘Minh niên tổ long tử’ là nói năm sau Tần Thuỷ Hoàng sẽ băng hà.

Giáo sư Chương nói rằng, có thể trong tâm ông ấy cũng có cảm giác như thế, nhưng vẫn chưa xác định lắm, thế là ông sai người chiêm bốc (占卜: xem bói) nên làm thế nào. Kết quả chiêm bốc nói rằng vẫn nên đi. Tần Thuỷ Hoàng bèn tuần hành chuyến cuối cùng trong đời.

Lần tuần hành này Tần Thuỷ Hoàng đi rất xa, từ Thiểm Tây (của lần tuần hành thứ tư) đến Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô, rồi đến địa phương Bình Nguyên Tân của tỉnh Sơn Đông. Lúc này Tần Thuỷ Hoàng mắc bệnh, sau đó càng ngày càng nghiêm trọng. 

Lộ trình lần tuần hành thứ năm của Tần Thuỷ Hoàng: từ Thiểm Tây đến Hồ Bắc, An Huy, Giang Tô. Đến địa phương Bình Nguyên Tân ở Sơn Đông, Tần Thuỷ Hoàng đã mắc bệnh.

Theo tuyên truyền của ĐCSTQ nói rằng Tần Thuỷ Hoàng có cuộc sống rất xa xỉ, giống như chỉ suốt ngày hưởng lạc v.v. Thực tế không phải. Là người nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Chương thấy rằng Tần Thuỷ Hoàng làm việc vô cùng chăm chỉ, bởi vì ông ấy quản thiên hạ đại sự, tuy rằng có người giúp đỡ như Thừa tướng, Ngự sử Đại phu… nhưng số văn kiện mà mỗi ngày Tần Thuỷ Hoàng giải quyết vẫn rất nhiều. 

Những văn kiện này được viết trên thẻ tre, Tần Thuỷ Hoàng có một cái cân, mỗi ngày phải giải quyết đủ khối lượng văn kiện ấy ông mới được nghỉ ngơi. Do đó Tần Thuỷ Hoàng làm việc vô cùng vất vả, sau đó ông còn đi tuần hành, lại quản rất nhiều đại sự, ‘nam chinh Bách Việt, bắc kích Hung Nô’, thông vùng Tây Nam Di, xây dựng rất nhiều đường cao tốc… ông lao tâm khổ tứ vô cùng nhiều. 

Sức khoẻ Tần Thuỷ Hoàng cũng rất tốt, Giáo sư Chương tin rằng ông cũng có võ công rất cao, bởi vì năm đó ‘Kinh Kha thích Tần’, Kinh Kha là thích khách có võ công rất cao, nhưng Tần Thuỷ Hoàng vẫn hạ gục Kinh Kha. 

Tần Thuỷ Hoàng có nhãn quang chính trị rất tốt, võ công rất cao, hơn nữa lại ‘hùng tài đại lược’, do đó người bình thường không dám thảo luận vấn đề sinh tử với ông.

Thời gian trôi càng lâu, bệnh của ông càng nặng, ông cũng cảm thấy mình không qua khỏi, thế là hạ một chiếu thư (cũng có thể gọi là di chiếu) để con trai trưởng là Công tử Phù Tô ‘chủ trì tang sự rồi an táng ở Hàm Dương’. 

Sau khi chiếu thư viết xong, chưa truyền ra thì Tần Thuỷ Hoàng đã mất.

***

Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng quét sạch sáu nước, thống nhất thiên hạ, kiến lập chế độ Hoàng đế, sau đó tuần hành thiên hạ 5 lần. Năm 210 TCN, hùng chủ một thời đã băng hà ở Sa Khâu, thọ 49 tuổi. Tần Thuỷ Hoàng có mười mấy người con nhưng vẫn chưa lập Thái tử, đến thời khắc cuối, ông quyết định để con trai trưởng là Phù Tô kế vị. 

Nhưng mọi người đều biết Tần Nhị Thế là Hồ Hợi chứ không phải Phù Tô, vậy thì ở đoạn giữa rốt cuộc đã xảy ra biến cố gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo.

Mạn Vũ

Chú thích: 

(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 3: Sa Khâu âm mưu. Quý độc giả chỉ cần dùng email đăng ký (hệ thống sẽ gửi về mail để xác nhận) là có thể xem được miễn phí.

(**) Ảnh minh hoạ trong bài chụp từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 3.

Exit mobile version