Đại Kỷ Nguyên

Tấm lòng có thản đãng, vận mệnh mới tốt đẹp

To lớn hơn đại dương là bầu trời, khoáng đạt hơn bầu trời lại chính là lòng người. Nhưng không phải ai cũng mang trong mình một tấm lòng thản đãng như vậy. Những ai biết bao dung cho người khác, rất mực khiêm tốn, nhã nhặn chính là mang trong mình một trái tim trong sáng vô tư.

Trong Luận Ngữ, Khổng Tử từng viết: “Người quân tử luôn bình thản thư thái, kẻ tiểu nhân thường lo lắng ưu sầu” (Quân tử thản đãng đãng, tiểu nhân trường thích thích). Đây là câu danh ngôn rất được cổ nhân coi trọng, nhiều người đem viết thư pháp rồi treo trong phòng, lấy đó làm lời tự khích lệ, nhắc nhở bản thân.

Người quân tử, là người mang tấm lòng rộng rãi, khoáng đạt, có thể bao dung cho mọi loại người, có thể chịu đựng mọi kiểu sự việc, không kể được, mất. Còn kẻ tiểu nhân, lòng dạ hẹp hòi cũng là bởi trước sau luôn lo cái lợi ích trước mắt của bản thân, tự mình phong bế, làm khó chính mình, nên nảy sinh tâm ưu sầu, bất an. 

Chiếc Túi cừu hận

Trong thần thoại Hy Lạp, có một anh hùng vô cùng nổi tiếng, tên Hercules. Chuyện kể, có một ngày, Hercules đi lên núi trên một một con đường vô cùng nhấp nhô, gập ghềnh. Bỗng Hercules thấy dưới chân có một cái túi, nằm giữa đường, vô cùng choán chỗ. Sẵn cơn nóng giận trong người, Hercules liền giơ chân đá bay cái túi. Ai ngờ, cái túi không những không lăn ra chỗ khác, lại càng ngày càng phình to ra. Hercules thẹn quá thành giận, cầm cây gậy gỗ thô to đập vào cái túi, nhưng nó lại càng ngày càng phình to ra, lấp kín con đường núi lại.

Đúng lúc này, từ trong núi, một vị thần xuất hiện, nói: “Này cậu thanh niên, đừng tiếp tục đập nữa, tránh xa nó ra, quên nó đi, nó không phải một cái túi đựng đồ thông thường, nó gọi là Túi cừu hận”.

Cái Túi cừu hận này nếu ta không chạm vào thì nó vẫn như sẽ nhỏ bé như lúc đầu. Một khi chạm vào, nó liền phình to ra, cứ phình mãi, phình mãi đến khi che kín con đường bạn đang đi. Trong cuộc sống, ta khó tránh khỏi sẽ có lúc nảy sinh hiểu lầm, xung đột. Khi đối diện với sự oán hận, tức tối, nếu giữ được tâm thái hòa hoãn để cân nhắc vấn đề, nó sẽ vẫn bé như cũ. Nhưng nếu không thể thản nhiên mà đối đãi, nỗi oán hận cứ ngày một lớn lên, rồi như quả bóng quá cỡ, phập phùng không biết khi nào phát nổ.

Trước những “bất công” làm sao để thản đãng? 

Trong cuộc sống, đôi khi thấy có người lên chức, ta liền ác ý nghĩ: “Đúng là kẻ giỏi luồn cúi”, có người làm giàu, phát tài, ta lại cho rằng: “Đấy là gặp may thôi”, thậm chí còn phỏng đoán rằng họ nhất định làm ăn bất chính mới giàu nhanh vậy…

Người quân tử biết chấp nhận ưu khuyết điểm của người khác, biết bao dung cho lỗi lầm người khác. Ngược lại, người mang tấm lòng hẹp hòi, thiếu bao dung sẽ chỉ nhìn thấy kết quả mà không nhìn được quá trình đổ mồ hôi, nước mắt của người khác. 

Tuy nhiên, hiện nay, con người ta vì danh, lợi mà chuyện gì cũng dám nghĩ, dám làm, lấy lòng lãnh đạo, vừa ý thượng cấp liền có thể đem công việc của mình đẩy cho người khác làm giúp. Chuyện hay họ nhận, chuyện xấu liền để người khác gánh. Nếu gặp chuyện như thế, ta sẽ phải thế nào? Cảm thấy bất công liền to tiếng tranh cãi, không chịu được liền nộp đơn từ chức, rồi chuyển sang công ty khác? Nếu lại công ty kia, cũng lại gặp những chuyện như thế, liệu ta có lại lần nữa tranh cãi, nghỉ việc rồi đi tìm công việc mới?

(Ảnh: Pixabay)

Giữ một tâm thái hòa ái, dù trong bất kỳ trường hợp nào cũng là “trăm đường lợi, không một đường hại”. Mang một tấm lòng thản đãng, không so đo được mất trước mắt thì tầm nhìn cũng trở nên rộng mở hơn. Trong quá trình làm việc, người tự mình rèn luyện chuyên môn, kỹ năng, trau dồi kiến thức mới là người thu được lợi ích lớn nhất. Trở thành người nắm giữ quyền chủ động trong tay không để những “trò hề” kia tác động. Tự mình đi vững con đường của mình, chứng minh khả năng của mình để mọi người công nhận, cơ hội tự khắc sẽ tự đến.

Có câu: “Người đang làm, Trời đang nhìn”, thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất, chỉ là ta có thể giữ vững tấm lòng khoáng đạt như thuở ban đầu hay không mà thôi!

Tốt xấu là ở cách nhìn

Có câu chuyện kể về một vị luật sư tên George Rhone từng làm việc và sinh sống ở thành phố Vienna, Áo, từ sau khi Thế chiến lần thứ 2 nổ ra. Đến khi cuộc chiến tranh kết thúc ông mới có dịp quay về Thụy Điển. Khi đó trên người ông không một xu dính túi. Điều ông cần nhất hiện tại chính là nhanh chóng tìm một công việc có thể duy trì cuộc sống. Ông thông thạo nhiều thứ tiếng, nghĩ mình có khả năng, vậy sẽ dễ dàng tìm một công việc, ví dụ như công việc văn thư hành chính ở một công ty xuất nhập khẩu chẳng hạn.

Nhưng mọi việc không thuận lợi như George tưởng tượng, nhiều công ty lấy lý do chiến tranh đang diễn ác liệt mà từ chối ông. Thậm chí có người còn hồi âm lại cho George: “Ông hoàn toàn không hiểu gì về công ty của chúng tôi, chúng tôi căn bản không cần nhân viên văn thư. Hơn nữa dù có cần tuyển văn thư, chúng tôi cũng sẽ không chọn ông, ông thậm chí còn không thể viết đúng chữ Thụy Điển, thư xin việc của ông đầy lỗi chính tả”.

Sau khi George Rhone nhận được hồi âm, vô cùng tức giận: “Tiếng Thụy Điển của mình không tốt? Thư mình viết sai nhiều?”. Ông cảm thấy mình bị xúc phạm, cảm thấy vô cùng oán hận vị nhân viên kia. Nhưng chờ cho cơn nóng giận đi qua, bình tâm lại, ông mới bắt đầu tự hỏi: “Làm sao mình có thể chắc chắn là thư mình viết không một lỗi sai nào cả? Người ta khẳng định như vậy là vì đó là ngôn ngữ mẹ đẻ của họ. Vậy mình thử kiểm tra lại xem sao. Nếu có lỗi sai thì đó sẽ là bài học quan trọng cho mình. Người này mặc dù lời lẽ có chút khó nghe, nhưng đều là những lời góp ý thẳng thắn cho mình. Mình vẫn nên nói lời cảm ơn họ”.

Nghĩ là làm, ngay lập tức George viết thư cảm ơn: “Rất cảm ơn quý công ty đã hồi âm lại cho tôi, ngay cả khi bên công ty không tuyển nhân viên văn thư. Đối với công ty tôi còn thiếu hiểu biết, thiếu sự tìm hiểu, tôi thành thật xin lỗi. Hôm nay tôi viết bức thư này, vừa để cảm ơn cũng là gửi lời xin lỗi. Cảm ơn những lời góp ý chân thành của ngài đối với thư xin việc của tôi. Tôi sẽ tiếp thu và cố gắng rèn luyện tiếng Thụy Điển hơn nữa”. Không ngờ, mấy hôm sau, George nhận được thư hồi âm từ công ty, mời ông đến phỏng vấn. Sau đó, George đã được nhận vào làm.

Người Pháp thường nói câu: “Les deux côtés de la médaille”, có nghĩa là chuyện gì cũng có hai mặt tốt, xấu, chỉ xem ta dùng tâm thái nào mà nhìn nhận nó.

Những cực khổ của ngày hôm nay nhất định có thể thành tựu những huy hoàng trong tương lai. Một người nếu muốn đạt được thành công thực sự trong cuộc đời nhất định phải nhẫn nhịn chịu khổ, mở rộng tấm lòng. Người có tâm lượng lớn, tấm lòng rộng mở nhất định là người tài năng, đức độ và được mọi người xem trọng.

Trâm Anh
Theo Zhengjian

Exit mobile version