Đại Kỷ Nguyên

Say lòng phố cổ Hà Nội xưa, tái dựng qua đồ họa 3D

Khu phố cổ, hay còn gọi là Hà Nội 36 phố phường, được hình thành từ thế kỷ 15, là niềm tự hào của Hà Nội. Nếu người nước ngoài có thích Hà Nội hơn Sài Gòn thì có lẽ cũng vì khu phố cổ có dáng dấp bàn cờ này, với những con phố rất ngắn đan xen hình ô vuông như quân cờ, phố này xen kẽ phố kia, rất dễ làm người ta bị lạc trong đó.

Trong thơ văn cổ điển, các thi hào Việt Nam như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã ca tụng vẻ đẹp của Thăng Long với khu phố này.

Nhắc đến phố Hà Nội, người ta liền liên tưởng đến họa sỹ Bùi Xuân Phái, người đã gắn bó phần lớn cuộc đời mình với “Hà Nội 36 phố phường”. Ông là một danh họa của Việt Nam ngang tầm thế giới, đặc biệt nổi tiếng với các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội và trở thành thương hiệu “Phố-Phái” mỗi khi nhắc tới phố cổ Hà Nội. Những tác phẩm nổi tiếng của ông như Phổ cổ Hà Nội- sơn dầu 1972, xe bò trong phố cổ- sơn dầu 1972, hay Phố vắng- sơn dầu 1981, đã khiến Phổ cổ Hà Nội sống mãi cùng thời gian.

Họa sỹ Bùi Xuân Phái với thương hiệu “Phố Phái” của ông.

Chợ Cầu Đông, Hàng Buồm với đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ tượng trưng cho khí thiêng của Thăng Long, Hàng Ngang, Hàng Đào… Đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc, Đền Bà Kiệu, Cầu Gỗ, chợ Hàng Bè… Ô Quan Chưởng nhuộm màu sắc cổ kính rêu phong giữa phố phường tấp nập, ngõ ngang ngõ dọc chen cây xanh.

Cuộc sống hàng ngày diễn ra muôn dáng muôn vẻ nơi đây, khi cuộc sống mưu sinh con người gắn với tên phố của mình: phố Hàng Thiếc ngày nay vẫn cả ngày nghe thấy tiếng gõ đập của gò nhôm gò thiếc, phố Hàng Mã xanh đỏ với đủ loại vật phẩm trang trí hàng mã, phố Hàng Đào tơ lụa….

Khác với ngày nay, hình ảnh phố cổ ngày xưa Hà Nội đậm phong vị hơn, những con phố trông vắng vẻ hơn, trầm mặc hơn, các kiểu người đi lại trên phố đa dạng, từ dân nghèo gồng gánh đến quan đại thần ngồi kiệu che lọng. Phụ nữ vấn tóc đuôi gà, mặc áo tứ thân, đi dép cong, đội nón quai thao… Nam giới búi tóc củ hành, mặc áo the thâm, xe kéo…

Tất cả đều ung dung tự tại, khoan thai và tinh tế, luôn chú ý đến tiểu tiết, vì cuộc sống nơi kinh thành xưa vốn là như vậy…

Phố cổ Hà Nội xưa cũng được khắc họa tinh tế trong những tác phẩm đồ hoạ của Dự án “Phục dựng phố cổ Hà Nội bằng 3D”, thực hiện bởi Nhóm 3D Hà Nội, có thể khiến nhiều người rung động khi chiêm ngưỡng…

Nhóm họa sỹ thực hiện dự án này đã có sự khảo cứu nghiêm túc các tư liệu lịch sử về Hà Nội để có thể tái hiện một cách chân thực và sinh động nhất không gian văn hoá của thủ đô cách đây 1 thế kỷ. Chúng ta hãy quan sát kỹ từng chi tiết nhỏ nhất trong các bức tranh, đều có hồn của Hà Nội xưa ở đó…

Văn Miếu-Quốc Tử Giám- nam giới búi tóc củ hành, mặc áo the thâm… (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Phở gánh – nếu ai đã đọc “Món Ngon Hà Nội” của nhà văn Vũ Bằng, hẳn không quên anh chàng phở gánh nổi tiếng tên Tráng thời đó. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Phố Hàng Buồm trong ánh nắng vàng mật buổi sớm mai. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Ô Quan Chưởng quầy quả gánh hàng rong trên thảm lá thu vàng rực rỡ… những tiểu tiết của bức tranh khiến những người dân Hà Nội, cả cũ lẫn mới, phải rung động.. Bên ngoài cửa ô Quan Chưởng ngày ấy vẫn còn là đồng ruộng mênh mông. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Chợ Đồng Xuân vắng lặng với hàng xe kéo xếp yên bình. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Nhà Hát Lớn Hà Nội- bản sao của Opera de Paris (Nhà Hát Lớn Paris) khiến con phố thời đó mang tên Ba Lê. (tức Paris)- (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Khuê Văn Các trong quần thể di tích Văn Miếu, trường Đại Học đầu tiên của Việt Nam, nơi thờ tự đức Khổng Tử và nơi “nhân lễ nghĩa trí tín” của Ông được tôn vinh. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Gánh cốm rong- “cốm sữa vỉa hè” là nét đặc trưng của thú thưởng thức lịch lãm, tinh tế của người Tràng An xưa. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Tết Trung Thu ở phố cổ – những đồ chơi Trung thu ngày ấy. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Gánh hoa sen với những cánh hoa rơi lả tả, người phụ nữ ngày xưa kín đáo khoan thai trong màu nâu trầm. (Nguồn ảnh: phoco.vn)
Khu phố cổ đón Tết– Một cái Tết yên bình, sâu lắng, gánh hàng hoa trái cây bày đặt giản dị gọn gàng. (Nguồn Ảnh: phoco.vn)

Tâm trạng người xem những bức tranh phố cổ này nao nao, giống như đang nhớ ai đó, chợt như thấy lòng mình giống lời bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội” của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn:

“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…Hà Nội mùa thu, đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi: Tôi đang nhớ ai?… Sẽ có một ngày, mùa thu Hà Nội trả lời cho tôi, sẽ có một ngày, từng con đường nhỏ, trả lời cho tôi…”

Kim Vân

Exit mobile version