Đại Kỷ Nguyên

Rốt cuộc Hà Bá có lấy vợ thật hay không?

Người ta thường có câu: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá”, ngụ ý là ở địa phận nào thì có vị Thần cai quản ở đó. Qua đó cũng nói lên một triết lý nhân sinh cao đẹp về đức tin của con người đối với các vị Thần trông coi nơi địa giới.

Mỗi vùng miền khác nhau, mỗi địa khu hay mỗi chủng tộc khác nhau lại có những sự tích hay điển tích khác nhau về các vị Thần… Theo phương diện tích cực hay tiêu cực đều có cả. Chúng ta hãy đọc câu chuyện sau đây và cùng suy ngẫm.

Trong Sử Ký có ghi chép rằng: Dân đất Nghiệp có tục lệ hàng năm góp tiền mua một người con gái ném xuống sông để làm vợ cho Hà Bá, tục lệ ấy đã kéo dài từ lâu mà không ai phá giải được.

Lúc Tây Môn Báo đến làm quan đất ấy, ông đã đứng ra làm chủ “Lễ cưới vợ cho Hà Bá”. Trước mặt đông đủ cả bô lão, hào trưởng, ông đồng bà cốt… Tây Môn Báo cho gọi người con gái bị đem hiến tế đến, xem mặt xong nói rằng: “Cô gái này không đẹp! Ta nhờ các ông đồng xuống nói với Hà Bá xin hoãn lại hôm khác, để tìm người đẹp hơn!”.

Nói xong, ông sai lính khiêng một ông đồng quăng xuống sông.

Một lúc sau, ông nói: “Sao lâu thế này! Ta lại nhờ đám bà cốt xuống nói hộ mới được”.

Ông lập tức sai bắt một bà cốt quăng xuống sông.

Được một lúc, ông nói: “Sao vẫn không thấy tin tức gì cả? Xem chừng lũ đồng cốt xuống nói không nên lời, dám phiền các vị bô lão đi giúp cho”.

Ông lập tức sai lính lôi một cụ vứt xuống sông.

Một lúc, ông nói tiếp: “Mãi sao không thấy ai về thế này? Bọn đồng cốt, bô lão đi cũng không được việc, có lẽ phải nhờ đến bậc hào trưởng mới xong”.

Lúc bấy giờ bao nhiêu người đều tái xanh mặt mày, vạn lạy xin thôi. Tây Môn Báo nói: “Để thong thả ta xem đã!”. Ai nấy đều run lên như cầy sấy…

Một lúc sau ông mới nói: “Thôi, tha cho các ngươi. Thế là Hà Bá không lấy vợ nữa rồi…”.

Kể từ đây đất Nghiệp không ai dám nhắc đến chuyện Hà Bá lấy vợ nữa!

Tây Môn Báo làm dân làng thất kinh khiếp đảm. (Ảnh: youtube.com)

***

Xưa nay những tập tục kính ngưỡng đối với Thần, Phật vẫn tồn trong cuộc sống thường nhật, bởi lẽ nó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Hơn thế nữa đây là sự thể hiện một lối sống đạo đức cao đẹp, một nét thuần phong mỹ tục tôn vinh văn hóa truyền thống của người phương Đông.

Tuy nhiên thuận theo guồng quay của bánh xe lịch sử, những điển cố, điển tích về các vị Thần đã bị chính con người bóp méo, giải thích, nhào nặn tùy ý do chính những người đặt tín tâm vào vị Thần mà mình tôn thờ. Họ cải biến theo ý riêng của mình, phần vì sự thiếu hiểu biết một cách cặn kẽ, phần vì mục đích vụ lợi cá nhân. Lợi dụng lòng tin của người khác mà bịa đặt bày trò thần thánh, tà ma hại người, đưa con người ta đi từ tín ngưỡng chân chính mà dần dần lầm lạc sang thứ tà đạo hại người.

Những kẻ vụ lợi thường nhân cơ hội “nước đục mà thả câu”. Kẻ vô thần thì phỉ báng, bôi nhọ. Kẻ gian tà thì lạm dụng đức tin mà buôn Thần, bán Thánh để chiếm đoạt. Cũng chỉ vì người ta đặt tín tâm không đúng chỗ mà tổn hại đến thân, cuối cùng ngậm đắng mà chịu cảnh “tiền thì mất, tật thì mang”, có khi mất cả mạng sống. Nhưng một khi việc ‘bán Thánh buôn Thần’ đã thành tục lệ thì cũng khó lòng mà cải biến.

Tây Môn Báo sở dĩ phá được cái tục cưới vợ của Hà Bá là do ông biết được căn nguyên từ cái gốc rễ. Ấy là có kẻ lợi dụng lòng tin của người dân mà bày đặt ra tục lệ này khác, nhũng nhiễu dân tình mà kiếm chác chút đỉnh lợi lộc. Trừ hạng người ấy để cứu dân, chấn chỉnh thuần phong mỹ tục, lấy lại niềm tin chân chính của con người đối với Thần linh, đối với người làm quan mà nói thì quả là bậc công minh vậy.

Người đã sẵn có tín tâm đối với Thần Phật thì nên tìm cho mình Chính Pháp, Chính Đạo mà đặt niềm tin vào đó, theo đó học tu để không bị lạc sang đường tà đi theo ma đạo, “trợ Trụ vi ngược” mà làm ra sự bại hoại, đến khi tỉnh ngộ muốn quay đầu thì e rằng đã muộn rồi…

Thái Bảo

Exit mobile version