Đại Kỷ Nguyên

Quân tử cẩn thận ngôn hành, thà im lặng chứ không nóng vội

Làm thế nào để đạt tới tiêu chuẩn của một người quân tử? Khổng Tử từng giảng: “Người quân tử trong lòng phải bảo trì sự chính trực, thuần khiết, đây là cái gốc của làm người”.

Một ngày, học trò của Khổng Tử là Tử Lộ mặc bộ trang phục rất đẹp và sang trọng đến thăm thầy.

Khổng Tử nói: “Trọng Do, trò vận trang phục đẹp và sang trọng thế này là vì cớ gì? Sông Trường Giang từ núi Dân Sơn chảy ra, bắt đầu ở nơi khởi nguồn thì dòng nước rất nhỏ, chỉ đủ nâng nổi chén rượu. Nhưng khi dòng chảy đến cửa sông lớn, nếu hai con thuyền không buộc với nhau cùng đi, không tránh gió lớn thì không thể qua sông được. Đây là do dòng nước lớn sao?”.

Khổng Tử nói tiếp: “Hôm nay trò vận trang phục hoa lệ, nét mặt lộ vẻ đắc ý, vậy thiên hạ có ai nguyện ý khuyên trò đây?”.

Tử Lộ liền lùi bước trở ra, thay bộ quần áo chất phác rồi lại bước vào cúi chào thầy.

Khổng Tử nói: “Trọng Do, trò hãy nhớ kỹ rằng hiển thị trí thông minh trên nét mặt, tỏ ra dáng vẻ tài giỏi, thì đó là tiểu nhân. Do đó, người quân tử biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, đó là yếu lĩnh khi nói chuyện. Nên nói thì hãy nói, không nên nói thì không nói, đó là chuẩn mực của hành vi. Nói chuyện cần có yếu lĩnh, đó là trí tuệ. Hành vi cần có chuẩn mực, đó là nhân đức. Ngôn hành chính là trí tuệ và nhân đức, như vậy đâu còn chỗ nào thiếu sót nữa?”.

Khổng Tử khuyên bảo Tử Lộ. (Ảnh minh họa: dkn)

***

Sách Thái căn đàm cũng viết: “Nói 10 câu, 9 câu đúng chưa chắc đã được khen là kỳ diệu, nhưng nói một câu không đúng thì việc quy kết tội lỗi nối nhau kéo đến. Bày 10 mưu kế, 9 mưu kế thành công chưa chắc đã được công lao, nhưng một mưu kế không thành thì lời chỉ trích phỉ báng ùn ùn nổi lên. Do đó người quân tử thà im lặng chứ không nóng vội, thà vụng về chứ không khéo miệng”.

Khổng Tử từng dạy học trò của mình rằng, muốn trở thành người quân tử thì cần phải làm được: “Quân tử thực vô cầu bão, cư vô cầu an, mẫn ư sự nhi thận ư ngôn, tựu hữu đạo nhi chính yên, khả vị hiếu học dã dĩ”. Nghĩa là: Quân tử ăn không cầu no, ở không cầu an dật, xử lý công việc cần sáng suốt, mà lời nói cần thận trọng, gần gũi với những người có Đạo để tu sửa bản thân mình, như vậy mới có thể gọi là người hiếu học.

‘Hiếu học’ thời xưa khác xa ‘hiếu học’ ngày nay, và mục đích học của người xưa cũng khác. Người ngày nay học vì mưu cầu tri thức, mưu cầu danh lợi và địa vị, tiền tài. Nhưng người xưa học lại là để tu dưỡng bản thân và hoàn thiện đức hạnh của mình: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức” (Đạo của đại học là ở chỗ làm rạng tỏ đức sáng).

Cho nên, bậc quân tử phải là người có phẩm đức cao thượng, tấm lòng khoan dung và trí tuệ rộng lớn, theo cách gọi hiện nay là ‘nhà trí thức lớn tài đức song toàn’.

Bậc quân tử là người có phẩm đức cao thượng, tấm lòng khoan dung và trí tuệ rộng lớn. (Ảnh: xuehua.us)

Để đạt được tiêu chuẩn người quân tử, chúng ta cần chú ý từ những hành vi nhỏ nhất:

– Chất phác: Đơn giản chất phác gần với Đạo, với tự nhiên. Thế nên người xưa nói: “Phản phác quy chân”, trở về với bản tính chân thực chất phác của mình.

– Chân thành: Biết thì nói là biết, không biết thì nói không biết; Không vì thể diện hay vì lợi ích cá nhân mà nói sai sự thật, nói lời giả dối.

– Cẩn trọng: Từng lời ăn tiếng nói, từng hành vi cử chỉ đều phải chú ý cân nhắc. Thế nên người quân tử thà im lặng chứ không khinh suất nói năng, thà bị coi là vụng về bất tài chứ không có hành động thiếu chín chắn.

Theo Wise99
Kiến Thiện biên dịch

Exit mobile version