Đại Kỷ Nguyên

Phong vân mạn đàm (Kỳ 31): Hạ Trung Sơn Nhạc Dương đại thắng; trừ hủ tục Tây Môn Báo lập công

Tây Môn Báo người nước Ngụy, sống vào thời Chiến quốc, nổi tiếng xử án rất thẳng, được Ngụy Văn Hầu tin dùng (Ảnh: VĐH).

Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và ngụy tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.

Ngụy Văn hầu nói với Nhạc Dương rằng: “Ta có hai chiếc hộp muốn tặng ông, đừng xem trên triều mà là hãy về nhà mà xem”. Vì Ngụy Văn hầu đã xây cho Nhạc Dương căn nhà mới nên ông đem hai chiếc hộp về nhà. Trong hộp toàn là bức thư cáo trạng của những đại thần khuyên ngăn Ngụy Văn hầu đừng sử dụng Nhạc Dương. Khi đó Nhạc Dương mới vô cùng cảm động.

Hạ Trung Sơn Nhạc Dương đại thắng

Sau khi chờ đợi ba tháng Nhạc Dương hạ lệnh bắt đầu tấn công, thế binh rất mạnh, bản thân ông trực tiếp chỉ huy cuộc chiến. Thành trì Trung Sơn đã mau chóng trụ không nổi nữa.

Đại thần của Trung Sơn mới thương lượng đối sách, sau đó nói với vua Trung Sơn rằng: “Thần có kế này có thể khiến địch thoái binh. Chính là hãy bắt con trai của Nhạc Dương là Nhạc Thư trói vào cột cờ, nếu Nhạc Dương không thoái thì ta chém đầu con trai hắn”. Thế là Nhạc Thư bị trói vào cột cờ, sau đó cầu cứu cha mình.

Nhạc Dương nói: “Đứa con chẳng ra gì kia! Ta đã cho ngươi nhiều thời gian như thế, đã không thể giúp quân vương trị nước, lại không thể khuyên vua ra hàng. Hiện tại ngươi lại khóc như một đúa trẻ, thật là đáng chết mà!”. Sau đó Nhạc Dương lấy cung lắp tiễn bắn vào con trai mình nhưng không trúng, Nhạc Thư ngửa mặt lên trời than thở. Vua Trung Sơn thấy vậy bèn thả anh ta xuống.

Nhạc Thư sau khi được thả ra, Công Tôn Tiêu nói nhỏ với quốc vương Trung Sơn: “Hãy giết Nhạc Thư là xong. Sau đó lấy thịt của hắn làm một bát canh đem đến cho Nhạc Dương. Không gì thân thiết hơn tình phụ tử, người cha thấy con chết thảm như vậy sẽ vô cùng thống khổ bi ai, trong đầu sẽ loạn tưởng không nghĩ ngợi được gì, không còn tâm trí chiến đấu. Nhân cơ hội đó chúng ta phái quân ra khỏi thành quyết một trận sống mái, nói không chừng có thể giành thắng lợi”. Cơ Quật thấy kiến nghị có lý của Công Tôn Tiêu bèn giết Nhạc Thư, rồi lấy thịt làm canh bưng đến doanh trại của Nhạc Dương, nói thêm rằng đây là thịt của một tên tiểu tướng.

Nhạc Dương cầm bát canh thịt, sau đó ăn hết bát canh trước mặt sứ giả, hơn nữa còn nói với sứ thần rằng: “Ngươi về nói với vua các ngươi rằng, chúng ta đã chuẩn bị một cái nồi lớn trong doanh, chính là chuẩn bị cho quốc vương ngươi đó”. Sứ thần trở về báo lại sự việc, rốt cuộc kế sách thoái địch trình lên vua Trung Sơn cũng không phát huy tác dụng. Cơ Quật bèn tự sát, sau đó thành trì đã bị công hạ. Nhạc Dương lấy báu vật trong quốc khố Trung Sơn đem về đô thành nước Ngụy.

Khi đó Ngụy Văn hầu đích thân nghênh đón Nhạc Dương và nói: “Đau thay! Ông vì quả nhân nên con trai bị giết, quả nhân thật đau xót”. Nhạc Dương nói: “Bậc trượng phu lập công vì chủ. Hơn nữa đứa con hạ thần phò tá một vị hôn quân vô đạo, cũng đáng tội chết. Thần không dám lấy chuyện tư mà làm hỏng việc công”.

Ngụy Văn hầu bày tiệc lớn thết đãi quần thần vì đã lấy được Trung Sơn. Nhạc Dương vì bản thân lập được công to trạng lớn nên có chút kiêu ngạo. Ngụy Văn hầu nói với Nhạc Dương rằng: “Ta có hai chiếc hộp muốn tặng ông, đừng xem trên triều mà là hãy về nhà mà xem”. Vì Ngụy Văn hầu đã xây cho Nhạc Dương căn nhà mới nên ông đem hai chiếc hộp về nhà. Ông nghĩ thêm rằng, quốc vương nhất định tặng ta thứ rất có giá trị, sợ người khác sinh tâm đố kỵ nên mới để ông đem về nhà xem.

Nhạc Dương mở hai chiếc hộp, trong đó toàn là bức thư những đại thần khuyên ngăn Ngụy Văn hầu đừng sử dụng Nhạc Dương nữa. Hôm sau lên triều ông cảm ơn Ngụy Văn hầu và nói: “Nếu không có sự tín nhiệm của ngài, tôi đây không thể lập công ở tiền tuyến”. Ngụy Văn hầu nói: “Nếu không có khanh, Trung Sơn không thể đánh hạ được, không có khanh quả thực việc chiến đấu bên ngoài rất khó khăn. Ta cảm thấy khanh đã chịu nhiều vất vả, cho nên ta phong ấp Linh Thọ cho khanh, để khanh về nghỉ ngơi”. Thế là Ngụy Văn hầu phong ấp cho cho Nhạc Dương, sau đó giải giáp binh quyền của ông.

Điền Tử Phương bàn về “kiêu ngạo”

Trung Sơn rất xa đô thành Ngụy quốc, Ngụy Văn hầu phái người mà mình rất tín nhiệm là con trai Ngụy Kích đi trấn thủ. Ngụy Kích đến Trung Sơn cai quản vùng đất đó.

Khi Ngụy Kích rời đô thành bỗng thấy một Nho sinh tên Điền Tử Phương ngồi trên chiếc xe tồi tàn đi tới với bộ dạng rất kiêu ngạo. Vì Ngụy Kích rất coi trọng Nho sinh nên đứng bên đường hành lễ nhưng Điền Tử Phương mặc nhiên đi qua mà không thèm đoái hoài. Lúc đó Ngụy Kích rất tức giận bèn truy đuổi rồi giữ chặt ngựa của Điền Tử Phương nói rằng: “Tôi muốn hỏi ông một chuyện”. Điền Tử Phương đáp: “Cứ nói”. Ngụy Kích hỏi: “Người phú quý có thể kiêu ngạo với người khác, hay người bần khổ kiêu ngạo với người khác?”.

Điền Tử Phương mới trả lời rằng: “Nếu anh phú quý, làm sao anh có thể kiêu ngạo với người khác? Nếu quốc vương kiêu ngạo với người khác, sẽ vong quốc; nếu Đại phu kiêu ngạo với người khác, sẽ vong gia. Nhưng một người nghèo khổ như tôi đây, cái gì tôi cũng không có. Quân vương nếu nghe tôi, sẽ tận sức đưa ra chủ ý. Nếu ông ấy không nghe tôi, tôi sẽ xách dép mà đi. Ai có thể cản được tôi? Đây là lý do vì sao năm xưa vua Trụ nhà Thương Ân bị Chu Võ Vương diệt; nhưng Chu Võ Vương lại không thể thuyết phục được Bá Di và Thúc Tề nghe theo lời ông ta, bởi vì hai người đó rất nghèo, không việc gì có thể khiến họ cảm thấy mất mát”.

Những lời này làm Thế tử Ngụy Kích á khẩu không nói được lời nào, Điền Tử Phương cứ thế mà đi. Ta cảm thấy những lời của Điền Tử Phương có hơi thiếu đạo lý. Bởi vì dù là giàu có hay nghèo khổ thì người ta cũng nên khiêm tốn, không nên kiêu ngạo. “Kiêu ngạo” trong câu chuyện trên thực ra là sự tự tôn của một con người.

Trừ hủ tục Tây Môn Báo lập công

Ở phần trước chúng ta nói về Nhạc Dương, ông ta có ba điểm rất tốt là: có người vợ tốt, có hậu duệ giỏi, bản thân ông cũng là người giỏi chiến trận. Trong hậu duệ của ông có một danh tướng nước Yên vô cùng nổi tiếng là Nhạc Nghị. Trong “Tam quốc chí” giảng rằng, Gia Cát Lượng “thân cày cấy ở đất Lũng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), ngâm thơ về những bậc rường cột quốc gia, hàng ngày thường so mình với Quản Trọng, Nhạc Nghị”, chính là nói Gia Cát Lượng so sánh bản thân mình với Quản Trọng và Nhạc Nghị. Quản Trọng là Tể tướng nổi tiếng của nước Tề thời Xuân Thu, Nhạc Nghị là vị tướng rất nổi tiếng thời Chiến Quốc. Theo “Sử ký – Nhạc Nghị liệt truyện” chép rằng, ông là hậu duệ của Nhạc Dương.

Sau khi chiếm được Trung Sơn, Ngụy Văn hầu bèn để mắt đến Nghiệp thành. Nghiệp thành ở huyện Lâm Chương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc ngày nay. Nó thuộc giao giới của của ba nước Ngụy – Hàn – Triệu. Ngụy Văn hầu hỏi Địch Hoàng: “Nghiệp thành thiếu Thái thú, ai đến đó là hợp lý?”. Địch Hoàng trả lời: “Thần cảm thấy Tây Môn Báo rất thích hợp”. Thế là Ngụy Văn hầu phái Tây Môn Báo đến Nghiệp thành.

Sau khi đến Nghiệp thành, Tây Môn Báo phát hiện nơi đây lạnh lẽo hoang vắng tiêu điều, dân cư thưa thớt. Ông mới cho người đi dò hỏi bách tính. Khi ấy bách tính mới thuật lại rằng: “Điều chúng tôi cảm thấy khổ nhất chính vì… Hà Bá lấy vợ”. Tây Môn Báo mới thắc mắc: “Hà Bá lấy vợ? Chuyện này tôi chưa từng nghe qua, rốt cuộc là chuyện gì vậy?”.

Lão bách tính nói rằng: “Địa phương chúng tôi đây có một con sông tên là Chương thủy, nó tưới tắm cho địa phương chúng tôi, và nông nghiệp của khu vực cũng phụ thuộc vào con sông này. Chỗ chúng tôi có một bà đồng. Bà ta nói: “Hà Bá rất thích những cô nương đẹp, mỗi năm phải cưới một cô. Nếu không cưới vợ cho Hà Bá, hắn sẽ dâng nước lớn nhấn chìm nơi đây. Cho nên người dân chúng tôi mỗi năm phải tốn rất nhiều tiền để cưới vợ cho Hà Bá”.

Tây Môn Báo hỏi: “Thế cưới vợ cho Hà Bá tốn bao nhiều tiền?”. Lão bách tính đáp: “Đại khái khoảng 20 đến 30 vạn quan tiền, tiền chúng tôi có thể thu xếp được, khổ nỗi mỗi năm bà đồng đến từng nhà để xem, hễ nhà ai có con gái đẹp là bà ta nói người đó phải làm vợ của Hà Bá”.

Nghi thức Hà Bá lấy vợ lúc đó là phải xây một trại cúng đẹp màn che trướng rủ ở bờ sông, sau đó để cô gái lên chiếc thuyền, chiếc thuyền cố ý làm không chắc chắn. Thuyền theo dòng nước trôi đi, một lát sau rồi chìm, người con gái bị chết chìm dưới nước. Vì người ta không nỡ nhìn con gái chết chìm như vậy bèn lấy một số tiền đưa cho bà đồng, để bà đồng chọn con gái nhà khác. Như thế bà đồng đã kiếm rất nhiều tiền. Những nhà nghèo khó không còn biện pháp nào đành phải hiến con gái… Ngoài bà đồng nhận tiền ra còn có Tam lão (người già chịu trách nhiệm giáo hóa trong làng), Đình duyện (tương đương trưởng thư ký địa phương), còn có Lý trưởng (người phụ trách trị an thời đó)… Những người này đã kiếm được không ít tiền.

Tây Môn Báo nói: “Như thế này đi, năm nay khi Hà Bá lấy vợ tôi cũng đến xem xem”. Khi Hà Bá lấy vợ, Tây Môn Báo tự mình đến bờ sông, lúc này bà đồng cũng đến. Bà đồng rất coi thường Tây Môn Báo, bà ta vốn dĩ rất kiêu ngạo. Bà đồng mang theo hai nữ đệ tử; Tam lão, Đình duyện, Lý trưởng… hầu như ai ai ở địa phương cũng đến.

Tây Môn Báo nói: “Nghe nói hôm nay là đám cưới Hà Bá, để tôi xem cô nương năm nay là ai”. Thế là người nhà dẫn cô gái lại. Tây Môn Báo xem xong nói: “Ái dà! Người con gái này không đủ đẹp, Hà Bá lấy vợ phải là cô gái đẹp nhất, cô gái này tôi cảm thấy không phù hợp. Thế này đi, phiền bà xuống đó nói với Hà Bá một tiếng, nói rằng Thái thú sẽ nhanh chóng kiếm người con gái tốt hơn dân cho ngài ấy”. Nói xong ông lệnh cho binh sĩ khiêng bà đồng ném xuống nước. Bà đồng vùng vẫy một lúc rồi chìm xuống nước.

Tây Môn Báo đứng bên sông đợi một lúc rồi nói: “Ái dà, sao mãi không quay lại, có phải vì bà đồng tuổi lớn quá nên không nói rõ được. Thế thì phiền hai nữ đệ tử của bà đồng xuống đó báo Hà Bá một tiếng vậy”. Ông lại sai binh lính khiêng hai nữ đệ tử bà đồng ném xuống nước. Một lúc sau Tây Môn Báo lại nói: “Ồ, xem ra nữ nhân không có tác dụng rồi. Hay là nhờ những người như Tam lão, Đình duyện, Lý trưởng… xuống đó nói một tiếng xem sao?”.

Những người đó sợ đến biến sắc, quỳ xuống dập đầu xuống đất, họ biết rằng hễ nhảy xuống sông là phải chết. Tây Môn Báo không nghe những lời phân trần, đem toàn bộ bọn họ ném xuống nước. Ném xong, Tây Môn Báo lại nói một lần nữa: “Sao họ không quay lại nhỉ? Tiếp sau ta sẽ xem những người này”. Những người liên quan sợ quá vội quỳ xuống dập đầu, dập đầu đến mức chảy cả máu mà không dám đứng dậy.

Tây Môn Báo nói: “Hiện nay mọi người mới biết sự việc lấy vợ cho Hà Bá là giả phải không? Sao có thể như vậy? Nước chảy cuồn cuộn, Thần sông sao có thể lấy con gái ở nhân gian chứ”. Thế là Tây Môn Báo đã dùng cách này để đoạn dứt phong tục cưới vợ cho Hà Bá ở địa phương này.

Tiếp đến Tây Môn Báo bắt đầu tu sửa hệ thống thủy lợi, kênh Tây Môn được xây dựng thời đó vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Hệ thống tưới tiêu này đã giúp địa Nghiệp thành có được mùa màng bội thu.

Câu chuyện Hà Bá lấy vợ không thấy trong “Sử ký – Ngụy thế gia” nhưng trong “Sử ký – Hoạt kê liệt truyện” có ghi lại hoàn chỉnh. Tư Mã Thiên cảm thấy một số người có tính cách hài hước như Tây Môn Báo, Thuần Vu Khôn, Đông Phương Sóc… ông mới lấy những câu chuyện của họ tập hợp lại thành “Sử ký – Hoạt kê liệt truyện”.

Ở phần trước ta đã nói, về phương diện khai mở biên cương đất đai, Ngụy Văn hầu cũng là người đóng góp lớn thông qua việc khéo dùng người. Ông bổ nhiệm Nhạc Dương chiếm lĩnh Trung Sơn, dùng Tây Môn Báo cai quản Nghiệp thành, để Ngô Khởi đánh chiếm Tây Hà… Rốt cuộc Ngô Khởi đã dùng cách gì để đánh chiếm Tây Hà? Mời quý độc giả đón đọc phần tiếp theo.

Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV

Exit mobile version