“Phong kiến” là cụm từ có ấn tượng với những người trung tuổi trở lên, họ đã trải qua những năm tháng mà từ “phong kiến” có tính sát thương rất lớn, hễ cái gì bị quy là “phong kiến” thì liền bị bài xích. Vì vậy rất nhiều di tích lịch sử văn hóa cùng các văn vật văn hóa truyền thống đã bị tàn phá mà chẳng cần biết là tốt hay xấu.
Thời đó, tất cả các tín ngưỡng hàng ngàn năm của dân tộc đối với Phật, Đạo, Thần, tất cả các quan niệm, hiện tượng về luân hồi, nhân quả, báo ứng, và các giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống đều bị chế giễu, phê phán và quy chụp là “phong kiến mê tín dị đoan”.
Sau đó thông qua các biện pháp “tuyên truyền”, “giáo dục” liên tiếp, đồng loạt, kéo dài trong nhiều năm, khiến cho mọi người khi nói đến “phong kiến mê tín dị đoan” liền nghĩ ngay đến ngu muội dốt nát, yêu ma quỷ quái.
Thế nào là “phong kiến”?
Từ “phong kiến” xuất hiện sớm nhất trong sử sách là trong “Tả truyện” rằng: “Xưa Chu Công đau buồn vì Nhị thúc không quy phục, nên đã phong kiến (phong đất, dựng lãnh địa) cho thân thích để làm phiên giậu che chắn cho nhà Chu”.
“Phong kiến” có nghĩa là “phong bang kiến quốc”, tức là phong đất đai và tước vị vương, đứng đầu một vùng lãnh thổ, một nước nhỏ. Thiên tử đem các vùng đất ngoài vùng thiên tử trực tiếp cai quản ra, phân chia phong cho các chư hầu. Chư hầu dưới ân trạch của vị “chủ thiên hạ” (thiên tử), kiến lập quốc gia và quân đội riêng. Đến lượt các chư hầu cũng vậy, trong quốc gia riêng của họ, họ lại đem các vùng đất ngoài sự cai quản trực tiếp của mình ra phân phong cho các khanh đại phu.
Chế độ “phong kiến” này chỉ tồn tại ba đời nhà Hạ, Thương, Chu ở Trung Quốc. Từ thời Tần Thủy Hoàng là đã “phế bỏ phong kiến, đặt ra các quận huyện”. Đến đời sau, cũng ngẫu nhiên có phong bang kiến quốc cục bộ trong thời gian ngắn, nhưng đều không giống với ba đời triều đại cổ nói trên. Nói tóm lại, từ thời Tần Thủy Hoàng trở đi trong 2000 năm là không tồn tại chế độ phong kiến.
Các nước Á Đông khác như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… đều theo mô hình quân chủ thống nhất của Trung Quốc, nhất là Hán, Đường. Tuy trong lịch sử các nước này cũng có những giai đoạn ngắn cát cứ, nhưng đó là các thế lực cát cứ tranh hùng, chứ không phải phong kiến do hoàng đế, quân vương phong đất dựng nước, lãnh địa một cách hợp pháp.
Dùng sai từ “phong kiến”
Đến thời cận đại, người Nhật dùng từ Hán-Nhật “Phong kiến” để phiên dịch từ “Feudal”, thực ra cách dùng từ này không chính xác.
Theo từ điển Cambridge, từ “Feudal” được giải thích là liên quan đến hệ thống xã hội ở Tây Âu thời Trung Cổ, hoặc xã hội nào được tổ chức theo cấp bậc. Ở xã hội phong kiến, người ở một tầng thứ xã hội nhận đất, sống và làm việc trên đất đó từ người có cấp bậc cao hơn, và họ phải làm việc cho người kia, và phải chiến đấu cho người kia khi cần thiết, nhiều khi còn phải cung cấp lương thực cho người kia. Nhưng đó chỉ là định nghĩa về hình thức, mà chưa xét đến bản chất.
Về mặt thuật ngữ, chế độ phong kiến (phong tước, kiến địa) là một từ gốc Hán-Việt: 封建, xuất phát từ hệ tư tưởng chính trị thời Tây Chu, Trung Quốc. Vào thời này, vua Chu ra chế độ đem đất đai phong cho bà con để kiến lập các nước chư hầu gọi là “phong kiến thân thích”. Do chế độ này giống chế độ phong đất cho bồi thần ở Châu Âu nên người ta đã dùng chữ “phong kiến” để dịch chữ “Féodalité” từ tiếng Pháp. Tuy vậy cả hai chữ này chỉ mới phản ánh hình thức phân phong đất đai chứ chưa phản ánh bản chất của chế độ đó. Trong các ngôn ngữ châu Âu, “Féodalité” bắt nguồn từ chữ “Feod” trong tiếng Latinh nghĩa là “lãnh địa cha truyền con nối”.
Từ “Feudal” là chỉ chế độ lãnh chúa thời Trung Cổ ở châu Âu. Về bề ngoài mà nói, các lãnh chúa, phong thần và thái ấp châu Âu tương tự chế độ phong kiến Hạ, Thương, Chu phương Đông. Thực tế hai chế độ đó hoàn toàn khác nhau. Ba triều đại phong kiến phương Đông là từ trên xuống dưới, còn chế độ lãnh chúa châu Âu là từ dưới lên trên. Sau khi đế quốc La Mã sụp đổ, châu Âu không có chính quyền thống nhất, thế là các nhóm người liên kết lại với nhau, dựa vào những quý tộc nhỏ khác nhau, để xin được bảo vệ. Các quý tộc nhỏ lại hợp nhau lại dựa vào các đại quý tộc khác nhau, như thế hình thành lên cục diện xã hội Trung Cổ ở châu Âu.
Từ “phong kiến” mặc dù bị hiểu sai như thế này nhưng đã được người Nhật sử dụng, rồi đến thời kỳ đầu thời Dân Quốc ở Trung Quốc, một số trí thức chống truyền thống, du học ở Nhật đem về Trung Quốc sử dụng, rồi sau đó lan truyền qua nước ta.
“Phong kiến” bị lợi dụng ra sao?
Sau khi từ “phong kiến” được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, từ những năm 20 thế kỷ 20 đến gần đây, trước khi đổi mới, mở cửa, thì suốt thời gian dài, tất cả các vấn đề truyền thống đều bị quy chụp là “phong kiến”, “tàn dư phong kiến”. Rồi sau đó các phong trào “chống phong kiến” thực sự đã phá hủy rất nhiều những tinh hoa văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc, phá hủy tín ngưỡng vào Thần, Phật, Trời, các Thần Đất, Núi, Sông, Biển, phá hủy tín ngưỡng thờ Tổ tiên. Mất đi tín ngưỡng Thần Phật, nhân quả khiến cho con người không còn e dè sợ sệt điều gì, cái gì cũng dám làm, vì tiền tài danh lợi, vì tranh đoạt địa vị, danh tiếng mà tìm đủ thủ đoạn tàn sát nhau.
Chính vì không hiểu rõ từ “phong kiến’ nên mấy chục năm qua đã nhiều người hiểu sai, hành động sai, dẫn đến cực đoan, phá hoại, tàn phá các di tích văn hóa lịch sử, bài xích những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống, vì quy hết thảy mọi thứ thuộc về quá khứ là “phong kiến” lạc hậu.
Từ ngữ cứ ngỡ đơn giản, dùng đúng sai cũng chẳng có ảnh hưởng gì, chẳng tác hại gì. Nhưng thực tế, từ ngữ là phản ánh nhận thức của xã hội, phản ánh sai sẽ dẫn đến một xã hội hiểu sai lệch lịch sử, văn hóa, nhân văn, có thể dẫn đến tai họa cho chính xã hội đó.
Nam Phương