Đại Kỷ Nguyên

Pháp nạn của Phật giáo trong những ngày đầu truyền vào Nhật Bản

Phật giáo là một trong hai tôn giáo lớn được người Nhật tín phụng, nhưng ít ai biết rằng, Phật giáo cũng từng trải qua Pháp nạn trong những ngày đầu tiên khi mới truyền vào Nhật Bản.

Trước khi tiếp nhận Phật giáo, người Nhật đã tin theo Thần đạo. Thần đạo có ý nghĩa là “con đường của thần linh”, liên quan đến việc thờ cúng tổ tiên cũng như việc thờ cúng thiên nhiên và xã hội. Thần đạo không có kinh sách chính thức, cũng không có hệ thống luân lý đạo đức hay triết học, mà tin vào sự “cộng sinh” giữa con người và thần linh, muông thú và cây cối… Nó tượng trưng cho sự hoà hợp giữa con người và phần còn lại của thế giới tự nhiên.

Nếu như Thần đạo tập trung vào cuộc đời hiện tại và vào sự hợp nhất giữa con người với môi trường thiên nhiên xung quanh, thì Phật giáo lại quan tâm đến mối liên hệ giữa cá nhân với vũ trụ và đời sống sau khi chết, nhấn mạnh việc giải thoát khỏi vòng luân hồi khổ đau thông qua việc đạt đến giác ngộ.

Người Nhật cho rằng Phật giáo quan tâm đến thế giới bên kia, còn Thần đạo lại hướng đến thế giới tự nhiên trong đời sống hàng ngày.

Khi Phật giáo truyền vào Trung Quốc thì thuận theo việc giao lưu giữa hai nước Trung – Nhật, một số ít người Nhật Bản cũng tín phụng Phật giáo. Đến thế kỉ thứ 6 sau Công nguyên, Phật giáo từ Trung Quốc qua bán đảo Triều Tiên rồi truyền nhập vào Nhật Bản. Lúc đó đúng vào thời Thiên hoàng Khâm Minh, còn Trung Quốc thì đang trong thời Nam Bắc triều. Nhưng mọi sự trong thế gian đều có tương sinh tương khắc. Phật giáo vừa truyền vào đã dẫn đến một làn sóng phản đối trong triều đình. Khi đó một số trọng thần trong hoàng triều kịch liệt phản đối Phật giáo, đe dọa rằng họ sẽ đem tượng Phật ném xuống sông.

Sau khi Thiên hoàng Khâm Minh băng hà, Thiên hoàng Mẫn Đạt kế vị. Năm 584, vị đại thần ủng hộ Phật giáo là Tô Ngã Mã Tử đã thỉnh một tượng Phật Di Lặc từ nước Bách Tế (một trong 3 nước ở bán đảo Triều Tiên thời bấy giờ) đến Nhật Bản để cung phụng. Thời đó có ba thiếu nữ xuất gia làm ni cô với Pháp danh là Thiện Tín, Thiền Tàng, và Huệ Thiện. Tô Ngã Mã Tử quy y Phật Pháp, rất kính trọng ba vị ni cô này. Ở tỉnh Ishikawa ông còn xây dựng một Phật điện để hồng dương Phật Pháp.

Ngồi chùa Shitenno- ji cổ nhất Nhật Bản được xây dựng vào năm 593. (Ảnh theo didulich.net)

Năm Thiên Hoàng Mẫn Đạt thứ hai (năm 585), dưới những lời gièm pha của đại thần Vật Bộ Thủ Ốc, Thiên Hoàng Mẫn Đạt đã bãi bỏ Phật Pháp. Vốn là người kịch liệt phản đối Phật giáo, Vật Bộ Thủ Ốc đã phá hoại Phật điện, ném tượng Phật xuống biển, đồng thời lăng mạ những người tín Phật. Ông ta còn ép buộc ba vị ni cô phải bỏ áo cà sa, sau đó trói họ trong tình trạng không một mảnh vải che thân rồi áp giải đến chợ Tsubaki (hiện nay là chợ Sakurai tỉnh Nara) để phạt roi và răn đe dân chúng. Ông ta đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn không còn liêm sỉ để vũ nhục và khinh miệt Phật Pháp, vì vậy người đời sau coi đó là sự kiện tiêu biểu của việc Phật giáo lâm vào Pháp nạn lúc bấy giờ.

Cùng năm đó, Thiên Hoàng Mẫn Đạt và Vật Bộ Thủ Ốc đều mắc phải ôn dịch, không lâu sau đó Thiên Hoàng Mẫn Đạt cũng tạ thế qua đời. Người đời đều bàn tán rằng: “Đó là quả báo do phá hoại tượng Phật mà nên”.

Sau khi Thiên Hoàng Mẫn Đạt mất, Thiên hoàng Dụng Minh kế vị. Vật Bộ Thủ Ốc lại cấu kết với hoàng tử Huyệt Tuệ Bộ là em cùng cha khác mẹ với Mẫn Đạt để tiếp tục phản đối Phật giáo. Đến khi Thiên hoàng Dụng Minh tạ thế, Vật Bộ Thủ Ốc có ý muốn đưa Huyệt Tuệ Bộ lên nối ngôi để tiếp tục chính sách đàn áp Phật giáo.

Tô Ngã Mã Tử cùng với Trúc Điền Hoàng tử, Thánh Đức Thái tử và một số hoàng tử truy sát kẻ phản thần Vật Bộ Thủ Ốc. Họ Vật Bộ nguyên là gia đình danh tướng với quyền lực quân sự cường thịnh, có thể lấn át đội quân của Tô Ngã Mã Tử và các hoàng thái tử. Thánh Đức Hoàng tử biết rằng sức mình khó có thể chống cự, ông bèn làm lễ bái Tứ Thiên Vương cầu xin Thần Phật bảo hộ, ông phát nguyện sẽ tu sửa Phật đường và hồng dương Phật Pháp sau khi thắng lợi trở về. Ngay sau đó, đội quân bắt đầu công thành lần nữa và toàn thắng. Vật Bộ Thủ Ốc bị bắn chết, tàn quân của gia tộc Vật Bộ bại trận phải tháo chạy bốn phương tám hướng. Những người còn lại trong họ Vật Bộ cũng phải trốn chạy vào bãi lau sậy, một số thì thay tên đổi họ, một số thì tung tích bất minh.

Trong phút chốc, sự ngang ngược của dòng họ Vật Bộ tiêu biến như khói tản mây bay, Pháp nạn của Phật giáo cũng theo đó mà kết thúc.

Trải qua Pháp nạn Phật Giáo tại Nhật Bản phát triển ngày càng hưng thịnh – Chùa Yakushiji (Ảnh: stonebridge.com)

Sau đó, Tô Ngã Mã Tử cùng với các hoàng thái tử bắt đầu phục hưng Phật Pháp. Ông thỉnh giáo các vị tăng của nước Bách Tế để có được Pháp thụ giới. Ông cũng phái ni cô Thiện Tín đến nước Bách Tế để học tập Phật giáo và cũng tu sửa lại chùa Pháp Hưng. Thiên hoàng nối ngôi lấy hiệu là Thiên hoàng Thôi Cổ, trong 36 năm tại vị đã tiến hành một loạt cải cách, ra sức phục hưng Phật giáo, xây dựng chùa chiền, cũng nhiều lần phái lễ đoàn đến viếng thăm nhà Tùy Đường của Trung Quốc thời bấy giờ, mở ra thời đại mới cho văn hóa Nhật Bản.

Năm 626, Tô Ngã Mã Tử tạ thế. Cả đời ông đã tín ngưỡng Phật Pháp nên phúc thọ vẹn tròn, nhờ đó mà dựng lập nên thời đại toàn thịnh cho gia tộc Tô Ngã.

Câu chuyện trên xảy ra cách nay đã gần 1500 năm, nhưng lại có ý nghĩa nhắn nhủ với chúng ta ngày nay. Năm xưa, Vật Bộ Thủ Ốc vì bức hại Phật Pháp và phỉ báng người tu luyện mà khiến cả gia tộc phải lụn bại, để lại tiếng xấu muôn đời. Cũng tương tự như vậy, Đế quốc La Mã hùng mạnh vì bức hại các tín đồ Cơ đốc mà kết cục lâm vào diệt vong, hơn một ngàn năm qua vẫn còn lại vết nhơ trên sách sử. Con người sống giữa đất trời, nên chăng là hãy thuận theo Thiên ý, tôn kính Thần Phật, tin vào Thiên lý, coi nhân quả là quy luật tuần hoàn của vũ trụ, thì mới có được một tương lai tươi sáng.

Thời gian chẳng nói gì mà cứ thế đằng đẵng trôi, lịch sử cũng chẳng nói gì mà cứ âm thầm ghi lại các câu chuyện cảnh tỉnh trong nhân thế. Những gì đã qua sẽ mãi mãi là quá khứ, nhưng hiện tại lại chính là lựa chọn, lựa chọn của mỗi chúng ta, và lựa chọn ấy sẽ quyết định tương lai sau này…

Mạn Vũ

Exit mobile version