Đại Kỷ Nguyên

Ôn dịch không phân giàu nghèo, câu trả lời nằm trong tâm mỗi người

Trong thảm họa, luôn có những người may mắn thoát nạn nhờ đức dày phúc lớn (ảnh minh họa: Shutterstock).

Trong lịch sử, ở Trung Quốc và trên khắp thế giới đã từng có nhiều đại dịch. Có quốc gia đã biến mất, cũng có những quốc gia đẩy lùi được dịch bệnh. Luôn có những người may mắn thoát nạn nhờ đức dày phúc lớn. Họ không kinh sợ khi thảm họa tới mà cuối cùng vẫn bình an vô sự, dù là vua quan hay là dân thường.

Dưới đây là ba câu chuyện như vậy trong thời Hoàng đế Tống Nhân Tông (1010 – 1063) triều Bắc Tống.

Hoàng đế Tống Nhân Tông đập vỡ sừng tê giác 

Trong sách Sử nhà Tống có ghi chép về một trận đại dịch bùng phát trong thời Hoàng đế Tống Nhân Tông, khiến thần dân của ông vô cùng thống khổ.

Thay vì trừng phạt quần thần hay che đậy bằng những yến tiệc ca múa xa hoa, Hoàng đế đã cởi bỏ long bào và rời cung điện. Ông cũng từ chối gặp mặt quan viên.

Ông thành thật ăn năn hối hận vì đã không làm đúng với trọng trách của Thiên tử. Ông ăn rất ít và thực tâm soi xét bản thân để xem chính sách của mình có sai lệch ở điểm nào, có phù hợp với Thiên đạo không?

Khi dịch bệnh tấn công thành đô, Hoàng đế liền lo nghĩ ngay tới người nghèo kẻ yếu. Ông ra lệnh cho thái y tìm những người giỏi bắt mạch, cho dựng nơi khám bệnh gần nha môn huyện để khám chữa cho người nghèo và cấp thuốc cho họ. 

Tranh vẽ Hoàng đế Tống Nhân Tông (ảnh: Wikipedia).

Hoàng đế Nhân Tông còn sai thái y tìm ra phương thuốc hữu hiệu để ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời, ông căn dặn thị hạ mang ra các dược liệu quý hiếm, trong đó có hai cái sừng tê giác, để xem chúng có tác dụng phòng ngừa dịch bệnh không.

Hóa ra một trong hai chiếc sừng đó là “Thông thiên tê” vô cùng quý hiếm, do vậy thị hạ thỉnh ông giữ lại để dùng riêng.

Ngờ đâu Hoàng đế không hài lòng chút nào và nói: “Ta có phải là người coi trọng báu vật hơn thần dân của mình không?”. Sau đó, ông đập vỡ sừng tê giác quý thành nhiều mảnh, để thái y cho chúng vào phương thuốc trị bệnh.

Lòng từ ái của Hoàng đế đã khơi dậy thiện tính của nhiều quan viên trung thành, có tài đức, khiến họ cùng chung sức đẩy lùi dịch bệnh. Dần dần, dịch bệnh cũng hết, thành đô lại bình yên trở lại.

Triệu Biến đức dày kính Thiên, bệnh dịch không nhiễu loạn đến người dân 

Triệu Biến ở Tây An, đã thi đỗ khoa cử vào năm đầu tiên thời Cảnh hữu (1034) dưới triều Hoàng đế Tống Nhân Tông.

Ông trở thành trọng thần, nổi tiếng vì lòng tốt và chính trực. Ông được người dân vô cùng yêu mến và kính trọng. Những học giả nổi tiếng như Tô Đông Thành và Tằng Củng, cũng ca ngợi chuẩn mực đạo đức cao thượng và tính chính trực của ông.

Theo sử sách nhà Tống, hàng đêm, Triệu Biến đều thành tâm bẩm báo với Trời những gì ông đã làm trong ngày. Nếu có điều không dám tâu với Trời, ông nhất định sẽ không làm. 

Ông quan tâm đến muôn dân và dốc tâm sức thực hiện nghĩa vụ của mình. Nhờ đó, các vùng do ông cai quản hàng năm đều được hưởng mùa bội thu, không mảy may có dấu hiệu trộm cướp, nhà tù trống không, người không bị kết tội oan. 

Trong thời Hy Ninh, khi Triệu Biến đang phục vụ tại Việt Châu, từng có trận hạn hán nghiêm trọng ở vùng Ngô Việt. Triệu Biến đã đảm nhận công tác cứu tế, ông cần mẫn làm việc cả ngày dài, cuối cùng đã giảm thiểu được ảnh hưởng đến vùng này.

Sử sách ghi lại trong cơn hạn hán, các huyện khác đã chết tới nửa số dân, duy chỉ có khu vực dưới sự cai quản của Triệu Biến là không ​có thương vong nào.

Nhà văn nổi tiếng Tằng Củng đã ca ngợi công đức của Triệu Biến như sau: “Dù Triệu Biến ở Việt Châu, nhưng lòng tốt của ông đã trở thành tấm gương cho thiên hạ; dù ông chỉ tạm thời cứu tế giúp dân, nhưng những đạo lý ông tuân theo xứng đáng được truyền lại muôn đời”.

Ba đời tích đức, ôn dịch không đến

Câu chuyện thứ ba cũng xảy ra trong triều đại của Hoàng đế Tống Nhân Tông.

Quản Sư Nhân ở Tấn Vân, Chiết Giang bấy giờ còn là một học sinh. Đầu xuân, ông dậy sớm, ra ngoài tản bộ, nhưng bất ngờ gặp một bầy ma cao lớn, trông thật hiểm ác.

Khi Quản Sư Nhân hỏi chúng định làm gì, lũ ma trả lời: “Chúng tôi là ma dịch bệnh, tới lan truyền dịch bệnh trong dân chúng vào ngày đầu năm mới”. 

Quản Sư Nhân sợ hãi hỏi: “Dịch bệnh có ảnh hưởng đến gia đình tôi không?”. Lũ ma trả lời: “Không”.

Quản Sư Nhân lấy làm ngạc nhiên hỏi lũ ma làm sao tránh được dịch bệnh.

“Chúng tôi sẽ không tới những gia đình sống có đức hạnh. Tổ tiên ba đời tích đức hành thiện, chúng tôi không thể tiến vào nhà, nhà ông sẽ không có ôn dịch”. 

Những người thật sự thiện lương, ma quỷ không dám đến gần (ảnh minh họa: Shutterstock).

Quả thực, người nhà trong ba thế hệ của Quản Sư Nhân đã làm rất nhiều việc tốt, họ gắng can ngăn người hành ác, khuyến khích ngợi khen người làm việc thiện. Nhờ vậy, năm đó, gia đình của Quản Sư Nhân vẫn bình an vô sự khi dịch bệnh hoành hành khu vực này.

Lịch sử là trí huệ quý báu để lại cho các thế hệ mai sau. Từ thời cổ đại, dịch bệnh thường xuất hiện khi xã hội trở nên suy đồi, không đâu còn thấy đạo đức cao thượng nữa.

Khi hiện tượng dị thường xuất hiện, đó có thể là khảo nghiệm để xem chúng ta có thể phân biệt rõ tốt xấu hay không. Khi lợi ích bản thân bị tổn hại, nhìn xem người ta có còn giữ được sự lương thiện, trong hoạn nạn vẫn biết nghĩ cho người khác trước?

Dù là quân vương, bề tôi, hay bách tính trăm họ, mỗi người đều có trách nhiệm cần gánh vác. “Trên đầu ba thước có thần linh”, đối mặt với bệnh dịch, chỉ có loại bỏ nỗi sợ hãi, giúp đỡ người khác, từ trong tâm quy chính bản thân, trở về với bản tính lương thiện nguyên sơ, mới có thể được Thần Phật bảo hộ, tránh khỏi tai ương hướng đến tương lai. 

Theo Trí Hằng, Minh Huệ Net

Video xem thêm: Lựa chọn của sinh mệnh: Làm người thiện lương hay tiếp tay kẻ ác?

Exit mobile version