Đại Kỷ Nguyên

Nỗi oan thấu trời xanh: Tại sao cô gái đẹp chết mà cả vùng gặp tai ương?

“Cảm thiên động địa Đậu Nga oan” (nỗi oan của Đậu Nga cảm động cả đất trời) lấy nguyên mẫu từ vụ án lịch sử “thiên cổ kỳ oan” của nàng Chu Thanh, sống ở vùng Đông Hải thời nhà Hán. Bởi ảnh hưởng chấn động vào thời bấy giờ, nên vụ án này được ghi chép trong “Liệt nữ truyện”, về sau trở thành nguồn cảm hứng cho Quan Hán Khanh viết nên kiệt tác này.

Chuyện kể về nàng Đậu Nga, người ở vùng Sở Châu sống vào thời nhà Nguyên. Nàng được người đời ca ngợi là người con có hiếu, từng phải bán mình để có tiền chữa bệnh cho cha; rồi sau về nhà chồng lại là con dâu thảo, hết lòng phụng dưỡng mẹ già.

Nhưng bi kịch của nàng cũng bắt đầu từ đây…

Theo tập tục “xung hỷ” của người Trung Hoa, người ta tin rằng cưới vợ cho con trai đang lâm bệnh nặng sẽ giúp bệnh tình được thuyên giảm. Bởi vậy mà Đậu Nga dẫu còn nhỏ tuổi nhưng vẫn được Thái Bà mua về làm con dâu. Thế nhưng chưa đầy 2 năm, cậu con trai của Thái Bà qua đời, trong nhà chỉ còn lại Đậu Nga và bà góa họ Thái sống nương tựa vào nhau.

Tấm lòng thơm thảo của nàng thì cả vùng Sở Châu không ai không hay biết. Nhưng cuộc đời lắm nỗi can qua, nàng bị cha con nhà họ Trương vu oan tội giết người. Tri phủ Sở Châu đã bức cung để bắt nàng nhận tội. Đậu Nga dẫu bị đánh chết đi sống lại vẫn một mực kêu oan. Vì biết nàng rất hiếu thuận với mẹ chồng, tên tham quan lại đem Thái Bà ra đánh đập trước mặt nàng. Đậu Nga thương Thái Bà tuổi cao sức yếu, không thể chịu đựng nổi cực hình, nên đành chịu nỗi oan mà nhận tội.

(Ảnh: Đại Kỷ Nguyên Đài Loan)

Thiện ác nếu không báo, càn khôn tất vị tư!

Nàng Đậu Nga hàm oan bị giải ra pháp trường. Trước lúc hành hình, nàng ngửa mặt lên trời than rằng:

“Xin hãy ban cho tôi một mảnh lụa trắng dài ba thước treo lên một cây sào cao trăm thước. Nếu tôi bị oan, thì một giọt máu nóng cũng không rơi xuống đất mà sẽ bắn lên trên dải lụa trắng kia; Nếu tôi bị oan, thì trời sẽ giáng tuyết dày ba thước đắp lên thi thể tôi; Và nếu như tôi bị oan, sau khi tôi chết đi, vùng Sở Châu này sẽ hạn hán trong suốt 3 năm liền”.

Tham quan phủ Sở Châu lắc đầu lia lịa, chế giễu: “Thật là ngu muội! Hoang đường!”, lòng nghĩ thầm: “Mùa hè tháng 6 oi bức như thế này sao lại có tuyết rơi được chứ? Xưa nay người ta chỉ thấy máu chảy xuống đất, ta lại muốn xem thử máu bay lên trời thế nào đây?”. Thế là ông lệnh cho treo một dải lụa trắng dài ba thước lên cây sào cao.

(Ảnh minh họa: Soundofhope)

Có câu nói rằng: “Thiện ác nếu không báo, càn khôn tất vị tư!” Khi tên đao phủ vừa vung đao xuống, dòng máu của Đậu Nga như một kỳ tích đã bắn lên dải lụa treo giữa không trung, ngay cả một giọt cũng không rơi xuống đất. Sau đó, quả nhiên lời thề thứ hai cũng ứng nghiệm: trời nổi gió lớn, rồi tuyết rơi giữa tháng 6 mùa hè. Trong suốt 3 năm sau đó, cả vùng Sở Châu cũng lâm vào hạn hán, hoa màu khô héo, người dân trong vùng đều biết rằng nỗi oan của Đậu Nga đã thấu tận trời xanh.

Nhiều năm sau, khi cha của Đậu Nga đã thi đỗ bảng vàng, vinh quang hiển hách, ông trở về Sở Châu phúc thẩm lại vụ án và trừng trị những ác nhân phạm tội. Bà con đầu làng cuối xóm lũ lượt kéo đến thăm hỏi cha nàng và nói: “Từ đầu chúng tôi đã biết Đậu Nga bị oan, chỉ vì sợ quyền thế của tên tham quan đó mà đành ôm hận chứ không dám nói ra. Nhưng mà chúng tôi không hề hãm hại Đậu Nga, cớ sao lại phải chịu nạn hạn hán trong suốt 3 năm này chứ?”.

Cha của Đậu Nga đáp: “Các ông đã biết rõ Đậu Nga bị oan, vậy mà không thể nói lời công đạo, đó gọi là bất nghĩa. Còn có những người hùa theo tham quan mà miệt thị người lương thiện, đó gọi là bất nhân. Trời cao có mắt, không có tai bay vạ gió, thiên tai nhân họa chính là để trừng trị những kẻ bất nhân bất nghĩa vậy!”

(Ảnh minh họa: youtube)

Chọn lựa Thiện – Ác quyết định phúc họa đời người

Kỳ thực, câu chuyện “Đậu Nga oan” là lời cảnh tỉnh thế nhân rằng: Con người sống trên đời cần phải phân định rõ thị phi, giữ vững chính nghĩa, biết lên tiếng cho lẽ phải, công bằng. Bởi lựa chọn Thiện hay Ác, đứng về Chính hay Tà, đều sẽ quyết định vận mệnh và tương lai mỗi người.

Vậy vì sao ranh giới giữa Thiện và Ác lại quan trọng đến thế? Bởi tấm lòng thiện lương cũng giống như một ngọn đèn thắp sáng thế gian này. Nếu mỗi người không thể giữ vững ngọn đèn chính nghĩa trong tâm, thì chẳng phải thế giới sẽ chìm ngập trong bóng tối hay sao? Và nếu như quả thật thế giới này toàn một màu đen tối, thì cái ác sẽ có nơi để ngự trị, để dung túng, và càng thêm phát tác hay sao!

Ranh giới giữa Thiện và Ác rất mong manh, nhưng lại quyết định sự khác biệt của mỗi người. Giống như trong câu chuyện trên đây, người dân Sở Châu dẫu không hành ác, không hại người, họ có thể tưởng rằng mình không phạm tội và không phải là người xấu. Nhưng khi thấy người tốt bị vu oan giá hoại, họ lại chọn cách im lặng, vì để giữ an toàn cho bản thân mà không dám nói lời chính nghĩa. Chỉ một ý một niệm này thôi đã đủ để phân loại Thiện – Ác trong tâm mỗi người. Không thể đứng về phía Thiện thì chẳng phải là Ác hay sao?

Bởi vậy, không phải cứ ăn chay niệm Phật, cứ lên chùa cúng bái, cứ bố thí tiền tài, cứ giúp người giúp đời sẽ là thiện lương. Mà thiện lương chân chính là vào giờ phút then chốt họ có thể đứng về phía lẽ phải hay không; vào giờ phút then chốt họ có dám xả thân vì chính nghĩa hay không; đối mặt với những sự việc đại thiện đại ác, ví dụ như bức hại các Phật tử, đàn áp Phật giáo Tây Tạng, hay mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công khiến cả thế giới kinh hoàng phẫn nộ, họ có dám lên tiếng bảo vệ cho những người vô tội hay không.

Người tốt, ấy là giữa thế sự đảo điên, giữa nhân tâm suy đồi, đạo đức đang trượt dốc mỗi ngày, họ vẫn sẵn sàng đối mặt với cái ác để cất tiếng nói cho những người không thể nói

Người tốt, ấy là đối diện với lời gièm pha chế nhạo của người đời, đối diện với cuộc khủng bố đỏ chà đạp lên đức tin và tín ngưỡng, họ vẫn âm thầm đi khắp thôn cùng ngõ hẻm, nói lên sự thật để thức tỉnh lương tri, bảo vệ người vô tội…

Người tốt, ấy là khi bị đe dọa đến tính mạng hay bị chà đạp lên nhân phẩm, họ vẫn bảo vệ đức tin của mình, kiên định làm người tốt cho đến hơi thở cuối cùng…

Và tất cả những điều ấy cũng chính là những gì mà Martin Luther King từng nhắn nhủ với chúng ta:

“Kẻ hèn nhát hỏi: Có an toàn không?
Kẻ cơ hội hỏi: Có khôn khéo không?
Kẻ kiêu căng hỏi: Có được tiếng tăm gì không?
Nhưng kẻ có lương tâm hỏi: Có là lẽ phải không?
Và có khi ta phải chọn một vị trí không an toàn, không khôn khéo, cũng không được tiếng tăm nào cả, nhưng ta phải chọn nó, bởi vì đó là lẽ phải.”
_Martin Luther King, Jr., 1967_

“Thế giới không bị hủy diệt bởi những kẻ làm điều ác, mà bởi sự im lặng của những người tốt” – Albert Einstein.

Hồng Liên

Exit mobile version