Đại Kỷ Nguyên

Những việc không có trong ký ức cũng không hẳn là chưa từng tồn tại

Những người am hiểu Phật giáo đều biết về nhân quả ba đời và lục đạo luân hồi, nhưng với người theo thuyết vô thần, họ sẽ cho rằng đó là điều mê tín. Cũng có người nói: Nếu luân hồi thật sự tồn tại, vậy tại sao chúng ta không thể nhớ được kiếp trước của mình?

Theo quan điểm của nhà Phật, những sinh mệnh chưa thoát khỏi Tam Giới thì kiếp sau sẽ phải ở trong sáu nẻo luân hồi mà chuyển sinh. Trong lục đạo, họ sẽ phải chịu thống khổ trong cái nóng lạnh của Địa ngục, đói khát của Ngạ quỷ, vô tri của Bàng sinh, tranh đấu của Phi thiên, đọa lạc của Thiên nhân, cho đến sinh lão bệnh tử nơi cõi người. Những nỗi khổ ấy có thể nói là vô lượng vô biên.

Lấy Bàng sinh (động vật) làm ví dụ, chúng ta biết rằng, phần lớn các loài động vật vừa mới sinh ra đã trở thành con mồi cho các loài khác, chúng vì sinh tồn mà tàn sát lẫn nhau, kiếp sống Bàng sinh thật vô cùng thê thảm.

Nếu so sánh Thiên nhân ở trong ba nẻo lành với chúng sinh ở trong ba nẻo ác, tuy được hưởng nhiều phúc lạc hơn, nhưng kỳ thực họ cũng không rời khỏi bản chất của thống khổ: Thiên nhân sau khi hưởng hết phúc báo vẫn sẽ phải đối mặt với cái khổ bị đọa lạc xuống trần thế. Nhân sinh một đời, không kể là sang hay hèn, ngốc nghếch hay thông minh, cái khổ của sinh – lão – bệnh – tử ai ai cũng không trốn thoát được.

Vòng tròn Sinh – lão – bệnh – tử, ai ai cũng không trốn thoát được. (Ảnh dẫn theo mediterranee.info)

Trước kia có một người rất có địa vị và quyền thế. Trong những năm huy hoàng của đời mình, ông có thể tung hoành ngang dọc, quyền uy tột đỉnh. Nhưng đến khi mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối, ông nằm điều trị trong bệnh viện mà vẻ mặt thật vô cùng đau đớn.

Ông nói với tôi:

“Ngày trước, dù ai nói gì tôi cũng không tin, tôi cho rằng đời người chẳng mấy khi thống khổ, cứ mặc sức tha hồ mà tận hưởng thú vui. Vậy nên vì để tranh đoạt danh lợi thế gian, tôi đã tạo rất nhiều ác nghiệp.

Bây giờ quả báo ngay trước mắt, mọi đau đớn tôi phải một mình gánh chịu, những danh lợi vất vả tranh giành ngày trước, giờ phút này đây mới cảm thấy thật sự không còn ý nghĩa gì nữa. Bây giờ tôi đã tin rằng nhân quả là có thật, không sai chạy chút nào, nhưng giờ có hối hận cũng đã không kịp nữa rồi”.

Trầm luân trong sáu nẻo luân hồi, chúng ta sẽ không bao giờ có được an lạc thật sự, bởi bản chất của luân hồi chính là thống khổ. Có không ít người đã từng thắc mắc: “Nếu như luân hồi chuyển sinh được giảng trong Phật giáo là thật sự tồn tại, thế thì vì sao chúng ta không thể nhớ được những kiếp sống trước đây?”.

Nhưng bạn thử nghĩ xem, chỉ vì không nhớ được liền không thừa nhận, há chẳng phải là quá hoang đường hay sao?

Ví như khi bạn còn là một thai nhi, vậy thì bạn có tồn tại hay không? Chắc chắn là tồn tại, chỉ có điều chúng ta không thể nhớ được trải nghiệm trong bụng mẹ là như thế nào. Cùng đạo lý này, cảm giác an lạc và vui buồn mà những đứa trẻ 1, 2 tuổi cảm nhận được cũng là hết sức chân thật, là chắc chắn tồn tại, nhưng đến khi trưởng thành liệu ai có thể nhớ được đây?

Vậy nên, những việc không có trong ký ức cũng không hẳn là chưa từng tồn tại. Đồng dạng như vậy, dẫu bạn không nhìn thấy kiếp sống trước đây, thì cũng không thể phủ nhận về luân hồi.

Nói đến luân hồi chuyển sinh, tôi muốn kể cho mọi người một câu chuyện có thật này.

Tại khu tự trị Cam Tư của dân tộc Tây Tạng  quê hương tôi, trên đường từ huyện Cam Tư tới huyện Sắc Đạt có một ngọn núi, tương truyền trên đó có vị sơn thần hiệu là đại sỹ Liên Hoa, hay còn gọi là sơn thần Đông Quách. Dựa theo thụ ký của đại sư Liên Hoa Sanh, những ai hành hương đến đây vào đúng năm con gà sẽ được chứng kiến những cảnh tượng vô cùng thù thắng.

Năm 2005 vừa khéo là năm Mộc Kê trong Tạng lịch, tín chúng người Hán và người Tây Tạng hành hương rất đông. Lúc đó, rất nhiều người đã nhìn thấy trên tảng đá của Thần sơn hiện ra Tâm Chú của Phật và Bồ Tát; trên không trung cũng thỉnh thoảng hiện lên cầu vồng cùng những áng mây lành.

Một hộ gia đình dân tộc Tạng vùng đó đã từng phóng sinh vài chục con dê. Trong bầy khỉ hoang trên núi, có một con khỉ đã tự ý rời khỏi đàn để một mình trông nom đàn dê này. Mỗi sớm mai khi trời vừa tảng sáng, nó liền lùa bầy dê lên núi ăn cỏ, đến chập tối nó tập trung bầy dê lại thành đàn để dễ bề trông nom. Nếu như có con dê nào ở bên ngoài lẫn vào bầy dê này, con khỉ liền phát hiện và đuổi ‘vị khách không mời’ này đi. Nếu như có người lạ tiếp cận bầy dê, con khỉ cũng sẽ tìm cách ngăn cản.

Chú khỉ trông coi đàn dê. (Ảnh dẫn theo roll.sohu)

Trong chuyến hành hương năm ấy, rất nhiều tín chúng lên núi đều tận mắt chứng kiến cảnh con khỉ chăm sóc bầy dê. Không ít người cho rằng chuyện này thật kỳ lạ. Lúc đó, Lạt-ma Nhật Ba Đa Cát của Phật học viện Ngũ Minh cũng đang ở trên núi, ông đã tận mắt nhìn thấy tình cảnh này.

Ông nói với tôi rằng: “Nhìn thấy con khỉ chăn dê mỗi ngày, thật sự khiến người ta cảm thấy nó chính là một thành viên trong gia đình này vậy!”.

Có lẽ kiếp trước con khỉ đã từng là người thân của gia đình ấy, vì vẫn còn nặng tình nặng nghĩa đối với thân nhân và tài sản trong nhà nên mới hành xử như vậy.

Trên thế giới này không có bất cứ sự tình gì là vô duyên vô cớ. Dẫu chúng ta không có thần thông, không thể thấy được nhân duyên đằng sau chuyện này, nhưng đối với những người đã chứng ngộ được Phật Pháp, thì luân hồi là điều chân thật không sai chạy.

Kỳ thực, hiểu về luân hồi, tin vào luân hồi, cũng chính là thấu hiểu một đạo lý nhân sinh, để mỗi người đều sống thiện hơn – thiện đãi mọi người và cũng là thiện với kiếp sau của chính mình…

Tác giả: Hy A Vinh Bác Kham Bố
Thiện Sinh biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version